Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/07/2018

Phí lạ Hà Tĩnh, đất Tân Sơn Nhất, điện Ninh Thuận, biểu tình Sài Gòn, lạm phát

Người Việt

Hà Tĩnh bắt cả trẻ đang bú đóng tiền ‘xây dựng nông thôn mới’ (Người Việt, 01/07/2018)

Trẻ từ 6 tháng tuổi, người già dưới 80 tuổi, nhà nghèo ở xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, phải đóng gần chục khoản cho thôn, xã để "xây dựng nông mới". Nhiều gia đình phải đi vay mượn để nộp.

vn1

Hai cháu nhỏ của ông Nguyễn Công Lý phải đóng hơn chục loại phí, quỹ xây dựng nông thôn mới. (Hình : VietnamNet)

Theo báo VietnamNet, đến hẹn lại nộp tiền, gia đình ông Nguyễn Công Lý (trú ở thôn 2), phải chạy vạy đi mượn để đóng nộp cho chính quyền, nếu không sẽ bị nêu tên và tính phí trừ vào mùa sau.

Gia đình ông Lý có bảy người, cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng nên con trai và con dâu gửi lại hai đứa con nhỏ 6 tháng và 2 tuổi cho ông bà, vào Nam làm thuê. Cuộc sống của họ thêm chật vật khi hai cháu nhỏ cũng thuộc diện phải đóng các loại phí quỹ cho xã, thôn như người lớn.

"Năm ngoái, gia đình tôi, tính cả hai cháu nhỏ, phải đóng hơn 4,8 triệu đồng (hơn 208 USD) tiền xây dựng nông thôn mới, phải đi vay mới đủ. Năm nay tiếp tục đóng 4 triệu, bây giờ chưa biết xoay ở đâu", bà Thể vợ ông Lý thở dài.

Báo VietnamNet cho hay, theo phản ánh của người dân, năm 2017, 2018, trung bình mỗi gia đình phải đóng từ 4 đến 5 triệu đồng với hơn chục khoản. Đối tượng nộp gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người già dưới 80 tuổi, thuộc diện nghèo.

Liệt kê các khoản xã buộc dân phải đóng nộp gồm : Quỹ đền ơn đáp nghĩa 1,1 kg thóc/người, quỹ phòng chống thiên tai 2,5 kg/người, thu đấu thầu đất 15 kg/sào, đóng góp tiền mầm non 100.000 đồng/người, tiền mở rộng đường làm trục chính 100.000 đồng/người, thu dân quân 170.000 đồng/người.

Ngoài ra, thôn còn thu thêm các khoản như tiền làm đường, xây dựng nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, tiền môi trường, tiền lấy nước, tiền đóng nộp sản lượng, tiền vận chuyển giống hỗ trợ hộ nghèo… tổng cộng hơn 400.000 đồng mỗi người.

vn2

Gia đình ông Nguyễn Trí Huấn, bà Nguyễn Thị Linh thêm khó khăn khi mấy năm nay không được miễn tiền xây dựng nông thôn mới. (Hình : VietnamNet)

Một gia đình khác được báo VietnamNet kể : "Gia đình ông Nguyễn Trí Huấn (83 tuổi), bà Nguyễn Thị Linh (72 tuổi) thuộc diện nghèo nhất nhì thôn 2 xã Cẩm Minh. Ba năm nay, khi nghe loa phát thanh nộp các khoản cho nông thôn mới, ông bà lại phải đi vay mượn người thân, bán lúa để nộp cho đủ".

Năm 2017, ông bà choáng váng khi nhận thông báo phải nộp hơn 7 triệu đồng (hơn $304) các loại phí, quỹ cho thôn, xã, tính cả tiền xã thuê máy về dọn vườn tạp.

Ông Huấn cho biết, số tiền này là quá sức với gia đình thuộc diện nghèo và già cả như ông bà. Sợ bị xã bêu tên, ghi nợ tính phí nên con trai ông bà đang thỏa thuận để không ghi vào khoản nợ ở xã.

Mười năm trước, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đưa ra chương trình "xây dựng nông thôn mới" với tham vọng cải tiến đời sống nông dân về mọi mặt. Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2015 phải có 20% các xã đạt tiêu chí "nông thôn mới" và đến năm 2020 phải tăng lên thành 50%.

Tuy nhiên, những số thông kê cho thấy, đến năm 2015, chỉ có 14,5% các xã trên cả nước nhận được danh hiệu "nông thôn mới".

