Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/08/2018

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không yên với Slovakia

Tổng hợp

Cựu Đại biện lâm thời Slovakia tại Việt Nam nói báo chí vu khống (RFA, 17/08/2018)

Vào chiều ngày 16/8, ông Lê Hồng Quang, cựu Đại biện lâm thời của Slovakia tại Việt Nam bất ngờ ra thông báo phản bác những cáo buộc cho rằng ông có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam, trên đất Đức hồi năm ngoái.

batcoc1

Ông Lê Hồng Quang, cựu Đại biện lâm thời của Slovakia tại Việt Nam Courtesy Thoibao.de

Báo chí Slovakia hôm 17/8 đăng thông báo của ông Quang viết "tình trạng hiện tại trong đời sống chính trị xã hội và truyền thông của Slovakia buộc tôi phải phản ứng đối với những tin tức báo chí và những phát biểu về mối quan hệ của tôi với giới truyền thông".

Ông Quang phủ nhận việc mình có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông Quang viết :

"Tôi tin rằng trong một xã hội tôn trọng các quyền và tự do cá nhân của công dân, những lý do cho một sự cáo buộc công khai (có ý thức và tích cực) tham gia vào tội phạm có tổ chức, chắc chắn là không đủ. Còn hơn thế nữa, bởi vì tôi không tham gia vào việc chuẩn bị, tổ chức và thực hiện việc đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Ngoài các thông tin của truyền thông báo chí, tôi không hề biết về chuyện này".

Trước đó vào ngày 9/8, báo chí Slovakia đưa tin nói rằng ông Lê Hồng Quang đã mất tích. Mạng báo The Spectator của Slovakia cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia giữ im lặng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và các viên chức cửa cơ quan này trốn trong đại sứ quán. T08/2018)rong khi đó, nhà riêng của ông Lê Hồng Quang bị canh giữ cẩn mật.

Theo báo chí Đức và Slovakia, ông Lê Hồng Quang đã có mặt trên chiếc máy bay công vụ của Slovakia cho đoàn Việt Nam mượn để chở người bị bắt cóc từ Bratislava sang Maxcova hồi cuối tháng 7 năm ngoái.

Ông Lê Hồng Quang là một công dân Slovakia gốc Việt. Kể từ năm 2015 ông cũng là cố vấn ngoại thương cho cựu Thủ tướng Robert Fico của đảng Smer cầm quyền.

Truyền thông Đức cho biết, ông Lê Hồng Quang đã tham gia vào cuộc họp đặc biệt giữa Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak với Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở Bratislava hồi năm ngoái.

Trong thông báo mới, ông Lê Hồng Quang cũng phủ nhận các cáo buộc về tham nhũng mà báo chí Đức đưa ra rằng trong thời gian làm việc ở Hà Nội ông đã nhận hối lộ 3.000 euro cho một visa du lịch. Ông Quang viết rằng ông không cấp một visa du lịch nào, và việc cấp visa du lịch được tiến hành minh bạch qua hệ thống thông tin lãnh sự cùng với Bộ Ngoại giao và Sở cảnh sát Biên phòng Slovakia. Ông cũng nói ông là người bị tổn hại bởi những hành vi vu khống một cách liên tục và các mưu đồ vô đạo đức, đặc biệt là bởi một số phương tiện truyền thông.

**********************

Lãnh đạo Slovakia lời qua tiếng lại về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 17/08/2018)

Tổng thống và Thủ tướng Slovakia đã lời qua tiếng lại với nhau trên truyền thông về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí Việt Nam, người được nói bị bắt cóc đưa về Việt Nam từ nước Đức với sự trợ giúp của Chính phủ Slovakia.

batcoc2

Tổng thống Slovakia Andrej Kiska (phải) trao giấy chứng nhận bổ nhiệm cho Peter Pellegrini (trái) thành lập chính phủ mới sau khi từ chức Thủ tướng Slovakia tại Bratislava ngày 15 tháng 3 năm 2018. AFP

Tin ghi nhận được vào ngày 17 tháng 8 cho thấy Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng Plus 1 Den, đã chỉ trích Tổng thống Andrej Kiska khi nói rằng chính phủ Bratislava là một chính phủ do mafia kiểm soát. Thủ tướng Peter Pellegrini phản đối phát ngôn như thế của Tổng thống Andrej và giải thích là bản thân chưa bao giờ có liên hệ nào với mafia.

Đáp lại những phát biểu của Thủ tướng Peter Pellegrini, phát ngôn nhân của Tổng thống Slovakia nói với nhật báo Dennik N rằng ông Thủ tướng đang lâm vào tình huống khó khăn vì ông này là một thành viên của đảng phái mà theo các điều tra viên người Đức, đã hỗ trợ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng theo phát ngôn nhân của tổng thống Slovakia thì Thủ tướng Peter Pellegrini vẫn còn cơ hội tránh xa khỏi vụ việc và chứng minh rằng ông ấy không chỉ là một con rối cho kẻ khác giật dây.

Tuần trước, sau một cuộc họp với Thủ tướng Peter Pellegrini, Tổng thống Slovakia đã chỉ trích giới lãnh đạo của Chính phủ Slovakia có dính líu tới vụ bắt cóc. Ông còn tuyên bố không tin tưởng Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova, người cũng bị Đức cáo buộc trực tiếp trợ giúp phái đoàn Việt Nam trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Vào đầu tháng 8, nhật báo Dennik N của Slovakia cho đăng tin về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Theo bài báo, một máy bay công vụ của Slovakia đã được sử dụng để vận chuyển nhân vật bị bắt cóc và cảnh sát Slovakia phải tham gia trợ giúp.

Bộ Nội Vụ Slovakia lên tiếng bác bỏ tin trên tờ Dennik N, cho rằng đó là tin bịa đặt.

Trước đó, truyền thông Đức loan tin các nhà điều tra Đức không nghi ngờ gì về việc một máy bay của chính phủ Slovakia đã được sử dụng trong vụ bắt cóc.

Quay lại trang chủ
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)