Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/08/2018

Bùi Tín và Tô Hải : 'Những ngọn nến thắp sáng'

BBC tiếng Việt

Với lý tưởng sống tự do và dân chủ, sự ra đi của nhà văn, nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải "không có gì phải hối tiếc và rất đáng tự hào", một nhà báo độc lập là khách mời của Hội luận tuần này nói với BBC.

nhansi1

Nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018) (trái) và nhà báo Bùi Tín (1927-2018) là hai nhà bất đồng chính kiến cao niên có ảnh hưởng của Việt Nam

Hai nhà bất đồng chính kiến này là 'những ngọn nến thắp sáng' để những thế hệ theo sau kế tục.

Các khách mời tham gia Bàn tròn thứ Năm (16/8) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc đối với nhân cách và lý tưởng sống vì dân chủ, tự do của hai nhà bất đồng chính kiến cao niên Bùi Tín và Tô Hải.

'Những ngọn nến thắp sáng'

Nêu cảm tưởng về hai vị nhân sĩ vừa qua đời cùng hôm 11/8/2018 ở Sài Gòn và Paris, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ:

"Tôi nghĩ rằng nhạc sĩ Tô Hải và nhà văn, nhà báo Bùi Tín là hai con người đáng kính.

"Tôi cho rằng hai người đó rất đáng tự hào và tôi kính trọng những con người đó", bà nói thêm.

"Những con người như vậy sẽ tồn tại trong lòng người dân Việt Nam như những ngọn nến sáng thắp lên và để cho những người sau tiếp tục".

Bà Võ Thị Hảo nhận xét "hai người đó, bằng tất cả tấm lòng và sự dũng cảm của mình, đến hơi thở cuối cùng vẫn sống có ích cho người Việt Nam".

Về nhà báo Bùi Tín, người đã tham gia Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập của Hội này vào năm 2014, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng - nhà báo độc lập, Chủ tịch Hội từ Sài Gòn, nói :

"Chúng tôi thấy đột ngột và thật sự buồn vì đây là sự mất mát và ra đi không bao giờ trở lại nữa của những người đã luôn đau đáu về hiện tình của đất nước và ý nghĩa thoát Trung của dân tộc".

"Sự ra đi của hai con người này không có gì phải hối tiếc và rất đáng tự hào.

"Tôi cho rằng đó là tấm gương đối với thế hệ không còn trẻ lắm như chúng tôi - cần phải làm tiếp những gì mà nhà báo Bùi Tín, nhạc sĩ Tô Hải đã làm - bằng văn phong chính luận của ông Bùi Tín và bằng văn phong châm biếm, mỉa mai ngạo đời của nhạc sĩ Tô Hải".

Từ khi ra nước ngoài sống, nhà báo Bùi Tín đã viết và xuất bản nhiều sách vở, bài viết, trong đó có hai cuốn sách viết bằng tiếng Việt được nhiều người biết đến là 'Hoa Xuyên Tuyết' và 'Mặt Thật'.

Nhận xét về hai tác phẩm này, nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từ Paris, Pháp cho rằng "đó là những đóng góp quan trọng, là những bằng chứng về chế độ cộng sản tại Việt Nam" và nó "cho chúng ta biết rất nhiều tin tức về mặt trái của xã hội cộng sản Việt Nam".

"Chúng ta cần phải tôn vinh vì đó là những tài liệu rất hiếm hoi mà chỉ có những người như ông Bùi Tín can đảm dám nói ra sự thật đó", ông nói thêm.

'Phản tỉnh từ chế độ Cộng sản'

Các khách mời của Bàn tròn thứ Năm từ London hôm 16/8 cũng bình luận về một khía cạnh được gọi là sự phản tỉnh của hai nhân sĩ, trí thức, từng có nhiều năm là đảng viên cộng sản và cùng từ bỏ tấm thẻ đảng khi sinh thời.

"Sự giác ngộ của hai ông này là từ tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản có nhiều đóng góp cho hai cuộc chiến tranh với Đảng Cộng sản nhưng sau đó đã giác ngộ, đã quay lại để từ bỏ Đảng Cộng sản và có đóng góp rất lớn trong việc đưa ra những mặt trái, những sai lầm của Đảng Cộng sản và kêu gọi sự phản đối, phản biện", nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, từ Texas, Hoa Kỳ, nhận xét.

"Ông Tô Hải và ông Bùi Tín đều xuất thân là những gia đình thuộc loại giàu có và danh giá, nhưng họ đã chọn đi con đường đó là theo lý tưởng muốn giải phóng những người nô lệ", bà Võ Thị Hảo nói.

Về cá nhân ông Bùi Tín, bà Hảo nói ông đã "thức tỉnh rất sớm, từ những năm 1990 trước đó, ông đã được trọng dụng nhưng ông đã đi ra nước ngoài và ông ở lại, ông chấp nhận sống một cuộc sống rất cô đơn và nhiều khó khăn của một người lưu vong để ông viết".

"Cho đến tận những hơi thở cuối cùng ông vẫn viết để bày tỏ ý kiến của mình và để thức tỉnh người dân cũng như là đưa ra nhận thức để phản biện lại những cái gì gọi là làm cho người dân Việt Nam đau khổ".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, về phần mình, cũng cho rằng nhà báo, ký giả Bùi Tín đã "chọn quyết định ngả hẳn về phía tự do và đứng về phía dân chủ để chống lại sự độc tài của chế độ cộng sản".

Báo chí trong nước 'không đưa tin'

Từ Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bình luận về thông tin và phản ánh của báo chí chính thống trong nước về sự qua đời của hai nhà bất đồng chính kiến cao niên Bùi Tín và Tô Hải.

"Về mặt báo chí trong nước thì chắc chắn họ sẽ không đưa tin về hai ông Bùi Tín và Tô Hải mất, vì tuyệt đối không được đưa tin về những chuyện này và họ cũng không thích gì những nhân vật bất đồng chính kiến".

Tuy nhiên "sự quan tâm từ mạng xã hội và một số tổ chức xã hội dân sự" thì trái lại là "rất nhiều", ông cho biết thêm.

"Không khí ở trong nước đối với hai sự mất mát vừa rồi khá là trầm lắng về phía nhà nước, nhưng về phía mạng xã hội và các tổ chức xã hội dân sự thì chúng tôi có tổ chức" các sự kiện.

Và nhà báo độc lập này cho biết lễ tang của nhạc sĩ Tô Hải đã được tổ chức 'ấm áp', 'trang trọng' tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, với sự hiện diện của đông đảo thành viên gia đình, giáo dân, cộng đồng, trong đó có giới hoạt động xã hội dân dự và các nhà đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt Nam.

Nhạc sĩ, blogger Tô Hải qua đời lúc 19g40 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hôm 11/8/2018. Còn nhà báo, ký giả Bùi Tín qua đời lúc 01g25 sáng ở Paris ngày 11/8/2018 ở Paris.

"Tang lễ của ông sẽ được tổ chức lúc 11g30 ngày 27/8/2018 theo nghi thức Phật Giáo tại nghĩa trang Les Joncherolles, thành phố Villetaneuse, Pháp", Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, thành viên Ban biên tập tờ báo mạng thongluan-rdp.org nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)