Bộ Công an sắp ‘nắm’ dịch vụ đòi nợ thuê (VOA, 23/08/2018)
Theo một dự thảo nghị định vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Công an trách nhiệm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì "tính chất nhạy cảm" của hoạt động này.
Công an được đề nghị quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì "tính chất nhạy cảm" của hoạt động này.
Đề xuất mới của Bộ Tài chính đang gây ra những tranh cãi trong dư luận, giữa bối cảnh tình trạng công an bảo kê cho tội phạm vẫn tồn tại phổ biến, kể cả ở cấp tướng, như vụ hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị bắt gần đây vì bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Dịch vụ đòi nợ thuê bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007 theo Nghị định 104/2007. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được cho là không hiệu quả và kém lành mạnh, thậm chí mang tính chất "xã hội đen".
Trong dự thảo trình Chính phủ để lấy ý kiến, Bộ Tài chính nói các công ty đòi nợ thuê "có hành vi ‘khủng bố’, nhân viên cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ". Vì vậy, Bộ này đề xuất giao toàn bộ trách nhiệm quản lý dịch vụ "phức tạp, nhạy cảm" này cho Bộ Công an.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà báo-chuyên gia về kinh tế-chính trị tại Việt Nam, nhận định với VOA rằng đây là một cách "đùn đẩy trách nhiệm" của Bộ Tài chính, và thực tế "khủng bố" của dịch vụ đòi nợ thuê chính là kết quả của tình trạng thả nổi, không có biện pháp quản lý hữu hiệu của các cơ quan chức năng Việt Nam.
"Về mặt chức năng quản lý ngành, đúng ra phải là Bộ Tài chính chứ không phải là Bộ Công an. Bây giờ mà tống sang cho Bộ Công an thì thứ nhất, một cách nào đó coi việc đòi nợ thuê giống như một đối tượng về hình sự, chứ không phải là một dịch vụ kinh doanh thuần túy nữa", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Theo ông, "Bộ Công an không có chức năng liên quan đến tài chính, nên đưa qua cho Bộ Công an là rất bất cập và khiên cưỡng".
Ngoài vấn đề trái chức năng, nhà báo chuyên phân tích về chính sách, thời sự Việt Nam còn cho rằng việc giao cho Bộ Công an ‘nắm’ toàn bộ dịch vụ đòi nợ thuê còn có thể dẫn đến những bất lợi khác, làm mất thêm "uy tín", vốn đã rất thấp, của ngành công an.
"Nó lại một lần nữa cho thấy hoạt động công an trị càng ngày càng nổi bật. [Công an] vốn đã đàn áp nhân quyền ghê gớm rồi, bây giờ lại còn nhảy sang quản lý dịch vụ đòi nợ thuê nữa thì người ta sẽ nói rằng công an đi đòi nợ thuê giùm và là một tổ chức đòi nợ thuê khổng lồ của quốc gia", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Ngoài đề xuất chuyển đổi cơ quan quản lý, dự thảo sửa đổi Nghị định 104 của Bộ Tài chính còn bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ, yêu cầu họ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp khi tiếp xúc với "con nợ".
Trước đó, vào tháng 6, một điều khoản bổ sung khác trong dự thảo này cũng bị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản đối mạnh mẽ. Cơ quan này cho rằng điều khoản yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 2 tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải có bằng đại học là những đòi hỏi vô lý và "gây cản trở đáng kể" cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Khánh An
********************
Trung Quốc phối hợp với Việt Nam bắt hơn 480 người buôn ma túy (RFA, 23/08/2018)
Trung Quốc phối hợp với Việt Nam bắt giữ hơn 480 người buôn lậu ma túy tính đến tháng 6 vừa qua.
Một người buôn lậu ma túy bị bắt ở tỉnh Cao Bằng hôm 26//2018 cùng với tang vật. AFP
Theo Asia, Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo về hoạt động chống ma túy ở Nam Ninh trong khu tự trị Quảng Tây, giáp biên giới Việt Nam hôm 23/8 với sự tham dự của các quan chức Việt Nam. Phía Trung Quốc cho biết họ đã bắt giữ 483 người và tịch thu khoảng 260 kg ma túy bao gồm cả heroin và chất kích thích.
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh việc bài trừ ma túy do sự gia tăng buôn lậu ma túy từ Lào và Myanmar qua ngả Việt Nam.
Một quan chức cao cấp thuộc Bộ Công an Trung Quốc cho biết nhiều trường hợp được phát hiện qua trao đổi thông tin với phía Việt Nam.
Cũng tin liên quan ma túy, công an tỉnh Sơn La vừa bắt giữ 2 người tàng trữ trái phép chất ma túy tại "thung lũng ma túy" xã Long Lương, tỉnh Sơn La.
