Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/07/2018

Cán bộ đánh dân, trộm két sắt, bán dữ liệu, đặc khu, làm đướng cho dân đi

Người Việt

Cả nhà cán bộ xã đánh hàng xóm trọng thương (Người Việt, 03/07/2018)

Trong lúc cãi nhau vì một chuyện nhỏ, một ông cán bộ xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, đã cùng vợ và con trai đánh người hàng xóm nặng đến mức phải đi cấp cứu.

danh1

Ông Hưng đang được điều trị tại bệnh viện. (Hình : Lao Động)

Theo báo Lao Động, trưa ngày 3 tháng Bảy, ông Nguyễn Văn Quyền, trưởng công an huyện Triệu Sơn xác nhận là công an đang điều tra đơn của gia đình ông Trần Quang Hưng (62 tuổi, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn), tố cáo ông Lê Bá Lượng, cán bộ văn phòng Đảng Ủy xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn.

"Việc ông Lượng có tham gia đánh người hay không thì còn phải chờ kết luận của công an. Thế nhưng việc gia đình ông Lượng đánh người, mà ông Lượng không can ngăn là không được. Nhận thấy sự việc có liên quan đến đảng viên, cán bộ xã nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên công an huyện để điều tra. Khi nào có kết luận, chính quyền sẽ có phương án để xử lý", ông Nguyễn Xuân Quy, phó chủ tịch xã Dân Quyền nói.

Trước đó, khoảng 21 giờ 10 tối ngày 30 tháng Sáu, ông Hưng có cãi vã qua lại với ông Lượng và bà Nguyễn Thị Mừng, vợ ông Lượng.

Sự việc chỉ có vậy, nhưng bất ngờ một lúc sau, bà Mừng cùng người con trai là Lê Bá Tâm (29 tuổi) đã sang nhà ông Hưng, cầm gạch đá ném vào người ông này.

Ông Hưng sợ hãi cố bỏ chạy thì ông Tâm chạy theo, ôm cổ ông Hưng quật ngã xuống đất, đồng thời tiếp tay cho mẹ mình lấy gạch đá đập liên tiếp vào mặt ông Hưng.

Ông Hưng được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viên đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ chẩn đoán ông Hưng "bị gãy xương sống mũi, rạn xương trên mí mắt và nhiều vết thương sâu khác trên đầu".

Theo người dân địa phương chứng kiến cho biết, trước khi xảy ra xô xát, chính ông Lượng là người xúi giục vợ và con trai hành hung ông Hưng.

Bất bình trước hành vi côn đồ của gia đình ông Lượng, gia đình ông Hưng đã làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan xã. (Tr.N)

******************

Cảnh sát Malaysia phá băng Việt Nam trộm két sắt (RFA, 03/07/2018)

Một băng nhóm người Việt chuyên khoan cắt két sắt để ăn trộm vừa bị Cảnh sát bang Kedah của Malaysia phát hiện. Mạng báo The Star của Malaysia loan tin này ngày 3 tháng 7.

danh2

Hình minh họa. Cảnh sát Malaysia - AFP

Theo The Star, những băng nhóm mệnh danh ‘đục khoét’ đầy dẫy ở bang Kedah thuộc miền Tây Malaysia và chúng cũng ra tay tại những nơi khác thuộc quốc gia này. Chúng chuyên khoan phá những két sắt đặt ở những trung tâm mua sắm, nhà kho, hãng xưởng và các trạm xăng.

Theo cơ quan chức năng địa phương bang Kedah thì băng nhóm người Việt liên can đến hằng chục vụ việc. Vào ngày 2 tháng 7, có 5 nghi phạm người Việt bị bắt vào lúc khoảng 4 giờ sáng, người trẻ nhất trong nhóm 25 tuổi còn những người khác ở độ tuổi 30. Khi bị bắt, cảnh sát phát hiện trên xe của những nghi phạm này có các dụng cụ để khoan, cắt két sắt.

Tin cho biết cảnh sát bắt những nghi phạm khi chúng đột nhập vào một nhà máy xay xát gạo, sau đó trói nhân viên bảo vệ rồi khoan két sắt ở văn phòng lấy đi 5 ngàn ringgit. Lực lượng chức năng cũng tin rằng nhóm nghi phạm trước đó cũng trộm được 5 ngàn ringgit từ một két sắt ở một siêu thị trong vùng.

Chiến dịch truy lùng những băng nhóm trộm cắp như thế được tiến hành từ năm 2017. Trước khi tiến hành chiến dịch truy lùng, cảnh sát địa phương nhận được 20 báo cáo về những vụ bị trộm két sắt. Mỗi phi vụ làm ăn các băng trộm thường cướp được từ 5 ngàn đến 50 ngàn ringgit.

