Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/07/2018

Có thực đất nước lâm nguy ?

RFA tiếng Việt

‘Đất nước lâm nguy’ : cảnh báo nêu ra với chủ tịch nước (RFA, 20/07/2018)

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tiếp tục lên tiếng về hiện tình đất nước thông qua bức thư gửi đến Chủ Tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang.

dat1

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh. Screenshot from Youtube

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do, có cuộc phỏng vấn trực tiếp với Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh về việc này.

Nguyễn Tuấn : Thưa Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, vào ngày 14 tháng 7 vừa qua, Giám mục có bức thư gửi cho chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang với cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’. Giám mục nêu lên những thực tế để chứng minh cho những cảnh báo đó. Vậy Giám mục ghi nhận những thực tế đó từ đâu?

Hoàng Đức Oanh : Thưa ông, vấn đề là như thế này ở trong nước cũng như ở ngoài nước, khắp mọi nơi người ta nói đất nước lâm nguy và trong đất nước ông đã thấy cái bản đồ mà tôi đã dẫn chứng và thực tế cái bản đồ đó đã chứng minh khắp các tỉnh thành đều có các đặc khu, những người tàu đã thuê như Formosa, như Bauxite Tây Nguyên…

Các tỉnh nào cũng có bây giờ thêm ba đặc khu với ba điểm chiến lược như thế và thiên hạ đã thấy tàu đỏ đã chiếm Biển đông cũng như là chiếm Hoàng Sa, Trường Sa vậy, thì đã rõ ràng. Hiện nay trên thế giới cũng đã lên tiếng và chính người tàu đỏ đã xác định nhiều lần trên đài, trên báo chí về chuyện vào năm 1958, ông Phạm Văn Đồng thủ tướng nước Cộng Sản miền Bắc đã ký hiệp ước trao Hoàng Sa, Trường Sa cho Tàu đỏ. Cũng như năm 1974 khi Tàu chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa thì chính quyền miền Bắc không hề phản đối, rồi năm 1990 ông Nguyễn Văn Linh đã ký hiệp mật ước Thành Đô và người Tàu Cộng Sản đã công khai xác định rõ. Trong khi đó, những vấn đề lớn như vậy mà bên chính quyền Cộng Sản Việt Nam không hề cải chính không hề nói năng gì trong khi dân chúng hoang mang và thế giới hoang mang lại càng xác tín hơn nữa.

Nguyễn Tuấn : Đây là bức thư thứ hai mà Đức giám mục gửi đến cho lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Trên thực tế cho thấy lâu nay giới nhân sĩ- trí thức Việt Nam có những kiến nghị, tâm thư gửi đến các cấp cao nhất ở Việt Nam rồi; nhưng không hề được phản hồi. Ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng có những thư gửi cho lãnh đạo trong nước và dường như cũng bị rơi vào quên lãng. Vậy tại sao Giám mục vẫn làm việc này ?

Hoàng Đức Oanh : Thứ nhất là tôi ý thức được là quyền công dân của tôi với ý thức đầy đủ yêu nước tôi phải lên tiếng khi đất nước lâm nguy. Thứ hai tôi lên tiếng vì hy vọng rằng mặc dù ông Chủ tịch không trả lời nhưng tôi hy vọng rằng qua tiếng nói đó thì dân chúng cũng như là cán bộ sẽ đọc và tới tai ông. Đồng thời qua đó thì tôi nghĩ rằng lay tỉnh được rất nhiều người đảng viên cộng sản cũng như dân chúng để mọi người thấy đất nước lâm nguy, thấy trách nhiệm của mình và có gợi ý cho mọi người có thể phản ứng thích hợp cho hiện tình đất nước.

Nguyễn Tuấn : Dạ vâng, trong lá thư gửi ông Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Giám mục có nêu ra kỳ vọng đất nước Việt Nam đang cần một nhân vật tầm cỡ như Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Độ hay Mikhail Gorbachev của Nga… Vậy kỳ vọng như thế có là điều không tưởng vì một nhân cách quá lớn có những quyết định sáng suốt cho dân, cho nước như thế phải có bề dày về giáo dục, tu dưỡng hay không thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi nghĩ rằng ở đời có hai điều, thứ nhất là anh hùng tạo thời thế và thứ hai thời thế tạo anh hùng. Tôi nghĩ rằng cả hai trường hợp có thể có những nhân vật mà thời thế có thể tạo nên những con người vĩ nhân có thể đóng góp giải quyết những vấn đề của đất nước này.

