Việt Nam tưởng nhớ Thượng nghị sĩ John McCain (RFA, 27/08/2018)
Các nhà lãnh đạo Việt Nam gồm ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào ngày 27 tháng 8 gửi lời chia buồn đến gia đình Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cùng Quốc hội Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời vào ngày 25/8 tại nhà riêng ở tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, viếng Thượng nghị sĩ John McCain, Hà Nội 27/8/2018 - AFP
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội để chia buồn và ghi sổ tang.
Ông Phạm Bình Minh ghi trong Sổ Tang đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội rằng Thượng nghị sĩ John McCain là người đi đầu, và đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Vào sáng nay 27/8, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bắt đầu mở sổ chia buồn tại tòa nhà Vườn Hồng, số 170 Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho những ai mong muốn có lời chia sẻ với gia đình Thượng nghị sĩ John McCain.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 27/8, nhiều người dân đã tới ghi sổ chia buồn, tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã ghi sổ chia buồn Thượng nghị sĩ John McCain.
Một người dân phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về Thượng nghị sĩ John McCain như sau :
"Với mấy chục năm từ sau khi ông ấy tham gia chiến tranh Việt Nam, thì ông ấy đi từ đỉnh này đến đỉnh kia. Ông ấy biết lẽ phải của quốc tế, lẽ phải của thời đại ; nên ông ta ủng hộ lập lại quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cảm kích cái thay đổi ‘rất bản chất của ông ta".
Chiều 27/8, Đại sứ Daniel Kritenbrink đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain tại tấm bia bên hồ Trúc Bạch, phía tây Hà Nội. Tấm bia được dựng lên để đánh dấu sự kiện tên lửa đất đối không của Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ do thiếu tá không quân thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ - John McCain điều khiển ngày 26/10/1967.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink cũng phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về Thượng nghị sĩ John McCain như sau :
Tôi nghĩ Thượng nghị sĩ John McCain là một nhà yêu nước, một chính khách lớn. Ông ta cũng là một chiến binh vĩ đại và đồng thời là một người yêu chuộng hòa bình. Lẽ đương nhiên ông ta phải trải qua những đau khổ trong chiến tranh. Nhưng rồi ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo chính của Hoa Kỳ giúp cho hai nước bình thường hóa và chuyển từ kẻ thù sang mối quan hệ đối tác và thân thiện hiện nay".
Hai ngày qua, nơi có Tấm bia tại Hồ Trúc Bạch ở Hà Nội cũng là nơi mà nhiều người dân Việt Nam cũng như du khách đến đặt hoa tưởng niệm ông John McCain.
Trước khi trở thành Thượng nghị sĩ, ông McCain là sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ. Máy bay ông bị bắn rợi tại Hà Nội vào năm 1967 trong Cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời gian hơn 5 năm trước khi được trao trả về Mỹ năm 1973.
Trong Hồi ký của ông, ông có nói rằng trong thời gian ở tù ông đã nhiều lần bị hành hạ. Khi biết được ông là con trai một Đô đốc Hải quân Mỹ, Hà Nội đã thuyết phục ông chấp nhận đặc ân được phóng thích sớm nhưng ông đã từ chối và nói rằng ai bị bắt trước phải được thả trước.
Ông đã nhiều lần thăm viếng Việt Nam và cổ vũ mạnh mẽ cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
******************
Tưởng niệm và tiếc thương Thượng nghị sĩ John McCain ở Hà Nội (Người Việt, 27/08/2018)
Không chỉ có các bài viết trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, đã đến Tòa Đại Sứ Mỹ và tấm bia bên hồ Trúc Bạch bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng Thượng nghị sĩ John McCain, người qua đời hôm 25 Tháng Tám, thọ 81 tuổi.
Bà Mai Trần, một người Mỹ gốc Việt, bật khóc bên di ảnh cố Thượng nghị sĩ John McCain, tại lễ tưởng niệm ông do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Người Việt Nam tưởng nhớ đến John McCain, không chỉ vì ông là tù binh, một anh hùng chiến tranh Việt Nam mà nhất là nỗ lực giúp đỡ hàng ngàn người Việt Nam, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa định cư tại Hoa Kỳ, ủng hộ một Việt Nam tự do dân chủ và xây dựng mối bang giao Mỹ-Việt sau 1975.
