Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/08/2018

Những hệ lụy khi làm ăn với người Trung Quốc : nợ công gia tăng, nghiện ngập

Tổng hợp

Vì sao nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh ? (RFA, 13/08/2018)

Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở khoảng 109 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 20 tỷ đô la so với năm 2015.

muaban1

Năm 2017, công ty Vietnam Beverage đã vay 5 tỷ đô la để mua cổ phần của công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)- AFP

Chuyên mục Kinh tế của tờ VietnamNet ngày thứ Hai 13 tháng 8 công bố kết quả trên dựa theo tỷ giá hối đoái chính thức 22.425 VND/1 USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra vào ngày cuối cùng của năm ngoái.

Theo VietnamNet, bản tin Nợ công số 5 ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2017 cho thấy tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam vào cuối năm 2015 là 80,84 tỷ đô la, trong khi đó con số này là 71 tỷ đô la trong năm 2014. Điều này có nghĩa là nợ nước ngoài tăng 10 tỷ đô la mỗi năm. Trong khi đó, trong giai đoạn 2016-2017, mức tăng trung bình là 15 tỷ USD một năm.

Vào những năm trước, mối lo ngại về rủi ro do biến động tỷ giá hối đoái không tồn tại, vì tỷ giá đồng đôla Mỹ trên thị trường Việt Nam ổ định.

Khi giá trị tiền Việt đang mất giá so với đô la Mỹ, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng ngày càng tăng. Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số tiền ngân sách nhà nước phải trả bổ sung cho gốc và lãi trong năm nay có thể là hàng nghìn tỷ đồng do biến động tỷ giá hối đoái.

Bộ Tài chính (MOF) không công bố số liệu về các khoản vay nước ngoài được cung cấp cho các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đây là con số quan trọng trong tổng nợ quốc gia.

Theo kế hoạch năm 2018, giới hạn vay nước ngoài đối với các doanh nghiệp và tổ chức là 5 tỷ đô la và các khoản vay ngắn hạn chưa trả của doanh nghiệp không được vượt quá các khoản vay chưa thanh toán trước ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Năm 2017, công ty Vietnam Beverage đã vay 5 tỷ đô la để mua cổ phần của công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng.

*****************

Đà Nẵng bất lực với người Trung Quốc tổ chức du lịch ‘chui’ (Người Việt, 12/08/2018)

Sở Du Lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, công an thành phố đã phát hiện hàng chục người ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc hoạt động điều hành, hướng dẫn du lịch "chui".

muaban2

Sáu tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng kiểm tra phát hiện 23 người Trung Quốc điều hành, dẫn tour "chui" ở Đà Nẵng. (Hình : Tiền Phong)

Tại buổi gặp mặt các Hội, Hiệp Hội Doanh Nghiệp, Doanh Nhân trong ngành du lịch ở Đà Nẵng, vào ngày 11 tháng Tám, 2018, Sở Du Lịch Đà Nẵng cho biết, Thanh Tra Sở phối hợp với công an kiểm tra và phát hiện 23 người ngoại quốc "có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch trái phép", báo Tiền Phong loan tin.

Trong đó, có 20 người Trung Quốc và ba người Nam Hàn có hoạt động điều hành và hướng dẫn "chui". Sở Du Lịch đã xử phạt vi phạm hành chính 20 người với tổng mức phạt là gần 323 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam và đưa vào diện chưa có nhập cảnh 11 trường hợp.

Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm 2018, Sở Du Lịch cũng tiến hành 120 lượt kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 197 triệu đồng.

Tại cuộc họp, vấn đề Hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động "chui" cũng khiến nhiều đơn vị bất bình. Ông Chế Viết Đông, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc bày tỏ : "Con số báo cáo của Sở Du lịch về số lượng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động ‘chui’ rất… nực cười. Thực tế, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc đang hoạt động công khai, ngang nhiên trên các tour".

Hiện nay, để lách luật thì trên mỗi tour sẽ có hai hướng dẫn viên : một người Việt, một người Trung Quốc, ghi danh tour tuyến do hướng dẫn viên người Việt đứng tên, nhưng trực tiếp dẫn tour là người Trung Quốc.