Nguyễn Tuấn : Ngoài đề nghị người cầm đầu đất nước bẻ lái, Giám mục còn có hiến kế gì khác cho những vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo. Họ là những người có tiếng nói đối với tín hữu cùng chung niềm tin hay không, thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo các tôn giáo có nhiệm vụ lên tiếng thích hợp cho tình hình đất nước này và các vị đó đều có ý thức và cách của các vị nhưng mà hiện nay tôi nghĩ rằng lời Giám Mục Desmond Tutu của Zimbabwe đã nói trong cái trường hợp mà áp bức như thế này. Một bên là áp bức một bên là bị áp bức thì tất cả những người mà im hơi lặng tiếng mà không lên tiếng thì vùi chung đứng về phía áp bức dân nghèo. Đó là lập trường mà tôi đồng ý với Tổng Giám mục Zimbabwe.

Nguyễn Tuấn : Giám mục có được sự chia sẻ nào của những người thân quen khi gióng lên hồi chuông cảnh báo ‘Đất nước lâm nguy’ như trong thư gửi chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hay không, thưa Giám mục ?

Hoàng Đức Oanh : Tôi đã nhận được rất nhiều điện thoại, cũng như tin nhắn và đọc trên các bài bình luận của các chuyên gia. Mọi người chia sẻ khi đọc bức thư của tôi thì tuyệt đa số là khích lệ tôi và đồng ý với tôi là nhận xét rằng tôi nói rất đúng và hoàn toàn có cơ sở.

Nguyễn Tuấn : Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do cùng Nguyễn Tuấn xin cảm tạ Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Hoàng Đức Oanh : Cảm ơn ông, cảm ơn quý đài xin cầu chúc mọi người ý thức và cầu nguyện ơn trên cho đất nước Việt Nam chúng ta. Cảm ơn quý vị.

Nguyễn Tuấn

**********************

Hà Nội xét xử kín vụ án làm lộ bí mật nhà nước liên quan đến Vũ “nhôm” (RFA, 20/07/2018)

Mạng báo Zing hôm 20/7 trích một nguồn tin từ Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến xét xử vụ án làm lộ bí mật Nhà nước liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” và hai đồng phạm khác vào ngày 30 tháng 7 và phiên tòa sẽ được xét xử kín.

dat2

Ông Phan Văn Anh Vũ tức Vũ "nhôm", người mặc áo trắng đứng giữa. AFP

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định khi tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Ông Phan Văn Anh Vũ, năm nay 42 tuổi thường được gọi là Vũ “Nhôm”, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, đồng thời là một sĩ quan công an. Ông này bị phía Singapore trục xuất về Việt Nam vào ngày 4 tháng 1 năm 2018 với lý do nhập cảnh bất hợp pháp vào tiểu quốc này. Trước đó ông Phan Văn Anh Vũ đã bị phía Việt Nam khởi tố về tội ‘cố ý làm lộ bí mật quốc gia’. Sau đó, ông này bị khởi tố thêm các tội khác bao gồm trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.

Ông Vũ vốn là một nhà kinh doanh nhôm kính tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó ông được nhiều người biết đến là một nhà kinh doanh địa ốc và là chủ của nhiều lô đất vàng tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Cũng liên quan đến vụ án làm lộ bí mật nhà nước của ông Vũ còn có hai người là ông Phan Hữu Tuấn, 63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục tình báo Bộ Công an và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, 55 tuổi.

*******************

Quan chức móc ngoặc doanh nghiệp để trục lợi (RFA, 19/07/2018)

Tình trạng quan chức móc nối với các doanh nghiệp chiếm lĩnh những dự án béo bở rồi chia nhau lợi nhuận tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.

dat3

Ảnh chụp màn hình một bài báo trên Dân Trí. Photo: RFA

Dư luận gần đây truyền nhau về một quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công an tỉnh đi sang Đức học tập công nghệ 4.0 để về xây dựng khu dân cư ven biển. Hai điểm liên quan vụ việc này kiến dư luận xôn xao: thứ  nhất là kinh phí chuyến đi hoàn toàn do Công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải đài thọ; thứ hai ông Nguyễn Văn Thân sẽ nghỉ hưu vào tháng 8 tới đây. Tức là chỉ tầm nửa tháng sau chuyến đi Đức. Dư luận đặt ra câu hỏi vậy ông Thân đi học công nghệ về có kịp áp dụng không? Mặc dù sau đó tỉnh Bình Thuận đã lên tiếng, không cho ông Thân đi nữa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là cách đối phó mà thôi.