Ông Tôn Tuấn, một quân nhân Hoa Kỳ, chào trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : Nhac Nguyen/Getty Images)
Ông Phạm Minh Chúc, 81 tuổi, cựu chiến binh cộng sản Việt Nam, viết lời chia buồn trong lễ tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Edward Wade, một du khách Mỹ đến từ tiểu bang Arizona đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 26 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Một thanh niên Việt Nam đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 26 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images
************************
Mạng xã hội ở Việt Nam tràn ngập lời tốt đẹp về Thượng nghị sĩ John McCain (Người Việt, 27/08/2018)
Mạng xã hội ở Việt Nam mấy ngày nay tràn ngập những lời tốt đẹp về Thượng nghị sĩ (Thượng nghị sĩ) John McCain, nhân sự kiện ông vĩnh viễn ra đi hôm 25 Tháng Tám 2018, thọ 81 tuổi. Có thể nói chưa có một chính trị gia Mỹ nào được nhiều người Việt Nam tiếc thương như thế.
Hôm 27 Tháng Tám, 2018, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cúi mình tưởng niệm Thượng nghị sĩ John Mc Cain trước tấm bia ghi nhớ nơi ông nhảy dù sau khi chiến đấu cơ bị bắn rơi năm 1967 tại hồ Trúc Bạch, Hà Nội. (Hình : Nhac Nguyen/Getty Images)
Nhiều người Hà Nội đã đặt vòng hoa viếng ông, cũng như viết lời chia buồn trên trang mạng của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, một số người khác đã đến bức tượng (tạc ông quỳ gối giơ tay đầu hàng) bên hồ Trúc Bạch, nơi ông nhảy dù rớt xuống hồ để tỏ lòng tưởng nhớ.
Lời chia buồn và những từ ngữ kính trọng dành cho ông John McCain không chỉ đến từ những người xuất thân trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà còn là những người sinh trưởng tại miền Bắc thời chiến tranh. Mỗi bài viết ngắn đó đều có hàng trăm lời nhận xét (comments) và chia sẻ.
Đó chính là tình cảm chân thành của người dân, đặc biệt khi báo chí trong nước dù có viết bài đề cao Thượng nghị sĩ John McCain nhưng không muốn đề cập đến việc ông đã nỗ lực vận động đưa hàng trăm ngàn người Việt sang Hoa Kỳ qua chương trình O.D.P và H.O.
Như vậy, nhân cách và sự cống hiến của ông John McCain đã góp phần đưa những người khác chiến tuyến trở nên gần nhau hơn, như cách mà ông John McCain đã nỗ lực thực hiện với việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Dưới đây là một số nhận xét về Thượng nghị sĩ John McCain trên mạng xã hội Facebook từ Việt Nam.
* John McCain và dấu nối giữa hai quốc gia
Thượng nghị sĩ John Mc Cain chụp hình cùng các viên chức Hoa Kỳ tại Hồ Gươm, Hà Nội. (Hình : Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội)
…John McCain được báo chí phương Tây nhận định là một anh hùng chiến tranh, một nhà hoạt động chính trị đầy tư duy độc lập trước các chính sách, và đoạn cuối đời, ông là một trong những nhà phê bình mạnh nhất các chính sách của Tổng thống Trump, dù ông là một đảng viên đảng Cộng Hòa.
Trong chiến tranh Việt Nam, ông là "giặc lái" – nói theo kiểu miền Bắc Việt Nam, khi nhận lệnh đánh bom, để đáp trả các cuộc xâm lược của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào nước Việt Nam Cộng Hòa, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phá vỡ các nghị ước hòa bình, đem quân vượt qua vĩ tuyến 17 vào miền Nam.
Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua 5 năm tù ở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và do vậy, kinh nghiệm ở tù của những người Cộng Sản của ông cũng dầy thêm, bao gồm 2 năm biệt giam và nhiều lần bị tra tấn.
John McCain cũng nhiều lần nhắc lại ký ức này nhưng thay vì đó là hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình khi trở thành một chính trị gia, là vận động cho nhân quyền của người Việt Nam, nơi mà ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời.
Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, Tổng thống Donald Trump nói ông không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua chiến tranh, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện.
Nước Mỹ có đến 58.000 quân nhân thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chắc chắn nước Mỹ coi đó là những anh hùng.
Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các danh sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học… Nhưng chắc chắn đó cũng là những anh hùng.
John McCain từng bị chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức cho hàng dài hội phụ nữ, đoàn viên… đứng phun nước bọt vào đầu, chửi mắng và lăng mạ khi bị bắn rớt máy bay và giải đi qua phố. Nhưng khi là một chính trị gia quyền lực, điều ông nghĩ đến là ủng hộ để làm sao thay đổi nhân quyền, luật pháp và chính thể ở Việt Nam, thì mới giúp được con người Việt Nam. Ông đổi nước bọt và sự sỉ nhục, tra tấn… bằng suy nghĩ giúp đổi thay Việt Nam, chỉ như vậy thôi, ông đã là một anh hùng.
