Người dùng Việt Nam đề nghị Facebook trả lời về Luật An ninh mạng (RFA, 07/08/2018)
Sáng ngày 7/7/2018, Tạp chí Luật Khoa, một ấn phẩm chuyên về pháp luật không được chính phủ Việt Nam công nhận, "khởi động một chiến dịch ký thư đề nghị Facebook bày tỏ rõ quan điểm của họ về Luật An ninh mạng Việt Nam".
Thư ngỏ gứi Facebook do Luật Khoa Tạp Chí khởi xướng - Courtesy Luật Khoa Tạp Chí
Theo Luật khoa, chiến dịch có tên #DearMark kéo dài từ nay đến hết ngày 12/9 để Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg trả lời 5 câu hỏi của người dùng Việt Nam.
Thỉnh nguyện thư được đưa lên trang change.org để thu thập chữ ký của người dùng bày tỏ sự lo ngại về Luật An ninh mạng mới ra đời và sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tháng 1/2019.
"Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại nêu trên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy Facebook đưa ra bất kỳ phản ứng nào về đạo luật này. Trong khi đó, nhiều bài viết phê phán chính quyền gần đây đã bị xóa không rõ lý do. Chúng tôi cũng được biết Facebook đã và đang tiếp xúc với nhiều quan chức chính phủ Việt Nam. Tất cả những diễn biến này khiến chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng Facebook sẽ hợp tác với chính phủ và phản bội người dùng Việt Nam", thỉnh nguyện thư có hơn 1700 chữ ký tính đến chiều 7/7 nêu rõ.
Một trong những câu hỏi đề nghị người đứng đầu mạng xã hội có trên 50 triệu người dùng phải trả lời đó là :
"Facebook có tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không ?".
Luật An ninh mạng mới được Quốc hội Việt Nam thông qua trong tháng trước yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu khách hàng người dùng Việt Nam ở Việt Nam và chia sẻ các thông tin này cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Bloomberg mới đây có bài viết với tựa đề Facebook và Google bị chính phủ Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn giữa tăng trưởng hay bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Theo hãng tin này cả Facebook và Google đều từ chối trả lời họ có tuân thủ luật An ninh mạng của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng cục An ninh mạng - Bộ Công an, nói với báo giới rằng cả Facebook lẫn Google đều không phản đối luật An ninh mạng của Việt Nam.
Một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trước đây sử dụng Facebook như một công cụ lan tỏa thông tin, truyền bá tin tức dạo gần đây đã lên tiếng đòi "tẩy chay" mạng xã hội này vì những vụ chặn, xóa, khóa các tài khoản lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Blogger Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu, một người chuyên phân tích thời sự Việt Nam cho biết, fanpage của ông bị nhắm mục tiêu của sự tấn công, đến nỗi tấm ảnh chụp ông và con trai cũng bị "báo cáo bản quyền".
Hôm 5/7, đại diện truyền thông của Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi liên quan đến sai sót trong bản đồ Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
"Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook. Chúng tôi đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật. Chúng tôi đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu. Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng".
Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong số các nước có nhiều người dùng Facebook nhất trên thé giới.
*******************
Blogger Việt yêu cầu Facebook trả lời vì bài viết bị xóa vô cớ (Người Việt, 08/07/2018)
Giới blogger Việt Nam đang tổ chức một chiến dịch công khai, yêu cầu ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi về việc nhiều post Facebook phê phán chính quyền gần đây "đã bị xóa không rõ lý do".
Nhiều Facebooker Việt Nam đặt nghi vấn rằng Facebook "hợp tác" với chính quyền cộng sản Việt Nam. (Hình : Thanh Niên)
Các Facebooker quan ngại rằng mạng xã hội hàng đầu thế giới này đã "hợp tác với chính phủ cộng sản Việt Nam, phản bội người dùng Việt Nam".
Tính đến đêm 7 tháng Bảy, đã có 2.500 chữ ký vào thỉnh nguyện thư "Đề nghị Facebook trả lời về Luật An ninh mạng Việt Nam" do Luật Khoa Tạp Chí khởi xướng trên website change.org.
Chính mối lo ngại này đã khiến hàng vạn Facebooker Việt Nam, nhất là giới hoạt động, đấu tranh dân chủ, làm cuộc "di tản" sang mạng xã hội Minds. Cho dù rằng những người "chuyển nhà" chỉ có niềm tin ban đầu rằng Minds "không khuất phục chính phủ cộng sản Việt Nam về Luật An ninh mạng" chứ không biết được tương lai khi mạng xã hội này lớn mạnh thì sẽ thế nào.
Trong thỉnh nguyện thư, Luật Khoa Tạp Chí đề nghị Facebook trả lời một số câu hỏi "muộn nhất là ngày 12 tháng Chín" – thời điểm đánh dấu ba tháng Luật An ninh mạng được Quốc hội cộng sản Việt Nam thông qua. Đồng thời, việc Facebook có trả lời những câu hỏi hay không "là một trong những yếu tố quan trọng để giới blogger Việt Nam cân nhắc có tiếp tục sử dụng Facebook nữa hay không".
Một số câu hỏi đáng quan tâm trong văn bản nêu trên : "Facebook có cung cấp bất kỳ thông tin nào của người dùng Việt Nam cho chính phủ Việt Nam không ? Facebook đã bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng cho bất kỳ công ty Việt Nam nào chưa ?".