Vì áp lực của nhà cầm quyền trung ương, chính quyền các tỉnh đã ép các ấp, xã thi hành lệnh qua những khoản vay nợ (tiền ứng trước) dẫn đến tình trạng nợ nần phổ biến.

Theo thống kê hồi năm 2016 được báo VietnamNet nêu ra, vào thời điểm này, có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng đối với nhà nầm quyền trung ương trong chương trình "xây dựng nông thôn mới" với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng (hơn 663 triệu USD). Các xã nợ phổ biến một vài tỷ đồng mà thậm chí có xã không có khả năng trả nợ.

Theo một số ký sự của báo này hồi năm 2015, nhiều xã đã phải mánh mung kiểu "giật đầu cá, vá đầu tôm" hầu đạt danh hiệu "nông thôn mới". Chương trình "xây dựng nông thôn mới, vì vậy đè nặng trên cả trẻ con từ 6 tháng trở đi. (TN)

*********************

Có tiền là mua được đất quốc phòng phi trường Tân Sơn Nhất (Người Việt, 01/07/2018)

Đất quốc phòng khu vực phi trường Tân Sơn Nhất do các đơn vị phòng không-không quân quản lý, nhưng lại mua bán rất dễ dàng.

vn3

Cổng dự án khu chung cư gia đình quân nhân sư đoàn không quân 370 trên đường Tân Sơn, phường 15, quận Tân Bình, Sài Gòn. Hình chụp ngày 30 tháng Sáu. (Hình : Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, dự án khu dân cư gia đình quân nhân sư đoàn 370 có đến bốn khu vực có đất nền khác nhau và dự án chung cư cao tầng nhìn ra sân golf Tân Sơn Nhất.

Đây là chỗ dành cho các "đại gia" vì có "view" cực đẹp và giá cũng rất mắc. Tuy là đất quốc phòng nhưng lại được rao bán mạnh trên mạng (được đặt bằng các tên Golf View Tower, Airport Tower).

Có mẩu quảng cáo đưa cả bản đồ sân bay, đường băng, sân golf và vị trí chính xác của khu chung cư này nằm ngay bên cạnh cổng sân golf Tân Sơn Nhất để khách dễ hình dung.

Theo sự chỉ dẫn và giới thiệu của những người môi giới, các lô đất thuộc dự án này nằm dọc đường Tân Sơn (phường 15, quận Tân Bình) và thuộc hai bên đường vào cổng sân golf Tân Sơn Nhất.

Dự án không có thông tin chính xác chủ đầu tư dự án, chỉ ghi chung chung là "Bộ Quốc Phòng". Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ tìm được người của chủ đầu tư dự án tên là Sơn (công ty cổ phần đầu tư CTK).

Ông Sơn cho biết "dù dự án chưa xong thủ tục pháp lý nên chưa mở bán căn hộ nhưng sơ đồ căn hộ đã có, nền móng các tòa nhà đã đổ xong, nếu muốn mua thì chọn vị trí căn hộ sớm, dự án có giấy phép là xây dựng rất nhanh".

vn4

Sơ đồ vị trí dự án khu chung cư gia đình quân nhân sát sân golf Tân Sơn Nhất được rao bán. (Hình : Tuổi Trẻ)

Sau đó, ông Sơn cho xem thửa đất rộng đầy cỏ dại sát đó là căn hộ mẫu gần cổng sân golf Tân Sơn Nhất. Để vào được khu này, phải đi qua cổng bảo vệ có người của quân đội canh gác.

Ngoài dự án nhà ở cao tầng, ở đây còn có dự án đất nền biệt thự và nhà liền kề song lập có sân vườn và nhà biệt thự song lập.

Theo ông Sơn, khu đất nền hầu như đã có chủ, nếu muốn mua phải chuyển nhượng lại với giá rất cao so với giá gốc.

Bà H. – người sở hữu vài lô đất nền dự án này – ban đầu chối, nhưng sau khi phóng viên nêu tên người giới thiệu thì bà nói sẵn sàng nhượng lại bớt một căn hoặc một nền biệt thự cũng thuộc dự án này.

Theo bà H., trong hợp đồng hợp tác đầu tư có điều khoản quy định việc góp vốn đầu tư là thông tin mật, không được tiết lộ.