Tất cả những nghi phạm bị tạm giam 4 ngày để điều tra theo hai các điều luật 395 (trộm cắp theo băng nhóm) và 397 (trộm cướp có vũ trang) theo Luật Hình sự của Malaysia.

Tình trạng người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài diễn ra khá phổ biến lâu nay khiến cơ quan chức năng địa phương phải có cảnh báo và xử phạt theo đúng luật nước sở tại.

****************

Hà Nội muốn bán dữ liệu của cư dân để thu thêm hàng triệu đô la (Người Việt, 03/07/2018)

Thành phố Hà Nội vừa đề xuất với chính quyền cộng sản Việt Nam cho thí điểm bán các dữ liệu thông tin cá nhân của dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác, để mỗi năm thu về hơn 300 tỷ đồng, khoảng 13,5 triệu USD.

danh3

Dữ liệu thông tin cá nhân của người dân Hà Nội sẽ được đem bán. (Hình : Báo Văn Hóa Thể Thao)

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến giữa chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội, sáng ngày 2 tháng Bảy, Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội, đề xuất chính phủ cộng sản Việt Nam cho phép Hà Nội thí điểm "thu giá dịch vụ việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như công chứng, ngân hàng và một số các lĩnh vực khác".

"Nếu được đồng ý thì mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng", ông Chung nói.

Tối cùng ngày, nói với báo Thanh Niên, ông Chung giải thích thêm "đề xuất này là nhằm tạo thuận lợi cho người dân và các thông tin được cung cấp không phải bí mật đời tư".

Theo ông Chung thì "luật đã cho phép thu phí đối với việc khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, do đợi luật thì lâu, nên Hà Nội đề nghị chính phủ trao thẩm quyền cho tỉnh, thành nào đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đều có thể ban hành giá dịch vụ chia sẻ cơ sở dữ liệu đó, bởi theo thẩm quyền thì chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành được ban hành giá dịch vụ".

Ông Chung cho hay, các đơn vị được khai thác dữ liệu sẽ phải trả phí chứ không phải người dân. Cơ sở dữ liệu được chia sẻ chỉ là các thông tin cơ bản, gồm khoảng 7 thông số như trong giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứ không phải thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.

Ông Chung còn khẳng định "khả năng bảo mật", vì cơ sở dữ liệu về dân cư của Hà Nội đã hoàn thiện từ 4-5 năm nay.

Theo truyền thông Việt Nam, từ năm 2011, lãnh đạo Hà Nội đã có chỉ thị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở thành phố này và giao cho công an thực hiện.

Đến cuối năm 2017, chính quyền thành phố Hà Nội cho hay cơ sở dữ liệu 7,5 triệu người dân "đã được xây dựng để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác điều hành của thành phố".

Liên quan đến việc này, nhà báo Nguyễn Đức Hiển viết trên trang Facebook cá nhân cho rằng đây là "Đề xuất lạ lùng của tướng Nguyễn Đức Chung".

Ông Hiển nêu : "Nếu đề xuất này thành hiện thực – và ngay cả khi nó không thành hiện thực – có thể tướng Chung phải trả lời khá nhiều câu hỏi từ công luận cho đề xuất của mình".

Nếu được chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỷ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này. 300 tỷ/năm chỉ là "muỗi" so với một thành phố lớn như Hà Nội, nó không giải quyết được gì cả.

Nhưng cung cấp dữ liệu dân cư có thu phí, nôm na là bán, thì nó ảnh hưởng đến quyền nhân thân của hàng triệu người và có khả năng trái luật. Cụ thể là Hiến pháp, Luật Dân sự và Luật Căn cước công dân.

Khi đó, không ai dám đảm bảo suốt ngày "cò" ngân hàng, "cò" công chứng và các đơn vị kinh doanh khác không gây phiền nhiễu dân chúng bởi những cuộc gọi. Mà, có khi các cuộc họp của Thành ủy lẫn Ủy ban nhân dân thành phố và các lãnh đạo đảng, nhà nước là cư dân Hà Nội cũng bị gây phiền bởi những thông tin cá nhân của thành viên đã bị chia sẻ cho những đối tượng này…

Trong khi đó, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội, cũng viết trên trang Facebook cá nhân : "Ông Chung bị dân mạng xã hội phản ứng dữ dội về đề xuất này. Ông đã nói lại cho rõ về đề xuất ‘bán dữ liệu công dân,’ vốn chỉ tóm tắt trong buổi họp trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".