Trong cuộc đột kích, công an bắt giữ Trịnh Minh Tuấn, 35 tuổi, và Tráng A Của, 45 tuổi. Tuấn bị tình nghi vận chuyển 700 gram heroin và 280 viên thuốc lắc. Khám xét nơi ở của Của, công an phát hiện hơn 5.200 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng ngắn, 6 viên đạn cùng hơn 100 triệu đồng. Hai người này có thể sẽ phải đối mặt với án tử hình vì buôn lậu thuốc phiện, theo luật Việt Nam.
Hồi tháng 6, hơn 300 cảnh sát đã bố ráp "thung lũng ma túy" này trong bốn ngày liên tiếp và bắn chết hai trùm ma túy là Nguyễn Thanh Tuấn, 34 tuổi, và Nguyễn Văn Thuận, 35 tuổi.
Long Lương là một xã cách biên giới Lào 15km và là một nơi mua bán ma túy khét tiếng ở Sơn La. Theo Bộ Công an, Long Lương là nơi trú ẩn của hơn 60 tên tội phạm, 30 trong số đó là tội phạm ma túy.
Việt Nam là giao điểm vận chuyển ma túy quan trọng gần khu vực Tam Giác Vàng, một vùng nổi tiếng về buôn bán ma túy nằm giữa Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar.
**********************
Hàng nghìn trẻ em Việt làm nô lệ trong các trại cần sa ở Anh (VOA, 23/08/2018)
Các chuyên gia Anh cảnh báo một số lượng lớn trẻ em Việt Nam có thể đang bị các nhóm tội phạm bóc lột trong các trại trồng cần sa ở London.
Một nơi sản xuất cần sa trong nhà sử dụng ánh sáng đèn LED. Số lượng lớn trẻ em Việt Nam bị đưa vào Anh để làm việc tại các trại trồng cần sa đang gây nên nhiều lo ngại.
Cảnh báo này được đưa ra hôm 20/8 sau khi những số liệu mới cho thấy quy mô của hoạt động sản xuất cần sa ở Anh được công bố, theo Reuters.
Cảnh sát đã phát hiện 314 trang trại cần sa ở London từ năm 2016, tức bình quân khoảng hai ngày một trại, theo số liệu chính thức mà London Evening Standard có được. Các trang trại này thường nằm trong những khu dân cư và các lao động ở đây là trẻ em đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trẻ em được đưa từ Việt Nam và các nước khác tới Anh để làm việc ở các trang trại chủ yếu nằm trong các khu dân cư.
"Số lượng lớn các trang trại cần sa trên khắp London và việc đưa trẻ em Việt Nam vào làm việc ở những nơi này thực sự đáng quan ngại", theo Jakub Sobik, phát ngôn viên tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế. "Có thể có hàng nghìn trẻ em và thanh niên từ Việt Nam bị đưa vào đây và bị các nhóm tội phạm tàn nhẫn bóc lột".
Theo ước tính của Cơ quan Chống buôn người của Anh được The Guardian trích dẫn vào tháng 5/2015, có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam được đưa vào Anh và đang bị các băng đảng tội phạm bóc lột nhằm thu lợi nhuận.
The Guardian cho biết số trẻ em bị buôn vào Anh từ Việt Nam đông hơn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Có tới 96% các nạn nhân bị ép trồng cần sa xác định được danh tính là từ Việt Nam và 81% trong số đó là trẻ nhỏ. Thông thường, các em quá sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng, theo nhật báo Anh.
Cảnh sát London chưa đưa ra phản hồi gì về báo cáo trên, theo Reuters.
Anh được xem là đầu tàu quốc tế trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ khi thông qua Luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 nhằm quy án chung thân đối với những kẻ buôn nô lệ và nhằm bảo vệ tốt hơn những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội cũng như buộc các doanh nghiệp lớn phải giải quyết mối đe dọa về lao động cưỡng bức.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng luật này vẫn chưa đủ sức răn đe một ngành thương mại ước tính gây thiệt hại cho Anh hàng tỷ bảng mỗi năm.
Hồi tháng hai, chính phủ Anh từng bị chỉ trích vì từ chối cấp quyền tị nạn cho một trẻ mồ côi Việt Nam bị đưa lậu vào Anh để làm việc trong trang trại cần sa.
Tổ chức nhân quyền Walk Free của Australia tháng trước ước tính ở Anh hiện có ít nhất 136.000 nô lệ thời hiện đại, cao gấp 10 lần con số của chính phủ đưa ra năm 2013. Năm ngoái, hơn 2.000 trẻ em được đưa sang Anh và hầu hết bị bóc lột tình dục hoặc cưỡng ép lao động. Đây là con số cao kỷ lục, tăng 66% so với năm trước đó.