Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/07/2018

Đảng cộng sản chọn mô hình Trung Quốc cho xã hội Việt Nam

Tổng hợp

Việt Nam học tập mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc (RFA, 06/07/2018)

Hội thảo diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 6 tháng 7 với chủ đề "Thực tiễn và kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc".

model1

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội thảo VOV

Phía Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương, chủ trì và phía Trung Quốc, do ông Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc.

Trước hội thảo Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, đã có buổi tiếp đón ông Hoàng Khôn Minh cùng đoàn đại biểu Trung Quốc.

Trên thực tế hai phía có tranh chấp chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua, dự thảo luật khu hành chính đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Việt Nam được đưa ra bàn ở Quốc hội gây phản ứng mạnh trong dân chúng vì quan ngại cho thuê đất đặc khu 99 năm sẽ bị giới đầu tư Trung Quốc thâu tóm.

*********************

Báo Thanh Niên in thêm ngôi sao vào cờ Trung Quốc, mạng xã hội ‘dậy sóng’ (Người Việt, 06/07/2018)

Hôm 6 tháng Bảy, nhiều blogger bất bình trước việc báo Thanh Niên in hình cờ Trung Quốc minh họa cho một bài báo về ngành đường sắt bỗng dưng có năm ngôi sao nhỏ (thay vì bốn) quanh một ngôi sao lớn hơn.

model2

Hình cờ Trung Quốc với sáu ngôi sao trên báo Thanh Niên hôm 6 tháng Bảy. (Hình : Facebook Quốc Ấn Mai)

Ngôi sao mới được thêm vô bị các blogger diễn giải là báo Thanh Niên có hàm ý nhắc đến chuyện Việt Nam "đang trong lộ trình quy phục mẫu quốc và tiến tới sáp nhập với Trung Quốc".

Bài báo sau đó cũng được đăng tải trên website báo Thanh Niên nhưng phần in cờ Trung Quốc "sai sót" trên báo giấy đã được điều chỉnh bằng cờ Trung Quốc đúng với nguyên mẫu có tổng cộng năm ngôi sao. Trang web của báo Thanh Niên cũng không đăng giải thích gì về việc họ in ảnh "cờ Trung Quốc sáu sao" trên báo giấy.

Blogger Hoàng Dũng cùng nhiều nhà hoạt động khác lập tức lên tiếng kêu gọi đình bản báo Thanh Niên hoặc cách chức tổng biên tập tờ này vì "sai sót chính trị nghiêm trọng". Vì theo lập luận của các blogger, tờ báo này khó có thể biện hộ rằng đây chỉ là một "sai sót kỹ thuật", vì không thể tìm thấy hình cờ Trung Quốc "in thêm một ngôi sao" trên Google.

Vụ "cờ Trung Quốc sáu sao" từng xuất hiện trong một bản tin trên đài truyền hình Việt Nam – VTV – hồi tháng Mười, 2011, và khiến công luận giận dữ xen lẫn mối hoài nghi về "dụng ý" hoặc "thông điệp ngầm" của Hà Nội.

Thời điểm đó, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cộng sảnVN, đã đưa ra lời giải thích : "Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ Tân Nhà Nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan".

Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự, bồi đắp căn cứ trên Biển Đông, công luận Việt Nam dễ bực tức trước những bài báo, hình ảnh liên quan đến Trung Quốc có chi tiết "bất thường".

Mặt khác, việc truyền thông trong nước thường xuyên dẫn phát ngôn của quan chức "nói tránh từ Trung Quốc" cũng khiến dư luận gia tăng bất bình.

Hồi tháng Năm, 2018, khi trả lời về vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình "lưỡi bò" đến tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, được các báo dẫn lời : "Vụ này cần xử lý kịp thời nhưng phải mềm dẻo, không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục".

Tháng Sáu, 2018, Bộ Trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng được báo Tuổi Trẻ trích lời về văn bản Dự Luật Đặc Khu : "Dự luật không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc. Mọi người đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe".

Tuy vậy, sau khi xem kỹ nội dung Dự Luật Đặc Khu, cộng đồng mạng phát hiện từ "Trung Quốc" đúng là không có trong văn bản nhưng lại có cụm từ "nước láng giềng có biên giới chung với Quảng Ninh". (T.K.)