Bà cũng không trực tiếp gặp để thương lượng. Nếu thỏa thuận được giá thì bà sẽ giới thiệu người mua đến gặp chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư mới. Số tiền chênh lệch so với giá gốc thì bà hưởng.

Ông T. – người sở hữu ba nền nhà trong dự án này – nói : "Nếu bạn muốn mua thì tôi sẽ thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư, đồng thời sẽ đề nghị chủ đầu tư ký hợp đồng trực tiếp với bạn. Thửa đất nhỏ nhất này có diện tích 80 mét vuông. Bạn phải nộp ngay 50% cho chủ đầu tư khi ký hợp đồng. 50% còn lại sẽ trả tiếp trong hai đợt. Ngoài ra, phải trả thêm cho tôi tiền chênh lệch". (TS)

****************

Ninh Thuận làm điện mặt trời ngàn tỷ, không có ‘yếu tố Trung Quốc’ (Người Việt, 01/07/2018)

Trong bối cảnh có quan ngại về các nhà máy của Nhiệt Điện Vĩnh Tân ở tỉnh Bình Thuận do Trung Quốc đầu tư gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Ninh Thuận vừa có một số dự án điện mặt trời được khởi công và được truyền thông là "không liên quan đến Bắc Kinh".

vn5

Lễ khởi công nhà máy điện mặt trời Phước Hữu. (Hình : Lao Động)

Hôm 30 tháng Sáu, 2018, công ty Đầu Tư và Xây Dựng Vịnh Nha Trang, chủ đầu tư, làm lễ khởi công xây dựng nhà máy Điện Mặt Trời Phước Hữu tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án này có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (hơn 52,5 triệu USD), dự trù có sản lượng điện năm đầu tiên đạt 104 triệu kWh, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Báo VnExpress tường thuật dẫn lời chủ đầu tư nói nhà máy này lắp đặt thiết bị Inverter Sunny Central 3000 và máy biến áp Siemens của Đức.

Báo Dân Trí cho biết thêm, công ty Đầu Tư và Xây Dựng Vịnh Nha Trang được thành lập cuối năm 2014, với cổ đông "là một nhóm nhà đầu tư đã sinh sống và làm việc ở Nga về Việt Nam đầu tư".

Trước đó, báo Đầu Tư tường thuật, hôm 4 tháng Sáu, công ty Năng Lượng Gelex Ninh Thuận, thành viên của Tổng Công ty cổ phần Thiết Bị Điện Việt Nam (Gelex) làm lễ khởi công xây dựng nhà máy Điện Mặt Trời Gelex Ninh Thuận với vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng (hơn 56,9 triệu USD).

vn6

Mô hình nhà máy Điện Mặt Trời Phước Hữu tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Hình : Tạp Chí Năng Lượng Việt Nam)

"Gelex Ninh Thuận hợp tác với tập đoàn PSTC (Power Solution Techologies Company Ltd.) của Thái Lan để triển khai dự án. Theo thỏa thuận, PSTC sẽ tham gia một phần vốn và chịu trách nhiệm về kỹ thuật của dự án. PSTC là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan về tư vấn và triển khai dự án điện mặt trời, với kinh nghiệm tư vấn, tổng thầu EPC lên tới 1.000 Mw, trên tổng số khoảng gần 4.000 Mw điện mặt trời đã lắp đặt tại Thái Lan. Dự trù nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng Năm, 2019, và phát điện thương mại vào tháng Sáu, 2019. Tổng điện năng sản xuất của nhà máy khoảng 82 triệu kWh/năm", báo này viết.

Theo website Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam, hầu hết các dự án điện mặt trời "đều đang được triển khai ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận". Tuy nhiên, sau năm 2020, sẽ có nhiều dự án điện mặt trời ở khu vực miền Trung và miền Nam, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Đến nay, các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam vẫn "đếm trên đầu ngón tay", trong lúc nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư được triển khai ồ ạt ở nhiều tỉnh thành dù bị người dân địa phương phản đối kịch liệt vì gây ô nhiễm môi trường.

Báo Thanh Niên hôm 22 tháng Sáu cho hay : "Tính đến đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam đạt gần 40 tỷ USD. Nguồn vốn này được tính toán theo từng dự án ở từng giai đoạn cụ thể. Trong số này, có 17% đến từ các ngân hàng trong nước, 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không xác định được nguồn. Với nguồn vốn vay từ nước ngoài xác định được nguồn gốc thì có đến 50% vay của Trung Quốc tương đương 8 tỷ USD".

"Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nhiệt điện than ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Mục đích chính là chuyển công nghệ điện than lạc hậu sang các nước khác bằng hình thức cho vay vốn. Sự quan ngại của các chuyên gia và dư luận hoàn toàn có cơ sở vì khi nhà đầu tư ngoại sử dụng vốn ngoại thì khó lòng tránh được việc họ tuồn công nghệ cũ vào Việt Nam", báo này viết thêm. (T.K.)

*******************

Giới hoạt động gửi các sứ quán báo cáo về nạn đàn áp người biểu tình (Người Việt, 01/07/2018)

Một báo cáo bằng tiếng Anh về "Những Ngày Chủ Nhật Đen-Đàn Áp Tàn Bạo Dân Thường" vừa được giới hoạt động gửi đồng loạt đến Văn Phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sứ quán các nước tại Việt Nam, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

vn7

Trang bìa báo cáo về tình trạng chính quyền Việt Nam đàn áp người biểu tình. (Hình : Facebook Nhật Ký Biểu Tình)

Theo trang Facebook Nhật Ký Biểu Tình, báo cáo dài 34 trang này được ghi nhận là "công sức đóng góp của cộng đồng", từ việc tổng hợp dữ liệu, viết báo cáo, dịch thuật, đến thiết kế bìa.

Báo cáo này cung cấp hình ảnh, đoạn băng ghi hình và lời nhân chứng trong cuộc trấn áp và tại nơi câu lưu, tra tấn hàng chục người biểu tình ôn hòa tại các thành phố ở Việt Nam trong tháng Sáu, 2018.

"Trong những vụ này, đáng lo ngại là công an không cho thấy bất kỳ chỉ dấu nào rằng họ sẽ ngừng hăm dọa, đàn áp người biểu tình ôn hòa. Thay vào đó, mức độ bức hại hậu biểu tình được ghi nhận ngày càng tăng. Những hành vi chống lại quyền biểu tình hiến định cũng đi ngược lại cam kết quốc tế của những người nắm quyền", báo cáo viết.

Báo cáo này cũng tường thuật chi tiết trường hợp của một số nhân vật đã kể lại trên mạng xã hội những câu chuyện của họ khi bị câu lưu, đánh đập "chỉ vì đi biểu tình" như Trương Thị Hà, Phạm Thị Thanh Trúc, Uyên Phương, Trịnh Toàn và Nguyễn Thanh Loan.

Tính đến đêm 1 tháng Bảy, 2018, chưa có sứ quán nào tại Việt Nam hoặc tổ chức nhân quyền nào đưa ra phản hồi chính thức về bản báo cáo "Những Ngày Chủ Nhật Đen-Đàn Áp Tàn Bạo Dân Thường".

Cùng thời điểm, luật sư Lê Công Định xuất hiện trong một video clip được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội và nêu ý kiến : "Những người bị bắt ép phải ký biên bản vi phạm hành chính có thể tạo ra một tiền sự để công an dùng làm cơ sở để xử lý hình sự những lần sau nếu có. Do vậy những ai đã ký biên bản có thể khiếu nại hoặc khởi kiện công an về hành vi bắt giữ và tra tấn người tùy tiện". Tuy vậy, cho đến nay, chưa có ghi nhận trường hợp người nào quyết định khởi kiện công an theo tư vấn của luật sư.

Ngay khi các trường hợp người biểu tình kể lại chuyện họ bị tra tấn trên mạng xã hội, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã phát đi bản yêu cầu chính quyền Việt Nam "mau chóng mở một cuộc điều tra về nghi vấn một số người biểu tình đã bị tra tấn".

Văn bản dẫn lời ông Minar Pimple, giám đốc cấp cao về hoạt động toàn cầu của Ân Xá Quốc Tế, nhận định : "Báo cáo về những người biểu tình bị tra tấn gây quan ngại sâu sắc. Làn sóng bắt bớ không gì hơn là một sự trả đũa chống lại người dân chỉ vì họ đã đơn thuần biểu lộ sự lo lắng của mình trước chính sách của chính phủ".

Trong một diễn biến khác, nhiều Facebooker hôm 1 tháng Bảy bày tỏ bực tức trước việc một số post kể chuyện liên quan đến biểu tình, tra tấn "đột ngột biến mất" trên trang cá nhân sau khi nhận được hàng ngàn lượt like và share. Gần đây nhất là post của sinh viên Trương Thị Hà kể về cách hành xử của ông Phạm Tấn Hạ, hiệu phó trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn khi công an mời ông này đến chứng kiến cô đang bị câu lưu do đi biểu tình.

