Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/07/2018

Tin thêm vụ cán bộ oan tự thiêu trước trụ sở tiếp dân trung ương

Tổng hợp

Điều gì đã đẩy ông Bùi Hữu Tuân đến chỗ tự hủy hoại bản thân mình ? (VNTB, 04/07/2018)

Chuyện dân oan tự thiêu không còn là chuyện hiếm. Thỉnh thoảng lại có tin dân oan tự thiêu. Hôm qua 2/6/2018 là ông Bùi Hữu Tuân, sinh 1960 ở xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông tự thiêu lúc 11g45 ngay trước trụ sở tiếp dân trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông.

tuthieu1

Hiện trường nơi ông Tuân tự thiêu. Hình Internet

Ông bị cháy toàn thân, bỏng nặng vùng bụng và vùng nhạy cảm ; ảnh hưởng nặng về đường hô hấp. Từng mảnh da rơi khỏi người.

Theo con trai ông Bùi Hữu Tuân thì hôm sau (tức 3/7) là ngày ông phải thi hành bản án 3 năm tù. Ông Tuân đến trụ sở tiếp dân trung ương đề nghị giám đốc thẩm nhưng bị từ chối nên quá uất ức mà tự thiêu.

Ông Bùi Hữu Tuân đã làm trưởng thôn 3 khóa, đến khóa thứ 4 thì có đơn khiếu kiện ông về việc cấp đất cho các hộ trong thôn chưa có lăng mộ. Ông Tuân chuyển những đơn này lên xã. Sau đó xã đồng ý và cho địa chính cấp đất cho những người làm đơn. Khi có đơn khiếu kiện, ông bị đình chỉ trưởng thôn để chờ xem xét. Lúc này, địa chính xã có gọi điện cho ông Tuân nhờ ông và vận động các hộ dân cứ khai rằng không có chuyện địa chính đi đo đất, có gì xã lo hết. Vì vậy, ông nghe theo và tin sẽ không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, ông bị truy tố và bị kết án 5 năm về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đến phiên phúc thẩm, tòa giảm xuống còn 3 năm.

Khi biết mình bị lừa, ông Tuân đi khiếu nại rất nhiều nơi nhưng không có kết quả gì.

Theo một bài viết trên Pháp luật ngày 13/6/2017 thì sự việc giao đất cho các gia đình có đơn và được ông Tuân chuyển lên xã đúng như lời con ông Tuân kể, trừ chi tiết địa chính xã đến đo đất giao cho dân.

Và vì vậy, ông Tuân phải chịu trách nhiệm về việc tự ý giao đất. Mấu chốt nỗi oan của ông Tuân là ở đây.

Bài viết của Pháp luật cũng cho thấy thái độ bênh vực ông Tuân, thể hiện qua các chi tiết như "ông Tuân nói đây là tiền các gia đình tự nguyện ủng hộ vào quỹ của thôn. Số tiền này được ghi chép và chi tiêu công khai cho các hoạt động của thôn và các hộ dân không phản đối gì. Hiện ông Tuân đã dùng tiền túi trả lại cho các hộ dân. Tính đến khi bị khởi tố ông Tuân đã được nhân dân bầu làm trưởng thôn bốn nhiệm kỳ liên tiếp".

Một chi tiết khác của bài báo : "Ông Nguyễn Tuấn Đạt (Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng) cho biết thời điểm đó xã có nhận được đơn xin đất của dân do ông Tuân chuyển lên. Xã có nói với ông Tuân sau khi đảng ủy và lãnh đạo xã thống nhất thì sẽ bổ sung phần các hộ xin đặt lăng mộ vào quy hoạch nghĩa trang. Nhưng do công việc lúc đó rất nhiều nên chưa kịp bàn bạc. "Ông Tuân là người thẳng tính, có trách nhiệm, xông xáo trong công việc nhưng vì cái chung chứ không vì bản thân"

Sự việc không lớn, đặc biệt không có tư lợi ở ông Tuân nhưng dẫn đến một kết cục bi thảm. Liệu có một nhóm vì tư thù mà tìm cách đẩy ông Tuân vào tù ? Chị Nguyễn Thúy Hạnh ghi theo lời kể của con trai ông Tuân như sau : "Một người làng từng bị ông tố cáo tiêu cực vẫn thù ông nên đã kiện việc này, cùng với bí thư xã cũng có mối thù ông vì cho rằng trước đó ông xúi bẩy dân ko bỏ phiếu khiến ông bí thư này bị trượt ghế hội đồng nhân dân, nên vụ việc bị đẩy lên. Khi đưa ra thì địa chính và các bên liên quan nhất định chối việc chính họ đã đo và chia đất, đổ hết cho ông Tuân".