Hàng ngàn độc giả trên tờ VnExpress phản ứng thái độ trước thông tin trên bằng hai từ "cạn lời". Cũng có người nêu cụ thể : "Tại sao thành phố lại đem bán thông tin cá nhân của tui và cả gia đình tui ? Nhà tui khai cho chính quyền nhằm phục vụ công tác quản lý chứ đâu phải để kinh doanh ?", bạn Hoàng Hiển viết với hơn 220 người đồng tình.

Độc giả Lê Minh Đạt nêu thẳng : "Tôi thì không đồng ý điều này, vì đây là thông tin cá nhân của mỗi người, quyền của mỗi người". Ý kiến này nhận được 126 đồng tình. (Tr.N)

*****************

Bất chấp bị phản đối, chính phủ cộng sản Việt Nam không từ bỏ 3 ‘đặc khu kinh tế’ (Người Việt, 03/07/2018)

Chính phủ cộng sản Việt Nam vẫn tiến hành kế hoạch thành lập ba đặc khu kinh tế bất chấp sự chống đối dữ dội của dân chúng qua các cuộc biểu tình hồi tháng trước.

danh4

Hàng chục ngàn người dân tại Sài Gòn biểu tình chống luật "Đặc Khu" và luật "An Ninh Mạng" ngày 10 tháng Sáu, 2018. (Hình : AFP/Getty Images)

Một số báo mạng trong nước đưa tin "Văn Phòng Chính Phủ" vừa có văn bản gửi các thành viên Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ Kế hoạch và đầu tưư và Bộ nội vụ về việc chuẩn bị nội dung họp lần thứ 2 của ban".

Trên một số trang facebook cá nhân, người ta thấy luân chuyển tờ công văn có đóng dấu "hỏa tốc" từ Văn Phòng Chính Phủ theo yêu cầu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn "các thành viên của ban báo cáo các công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị mình ; đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, gửi Bộ Kế hoạch và đầu tưư, Bộ Nội vụ trước ngày 2 tháng Bảy, năm 2018".

Trong bản công văn hỏa tốc nói trên, ông Phúc "giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo, ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và chuẩn bị báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trước ngày 5 tháng Bảy".

Bên cạnh công văn hỏa tốc, Tỉnh ủy Quảng Ninh có vẻ sốt ruột nhất nếu kế hoạch thành lập các đặc khu kinh tế bị trở ngại.

Báo mạng VnExpress hôm thứ Ba, 3 tháng Bảy, 2018, đưa tin : "Tại hội nghị trực tuyến chính phủ với các địa phương (ngày 2 tháng Bảy, 2018), ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc biệt ; trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm".

danh5

Công văn từ Văn Phòng Chính Phủ đốc thúc chuẩn bị tài liệp họp tiếp về dự án lập ba "đặc khu kinh tế". (Hình : Internet)

Vào ngày 10 tháng Sáu vừa qua, hàng chục ngàn người trên nhiều thành phố từ Hà Nội, Sài Gòn, đến Nha Trang, Bình Thuận và một số thành phố khác đã biểu tình chống luật "Đặc Khu Kinh Tế" và luật "An Ninh Mạng". Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt giữ, đánh đập dã man và vu cáo cho họ "nhận tiền phản động từ nước ngoài" để biểu tình.

Dưới áp lực của dư luận, trước sự kiện diễn ra các cuộc biểu tình ít ngày, Quốc hội cộng sản Việt Nam, đã phải hoãn biểu quyết thông qua dự luật "Đặc Khu" cho đến kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên ngày 12 tháng Sáu, Quốc hội cộng sản Việt Nam vẫn thông qua luật "An Ninh Mạng" để triệt mọi thứ thông tin "độc hại" cho một chế độ độc tài, đảng trị và cực kỳ tham nhũng.

Không ít người không ngần ngại gọi luật "Đặc Khu" là luật "bán nước" vì họ nhìn thấy dấu hiệu người Trung Quốc sẽ tràn sang, dùng tiền mua chuộc đám quan tham cộng sản Việt Nam để thâu tóm đất đai, các vị trí chiến lược khi được cho thuê đất tới 99 năm. Hiểu cách khác như bán đứt luôn cho những kẻ mà mọi người dân không thể nào quên 1.000 năm Bắc thuộc với ba lần đánh đuổi giặc Mông, Nguyên, Thanh xâm lược.

Báo mạng Zing ngày 14 tháng Tư, 2018, viết rằng : "Con trai một chủ khách sạn trên đường 30/4 (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) cho biết anh thấy vài người nói tiếng Trung Quốc đi cùng người Việt hỏi mua đất trồng tiêu ở một xã phía Bắc đảo. Còn chị Thu Trang (quê Hậu Giang, nhân viên nhà hàng ăn uống ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông) thì nói : Mấy anh làm cò đất hay dẫn vài người Trung Quốc đến đây ăn uống. Trong câu chuyện của họ tôi biết được là người Trung Quốc nhờ người bên mình mua đất".