Giải thích về thực trạng trên, ông Đông cho rằng, do việc nở rộ các "tour 0 đồng" nên các đơn vị lữ hành cần khuyến khích du khách chi tiền ở các cửa hàng để thu lợi nhuận. Hướng dẫn viên người Trung Quốc đóng vai trò như người tiếp thị, PR sản phẩm hàng hóa chứ không phải để giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đà Nẵng.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Câu Lạc Bộ Lữ Hành Khai thác thị trường Hoa ngữ cho biết : Các hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động "chui" được là do có sự bao che của các doanh nghiệp lữ hành.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, vấn đề hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc là "vấn đề nhức nhối lâu nay và chưa được giải quyết triệt để".

"Có nghịch lý là khách Trung Quốc tới Đà Nẵng rất đông nhưng hướng dẫn viên tiếng Trung lại thất nghiệp. Các đơn vị cần quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng này, xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành sử dụng hướng dẫn viên Trung Quốc", ông Dũng nói. (Tr.N)

*******************

Người Việt phản ứng gay gắt về vé tàu in chữ Trung Quốc (BBC, 13/08/2018)

Vé tàu điện metro tuyến Cát Linh - Hà Đông in song ngữ Trung - Việt khiến cộng đồng người Việt Nam phản ứng mạnh.

Theo truyền thông Việt Nam, hành khách được mời đi thử tàu điện metro đầu tiên của Việt Nam, tuyến Cát Linh, Hà Đông vào ngày 11/8.

Đáng chú ý, thẻ lên tàu in song ngữ Việt - Trung, trong đó chữ Trung Quốc in to và đặt phía trên chữ Việt, theo báo Tiền Phong.

Nội dung in trên thẻ lên tàu là : "Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử", "Thẻ lên tàu", "Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông".

Ngoài ra, biển chỉ dẫn tại các nhà ga thuộc tuyến đường sắt cũng được in song ngữ, trong đó chữ Trung Quốc được đặt trên chữ Tiếng Việt.

Hình ảnh vé tàu và biển chỉ dẫn được cộng đồng mạng đăng trên Facebook ngay sau đó lan truyền rộng rãi và làm dấy lên làn sóng giận dữ.

'Đánh mất chủ quyền quốc gia'

muaban3

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông

Bình luận về vấn đề này, cây bút Nguyễn Đình Bổn cho rằng về nguyên tắc quốc tế, không thể in vé như vậy, kể cả khi vay vốn Trung Quốc để làm dự án này thì cũng đã phải trả cả nợ và lãi.

"Ai, kẻ nào, tập thể nào đã đánh mất chủ quyền quốc gia dù phải vét từng đồng thuế của dân nghèo để đầu tư một đường tàu tốn kém, và có thể thấy ngay không có hiệu quả cả kinh tế lẫn giải quyết vấn nạn giao thông tại Hà Nội ? Những kẻ đó xứng đáng tra tay vào còng !", ông Bổn viết trên Facebook cá nhân.

Còn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chuyện ồn ào quanh chiếc vé tàu Cát Linh - Hà Đông tuy nhỏ nhưng nói lên ba vấn đề lớn.

Về "nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa"... "tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình (có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại.".. "Sau này khi nhà ga chính thức họa động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh", ông Thiều viết trên Facebook cá nhân.

Dù tuyến đường này làm bằng tiền vay Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, nhưng "Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép", ông Thiều phân tích vấn đề thứ hai.

Cuối cùng, dù chỉ mới vận hành thử nhưng các nguyên tắc, quy định vẫn phải được chấp hành nghiêm túc", kể cả việc 'treo một cái biển nhà ga'. "Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt", theo phân tích của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Cũng theo nhà văn, câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày, cho thấy Ban Quản lý và nhà thầu "không hề có sự rút kinh nghiệm". Đồng thời khiến người dân thấy "một điều gì đó không bình thường ẩn sau" sự việc này.

Luật sư Lê Ngọc Luân thì viết trên Facebook cá nhân rằng ông thấy 'rùng mình' khi nhìn thấy hình ảnh vé tàu chữ Trung Quốc.

"Tấm thẻ lên tàu tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông nằm trong lãnh thổ Việt Nam nhưng được ghi bởi chữ Trung Quốc. Đặc biệt, nó nhấn mạnh một cách "trang trọng" bằng cách đưa chữ Trung Quốc lên trên".

"Đoạn đường chỉ 13km nhưng có gần 700 con người vận hành. Có thể, chính quyền lập luận đường sắt này do nhà thầu Trung Quốc thi công, đang chạy thử nên ghi cả chữ Trung Quốc. Thế tại sao không đưa tiếng Việt lên đầu và thay vào đó là Tiếng Anh thông dụng".