Kết 

Về vấn đề dân oan tự thiêu, phải nói rằng những người tự thiêu phải oan ức thật và oan ức lắm mới khiến họ có hành động như thế. Không thể có chuyện, "đúng người, đúng tội" mà lại đẩy họ tới mức ức chế, bế tắc, tuyệt vọng, không kiểm soát nổi hành vi để hủy hoại bản thân mình.

Qua việc ông Tuân và nhiều dân oan khác tự thiêu cho thấy, hệ thống tư pháp ở Việt Nam đã bị tê liệt, không còn công lý. Thực tế, rất ít đơn thư của dân oan được giải quyết. Bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng đã phát hiện ra vụ cán bộ ở trụ sở tiếp dân trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm đem bán cả những thùng đơn thư của dân cho người thu mua đồng nát. Còn những trường hợp được giải quyết lại rất ít trường hợp thỏa đáng.

Tôi là người đã từng đi khiếu kiện nhiều lần, vì việc riêng có, vì việc của xóm có nên tôi cũng biết rõ cách giải quyết của các cơ quan tư pháp và các cơ quan hành chính. Thường là họ ngâm trong tủ, đùn đẩy, có giải quyết thì giải quyết theo lợi ích nhóm, thậm chí cứ người nhà nước là bênh nhau, bất chấp sự thật chứ không có chuyện công tâm. Chúng bao che, bảo vệ nhau từ cơ sở đến trung ương một cách trắng trợn, dân không làm gì nổi.

Tôi chỉ dẫn ra đây một ví dụ trong rất nhiều ví dụ mà tôi là nạn nhân trực tiếp của lối hành xử vô pháp. Có lần, tôi khiếu nại lên Cục thi hành án Hà Nội về việc tên Cao Thị Minh Hằng, Chi cục thi hành án Thanh Trì phá nhà, cướp đất nhà tôi giao cho nhà liền kề, hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Khi làm việc với tôi, trước lý lẽ và bằng chứng không thể chối cãi, họ phải thừa nhận tôi khiếu nại đúng. Tuy nhiên ngay sau đó, trong quyết định trả lời tôi bằng văn bản thì họ trả lời ngược lại. Việc này, Nguyễn Đức Thường, Cục phó thì hành án Hà Nội khi đó đã trâng tráo giải quyết như thế.

Lối làm việc vô cảm, trí trá và ngang ngược của các cơ quan có trách nhiệm làm người dân uất nghẹn tận họng mà không làm gì được. Có điều lạ là trong các kỳ họp quốc hội, vấn đề chà đạp lên luật pháp, gây oan sai cho dân không được nhắc đến.

Nguyễn Tường Thụy

********************

Kêu oan trong vô vọng, người dân tự thiêu để phản đối cộng sản (CaliToday, 03/07/2018)

Sự kiện ngày 2/7/2018, ông Bùi Hữu Tuân (SN 1960. Cư trú xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vì cho rằng bản thân bị kết án oan nên đã đi đến quyết định cùng quẩn là tự thiêu trước cổng trụ sở Tiếp dân Trung ương đã gây rúng động cư dân trên địa bàn TP.Hà Nội, dân oan các tỉnh, thành và dư luận cả trong lẫn ngoài nước…

tuthieu2

Bức thư do con trai ông Bùi Hữu Tuân trình bày vụ việc Tuân bị oan ức dẫn đến hành động tự thiêu (ảnh : Facebook Nguyễn Thị Huần)

Chia sẻ với Cali Today, anh Lê là con trai của ông Bùi Hữu Tuân cho biết hiện ông Tuân đang nằm ở khoa cấp cứu bệnh viện ở Hà Nội và tình trạng thương tích sau một ngày tự thiêu được bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong có giảm nhưng vẫn còn rất nhiều nguy hiểm. Anh Lê chia sẻ như sau :

"Bố tôi hiện đang nằm ở khoa cấp cứu của bệnh viện bỏng ở Hà Nội…".

tuthieu3

Ông Bùi Hữu Tuân sau khi nổi lửa tự thiêu trước trụ sở tiếp dân Trung ương (ảnh : Facebook Đoàn Thanh Giang)

"Bây giờ bỏng gần như là hết cả người, còn mỗi ở chổ rốn và chổ bộ phận sinh dục, mông là không bị thôi còn tất cả đều bị. Bác sĩ tiên lượng là sợ bỏng cả đường phế quản nên ra đang theo dõi".