Những ngày tháng cuối cùng của John McCain, còn là những hoạt động không ngừng để bảo trợ và mang nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, định cư với cuộc đời khác.
81 tuổi, ông ra đi với nhiều điều đáng nhớ, cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
* Về sự ra đi của một người chính trực
Sự ra đi của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã được nói đến nhiều trong những ngày qua, với tất cả niềm mến tiếc và kính trọng. Nhiều người đã viết rồi, song mình vẫn cảm thấy viết về ông như một nhu cầu, một thôi thúc của trái tim.
Cuộc đời của John McCain cho chúng ta thấy rõ một điều, đó là tình yêu thương con người rất đỗi thiêng liêng, vượt ra ngoài mọi biên giới của đời sống. Từ một tù binh bị đọa đày chốn ngục tù, bị làm nhục đủ kiểu, McCain trở về cuộc sống bình thường, lòng không thù hận, góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh đã là kỷ niệm buồn của cả hai dân tộc. Ông tích cực tham gia vào quá trình kết nối hai đất nước từng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau và một trong những điều quan trọng nhất ông đã làm là góp phần lớn vào việc cứu vớt tương lai của hàng trăm ngàn gia đình, hàng triệu trẻ em Việt Nam có nguy cơ sống vất vưởng và bị kỳ thị ngay trên quê hương của mình.
Chương trình HO cho phép xuất cảnh những công chức, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng bị tù cải tạo từ 3 năm trở lên sau 30 Tháng Tư, 1975, đã tạo cơ hội đổi đời cho hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam, và nay là hàng triệu những người trẻ tuổi thuộc thế hệ con cháu họ đang có những chỗ đứng xứng đáng trong một xã hội văn minh và nhân bản. Tôi có những người bạn từng vượt biển trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những người từng sống trong các trại cải tạo, là đối tượng của chương trình HO do McCain góp phần xây dựng, nay hầu hết con cháu họ đã là bác sĩ, nha sĩ, luật sư,… chí ít cũng là những người lao động lương thiện và có năng lực trong một xã hội Mỹ không kỳ thị, biết trân trọng những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng. Tôi cho rằng chính 5 năm nằm trong ngục thất Hỏa lò Hà Nội đã hun đúc cho McCain niềm thương cảm đó đối với những phận người không chung dòng máu với ông, nhưng sau 30 Tháng Tư, 1975, đã chung chịu số phận như ông trước đó.
Khi lắng lòng nghĩ về sự ra đi của một con người chính trực như Thượng nghị sĩ John McCain, tôi tâm đắc với câu của nhạc sĩ Tuấn Khanh (Khanh Nguyen) "anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện", có những kẻ thất bại, thậm chí ngã gục trên chiến trường, muôn đời sau vẫn xem họ là những anh hùng. Lịch sử của nước Mỹ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó : sau cuộc nội chiến những năm 1861-1865, người lãnh đạo đạo quân thất trận phương Nam Robert E. Lee trở về trong sự kính trọng của những người thắng cuộc phương Bắc, những binh sĩ dưới quyền ông được an nghĩ vĩnh viễn trong nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi dành cho mọi người con yêu của đất nước, không phân biệt thành phần xuất thân trong xã hội.
Bức tường đá đen ngay thủ đô Washington ghi tạc danh sách 58,245 người con của đất nước Mỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam luôn là biểu tượng làm rung động tấm lòng hàng triệu người trong và ngoài nước Mỹ mỗi khí đứng chiêm ngưỡng cái vĩ đại của sự hy sinh vì đại cuộc. Ở đất nước chúng ta, một Trần Bình Trọng hiên ngang chửi vào mặt kẻ thù, "Ta thà làm qủy nước Nam, không thà làm vương đất Bắc rồi chịu chết, một Nguyễn Thái Học cất tiếng hô dõng dạc "Không thành công thì thành nhân" trước khi lên máy chém, và gần chúng ta hơn, trong những ngày tháng tư 1975 đáng nhớ của cả dân tộc, những Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng… đã chọn cái chết để thể hiện khí tiết và tinh thần trách nhiệm trước dân tộc, trước những binh sĩ dưới quyền họ. Dù thất trận, họ vẫn là biểu tượng tinh thần bất khuất của người chiến sĩ.
Thượng nghị sĩ John McCain đã nằm xuống trên một đất nước sẽ luôn vinh danh ông, trong lòng những người Việt Nam đang là công dân Mỹ đã nhờ có ông mà tìm được cuộc sống xứng đáng trong một xã hội công bằng và nhân bản, trong tâm tưởng của mọi người Việt nói chung, bởi vì dù xuất thân từ đâu, chúng ta vẫn luôn biết yêu lẽ công bằng và tình nhân ái giữa Người với Người.
