Lò của ông Trọng sớm tắt ngấm ? (RFA, 03/08/2018)
Ngành "lá chắn chế độ" cũng bị trảm
Cuối tháng 7 vừa qua, một loạt cán bộ cao cấp của ngành công an và quân đội bị đề nghị kỷ luật vì những vi phạm bị cho là rất nghiêm trọng. Trong số này nổi bật có hai nhân vật là nguyên Thứ trưởng và đương kim Thứ trưởng bộ Công An. Đó ông Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an bị cáo buộc có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân cũng bị xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành (trái) và nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân. Courtesy of Soha.vn
Ngoài ra còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bị cho là đã trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế không đúng quy định.
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên bí thư đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, được nói mắc sai phạm trong việc duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội. Bên cạnh đó còn có hàng loạt quan chức thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV) và Ban thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không.
Ngay sau khi loạt cán bộ này bị đề nghị kỷ luật, hai nhân vật được cho từng ‘khét tiếng’ là ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) bên quân đội, và ông Vũ "nhôm" bên công an cũng bị xét xử với những mức án được nói là rất nghiêm túc. Út trọc chịu án 12 năm tù, còn Vũ "nhôm" lĩnh 9 năm tù giam.
Nhà báo độc lập– nhà bình luận chính trị Phạm Chí Dũng nhận định về chiến dịch chống tham nhũng trong hai ngành công an và quân đội của Việt Nam :
Thực ra chiến dịch chống tham nhũng này đã bắt đầu vào ngành công an khoảng tháng 8 năm 2017. Khi đó có những cuộc điều tra với tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa của Cục phòng Chống tội phạm công nghệ cao. Và đến đầu năm 2018 khi bắt Vũ Nhôm là lúc đó đã chính thức lan sang ngành công an. Còn đối với quân đội vào khoảng tháng 5 năm 2018 tức khoảng 4 tháng sau ngành công an, là chính thức lan sang ngành quân đội, lúc đó là tướng Phương Minh Hòa và sau đó là một số tướng khác trong đó có Út trọc.
Nhưng về mức độ thì bên quận đội nhẹ nhàng hơn bên công an. Cho tới nay việc giáng chức, giáng quân hàm cũng như cách mọi chức vụ trong quân đội chưa xảy ra nhưng đã xảy ra ở bên công an. Ví dụ như tướng Bùi Văn Thành, thứ trưởng bộ Công an là cấp cao nhất tới giờ bị xử lý kỷ luật.
Trong một buổi gặp gỡ với cử tri Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận bên công an, quân đội nhiều lần xin xử lý tham nhũng nội bộ để không làm mất uy tín hai cơ quan này. Nhưng ông Trọng từ chối, nói rằng công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương.
Hay vẫn chỉ là đấu đá ?
Nhà báo Nguyễn An Dân lại cho rằng các phe cánh trong Đảng tiếp tục đấu đá nhau, trong đó có những phe thuộc ngành công an, quân đội :
Thực ra trong Đảng ai cũng tham nhũng, đó là ông Trương Tấn Sang nói chứ không phải mình nói. Thành ra vấn đề bắt ai cũng có thể nói là chống tham nhũng. Nhưng tôi nghĩ vấn đề còn lại là những người đang bị bắt và đang bị xử lý như ông Vũ Nhôm hay Đinh Ngọc Hệ người ta đồn có đàn em, vây cánh của lãnh đạo này, lãnh đạo kia trong Đảng. Nó có sự trùng hợp như vậy, thành ra không chỉ tôi mà nhiều người nói rằng nó không chỉ là chống tham nhũng mà còn là vấn đề phe cánh.
Một minh chứng cho thấy sự đấu đá phe cánh mà nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra đó là các vụ án lớn như Formosa hay Thủ Thiêm không bị xử lý :
Có những người sai phạm rất nhiều nhưng chưa thấy bị xử lý, ví dụ như ông nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chẳng hạn, thì dư luận phải đặt câu hỏi sao không xử lý ông này. Rồi có những thứ trưởng này, thứ trưởng kia trong các ngành khác có sai phạm nhưng không xử lý.
Ông Vũ Huy Hoàng là nguyên Bộ trưởng Công thương bị đưa ra kỷ luật vì các sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong quá trình làm việc tại Bộ Công thương thời gian từ năm 2011 đến năm 2016. Theo đó ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016. Đây được nói là vụ việc gây đau đầu cho cơ quan pháp luật Việt Nam vì trước đây chưa từng có quy định của pháp luật hay tiền lệ việc xử lý kỷ luật một cán bộ cấp cao của Đảng khi đã về hưu. Mặc dù hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của ông Hoàng đã bị phanh phui nhưng đến giờ ông này vẫn "ung dung tại ngoại".
Một vị quan chức cao cấp khác mắc nhiều sai phạm trong vụ án Mobifone thuộc Bộ Thông tin- Truyền Thông nâng khống giá mua Công ty Truyền Hình An Viên AVG, gây thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước là ông Trương Minh Tuấn. Tuy nhiên biện pháp kỷ luật đối với ông ngày bị cho là "nhẹ". Ông này bị ngưng chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, và chuyển sang làm Phó chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương.
Lò đang nguội
Từ vụ việc ông Trương Minh Tuấn, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng chiến dịch "lò nóng, củi tươi" của ông Trọng đang có dấu hiệu đi xuống :
Việc xử Trương Minh Tuấn một cách nhẹ nhàng như vậy đã làm cho chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng về mặt thực chất chỉ đốt củi rừng chứ không đốt củi nhà, và chỉ chống tham nhũng một bên. Và có lẽ trong tương lai gần chiến dịch này sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Đây cũng là quan điểm của nhà báo Nguyễn An Dân. Ông cho rằng trong tương lai sớm, "lò" của ông Trọng sẽ ngấm tắt :
Tôi nghĩ cuộc chiến này sẽ sớm dừng lại bởi vì bản chất không phải là cuộc chiến chống tham nhũng mà nó có mục tiêu chính trị. Khi mục tiêu chính trị đạt được rồi thì người ta sẽ dừng lại.
Chúng tôi ghi nhận nhiều nhà quan sát chính trị cũng nói rằng công cuộc chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đang ngày càng hạ nhiệt và để lộ ra bản chất các phe cánh diệt trừ lẫn nhau.
******************
‘Nút thắt’ quyền người lao động trong hiệp định thương mại Việt Nam-EU (VOA, 03/08/2018)
Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi Việt Nam phê chuẩn những công ước lao động cốt lõi còn lại để hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu, mà Việt Nam mong đợi từ lâu, được thông qua.
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã đàm phán một hiệp định thương mại tự do trong hơn 5 năm qua. Có ba công ước cốt lõi để đảm bảo quyền của người lao động chưa được Việt Nam thông qua trong hiệp định này.
Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhưng vẫn chưa phê chuẩn 3 công ước về chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết, vốn là những thành tố quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), theo một thông báo trên trang web của ILO đăng tải hôm 30/7.
Nghị viện Châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu
Dự kiến, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số luật như Lao động, Công đoàn... Những luật này từng dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khi TPP còn được hy vọng ký kết trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, muốn tham gia hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, một mục tiêu mà Hà nội đã nhắm tới và bắt đầu đàm phán từ hơn 5 năm nay, Việt Nam sẽ phải sớm thông qua ba công ước còn lại, và lồng ghép chúng vào hệ thống luật quốc gia,.
EVFTA là một "hiệp định dựa trên luật lệ", nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu được báo SGGP ở Thành phố Hồ Chí Minh trích lời nói với báo chí hôm 27/7.
Theo ông Lange, Nghị viện Châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.