Thủ tướng chủ trì họp ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu kinh tế (RFA, 11/07/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đã chủ trì phiên họp về xây dựng đặc khu kinh tế chiều 10 tháng 7 năm 2018, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường trực chính phủ hôm 9 tháng 7 năm 2018 (Ảnh minh họa). Courtesy chinhphu.vn
Theo trang tin Vietnamnews, nội dung phiên họp nhằm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cán bộ lão thành, các vị đại biểu quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân. Nhằm tiếp tục tìm kiếm các phương án phù hợp để xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) theo quy định của hiến pháp, các nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam, luật pháp có liên quan, trước khi trình Quốc hội.
Vào ngày 9 tháng 6 năm 2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, hơn 85% đại biểu quốc hội đã tán thành việc lùi thời gian thông qua dự án luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2018.
Quốc hội Việt Nam cũng đã thống nhất sửa đổi quy định về hạn mức thuê đất để sản xuất, kinh doanh trong dự thảo luật đặc khu, áp dụng các quy định của luật đất đai hiện hành và không cho phép thuê tối đa 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt.
Quốc hội cũng yêu cầu việc sửa đổi dự thảo luật phải đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, đồng thời bảo vệ an ninh và quốc phòng cho các đặc khu và quốc gia.
Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng ba vùng đặc quyền kinh tế - hành chính là Vân Đồn ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc ở phía nam tỉnh Kiên Giang.
Mặc dù Quốc hội Việt Nam đã tạm thời chưa thông qua luật đặc khu vào ngày 9 tháng 6. Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình ôn hòa phản đối dự luật đặc khu vẫn diễn ra nhiều nơi ở Việt Nam trong hai ngày 9 và 10 tháng 6, với quy mô rộng lớn nhất ở Việt Nam kể từ sau năm 1975. Những người tham gia biểu tình bày tỏ lo ngại các đặc khu như thế sẽ chỉ thu hút được nhà đầu tư Trung Quốc và với thời hạn 99 năm thì không khác gì nhượng địa.
Vào ngày 17 tháng 6, lực lượng công an, an ninh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng biện pháp bạo lực đối với bất cứ ai mà họ cho là sẽ tham gia biểu tình. Hằng trăm người bị đưa về nơi tập trung dã chiến ở Công Viên Tao Đàn. Một số sau khi được thả ra cho biết họ bị hành hung nặng nề.
*******************
Vụ biểu tình bạo động ở Bình Thuận "có động cơ chính trị" (RFA, 11/07/2018)
Vụ biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận vào ngày 10 và 11 tháng 6 không phải là vụ án gây rối trật tự đơn thuần mà là "có động cơ chính trị".
Các xe tại Văn phòng cơ quan công quyền tỉnh Bình Thuận bị đốt. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vnexpress.net
Đó là khẳng định của ông Hồ Trung Phước – trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết tại hội nghị giao ban báo chí tháng 7, ngày 7/11/2018.
Báo Tuổi Trẻ trong nước dẫn thêm lời ông Phước là các cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận đã tách thành 4 vụ án để tiến hành điều tra, tố tụng theo mức độ phức tạp khác nhau.
Cũng theo ông Phước, có 17 người trong số bị khởi tố chuẩn bị được đưa ra xét xử, nhưng ông không nói rõ cụ thể ngày nào. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc thêm như lời Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, Đại tá Đào Trọng Nghĩa, vào ngày 12 tháng 6, nói với Báo VnExpress Online rằng sẽ khởi tố vụ án và bị can sau khi sàng lọc, điều tra.
Tin dẫn lời ông Hồ Trung Phước rằng số đông những người bị bắt có học vấn thấp, chưa hết cấp 1, gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, có tiền án tiền sự, việc làm không ổn định… Khi bị bắt, họ ít nhận thức được việc làm mà họ gây ra.
Trước đây, Reuters từng loan tin dẫn nguồn từ Bộ Công an Việt Nam cho biết sẽ trừng phạt những người bị cho là "cực đoan" gây bạo loạn trong các cuộc biểu tình những ngày qua ở Bình Thuận.
Ngoài Bình Thuận, vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, nhiều nơi trên cả nước xảy ra cuộc biểu tình của người dân phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
*************
Việt Nam tụt hạng, xếp thứ 75 về tốc độ kết nối internet toàn cầu (RFA, 11/07/2018)
Cụ thể theo báo cáo, Việt Nam tut một hạng so với năm trước, đứng ở vị trí 75 thế giới. Trung Quốc rớt từ vị trí 134 xuống vị trí 141, chỉ cao hơn gầnn gấp đôi các nước kém phát triển nhất thế giới là Somalia, Syria có tốc độ tải thấp nhất thế giới.
Nguời dân sử dụng internet để tiếp cận thông tin trên mạng xã hội - AFP
Châu Âu, Mỹ và các trung tâm kinh tế phát triển mạnh tại Châu Á như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông đang dẫn đầu thế giới về tốc độ, mức ổn định băng thông rộng. Trong đó, Singapore đang là quốc gia có tốc độ internet cao nhất thế giới. Quốc đảo này nằm vị trí số một trong hai năm liên tiếp. Nhật Bản đứng thứ hai Châu Á, thứ 12 toàn cầu vùng lãnh thổ Đài Loan xếp vị trí số 3 khu vực, số 14 toàn cầu.
*********************
Khánh thành trường nổi trên hồ Tonle Sap dành cho học sinh gốc Việt (VOA, 10/07/2018)
Một ngôi trường nổi dành cho học sinh gốc Việt sống trên hồ Tonle Sap, Campuchia, vừa được khánh thành vào ngày 9/7.
Một trường học từ thiện cho trẻ em Việt trên Biển Hồ, Campuchia. (Ảnh Báo Lao động)
Theo TTXVN, ngôi trường được tài trợ bởi Ủy ban Nhà nước về vấn đề người Việt ở nước ngoài, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tin cho hay có 289 hộ gia đình người Việt sống ở làng Koh Keh, tỉnh Pursat, trên hồ Tonle Sap. Gần 100 học sinh trong làng, từ lớp một đến lớp ba, sẽ theo học chương trình của Việt Nam tại ngôi trường nổi này.
Đây được xem là một nền tảng giúp cho giới trẻ người Việt bảo tồn văn hóa quê hương và hòa nhập trong cộng đồng người Việt và người Khmer.
Trước đó vào tháng 3, một ngôi trường nổi khác dành cho học sinh Việt Nam cũng đã được xây dựng trên hồ Tonle Sap.
Tỉnh Pursat là nơi có số lượng người Việt đông nhất trong vùng tây bắc Campuchia, với khoảng 7.000 người và hầu hết là ngư dân.
Cuộc sống của người Việt trên hồ Tonle Sap vốn rất nghèo khó và bấp bênh.
Hồi tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Campuchia đã tiến hành một chiến dịch tước giấy tờ của những người nhập cư bị liệt vào dạng "bất hợp pháp", chủ yếu trong số này là người Việt, với hơn 70.000 người, bất chấp thực tế nhiều gia đình đã định cư tại đây qua nhiều thế hệ.
Cũng vì tình trạng bất hợp pháp này mà người Việt tại đây bị xem như những người "vô tổ quốc". Họ không có bằng lái xe, không thể mở tài khoản ngân hàng, không mua được nhà cửa hay đi làm tại công xưởng. Con cái họ thường thất học vì không được phép học ở các trường công lập. Nhiều người trở thành nạn nhân của tệ nạn hối lộ và sách nhiễu của đủ mọi loại công an : từ ngư nghiệp, môi trường đến cảnh sát biển, theo New York Times.