Báo đài nhà nước Việt Nam cho biết, ông Tuân nguyên là cựu trưởng thôn ở xã Hợp Đồng. Vào năm 2012, ông Tuân cùng hai phó thôn tự ý giao khoảng 1.700m2 đất cho 20 hộ dân xin đất để làm lăng mộ, cùng với việc giao đất ông Tuân còn thu của các hộ dân này khoảng hơn 68 triệu đồng. Ủy ban xã Hợp Đồng nói việc làm của ông Tuân là trái với thẩm quyền, vi phạm pháp luật.

Tháng 10/2016, Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Tuân và những người liên quan với cáo buộc về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Năm 2017, Tòa án huyện Chương Mỹ mở phiên xử sơ thẩm tuyên phạt ông Tuân 5 năm tù giam. Năm 2018, Tòa án Thành phố Hà Nội phúc thẩm tuyên bản án giảm cho ông Tuân xuống còn 3 năm tù giam.

Theo tìm hiểu của Cali Today, mặc dù đã có bản án phúc thẩm nhưng ông Tuân vẫn còn được tại ngoại, tranh thủ thời gian chờ đến ngày thi hành án là ngày 3/7/2018, ông Tuân liên tục gửi đơn kêu oan đến các cấp chính quyền ở Hà Nội và đồng thời cũng gửi đơn từ đến Tòa án mong được Giám đốc thẩm vụ án nhưng không được chập nhận. Trước ngày thi hành án một ngày, tức là vào ngày 2/7/2018, ông Tuân đã đến trụ sơ Tiếp dân Trung ương tẩm xăng vào người rồi nổi lửa tự thiêu thể hiện phẫn uất.

Căn cứ vào những chia sẻ của anh Lê dành cho Cali Today, được biết ông Tuân từng giữ chức trưởng thôn ở 03 khóa liền, đến khóa thứ 4 thì có đơn của một hộ dân kiện ông Tuân về việc cấp đất cho 20 hộ dân xây lăng mộ.

Được biết vụ việc ông Tuân cùng hai phó thôn cấp đất cho các hộ dân này diễn ra trong thời gian ông Tuân đương nhiệm, thời gian xảy ra rất lâu từ những năm đầu của thập niên 2000 kéo dài cho ngày hôm nay. Khi vụ việc bị Ủy ban xã Hợp Đồng và Công an huyện Chương Mỹ vào cuộc điều tra thì ông Tuân đã làm đơn từ kêu oan, khẳng định việc cấp đất đã được trình báo lên chính quyền xem xét và có sự đồng ý của Ủy ban xã Hợp Đồng. Sau đó ông Tuân cùng nhân viên địa chính xã có đi đo đất giao cho các hộ dân có đơn xin cấp đất xây lăng mộ.

Anh Lê cho biết, bản thân gia đình ông Tuân có giữ các giấy tờ của xã Hợp Đồng đồng ý cho ông thu tiền các hộ dân xin đất và kể cả các đoạn audio ghi âm lại các cuộc gọi điện thoại của nhân viên địa chính xã trong đó có phần nội dung nhờ ông Tuân khai và xúi các hộ dân nói là không có địa chính xã đi thu tiền và đo đất cho các hộ dân, bảo ông Tuân yên tâm sẽ không bị sao cả, có gì xã sẽ lo hết. Ông tuân tin lời và đến khi bị Tòa án tuyên bản án tù giam thì ông Tuân biết mình đã bị lừa. Ông Tuân đi kêu oan trong vô vọng, nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện tự thiêu vào ngày 2/7 vừa qua.