*********************

Hơn 50% du khách đến Việt Nam là người Trung Quốc và Hàn Quốc (RFA, 06/07/2018)

Theo Tổng cục Du lịch, có đến 2,6 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.

model3

Du khách Trung Quốc tại Nha Trang. RFA

Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, hơn 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ Châu Á, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, du khách Hàn Quốc đến Việt Nam nửa đầu năm 2018 tăng đến 60% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá, du khách Hàn Quốc có mức chi tiêu khá, sẵn sáng chi tiền cho các dịch vụ làm đẹp, ăn uống. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nhiều địa phương miền trung lúng túng, chưa tận dụng được cơ hội khi lượng khách Hàn Quốc tăng nhanh trong 2-3 năm gần đây.

Tổng cục Du lịch cũng cho biết, rất hiếm doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đón các đoàn khách lớn mà chủ yếu đón khách lẻ, trong khi nhóm khách đoàn lớn lại rơi vào các công ty du lịch Hàn Quốc tổ chức tour trọn gói gồm lưu trú, ăn uống, mua sắm.

*****************

Công ty du lịch để khách mặc áo 'lưỡi bò' bị phạt (BBC, 06/07/2018)

model4

Bản đồ Trung Quốc với hình lưỡi bò trên vùng Biển Đông

Gần 2 tháng sau khi vụ việc xảy ra, công ty du lịch Việt Nam để nhóm du khách Trung Quốc mặc áo 'đường lưỡi bò' đã bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động và có thể bị giải thể.

Hôm 6/7, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết đã phạt công ty TNHH Thương Mại & Dịch vụ Aladin Việt Nam 42 triệu và đình chỉ hoạt động 9 tháng, theo báo Tuổi Trẻ.

Công ty Aladin cho biết đã nộp đầy đủ tiền phạt nhưng có khả năng bị giải thể.

"Do thời gian đình chỉ lâu, mất hết nguồn khách và một số nguyên nhân khác nên lãnh đạo công ty đang tính đến phương án làm văn bản giải thể công ty", lời của đại diện công ty theo báo Tuổi Trẻ.

Cũng theo báo này sở Du lịch tỉnh đã tổ chức các cuộc họp với các công ty lữ hành quốc tế để tuyên truyền, yêu cầu khách du lịch chấp hành pháp luật và tôn trọng văn hóa Việt Nam.

Hôm 13/5, công ty Aladin đã đưa một nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ "đường lưỡi bò" nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh gây bức xúc trong dư luận.

Theo báo Zing, các du khách này tường trình là đã mua số áo trên ở một khu chợ trước khi lên máy bay và nói không ý thức được đó là hành vi bị cấm và bản đồ in sau lưng là phi pháp.

Không rõ những du khách này có bị cấm vào Việt Nam du lịch tiếp hay không, nhưng số áo trên đã bị phía Việt Nam thu hồi.

Vài ngày sau khi vụ việc xảy ra, hôm 17/5, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói : "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây là một thực tế không thể thay đổi và cần được tôn trọng".

Trung Quốc là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.

Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.

Các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng là những nơi thu hút du khách Trung Quốc.

********************

Công ty đón du khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò" bị xử phạt (RFA, 06/07/2018)

Công ty lữ hành để khách mặc áo 'đường lưỡi bò' nhập cảnh Việt Nam vừa bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động. Truyền thông trong nước loan tin này ngày 6 tháng 7 năm 2018.

model5

Khách Trung Quốc mặc áo có in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh 13/5/2018. Courtesy of Facebook

Truyền thông trong nước trích thông tin từ thông báo của Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và Du lịch Aladin Việt Nam đã bị xử phạt hơn 42 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động trong 9 tháng.

Theo thông báo, Công ty Aladin đã vi phạm, không thực hiện thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, không có hợp đồng bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện du lịch, sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch trái phép.

Hôm 13 tháng 5 vừa qua, Công ty Aladin Việt Nam tổ chức tour 5 ngày cho đoàn khách Trung Quốc đến Nha Trang du lịch. Khi nhập cảnh vào sân bay Cam Ranh, cơ quan chức năng phát hiện 14 người mặc áo in hình bản đồ Trung Quốc và "đường lưỡi bò". Nhóm khách này khai báo đã mua số áo này tại khu chợ ở Trung Quốc.

Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Khu vực này cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Cơ quan chức năng Việt Nam từng phát hiện nhiều vụ du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in bản đồ với đường lưỡi bò, hay bản đồ do Trung Quốc phát hành vào Việt Nam với hình ảnh "đường lưỡi bò".

Quay lại trang chủ
Read 718 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)