An nghỉ nhé John, rất thương tiếc và kính trọng ông.
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
* Chưa có chính trị gia nước ngoài nào tận tình với Hà Nội như ông
Cho dù, vào đúng ngày 29 Tháng Tư, 2000, John McCain đã gọi Bên Thắng Cuộc là "wrong guys", chưa có chính trị gia nước ngoài nào tận tình với Hà Nội như ông (và John Kerry). Không biết có ai cật vấn "động cơ" của ông ấy. Chỉ biết, bằng cách kéo Hà Nội lại gần với Washington hơn, ông đã giúp được rất nhiều cho cả những người Việt Nam Cộng Hòa và những thường dân Việt Nam (được coi là) Cộng Sản.
Nếu không xếp súng đạn và cả huân chương vào quá khứ thì ông đã ở mãi trong chiến tranh ; nếu cứ nuôi thù hận thì ông suốt đời chỉ có kẻ thù. Và, ông chỉ là "War Hero" chứ không thể trở thành một "Political Hero" như ông đã.
Rất may là nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao Hà Nội cũng đã biết bước ra khỏi chiến tranh, đón nhận được một phần các nỗ lực của những cựu binh như ông, như John Kerry và cả Bob Kerrey… Cái cách mà John McCain & John Kerry giúp đỡ các nhà ngoại giao Hà Nội ở Washington, D.C., là như chăm sóc, giúp đỡ những đứa con. Không phải các ông đang dung dưỡng các nhà độc tài mà các ông đang kiên nhẫn để các nhà độc tài bớt độc tài và hành xử có trách nhiệm hơn với dân chúng.
[Tôi có mặt ở D.C. trong những ngày mà các nhà đàm phán Việt Nam đang căng thẳng với Mỹ từng câu chữ. Những bế tắc trong đàm phán thường không chỉ vì người Mỹ đòi hỏi các lợi ích kinh tế mà chủ yếu vì họ đòi các quyền lợi khác cho người dân Việt Nam. Tôi vài lần đùa với một người Việt Nam mà tôi cũng coi là "hero" – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp Định Thương Mại Việt-Mỹ (BTA), ông Nguyễn Đình Lương – "Có những đòi hỏi của Mỹ mà nếu các anh thất bại ở bàn đàm phán thì người dân Việt Nam chiến thắng"].
Nhờ những nhân cách như John McCain mà Hà Nội đã dần hòa giải được với Washington. Trong khi, người Việt vẫn chưa có những nhân cách đủ lớn để giúp hai phía Việt Nam hòa giải. Không phải tự nhiên mà truyền thông Mỹ và mạng xã hội hôm nay tràn ngập những lời tốt đẹp khi nói về ông. Một người chỉ có thể trở thành anh hùng của dân khi không chỉ có lòng quả cảm mà còn phải có đủ tài năng và đạo đức, đạo đức của một con người.
Nhà báo Huy Đức
* Một vòng hoa viếng Thượng nghị sĩ John Mc Cain, người bạn của Việt Nam
Ông đã tham gia chiến tranh Việt Nam vì những éo le của lịch sử. Ông đã hành xử anh hùng trong tù. (Tôi đã có 6 tháng trong buồng giam ở Hỏa Lò Hà Nội mà ông và đồng đội từng ở). Ông đã đi đầu hòa giải với Việt Nam, tạo cơ hội cho 2 nước trở thành bạn. Ông đã bênh vực những người đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước (như bảo lãnh cho nhạc sĩ Việt Khang đi tị nạn).
Vì thế, tôi sẽ gửi một vòng hoa viếng đến tang lễ ông ngày mai. Tôi muốn mời những ai đang ở Việt Nam mà yêu mến ông góp tiền vào vòng hoa này. Vòng hoa mang tên chung : "Một nhóm người Việt từ Việt Nam".
Hoàng Hưng, cựu tù nhân lương tâm Hoả Lò 1982
* Ông là người bạn Mỹ có quan hệ lâu dài, có ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng và sự tự do của mình
…Tôi viết những dòng này như một gợi nhớ và tri ân vì đã có cơ duyên được gần gũi và trở thành bạn với ông.
Đối với tôi, ông là người bạn Mỹ có quan hệ lâu dài, có ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng và sự tự do của mình. Đối với Việt Nam, ông xứng đáng có một vị trí trang trọng vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông cho quan hệ giữa hai nước.