"Bởi vì bố tôi bị oan. Tòa xử oan về cái tội lợi dụng chức vụ để giao đất cho các hộ dân nghèo từ những năm 2004, 2005 gì đó tôi không rõ. Ra tòa sơ thẩm thì từ năm ngoái 2017, Tòa phúc thẩm thì năm 2018 này. Hôm nay (ngày 2/7/2018) là hạn chót để bố tôi phải ra thi hành án".

"Bố tôi có làm đơn gửi đi rất nhiều nơi kể cả các báo nhưng mà không minh oan được và bố tôi uất ức quá nên hôm qua (ngày 2/7/2018) bố tôi mới làm như thế".

Ngay sau sự kiện ông Tuân tự thiêu ở trụ sở Tiếp dân Trung ương nơi có nhiều dân oan, dân mất đất đai ở các tỉnh, thành tập trung nộp đơn khiếu nại, khiếu kiện, một số báo đài phỏng đoán là ông Tuân tự thiêu vì gia đình bị mất đất đai là không đúng. Anh Lê khẳng định với Cali Today điều này :

"Không. Gia đình tôi không bị mất đất gì cả".

Bản thân anh Lê sau đó cũng gửi một bức thư lên cộng đồng mạng trình bày tóm tắt nỗi oan ức của ông Tuân để dư luận quan tâm được rõ.

Đồng thời thông qua Cali Today, trước thảm cảnh gia đình, anh Lê mong muốn báo đài và dư luận khắp nơi cất tiếng công lý, công bằng đặng giúp đỡ cho gia đình và cá nhân ông Tuân.

"Tôi muốn báo chí, truyền thông cất tiếng nói công lý cho bố của tôi".

Việc người dân phẫn uất trước những bất công của nhà cầm quyền ở các tỉnh, thành Việt Nam thậm chí có trường hợp phản đối Tàu Cộng rồi sau đó đến hành động cùng quẩn là tự thiêu đã xảy ra vài trường hợp trong những năm gần đây như : trường hợp tự thiêu của bà Lê để giữ đất ở Quảng Ngãi, trường hợp tự thiêu của bà Tân để giữ chợ truyền thống ở Quảng Nam, trường hợp tự thiêu của thân mẫu nhà hoạt động Tạ Phong Tần ở Bạc Liêu, trường hợp tự thiêu của bà Lê Thị Tuyết Mai để phản đối sự xâm lược của Tàu Cộng trước dinh Thống Nhất –Sài Gòn vào nam 2014…

Quê Hương

***************************

Công an Hà Nội trả lời về vụ tự thiêu (CaliToday, 03/07/2018)

Chiều ngày 3/7/2018, ông Nguyễn Thanh Tùng, phó Giám đốc Công an Hà Nội đã trả lời báo chí về việc một người đàn ông tự thiêu trước trụ sở Tiếp dân Trung ương. Theo ông Tùng, người đàn ông tự thiêu bị phỏng rất nặng, phỏng sâu 25% và phỏng toàn diện đến 77%.

tuthieu4

Ông Bùi Hữu Tuân tại bịnh viện. Ảnh : Facebook

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, người tự thiêu là ông Bùi Huy Tuân (sinh năm 1960, trú thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông Tuân không phải là dân oan bị chính quyền cướp đất, mà là cựu thôn trưởng nơi mình ở đến 3 nhiệm kỳ. Cho đến nay không rõ ông Tuân có phải là đảng viên Cộng sản hay không.

Từ những tin tức được cung cấp bởi phó giám đốc công an cho biết, sáng ngày 2/7/2018, ông Tuân cùng một người khác là ông Lương Công Tính (67 tuổi, ngụ cùng thôn) đến trụ sở tiếp dân Trung ương để khiếu nại và yêu cầu phải được Giám đốc thẩm về bản án hình sự mà mình bị Tòa án Hà Nội tuyên vào ngày 7/3/2018 vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Không rõ quá trình tiếp xúc giữa ông Tuân với cán bộ tiếp dân đã diễn ra như thế nào, nhưng sau đó, vì quá phẫn uất trước bản án mà theo ông là bất công, nên lúc 11 giờ 25 phút cùng ngày ông quay lại trụ sở Tiếp dân Trung ương, tưới chai xăng 1,5 lít lên người mình rồi châm lửa tự thiêu để phản đối bản án.