Cũng trong cùng khoảng thời gian này, lại một thông tin xôn xao trên các mặt báo về việc nhiều lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Giang đi du lịch Châu Âu nhiều ngày bằng tiền của một doanh nghiệp xây dựng lớn ở địa phương, đó là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn. Chính công ty này đã thừa nhận chu cấp tiền cho nhóm cán bộ tỉnh đi du lịch, và nói rằng doanh nghiệp có “tình cảm riêng với cán bộ sau một năm làm việc vất vả”. Trong số này, có cả Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang. Đây đều là những lĩnh vực then chốt trong ngành xây dựng.

Một chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn nói với RFA với điều kiện giấu danh tính:

Nếu các doanh nghiệp mà muốn có thể được trốn thuế, được ưu ái về vấn đề làm ăn thì phải có một chút giống như lại quả, hay một chút đãi cán bộ như đưa họ đi nước ngoài du lịch. Hình thức này gần như rửa tiền.

Bản thân anh là một chủ doanh nghiệp, cũng giống như bất cứ doanh nghiệp nào, vẫn phải quan tâm đến cán bộ. Nếu không quan tâm các cán bộ sẽ cử người xuống kiểm tra, sẽ làm khó dễ rất nhiều điều. Cho nên bắt buộc phải quan tâm, những doanh nghiệp lớn thì quan tâm sếp lớn, doanh nghiệp nhỏ thì quan tâm sếp nhỏ. Còn nếu các doanh nghiệp trực thuộc trung ương thì lại phải quan tâm các sếp trung ương.

Tình trạng này thường được những người liên quan dùng cụm từ ‘phải biết điều’ để mô tả. Nếu doanh nghiệp bị cho ‘không biết điều’ thì sẽ bị gây khó dễ như trình bày của chủ doanh nghiệp này:

Các doanh nghiệp không quan tâm đến chính quyền địa phương thì một năm có thể bị kiểm tra mười mấy lần. Họ nói là để đảm bảo an toàn về sản xuất, về đời sống công nhân nhưng thực sự đến để vòi tiền thôi. Ví dụ một khách hàng muốn đặt hàng ở doanh nghiệp đó mà thấy họ bị thanh tra nhà nước vào kiểm tra hoài, chắc chắn người ta không muốn đặt hàng ở những doanh nghiệp như vậy.

Rất nhiều vụ án cho thấy sự móc nối giữa cán bộ và doanh nghiệp tạo thành một nhóm lợi ích tham nhũng. Cụ thể gần đây như vụ một số lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng nhân vật Phan Văn Anh Vũ hay Vũ “Nhôm” thao túng thị trường bất động sản tại thành phố biển này, Thượng tá Đinh Ngọc Hệ thuộc Bộ Quốc phòng liên kết với các chủ đầu tư nhiều dự án BOT hàng ngàn tỷ đồng, vụ sân golf Tân Sơn Nhất khét tiếng được nói đằng sau có sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Công ty Him Lam, hay vụ Mobifone mua cổ phần AVG cũng được cho là sự cấu kết giữa một mạng lưới quan chức nhiều bộ ngành với doanh nghiệp.

Trong một buổi tiếp xúc cử tri năm ngoái, cử tri Đà Nẵng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục kiểm tra, giám sát, đừng để quan chức móc nối đại ca, đại gia làm lũng đoạn kinh tế; đừng để vài ba người hưởng lợi trên thành quả lao động của hàng vạn, hàng triệu người dân.

Chúng tôi cũng nêu vấn đề này với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ông cho biết quan điểm:

“Từ trước đến giờ đã xảy ra nhiều trường hợp móc nối như vậy. Có những trường hợp móc nối là vì vấn đề quyền lợi, và cũng có liên quan đến tham nhũng nhưng không phải tất cả móc nối giữa những dự án và cán bộ đều là những sai phạm, bởi vì có những dự án nhất là dự án lớn thì chủ đầu tư phải liên kết với một số quan chức địa phương để tạo điều kiện xin những giấy phép cần thiết. Cho nên không phải móc nối nào cũng là tiêu cực.

Tuy nhiên ở trong những móc nối đó có những tiêu cực liên quan đến tham nhũng. Đây không phải là chuyện mới mà đã từ lâu xảy ra trong nền kinh tế VN và hiện tại Chính phủ cũng đang quan tâm đến vấn đề bài trừ tham nhũng”.

Quay lại trang chủ
Read 1202 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)