Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/08/2018

Chết trong đồn công an, Luật Bảo tồn di sản

RFA tiếng Việt

Bị công an đánh chết vì xuống đường chống nhượng địa ? (CaliToday, 03/08/2018)

Anh Hứa Hoàng Anh (sinh năm 1984) đã bất ngờ tử vong sau khi bị công an buộc lên đồn để làm việc. Theo các nguồn tin trên Internet, anh Hoàng Anh là người rất tích cực xuống đường để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam nhượng địa cho Trung Quốc 99 năm bằng việc cho thuê đất tại 3 vùng đặc khu : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

chet1

Anh Hứa Hoàng Anh, người bị nghi ngờ do công an đánh chết vì dám phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam nhượng địa. Ảnh : Internet

Từ tối ngày 2/8, trên một số trang Facebook cho loan tin cho biết, anh Hứa Hoàng Anh sau khi bị mời lên trụ sở công an huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã bất ngờ tử vong. Các nguồn tin còn cho biết, cái chết đã đến với anh Hoàng Anh vào trưa cùng ngày. Được biết, buổi làm việc với công an huyện Châu Thành liên quan đến các vấn đề chính trị mà anh đăng tải trên trang Facebook của mình. Đặc biệt là lần anh lên Sài Gòn, để hòa cùng dòng người xuống đường biểu tình phản đối Luật đặc khu vào ngày 10/6.

Trên trang Facebook Trần Martini, người theo dõi và liên tục đăng tải các tin tức liên quan đến cái chết của anh Hứa Hoàng Anh cho biết, sau khi làm việc với công an, trên đầu và cổ anh có rất nhiều thương tích. Phía công an huyện Châu Thành khẳng định, anh Hứa Hoàng Anh chết là do tự tử.

chet2

Anh Hứa Hoàng Anh sau khi bị mời lên trụ sở công an huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) đã bất ngờ tử vong.

Hiện nay, đám tang của anh Hoàng Anh đang được diễn ra tại nhà mẹ ruột. Chúng tôi đã cố liên lạc với chị Hằng- vợ của anh Hoàng Anh nhưng không được.

Việc công an ra tay trả thù, đánh đập người biểu tình không phải là điều quá lạ lẫm, mà nó thường xuyên diễn ra sau ngày 10/6. Cho đến nay, có đến hàng trăm người tố cáo công an đánh đập, bức cung và yêu cầu phải cho đọc tất cả các tin nhắn trong điện thoại. Đặc biệt, tại Sài Gòn, vào ngày 17/6, có khoảng trên 200 người đã bị công an, mật vụ bắt cóc. Tất cả những người bị công an bắt cóc đều tố cáo họ bị đánh đập hoặc chứng kiến cảnh công an tra tấn những người xuống đường biểu tình.

Sau đợt tổng biểu tình ngày 10/6, chính quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra lo lắng trước việc người dân phản đối Luật đặc khu mà họ muốn Quốc hội thông qua. Đây là lần đầu tiên người dân phản ứng mạnh mẽ, can dự vào công việc của chính quyền. Trước đây, các cuộc biểu tình thường là phản đối Trung Cộng, phản đối xả thải, bảo vệ môi trường. Cuộc biểu tình 10/6 là một bước ngoặt, khi khắp cả nước đều xuống đường để phản đối chính quyền cộng sản Việt Nam. Tại Bình Thuận, cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn với hàng ngàn người tham gia. Người biểu tình chiếm công sở, phóng hỏa luôn các trụ sở hành chính, bất chấp gặp phải sự kháng cự của lực lượng Cảnh sát cơ động. Trong khi đó, tại Phan rí Cửa, người biểu tình chiếm đường Quốc lộ làm cho con đường huyết mạch bị tê liệt trong thời gian dài.

Chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất muốn Luật đặc khu được Quốc hội thông qua, vì đây là phương cách mà họ nhượng địa cho Trung Quốc, đổi lại có tiền để duy trì chế độ cai trị. 

Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều là những cơ quan của đảng cộng sản Việt Nam. Việc thông qua luật đặc khu là điều sẽ sớm thông qua. Vì như và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nói, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã quyết, vấn đề là phải làm sao cho ra luật. Nói như vậy đã cho thấy, Quốc hội được lập ra chỉ là bù nhìn, phần quyết định đã thuộc về những nhân vật đầu não trong Bộ Chính trị, mà người đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.

Theo những nguồn tin mà chúng tôi được biết, tháng 10 này kỳ họp Quốc hội sẽ được mở ra. Đó là thời điểm mà Luật đặc khu cho phép chính quyền cộng sản Việt Nam thoải mái nhượng địa được chấp thuận. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian từ đó cho đến tháng 10, lực lượng công an khắp cả nước phải khẩn trương bắt giam, đe dọa những người có ý định phản đối Luật đặc khu.

Từ sau lần tổng biểu tình trên khắp cả nước, bầu không khí khủng bố tràn ngập cả Việt Nam. Tại Sài Gòn có đến hàng chục người bị bắt, trong đó có một nhóm người bị bỏ tù với cáo buộc khủng bố, quăng bom đồn công an vì phản đối việc công an đánh đập người biểu tình. Tại Bình Thuận hàng chục người bị đưa ra tòa xét xử với các bản án khác nhau, trong đó có : Gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản nhà nước. Mới đây, tại Đồng Nai cũng đã mang 20 người ra xét xử, trong đó đa phần là những người Công giáo.

Rất có thể, cái chết của anh Hứa Hoàng Anh cũng không nằm ngoài mục đích răn đe, dọa nạt những người có ý tưởng phản đối Luật đặc khu, ngăn chặn cộng sản Việt Nam bán nước cho Trung Quốc.