Đại tá công an cộng sản Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng khẳng định vụ tự thiêu diễn ra ngoài khuôn viên trụ sở tiếp dân, chứ không phải bên trong.

Ngay sau khi ông Tuân tự thiêu, cán bộ gần đó đã nhanh chóng dùng bình chữa lửa dập tắt và đưa đi bịnh viện Lê Hữu Trác để cấp cứu.

Theo ông Tùng, cùng với việc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng công an cũng đã chỉ thị với báo An ninh thủ đô phải đăng tin ngay về vụ tự thiêu. Đồng thời đề nghị với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phải nhanh chóng "định hướng dư luận".

Trong khi đó, sau khi vụ tự thiêu xảy ra, con trai ông Tuân là anh Lê cho báo chí biết, hiện nay cha ông vẫn đang phải thở Oxy. Các bác sỹ tiên lượng rất sấu.

Nguyên nhân dẫn đến vụ tự thiêu bắt nguồn từ năm 2012 khi ông Tuân còn làm trưởng thôn. Ông Tuân cùng 2 phó thôn khác đã giao 1,700m2 đất cho 20 hộ dân để họ làm lăng mộ, cùng với việc giao đất ông thu lại 68 triệu đồng. Chính vì vậy ông bị cấu vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…".

Về phần mình, ông Tuân cho biết không hề nghĩ việc giao đất cho các hộ dân là vi phạm pháp luật, vì ông đều làm theo thông báo của chính quyền xã, có sự chứng kiến của cán bộ địa chính và người giao đất. Về số tiền thu của mỗi hộ dân là do các gia đình tự nguyện ủng hộ vào quỹ thôn và họ không hề có phản đối gì. Sau khi bị khởi tố, ông Tuân đã bỏ tiền túi ra để trả lại cho các hộ dân.

Có một điều trớ trêu là, theo Pháp luật Việt Nam, cấp Trưởng thôn không được chức danh của một cấp hành chính. Vì cấp hành chính chỉ từ xã cho đến Trung ương. Do vậy, ông Bùi Hữu Tuân, thôn trưởng Đạo Ngạn chỉ là một chức danh cho người dân tự bầu ra, chứ không hề có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Vậy nhưng ông Tuân lại bị khởi tố vì "Lợi dụng quyền hạn, chức vụ…" là một điều luật chỉ dành cho lãnh đạo, cán bộ nhà nước mà thôi.

Theo anh Lê, con trai ông Tuân cho hay, đúng vào ngày 3/7/2018 là đến kỳ hạn ông Tuân phải ngồi tù theo đúng những gì mà tòa án Hà Nội đã tuyên. Để phản đối bản án bất công, ông Tuân đã tự thiêu.

****************

Tự thiêu trước Trụ sở Tiếp dân Trung ương đảng để phản đối (CaliToday, 02/07/2018)

Một nạn nhân đã rơi vào tình cảnh nguy kịch sau khi tự thiêu trước trụ sở Tiếp dân của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Được biết, người đàn ông tự thiêu là để phản đối chính quyền cướp đất của gia đình.

tuthieu5

Ông Bùi Hữu Tuân tự thiêu bất thành hôm 2/7 tại Hà Nội trong quá trình kêu oan về một vụ án đất đai (ảnh : Facebook Đoàn Thanh Giang)

Theo những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được cho biết, nạn nhân là ông Bùi Huy Tuân (sinh năm 1960, tại Chương Mỹ, Hà Tây) là một dân oan mất đất. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc để tìm hiểu nhưng cho tới nay vẫn chưa thể kết nối được với nạn nhân hoặc người nhà. Theo một nhà bảo trợ dân ở tại Hà Nội nói với chúng tôi, ông Tuân là một người đấu tranh độc lập, không ở cùng các dân oan khác nên thông tin về nhân thân của ông rất hạn chế.

Người bảo trợ dân oan xin được giấu tên kể với chúng tôi :

"Sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 2/7/2018, ngay trước trụ sở Ban Tiếp dân Trung ương số 1 Ngô Thì Nhậm- Hà Đông. Ông Tuân tay cầm bình xăng 1,5 lít dự tính đổ lên người và tự thiêu. Lúc đó, một nữ dân oan khác tiến lại hỏi thăm tên tuổi và địa chỉ. Đồng thời còn khuyên ông Tuân không nên nghĩ quẫn".

