Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/08/2018

Hậu quả của vụ bắt cóc người của chính quyền Việt Nam ở Châu Âu

Tổng hợp

Châu Âu yêu cầu Việt Nam ký các công ước về người lao động trước FTA (RFA, 02/08/2018)

Việc ký các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là cần thiết trước khi Châu Âu phê duyệt Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam. Đó là thông điệp được ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Quốc hội Châu Âu nói với Vietnam News nhân chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 7 vừa qua.

sec1

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (phải) bắt tay với ông Frank Jessen, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam nhân lễ công bố kết thúc đàm phán hiệp định tự do thương mại ở Hà Nội hôm 4/8/2015. AFP

Ông Bernd Lange nói rằng dù việc phê chuẩn ngay lập tức các công ước của ILO là không cần thiết nhưng việc ký các công ước này cho thấy cam kết tôn trọng các quyền căn bản trong công ước và vạch ra lộ trình đi đến phê chuẩn và thực thi công ước.

Có tất cả 8 công ước chính của ILO mà Việt Nam phải phê chuẩn trong điều kiện đạt được FTA với EU. Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước và vẫn còn đang xem xét 3 công ước còn lại. Các công ước còn lại bao gồm công ước về tự do liên kết, công ước về quyền thương lượng tập thể và công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Trong ba công ước này, công ước về tự do liên kết là cơ sở pháp lý của nghiệp đoàn độc lập.

Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán FTA từ cuối năm 2015. Tuy nhiên hiệp định này vẫn cần phải được quốc hội Châu Âu thông qua trước khi có hiệu lực.

Trong cuộc phỏng vấn với Vietnam News, Nghị sĩ Bernd Lange nói Quốc hội Châu Âu đang nỗ lực để thúc đẩy việc ký chính thức và phê chuẩn hiệp định này, dự kiến là vào cuối 2018.

Nghị sĩ Bernd Lange cho biết văn bản của hiệp định đã được dịch sang 24 thứ tiếng để chuyển cho 28 nước thành viên EU xem xét để phê chuẩn. Ông hy vọng hiệp định có thể được ký kết vào tháng 10 năm nay nhân dịp thượng đỉnh Á Âu ASEM 12. Sau đó quốc hội Châu Âu sẽ bắt đầu thảo luận về quá trình phê duyệt. Đại diện Quốc hội Châu Âu nói ông trông đợi hai bên có thể chính thức ký hiệp định chậm nhất vào tháng 3/2019 trong nhiệm kỳ hiện tại của quốc hội Châu Âu trước khi Quốc hội Châu Âu bắt đầu bỏ phiếu cho nhiệm kỳ mới vào tháng 5/2019.

*************************

Việt Nam muốn phối hợp với Czech về cấp visa cho lao động Việt (RFA, 02/08/2018)

Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Cộng hòa Czech để giải quyết các vướng mắc trong vấn đề cấp thị thực dài hạn cho người Việt ở quốc gia Đông Âu này.

sec2

Ảnh minh họa : Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng tại một buổi họp báo ở Hà Nội, ngày 03/08/17. AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng cho biết như vừa nêu, trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 2 tháng 8, khi trả lời câu hỏi liên quan thông báo của Đại sứ quán Czech tại Việt Nam, vào ngày 20 tháng 7, là tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực dài hạn đối với đương đơn Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho người Việt theo mục đích lao động và kinh doanh bắt đầu từ ngày 18 tháng 7. Đại diện của Chính phủ Czech lên tiếng giải thích rằng Đại sứ quán của Czech tại Việt Nam bị quá tải về số lượng đơn, đồng thời Czech cũng có lo ngại về những nguy cơ khác.

Trước đó, hồi hạ tuần tháng 6, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Czech nói rằng “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu” và nhấn mạnh visa cho sinh viên Việt Nam vào Czech là công cụ để đưa tội phạm vào nước này.

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 2 tháng 8, bà Lê Thu Hằng nhấn mạnh rằng thông qua trao đổi giải quyết vấn đề cấp thị thực cho người Việt giữa Czech và Việt Nam, Chính phủ Hà Nội mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trên nhiều lãnh vực trong thời gian tới.

Hiện, cộng đồng người Việt được xếp hạng là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Cộng hòa Czech.

Quay lại trang chủ
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)