"Nhìn cái thẻ, tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến câu nói của ai đó ủng hộ Luật Đặc Khu : "Có chữ nào ghi cho Trung Quốc thuê đâu", ông Luân viết.

Trung Quốc chỉ phát vé 'cho người nhà'

muaban4

Một nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Ảnh minh họa

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (BQL) sau đó trả lời truyền thông Việt Nam rằng "sẽ có văn bản chấn chỉnh Tổng thầu", "không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Việt - Trung không phù hợp tại dự án", theo ông Vũ Hồng Phương được VOV dẫn lời.

Ông Phương cho hay đây mới là thời gian chạy thử nghiệm, kéo dài 3 - 6 tháng. Trong thời gian này người dân chưa được lên tàu. Chỉ những người làm nhiệm vụ mới được lên tàu kiểm tra, vận hành.

Về phản ánh biển chỉ dẫn ở nhà ga có chữ Trung Quốc, ông Phương lý giải là do "tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử. Đến nay, hầu hết các biển thông tin trên đã bị gỡ bỏ".

Còn về vé đi tàu in chữ Trung Quốc, ông Phương nói là do trong ngày 11/8, phía tổng thầu phát một số thẻ "cho người nhà của họ khi tàu vận hành thử. Vì đây là khu vực và nhiệm vụ của Tổng thầu nên Ban Quản lý Dự án không can thiệp".

Ông Phương nói tổng thầu đã "tự ý mời nhân viên và người nhà" tham gia chạy thử tàu "nhằm khích lệ, động viên tinh thần nhân viên sau thời gian thi công vừa qua", theo Zing.vn.

"Về Quy chuẩn, tất cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng Tiếng Việt và Tiếng Anh theo quy chuẩn quốc tế hiện nay", ông Phương cho biết thêm.

700 nhân viên/13km đường sắt

Mới đây, đại diện BQL cho hay đã chuẩn bị gần 700 nhân sự để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó khoảng 200 người dược đi đào tạo tại Trung Quốc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao, do chủ thầu Trung Quốc thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu đô là từ nguồn vốn chính phủ Việt Nam và vốn vay ODA của Trung Quốc.

Ban đầu dự kiến tuyến đường hoàn thành trong 7 năm, từ 11/2008 - 11/2013 hoàn thành. Nhưng mãi đến 10/2011 dự án mới chính thức triển khai, đội vốn lên 868 triệu đô la (hơn 18.000 tỷ đồng).

Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu đô la, theo VnEconomy.

*****************

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cần 700 người vận hành, vé, tên trạm ghi tiếng Hoa (Người Việt, 12/08/2018)

Mạng xã hội bàn luận rôm rả sau khi tàu Cát Linh-Hà Đông vừa chạy thử ở Hà Nội.

muaban5

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây tranh cãi vì đội vốn, tai nạn lao động, nhà thầu Trung Quốc... từ nhiều năm nay. (Hình : báo Người Đưa Tin)

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu dự trù là 552,86 triệu USD (hồi năm 2008) nhưng sau 10 năm thi công thì đội vốn lên 868,04 triệu USD.

Đầu tiên là chuyện các báo "lề phải" cho hay cần đến 681 người để vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 km.

Báo Pháp Luật ở Sài Gòn hôm 12 tháng Tám, 2018 giải thích : "Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được chỉ định nhà thầu từ việc thiết kế, thi công đến chuyển giao công nghệ đều là của Trung Quốc. Và theo quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về quy phạm thiết kế metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý ở mức khoảng 100 người/km".

Tờ báo cũng viết thêm : "681 người là bao gồm cả các nhân viên văn phòng, kỹ thuật, vận hành dự án. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành khai thác, công ty vận hành khai thác cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh… để hoàn chỉnh chu trình vận hành khai thác, bảo vệ, đảm bảo vệ sinh các hạng mục công trình của dự án".

Nhiều blogger cho rằng việc cần đến gần 700 người để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho thấy tư duy không tương thích với cái mà Hà Nội vẫn đang tuyên truyền là "cách mạng 4.0".

Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Có thể Hà Nội giảm biên chế cán bộ, công chức, đặc biệt của các cơ quan của Sở Xây Dựng, Sở Giao Thông Vận Tải… nên ưu ái các vị bị "giảm biên" vào đơn vị khai thác, vận hành này, đồng thời cũng là ưu ái khách hàng tương lai, vì các vị này có chất lượng "phục vụ" tốt như từ trước đến nay. Đề nghị nhân dân thủ đô và khách hàng tương lai vừa thông cảm vừa ủng hộ chủ trương của chính quyền Hà Nội".

muaban6

Vé đi thử tàu ghi tiếng Hoa dày đặc (Hình : VnExpress)

Kế đến, công luận bày tỏ sự hoang mang khi ảnh chụp vé đi thử tàu bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy những dòng chữ tiếng Hoa được in phía trên cả tiếng Việt, trong lúc báo chí xác nhận chỉ có 40 trong số 200 người đi thử tàu là người Trung Quốc.

Dư luận càng lo ngại khi trước đó, người ta thấy tên các trạm và chỉ dẫn tại trạm của tuyến đường sắt nêu trên đều được ghi bằng tiếng Hoa.

Báo điện tử VNExpress dẫn lời giải thích của đại diện Tổng Thầu Trung Quốc rằng vé đi thử ghi tiếng Hoa "là để thuận tiện cho người Trung Quốc lên tàu" và do vé này "lưu hành nội bộ", còn việc tên các trạm ghi tiếng Hoa "là để để lái tàu, công nhân kỹ thuật người Trung Quốc nhận biết tên ga".

Nhiều blogger cũng nêu hoài nghi về chất lượng, công nghệ của đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông khi tốc độ chạy được loan báo chỉ "35 km/giờ" trong lúc tốc độ thiết kế tối đa của tàu là 80 km/giờ.

Một số blogger bình luận hình dáng và cấu trúc tàu Cát Linh-Hà Đông giống tàu cao tốc Bắc Hàn… cách đây 50 năm và suy đoán tốc độ 35 km/giờ "nhanh hơn xe buýt một chút" là để giúp tàu chạy rất an toàn, không sợ xảy ra tai nạn và giúp cho hành khách tiện ngắm cảnh hai bên đường mà không sợ bị chóng mặt.

Hiện chưa rõ thời điểm tàu Cát Linh-Hà Đông chính thức bán vé. Theo báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, thời gian chạy thử nghiệm đoàn tàu này "từ 3 đến 6 tháng" kể từ đầu tháng Tám, 2018, sau đó mới đưa vào khai thác thương mại. (T.K.)

*****************

Hàng trăm học viên cai nghiện ở Tiền Giang bỏ trốn vì bị bạo hành (RFA, 13/08/2018)

Những học viên cai nghiện bỏ trốn khỏi Trung tâm Cai nghiện Ma túy ở Tiền Giang, sau khi trở lại trại khai rằng trong thời gian cai nghiện họ bị cưỡng bức lao động, bị đánh đập khi có sai phạm.

muaban7

Học viên cai nghiện được đưa trở lại Trung tâm cai nghiện ma túy Tiền Giang sau khi bỏ trốn vào chiều ngày 11/08/18. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn

Mạng báo VNExpress vào ngày 13 tháng 8 loan tin trong cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội, thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, nhiều học viên trong số 650 học viên nói rằng họ bị buộc phải lao động 8 tiếng đồng hồ/ngày mệt mỏi và bị đánh đập, phạt quỳ mỗi khi làm sai như xếp mền không thẳng hay quỳ không ngay…

Truyền thông trong nước dẫn lời của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Minh Trí, vào chiều ngày 11 tháng 8 cho biết hàng trăm học viên cai nghiện tràn ra quốc lộ 1, gây cản trở giao thông khu vực Tam Hiệp, huyện Châu Thành, và một số học viên lấy quần áo của người dân mặc cải trang cũng như lấy xe đạp để trốn thoát.

Ông Phạm Minh Trí cho báo giới biết vụ việc xảy ra sau khi có cuộc cãi vã giữa 10 học viên với và cán bộ. Nhóm học viên này được nói đã dùng dao, gạch tấn công cán bộ bị thương và đã kích động các học viên khác phá cửa chạy khỏi trung tâm.

Tính đến đầu giờ chiều 12 tháng 8, Báo mạng Vnexpress.net cho biết 224 học viên đã trở lại Trung câm cai nghiện ma túy Tiền Giang và cảnh sát vẫn đang truy tìm 18 học viên.

Hồi đầu tháng 11 năm 2016, báo giới quốc nội cũng đưa tin một vụ việc tương tự xảy ra ở Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai, hàng trăm học viên đã đập phá để tẩu thoát.

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)