Các blogger đặt câu hỏi vì sao nội dung post của cô Hà không có từ ngữ, hình ảnh dung tục và không mang tính xúc phạm cá nhân mà lại bị Facebook gỡ bỏ với lý do "không phù hợp với các tiêu chí của Facebook". (T.K.)

*********************

Giá đô la tăng vọt, Việt Nam khó khăn để kiểm soát lạm phát (Người Việt, 01/07/2018)

Trị giá đồng đô la tăng vọt tại Việt Nam sau khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất căn bản làm ảnh hưởng dây chuyến đi khắp thế giới trong đó có Việt Nam.

vn8

Nhân viên một văn phòng đổi tiền ở Hà Nội đếm đô la. Giá đô la tăng vọt tại Việt Nam sau khi FED tăng lãi suất. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo truyền thông Việt Nam, hai tuần qua, giá đồng đô la phải mua bằng tiền đồng Việt Nam đã tăng nhanh từng ngày, làm giới nhập cảng hàng hóa lo lắng trong khi giới chuyên gia kinh tế nhìn thấy áp lực lạm phát cũng bị áp lực chạy theo.

Hôm thứ Sáu tuần qua, giá đô la bán tại các ngân hàng thương mại đã vượt lên trên 23.000 đồng/đô la. Tỷ giá chính thức cùng ngày do Ngân Hàng Nhà Nước cộng sản Việt Nam đưa ra cùng ngày với 22.650 đồng/đô la lại giản nhẹ so với ngày trước đó.

Tin trên chuyên mục tài chính kinh tế của báo VnExpress cho thấy ngân hàng xuất nhập cảng Eximbank mua vào 22.930 đồng/đô la, bán ra 23.000 đồng/đô la, tăng 20 đồng cho mỗi đô la Mỹ so với phiên trước.

Ngân hàng Vietcombank mua vào 22.920 đồng/đô la, và bán ra 22.990 đồng/đô la, tăng khoảng 15 đồng mỗi đô la so với phiên trước.

Tuy nhiên, ngân hàng Phương Đông (OCB) loan báo bán đô la giao dịch bằng hình thức chuyển khoản ở mức 23.000 đồng/đô la, trong khi bán tiền mặt là 23.010 đồng/đô la, tăng 20 đồng mỗi đô la Mỹ so với cuối ngày hôm thứ Năm, 28 tháng Sáu, 2018.

Giữa tuần trước, chỉ sau chín phiên kể từ hôm có quyết định của FED, tỷ giá tại Việt Nam liên tiếp được điều chỉnh tăng tổng cộng tới 42 đồng, tương đương 0,19%, giá đô la tại các ngân hàng thương mại cũng tăng khoảng 50 đồng, tương đương 0,22% ; và trên thị trường tự do, đô la chính thức vượt lên trên 23.000 đồng/đô la.

Ngày 13 tháng Sáu, FED loan báo tăng lãi suất căn bản từ 1,75% đến 2% và còn dự trù tăng lãi suất thêm hai lần nữa từ nay đến cuối năm.

Ông Jerome H. Powell, chủ tịch FED, khi loan báo tăng lãi suất đã cho rằng nền kinh tế Mỹ đã và đang tăng trưởng tốt đẹp "đáng kể" kể từ năm 2008 (xảy ra khủng hoảng tài chính) đến nay, cho phép ngân hàng trung ương "lui lại phía sau" và không còn can thiệp mạnh như thời trước nhằm kích thích nền kinh tế.

Trong ngày 29 tháng Sáu, Tổng Cục Thống Kê của Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam loan báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08% trong sáu tháng đầu năm 2018 và khoe "đây là mức tăng GDP cao nhất của sáu tháng từ năm 2011". Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế "lạm phát cũng đang tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đã tăng 3,29% so với cùng kỳ 2017".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu được báo VOV dẫn ý kiến : "Tỷ giá tăng không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ kéo theo một loạt các mặt hàng khác tăng giá theo như, xăng dầu, điện nước, giá y tế, giáo dục… Như vậy, tỷ giá tăng thì có lợi cho xuất cảng nhưng gây bất lợi cho nhập cảng và khó khăn cho kiểm soát lạm phát". (TN)

Quay lại trang chủ
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)