Việt Nam bắt cựu Chủ tịch Mobifone và quan chức Bộ Thông tin và truyền thông (VOA, 11/07/2018)
Bộ Công an Việt Nam hôm 10/7 ra lệnh bắt tạm giam cựu chủ tịch của một trong những nhà mạng di động lớn nhất nước và một quan chức cấp cao của Bộ Thông tin và truyền thông với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015. Động thái này diễn ra vào lúc chính phủ Cộng sản đang mở rộng chiến dịch chống tham nhũng, theo Reuters.
Ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông Mobifone
Lệnh bắt ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, được đưa ra cùng lúc với quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Mobifone là một trong ba công ty cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam. Công ty này đã mua cổ phần của Công ty Cổ phần Audio Visual Global (AVG) với giá gần 8,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 386,30 triệu USD) vào cuối năm 2015, đưa đến nguy cơ gây thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng.
Theo kết luận của thanh tra chính phủ hồi đầu năm nay, AVG đang trong trình trạng lỗ vào thời điểm được Mobifone mua lại, với khoản lỗ lũy kế ở mức 1,63 nghìn tỷ đồng (70,75 triệu đôla) tính đến ngày 31/3/2015.
Thông báo hôm 10/7 của Bộ Công an cho biết đang tiến hành điều tra thêm về thương vụ mua AVG gây xôn xao dư luận này.
Kế hoạch cổ phần hóa Mobifone đã được đưa ra từ năm 2005, nhưng cho tới nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Việt Nam cho biết dự định sẽ bán cổ phần của Mobifone đợt đầu tiên ra công chúng vào năm 2019, và nói thêm rằng công ty Comviq của Thụy Điển đã bày tỏ ý muốn đầu tư vào công ty viễn thông này.
Vụ bắt các quan chức truyền thông diễn ra giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, với nhiều quan chức cấp cao và giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước bị bắt và bỏ tù.
Đầu năm nay, Việt Nam đã bỏ tù cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng với bản án 31 năm về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại tòa, ông Thăng, 57 tuổi, phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào. Ông là chính trị gia cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam bị bỏ tù trong nhiều thập niên qua.
***********************
Trương Minh Tuấn bị cảnh cáo về mặt đảng (CaliToday, 10/07/2018)
Bất chấp trong suốt thời gian dài Trương Minh Tuấn tỏ ra là người trung thành, tâng bốc và ra sức dẹp một loạt clip trên Youtube, các trang Facebook chỉ rõ bộ mặt bán nước của Nguyễn Phú Trọng. Vậy nhưng, vào ngày 10/7/2018, tại trụ sở Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi họp Ban bí thư và ra quyết định kỷ luật Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016. Một loạt nhân vật bị kỷ luật đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đương kim bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.
Từ khi lên làm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (4/2016), ông Tuấn còn phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm xảy ra trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Thay mặt Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng thi hành kỷ luật ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông với hình thức Cảnh cáo. Đối với các tổ chức của đảng có 3 mức kỷ luật, gồm : Khiển trách, cảnh cáo và giải tán. Việc kỷ luật Cảnh cáo được coi là nặng nề đối với Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông.
Các lãnh đạo trong Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 bị kỷ luật, gồm : Nguyễn Bắc Son, cựu Ủy viên Trung ương đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông.
Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông trong thời gian từ 2011-2016, với cương vị là thứ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm với những sai phạm xảy ra. Chưa hết, từ khi lên làm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (4/2016), ông Tuấn còn phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm xảy ra trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngoài ông Son và ông Tuấn, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam còn kỷ luật các ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ; Ông Phạm Đình Trọng-vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin và truyền thông.
Những lãnh đạo nói trên được cho là đã vi phạm "nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát" trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Còn đối với ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị cho là vi phạm "rất nghiêm trọng", là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp phê duyệt, tổ chức dự án, ký nhiều văn bản liên quan đến thương vụ mua bán.
Ông Cao Duy Hải, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Mobifone cũng bị đã có một số sai phạm trong việc ký kết hợp đồng trong thương vụ Mobifone mua AVG.
Dư luận không rõ sau khi phải nhận kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo số phận của ông Trương Minh Tuấn sẽ như thế nào. Với rất nhiều trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo con đường quan lộ sẽ chấm dứt, họ được an trí ở những chức vụ chỉ mang tính hình thức mà không có thực quyền.
Kể từ khi được chuyển từ bộ phận Tuyên giáo sang làm quản lý báo chí ở bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn được coi là người không thân thiện với tự do ngôn luận. Bằng chứng là từ khi ông làm thứ trưởng cho đến khi lên làm bộ trưởng, hàng trăm nhà báo đã bị tước thẻ, bị kỷ luật buộc phải thuyên chuyển sang làm bộ phận không thuộc kỹ năng của mình. Hàng chục tờ báo bị phạt với số tiền lên đến hàng nhiều tỷ đồng. Trong số đó có rất nhiều tờ báo buộc phải đình bản.
Vì có ác cảm với báo chí nên ông Tuấn cũng không được lòng rất nhiều nhà báo trong nước. Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều nhà báo đã tỏ ra hồ hởi khi biết tin ông Tuấn bị kỷ luật cảnh cáo.
Nụ cười sẽ không còn trên môi ông Trương Minh Tuấn sau khi bị kỷ luật. Ảnh : Báo Giao thông
Việc ông Tuấn bị kỷ luật không làm cho dư luận ngạc nhiên, vì trước đó Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luật những sai phạm của ông trong thương vụ Mobifone mua AVG là rất nghiêm trọng. Từ những tin đồn cho biết, số tiền lại quả mà ông Tuấn nhận sau thương vụ ấy lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bằng số tiền có được, ông Tuấn đã mua những biệt thự sang trọng tại Hà Nội và Sài Gòn. Ngay sau khi bị kiểm tra, ông Tuấn đã tìm mọi cách để thoát tội, trong đó có cả việc viết những bài ca tụng Nguyễn Phú Trọng, ra sức tung hô để lấy lòng.
Từ nguồn tin mà chúng tôi có được, ngay sau khi nhận được kết luận kỷ luật từ Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn đòi từ chức như một cách phản đối.
Sau khi Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam ra kết luật kỷ luật đối với Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, chiều ngày 10/7, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng.
Cả hai ông này bị khởi tố vì hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong thương vụ Mobifone mua AVG. Một điều lạ là người đứng đầu Mobifone bị bắt tạm giam, trong khi cấp phó của ông Trà là Cao Duy Hải lại chưa bị khởi tố.
Người Quan Sát
********************
Báo cáo về việc giải quyết 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ (RFA, 11/07/2018)
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ tại buổi làm việc với người đứng đầu Đảng cộng sản, Bộ Chính trị Việt Nam vào sáng 11/7/2018.
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - AFP
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Cán sự đảng Bộ công thương đã khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Báo cáo của ông Trần Tuấn Anh cho rằng trong số 6 nhà máy trước đây hoạt động thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy có lãi, đó là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số một – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung. 4 dự án còn lại đang dần ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất thì đến nay đã có một dự án vận hành sản xuất trở lại một phần, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).
12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương được nói đến từ cuối năm 2016, trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Theo lộ trình được Bộ công thương đưa ra, trình Quốc hội, thì đến năm 2018 sẽ hoàn thành việc xử lý các dự án thua lỗ này.
Trước đó vào tháng 4/2017, Bộ Công thương đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
Tháng 6/2017, văn phòng Trung ương Đảng ra văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.