Tập đoàn dầu khí đa quốc gia tìm cách chặn Việt Nam đánh thuế (VOA, 23/08/2018)
Hai công ty dầu khí đa quốc gia đang sử dụng cơ quan phân xử của Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn Việt Nam thu thuế đối với vụ mua bán dầu khí trị giá hơn một tỷ đô, theo trang web điều tra "Finance Uncovered".
Một gian hàng với logo của ConocoPhillips xuất hiện tại một sự kiện về dầu khí ở Nhật Bản hồi tháng Tư năm 2017.
Nhóm điều tra báo chí có trụ sở ở London cho biết rằng "ConocoPhillips và Perenco sẽ tìm cách ngăn chặn chính phủ Việt Nam đánh thuế đối với một khoản lời ước tính 179 triệu đôla thu về từ vụ bán các mỏ dầu ở nước này".
Tin cho hay, vụ trên liên quan tới việc bán hai công ty ConocoPhillips Gama và ConocoPhillips Cuu Long thuộc sở hữu của chi nhánh tại Anh của tập đoàn năng lượng của Mỹ là ConocoPhillips. Hai công ty trên được nhượng cho chi nhánh tại Anh thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Parenco của Anh và Pháp năm 2012.
Một nơi khai thác dầu khí của ConocoPhillips ở Châu Á.
VnExpress từng đưa tin, "ConocoPhillips nắm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1 ; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn".
Ngoài ra, báo điện tử này còn đưa tin rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng "có kế hoạch huy động tối đa nguồn lực để mua lại cổ phần của hãng dầu mỏ lớn thứ ba nước Mỹ ConocoPhilips".
"Finance Uncovered" dẫn các dữ liệu cho biết rằng ConocoPhillips bán các công ty trên với giá 1,3 tỷ đôla, nhưng "không phải trả thuế về khoản lời thu được" theo chính sách "miễn thuế cổ đông lớn" của Anh, không đánh thuế vào lợi nhuận bán cổ phần trong các công ty con.
Theo báo chí Việt Nam, tập đoàn PetroVietnam từng có ý định "mua lại cổ phần của ConocoPhilips" ở Việt Nam.
Trong khi đó, theo hiệp định về thuế Việt Nam và Anh, chính quyền Hà Nội được phép đánh thuế, và theo trang web điều tra này, chính phủ Việt Nam dường như có ý định đánh thuế vụ mua bán này, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tin cho hay, ConocoPhillips và Perenco đã đệ đơn theo Hiệp định Đầu tư Song phương Việt Nam – Anh, vốn chịu quá trình phân xử bởi Ủy ban về Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Hiện chưa có phản ứng của Việt Nam về thông tin "Finance Uncovered" nêu. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay để phỏng vấn phía Hà Nội.
ConocoPhillips tuyên bố "sẽ theo đuổi các giải pháp pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực của phía Việt Nam".
Một phát ngôn viên của ConocoPhillips cho VOA tiếng Việt biết đã "hoàn tất vụ bán công ty ở Việt Nam năm 2012", "tuân thủ mọi luật lệ, quy định" và "tin chắc rằng không nợ một khoản thuế nào".
"Chúng tôi dự tính sẽ theo đuổi các giải pháp pháp lý để chống lại bất kỳ nỗ lực của phía Việt Nam nhằm đánh thuế thương vụ đó. Chúng tôi cũng sẽ tìm cách trao đổi trực tiếp với chính phủ Việt Nam để tìm các kênh đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết các đòi hỏi của họ", bà Emma Ahmed, Cố vấn về truyền thông của ConocoPhillips, nói.
Trong khi đó, một đại diện của Perenco cho VOA tiếng Việt biết rằng tập đoàn này "từ chối bình luận".
Viễn Đông
*******************
Việt Nam phản ứng trước một số diễn biến gần nhất tại Biển Đông (RFA, 23/08/2018)
Việt Nam cho rằng các nước trong khu vực và trên thế giới có nghĩa vụ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà - Courtesy : nguoiduatin.vn
Phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà cho biết như vừa nêu, tại buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 23 tháng 8, khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề Philippines, trong cùng ngày, bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân vào Biển Đông và Đông Nam Á. Đây là khu vực mà các nước thành viên Hiệp hội ASEAN ký hiệp ước tuyên bố là vùng phi hạt nhân.
Hồi tuần trước, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân đến Biển Đông, qua quan sát của Mỹ. Đáp trả lại lời cảnh báo vừa nêu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, vào hôm 18 tháng 8 nói rằng các hoạt động ở Biển Đông của Trung Quốc nhằm để phòng vệ cũng như cam kết với phát triển hòa bình.
Bà Nguyễn Phương Trà, tại buổi họp báo vào chiều ngày 23 tháng 8, cũng nhấn mạnh đến việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
********************
Việt Nam lên tiếng về khả năng Trung Quốc đưa vũ khí hạt nhân vào Biển Đông (VOA, 23/08/2018)
Ngày 23/8, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà cho biết phản ứng của Hà Nội sau khi Philippines lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc điều động vũ khí hạt nhân trên Biển Đông.
Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà. Ảnh : Zing.vn
Trang mạng Zing.vn trích lời bà Nguyễn Phương Trà nói : "Việt Nam cho rằng duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung và cũng là nhiệm vụ, nghĩa vụ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này".
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque nói chính phủ nước này rất lo ngại về khả năng Trung Quốc triển khai vũ khí hạt nhân tại các điểm mà họ chiếm đóng ở Biển Đông.
CNN dẫn lời ông Roque nói : "Chúng tôi quan ngại về sự xuất hiện của mọi loại vũ khí hạt nhân trong lãnh hải của Philippines, Hiến pháp của chúng tôi quy định đây là một vùng phi hạt nhân".
Ông nhấn mạnh : "Chúng tôi quan ngại về khả năng bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực, dù là Mỹ, Nga hay Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân vào các vùng lãnh thổ của Philippines hoặc khu vực ASEAN, nơi đã được tuyên bố là vùng không có vũ khí hạt nhân".
Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp
Một báo cáo của Ngũ Giác Đài gửi cho Quốc hội hôm 16/8 có nhấn mạnh tới khả năng Trung Quốc sử dụng "yếu tố hạt nhân" trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp từ năm 2016 trong Biển Đông :
Phúc trình của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn viết :
"Năm 2017, Trung Quốc ám chỉ đang phát triển nhà máy điện nhằm cấp năng lượng cho các đảo, đá ở khu vực biển Đông thường gặp bão, bằng các trạm điện hạt nhân nổi. Kế hoạch này được cho là sẽ tiến hành trước năm 2020".
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích báo cáo của Ngũ Giác Đài là "đưa ra những bình luận vô trách nhiệm" về những thành quả quốc phòng của Bắc Kinh.