Người Quan Sát

***************

Việt Nam cần sửa đổi Luật Bảo tồn Di sản (RFA, 01/08/2018)

Vấn đề bảo tồn di sản trong tiến trình phát triển kinh tế là bài toán mà những nhà quản trị đất nước, xã hội luôn phải suy tính để đạt được sự hài hòa giữa hai lĩnh vực.

chet3

Dinh Thượng Thơ 130 tuổi ở Sài Gòn, nay là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh. RFA

Tại Việt Nam, một trong những cản trở cho công tác bảo tồn là luật phát chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bảo tồn Dinh Thượng Thơ

Vào ngày 2 tháng 5, trong cuộc họp báo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết Dinh Thượng Thơ 130 tuổi có thể bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở ủy ban thành phố.

Lý do được ông Nguyễn Thanh Nhã nói với truyền thông trong nước là công trình không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa – Thể thao nên thành phố quyết định không bảo tồn.

Nhận xét về lời phát biểu này của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cảm thấy khó hiểu vì theo ông :

"Trong quy hoạch có quy hoạch bảo tồn, có phần việc như thế chứ không phải nằm trong quy hoạch là xóa sổ xây lại".

Có thể nói trước làn sóng phản đối việc đập bỏ Dinh Thượng Thơ, vào ngày 31 tháng 7, phía Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiến nghị bổ sung công trình này vào danh mục bảo tồn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Thạc sỹ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington – Hoa Kỳ, một trong những người tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong đề xuất gửi Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ, cho chúng tôi biết ông đánh giá rất cao về việc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã lắng nghe và ủng hộ đề xuất bảo tồn Dinh Thượng Thơ 130 tuổi.

Luật Bảo tồn di sản

Trước đó, vào sáng ngày 27 tháng 7, trong hội nghị về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững", ông Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, có lặp lại một ý kiến từng được nói đến lâu nay một cách mạnh mẽ rằng : "Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ".

Ngoài ra, ông Phúc còn yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch soạn thảo và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì phát triển bền vững.

chet4

Thương xá Tax, biểu tượng của Sài Gòn trước khi bị phá bỏ. AP

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn giải thích rõ hơn về Luật bảo tồn tại Việt Nam hiện nay :

"Trong luật Bảo tồn di sản không chỉ giới hạn trong bảo tồn di tích, mà có 4 loại bảo tồn :

Bảo tồn di tích : những công trình mang dấu ấn đặc biệt về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, mà giữ nguyên trạng.

Bảo tồn cải tạo, mở rộng : bảo tồn một phần, có thể là mặt tiền, nội thất, hoặc một số chi tiết quan trọng. Còn những phần còn lại cho phép cải tạo, nâng cấp hoặc phát triển kết nối với nó.

Phục hồi di sản : những công trình mà giá trị có thể bị hư hại hay qua nhiều năm bị chồng lớp nhiều thế hệ phát triển lên và mình phục hồi lại một thời điểm nào đó.

Tái thiết di sản : như công trình Chùa Một Cột, mình từng bị Pháp đặt mìn phá hủy sau đó mình xây lại, tái thiết nhưng xây lại y như cũ".

Thực tiễn

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nêu rõ quan điểm của bản thân về công tác bảo tồn những di sản tạo nên bản sắc cũng như đáp ứng nhu cầu của địa phương :

"Tôi nghĩ việc bảo tồn di sản rất tốt. Chúng ta có thể phục hồi nhiều thứ nhưng không thể phục hồi di sản. Di sản là bản sắc của chúng ta, đừng nghĩ là nó cổ, cũ. Cho nên bây giờ được bảo tồn tôi thấy rất hoan nghênh. Cũng như một số công trình tôn giáo phía bên Thủ Thiêm, hàng trăm tuổi rồi cũng đáng bảo tồn".

Những công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm mà ông Phạm Sĩ Liêm vừa đề cập đến là Nhà Thờ Thủ Thiêm và Nhà Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời hơn 150 năm. Hai công trình có lịch sử hơn nửa thế kỷ rưỡi đó đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi thành phố cho triển khai dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là dự án đầy tai tiếng trong giải tỏa, đền bù cho người dân mà vừa qua nhiều sai trái bị phát hiện.

Trong thực tế, nhiều công trình lâu đời gắn liền với lịch sử Sài Gòn hiện đã không còn do quá trình "Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước", điển hình như xưởng đóng tàu Ba Son hay Thương xá Tax. Giải thích về vấn đề này, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng :

"Riêng đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, mâu thuẫn giữa chuyện bảo tồn và phát triển rất lớn bởi vì thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất nước, thì áp lực các nhà đầu tư phá bỏ các nhà di sản xây nhà cao tầng để được lợi ích cao hơn. Việc này rất cần sự tham gia quản lý của cấp chính quyền".

Cụ thể, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải thay đổi Luật di sản. Ngoài ra, việc đưa các công trình vào danh sách Bảo tồn di sản chính thức cần một số phụ lục, thông tư hướng dẫn kèm theo. Đặc biệt những công trình di sản cải tạo và phát triển theo hướng dẫn, thì việc lập nên hướng dẫn này rất cần sự tham gia của chuyên gia. Tuy nhiên, hiện nay chuyên gia về bảo tồn ở Việt Nam rất thiếu và ông nghĩ cần thêm sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.

Kiến trúc sư Nam Sơn nói rõ có nhiều chuyên gia nước ngoài mà ông từng tiếp xúc và học hỏi cũng rất quan tâm về văn hóa Việt Nam, nên việc mời các chuyên gia này đến Việt Nam sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá các công trình để đưa vào danh sách bảo tồn.

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)