Từ ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam trở xuống đều ra sức biện minh cho cái kế hoạch bị quần chúng chống đối. Nay với cái công văn hỏa tốc, người ta thấy việc Quốc hội lùi thời gian biểu quyết chỉ để chính phủ sửa đổi ít từ ngữ, chi tiết rồi sẽ thông qua trong khi người dân đòi phải dẹp bỏ.

Trước khi nổ ra các cuộc biểu tình, hàng trăm đảng viên phản tỉnh, trí thức trong ngoài nước đã gửi kiến nghị thư đến đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam yêu cầu dẹp bỏ kế hoạch lập 3 đặc khu kinh tế. Rất nhiều chuyên gia kinh tế, gồm cả chuyên viên Liên Hiệp Quốc cũng đều đã lên tiếng cho rằng mô hình thiết lập các đặc khu kinh tế để thúc đẩy phát triển, không còn thích hợp và sẽ dẫn đến thất bại.

Dù vậy, các lãnh đạo chóp bu đảng cộng sản Việt Nam, trước nay tuyên truyền là "đầy tớ nhân dân" nhưng không hề làm theo ý nhân dân mà họ gọi là "ông chủ" của đất nước. (TN)

****************

Bị công an còng tay vì tự bỏ tiền túi làm đường (Người Việt, 03/07/2018)

Tự bỏ tiền túi ra để làm đường giúp dân, một ông ở huyện Củ Chi bị công an truy đuổi, khống chế và đưa về trụ sở xã tạm giữ nhiều giờ.

danh6

Con đường nhựa sẽ phải phá để trở lại thành đường đất. (Hình : Tiền Phong)

Nói với báo Tiền Phong, ngày 3 tháng Bảy, ông Bùi Hoàng Anh (39 tuổi, ở huyện Củ Chi, thành phố Sài Gòn) cho biết, chủ tịch và công an xã Tân Thạnh Đông đã mời ông lên "làm việc" sau gần 2 tháng tạm giữ chiếc xe lu mà ông đã thuê để làm con đường nhựa cho người dân trong xóm đi lại bớt cực.

Ông Anh cho biết, ông đã cam kết rằng sau khi được trả lại chiếc xe, ông sẽ phá bỏ con đường nhựa đã làm để trả nó về hiện trạng ban đầu là con đường đất. Tại buổi làm việc, ông Anh thừa nhận "làm đường khi chưa có giấy phép".

Trước đó, ông Anh có đơn tố cáo công an xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, đã còng tay và bắt giữ ông trái pháp luật.

Theo trình bày của ông Hoàng Anh, trong một lần đi qua ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, thấy con đường đất dài 100m, rộng 3m dẫn vào nhà một số hộ dân đã xuống cấp trầm trọng nên ông đã tự bỏ 200 triệu đồng làm đường giúp dân.

Trước khi bắt đầu làm đường, những người dân sinh sống ở đây đã thông báo với chính quyền địa phương. Đến ngày 4 tháng Năm, 2018, thì ông Anh tiến hành làm.

Thế nhưng, trong khi đang tráng nhựa đường thì một số cán bộ xã Tân Thạnh Đông đến yêu cầu ngưng làm lại đồng thời tịch thu cả máy móc.

Ông Hoàng Anh liền đến để trình bày sự việc thì bị cán bộ xã Tân Thanh Đông truy đuổi, khống chế, còng tay rồi đưa về trụ sở tạm giữ nhiều giờ liền.

"Toàn bộ máy móc làm đường hôm đó đều bị chính quyền xã Tân Thạnh Đông tịch thu mà không rõ lý do, không lập biên bản", ông Anh khẳng định.

Liên quan đến sự kiện trên, Ủy ban xã Tân Thạnh Đông giải thích với báo chí rằng, khoảng 8 giờ ngày 4 tháng Năm, tổ công tác của xã kiểm tra và phát hiện công trình làm đường "không có giấy phép, không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Ủy ban xã đã lập biên bản đình chỉ thi công, tạm giữ một xe lu của ông Hoàng Anh, nhưng ông này không "hợp tác", nên xã đã "tạm sử dụng công cụ hỗ trợ và có còng tay ông này để áp giải về trụ sở công an xã nhằm ngăn ngừa hậu quả xảy ra".

Đến 10 giờ ngày 5 tháng Năm công an đã cho gia đình bảo lãnh ông Hoàng Anh ra, do kết quả điều tra cho thấy hành vi của ông này chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ" nên chỉ xử lý tội "Cản trở người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng" đối với ông này. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 593 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)