Đáp trả lại, người đàn ông nói :

"Tôi là dân oan mất hết rồi mà công an vẫn muốn bắt tôi, tôi phải chết để mọi người biết". Nói đoạn, ông Tuân liền mở nút xăng bất chấp sự can ngăn của nữ dân oan kia. Sau khi đổ xăng lên người, ông Tuân bật quẹt ga dí vào người để tự thiêu.

Ngọn lửa bốc lên, nhân viên công quyền gần đó liền băng theo bình chữa cháy xịt lên người ông Tuân. Rất may ông Tuân chỉ bổng nặng mà không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngay sau đó, nhân viên công quyền liền dùng xe hơi chở ông Tuân đi cấp cứu. Cho đến nay, tin tức về nạn nhân Bùi Huy Tuân đều bị cắt đứt. Các dân oan không rõ người của chính quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ông Tuân đi cấp cứu ở bịnh viện nào.

Việc tự thiêu phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "hèn với giặc, ác với dân" diễn ra khá thường xuyên ở Việt Nam. Vào năm 2012, để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam và công an tỉnh Bạc Liêu đã trù dập, khủng bố tinh thần gia đình mình, bà Đặng Thị Kim Liêng- thân mẫu của Blogger bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần đã tự thiêu ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu để phản đối. Cái chết của bà đã làm dậy sóng dư luận một thời, nhiều người đã lên tiếng trước những đòn trả thù từ công an và chính quyền dành cho gia đình bà Đặng Thị Kim Liêng.

Vào năm 2014, một vụ tự thiêu trước dinh Độc Lập cũng khiến cho dư luận sửng sốt. Nạn nhân được biết là bà Lê Thị Tuyết Mai (67 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, Sài Gòn) mang một can xăng đến trước dinh Độc Lập để tự thiêu. Sau khi bà chết, các cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói rằng, vì phẫn uất trước việc Trung cộng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vũng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nên bà đã tự thiêu để phản đối. Tất cả những thông tin do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra chúng tôi đều không có cơ sở để kiểm chứng độ xác tín. Rất có thể bộ phận Tuyên giáo đã lợi dụng cái chết của bà Mai làm dấy lên tinh thần dân tộc vào thời điểm Trung Cộng xâm phạm lãnh hải.

Người Quan Sát

**********************

Dân oan tự thiêu : phản kháng ở bước đường cùng ? (VNTB, 02/07/2018)

Một dân oan đã tự thiêu tại trụ sở tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Quận Hà Đông, TP Hà Nội vào trưa ngày 2/7/2018.

tuthieu6

Ông Bùi Huy Tuân tự thiêu ngày 2/7/2018 để phản đối.

Ông là Bùi Huy Tuân (SN 1960, trú tại thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), "là bị án trong một vụ án và ông đang trên đường kêu oan". Theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh lấy nguồn tin từ cán bộ tại Ban tiếp công dân Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên ông Tuân đến trụ sở tiếp dân để kêu oan. Trước đó, ông đã kêu oan ở cấp tòa phúc thẩm, sau đó kêu oan ở tòa tối cao nhưng không được giải quyết. 

Cũng theo nhà báo này, trong một diễn biến khác, một số 
nạn nhân bị một số cán bộ tham gia lấy 16.000m2 đất ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm đơn xin tự thiêu.

Hiện tượng tự thiêu ở người dân mất đất tại Việt Nam đang ngày một nhiều và phổ biến. Nó cho thấy giá trị pháp luật trong xử lý các vấn đề đất đai nói riêng và trong các vấn đề khác nói chung ở các tỉnh thành, thậm chí ở Trung ương còn mang tính lỏng lẻo và hình thức. 

Đối với vấn đề đất đai, tự thiêu cũng được coi là một hình thức phản kháng ở bước đường cùng. Hiện nay, Điều 62 - Luật Đất đai (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) đã và đang bị các lợi ích nhóm lợi dụng để nhằm tước đoạt ruộng đất từ nhóm người dân yếu thế trong xã hội.

Trong một báo cáo, 80% đơn khiếu kiện của người dân gửi lên các cơ quan Trung ương là khiếu kiện liên quan đến đất đai.

TTS

Quay lại trang chủ
Read 751 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)