"Facebook có tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng và kiểm duyệt nội dung của người dùng theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là thông tin bất lợi cho chính phủ và các công ty thân chính phủ không ?", theo thỉnh nguyện thư.
Người dân xem blog, Facebook, tin tức ngoài quán cà phê (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
"Nếu Facebook có ý định tuân thủ Luật An ninh mạng, liệu Facebook có sẵn sàng công khai nội dung các yêu cầu của chính phủ Việt Nam và các phản hồi của Facebook đối với các yêu cầu đó như một phần của chính sách minh bạch của mình hay không ?" thỉnh nguyện thư của Luật Khoa Tạp Chí viết.
Đến nay, Facebook vẫn giữ im lặng trước yêu cầu trả lời phỏng vấn từ các báo đài tiếng Việt về phản hồi trước Luật An ninh mạng. Gần như mọi câu hỏi về cáo buộc xóa post có nội dung "bất đồng chính kiến" đều được Facebook trả lời rằng họ "chỉ xóa các nội dung vi phạm "Tiêu chuẩn cộng đồng".
Hôm 15 tháng Sáu, báo VnEconomy dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng -An ninh của Quốc hội : "Google và Facebook chưa có ý kiến về Luật An ninh mạng. Nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng, đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của Luật An ninh mạng".
Sau đó, người ta không thấy Facebook lên tiếng khẳng định hay phủ nhận phát ngôn của ông Hồng.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đặt vấn đề trên trang Facebook cá nhân : "Nhiều người trách cư dân mạng Việt Nam sao không đặt vấn đề thẳng với Facebook, đấu tranh với Facebook hoặc đàm phán với họ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một công ty tư nhân, và xin khẳng định là gặp Facebook dễ hơn nhiều so với gặp gỡ quan chức (kể cả Đại biểu quốc hội cộng sản Việt Nam). Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải ‘xin gặp’ và ‘cầu cạnh’ những kẻ mà chúng ta biết rõ là đã và đang hợp tác với các chính thể độc tài ? Tại sao lại để các thế lực ác cấu kết với nhau để làm hại chúng ta ?".
"Có lẽ nào người Việt Nam, ngoài việc run sợ trước nhà nước độc tài công an trị và mở miệng ra là ‘xin’ nó, lại còn phải sợ, xin xỏ, và cầu cạnh thêm các ông lớn trong nước như VinCom, Sun Group, Mường Thanh… và rồi cả ông lớn ở nước ngoài như Facebook, tương lai rất gần là Hoa Vi cũng nên ? Kẻ nào hợp tác với độc tài, chúng ta hãy bất hợp tác với chúng", bà Đoan Trang viết. (T.K.)
*******************
Người Việt nổi giận, Facebook xin lỗi về bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa (VOA, 07/07/2018)
Facebook hôm 5/7 đưa ra lời xin lỗi đối với những người dùng mạng xã hội của Việt Nam về bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc sau nhiều áp lực từ cộng đồng mạng, theo truyền thông trong nước.
Hình ảnh bản đồ của Facebook đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình TinTuc1h)
Trước đó 2 ngày, Facebook đưa ra lời giải thích rằng "đây là lỗi kỹ thuật và chúng tôi đã sửa lỗi này" sau khi cộng đồng marketing tại Việt Nam phát hiện ra phần bản đồ hiển thị quảng cáo theo quốc gia của Facebook đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 1/7, các trang mạng trong nước đăng tải phát hiện của họ về bản đồ hiển thị livestream của Facebook để tên Sansha (Tam Sa) tại hai vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên Facebook không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào và điều này đã làm cho "sự giận dữ của người dùng tại Việt Nam tiếp tục tăng cao chứ không có dấu hiệu lắng xuống", theo ZingNews.
Nhiều người đã kêu gọi tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 58 triệu tài khoản đang được sử dụng ở quốc gia Đông Nam Á có dân số hơn 90 triệu người.
Ngay sau khi được biết về bản đồ có thông tin ‘sai’ về Biển Đông, Bộ Thông tin và truyền thông của Việt Nam đã yêu cầu Facebook giải quyết vụ việc.
Cùng lúc đó, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Facebook xin lỗi người dân và chính phủ Việt Nam vì "vấn đề này liên quan đến chủ quyền quốc gia".
"Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook", đại diện truyền thông của Facebook dẫn lời người phát ngôn của công ty này hôm 5/7.
Truyền thông trong nước trích lời người phát ngôn của Facebook nói : "Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng".
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng hôm 5/7 cho biết Facebook đã "sửa thông tin sai lệch" về bản đồ.
"Như nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Thắng nói.
Mặc dù Facebook bị cấm ở Trung Quốc nhưng theo dữ liệu của Statista, vẫn có khoảng trên 55,6 triệu người dùng mạng xã hội này của nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam.
Nhận định về "lỗi kỹ thuật" vừa qua của Facebook, một chuyên gia về an ninh mạng ở Đại học New South Wales của Úc, tiến sỹ Sarah Logan, được ZingNews trích lời nói rằng "dẫu cho đó thật sự là lỗi kỹ thuật, mô thức chung về việc công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo hướng có lợi cho Bắc Kinh là việc có tiền lệ".
Theo truyền thông trong nước, Hoàng Sa trước đây do chính quyền miền Nam Việt Nam kiểm soát và bị Trung Quốc đưa quân vào chiếm năm 1974. Biển Đông là khu vực luôn có nhiều tranh chấp khi Việt Nam, Trung Quốc, và các nước khác gồm Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei, đều cùng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn phần trên đó.