Câu chuyện bắt đầu cách đây đúng 20 năm, khoảng Tháng Tám, năm 1998, tôi gặp vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam – cựu chiến binh Peter Peterson – tại nhà thờ Cửa Bắc. Chẳng bao lâu chúng tôi quen nhau và tôi tặng ngài cuốn sách "Việt Nam Cuộc Chiến" do dân sử Nguyễn Khắc Cần biên soạn. Đó là một cuốn sách bằng hình ảnh nói về cuộc chiến Việt Nam mà tôi góp phần chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cuốn sách gợi lên một giai đoạn bi thương nhưng đầy kỷ niệm cho các cựu binh Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Được sự gợi ý của Đại sứ Peterson, tôi đã gửi tặng John McCain một cuốn sách vì có nhiều hình ảnh của ông trong khi bị bắt ở hồ Trúc Bạch và ở trong nhà tù Hỏa Lò. Do ông là con nhà nòi 3 đời phục vụ quân đội nên được Hà Nội lưu ý đặc biệt…
Sau khi nhận sách, ông gửi lời cám ơn và chúng tôi đã gặp nhau trong một lần ông sang Việt Nam. Ông kể cho tôi nghe về những vết thương thể lý và cả tinh thần nặng nề trong thời gian bị giam ở Việt Nam. Cánh tay phải của ông sau nhiều lần phẫu thuật vẫn không thể giơ cao quá đầu và hình ảnh tù binh bị "dong" qua các phố ở Hà Nội để người dân nguyền rủa là một xỉ nhục hơn bất cứ sự hành hạ thể xác nào. Những vết thương theo ông mãi mãi và vì vậy việc bình thường hóa thật sự cũng theo ông mãi đến ngày ông ra đi.
Tôi hiểu McCain có những day dứt nhưng ông biết vượt qua, như đã nhiều lần vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo nhất trong cuộc đời. Ông yêu nước Mỹ nồng nàn và phản chiến nhưng ông không hối hận về cuộc chiến đấu. Ông coi đó như là một nghĩa vụ cao cả mà với tư cách công dân trong một nước và là người con trong một gia đình truyền thống phục vụ quân đội, ông vinh dự được gánh vác. Ông lao xuống rất sâu khi ném bom nhà máy điện Yên Phụ để "bịt mắt Hà Nội" và vì vậy dính tên lửa trong phi vụ thứ 23 đánh ra Bắc Việt.
Ông cũng rất hiểu về Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông kể cho tôi về OSS và đội công tác Con Nai, về những cơ hội bị bỏ lỡ trong quá khứ và tương lai Việt Nam. Ông tin rằng Dân chủ là tất yếu và chỉ có như vậy Việt Nam mới phát triển và thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông hiểu rõ Hồ Chí Minh và có lần chỉ vào tôi và bảo "You are true Nghe An patriot, like him" rồi cười. Tôi cho đến giờ vẫn không hiểu đó đó là một câu khen hay là một câu chê.
Từ khi biết nhau, ông gợi ý tôi về việc nghiên cứu sâu về khoa học chính trị và nền Cộng Hòa. Khi tôi sang Mỹ học, có dịp được gặp ông tại Văn phòng thượng nghĩ sĩ. Ông cầm bức ảnh chụp ông khi lên máy bay trở về nước trong đợt trao trả tù binh vào Tháng Ba, 1973 rồi nói "một phần của tôi đã ở đó và luôn muốn quay lại". Trong thời gian ở Mỹ, có một vài lần được gặp ông cùng trao đổi về cuộc sống, con người và tương lai Việt Nam. Ông chỉ mong một điều là làm sao Việt Nam có tự do để trở nên thịnh vượng.
Năm 2007 khi tôi về nước và bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vì đã quan hệ với 6 tổ chức đảng phái chống cộng. Ông, với tư cách là một thượng nghị sĩ thành viên đảng Cộng Hòa – Đương kim chủ tịch Viện Cộng Hòa Quốc Tế (IRI) và bà Ngoại Trưởng Madeleine Albright – Chủ tịch Viện Dân Chủ Quốc Gia (NDI) đã viết thư yêu cầu chính phủ Việt Nam tiến hành "các sắp xếp cần thiết để thả Luật Sư Lê Quốc Quân". Khi còn ngồi trong tù, thông qua cách nói của Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, tôi được biết ông là người mạnh mẽ đòi trả tự do cho tôi vì ông tin "Quân không làm điều gì sai với Việt Nam cả". Sau đó tôi được tự do mà không có một bản án nào.
Ngày ông ứng cử tổng thống, chạy đua cùng Tổng thống Obama, trong tôi có nhiều cảm xúc khác lạ. Là một người yêu dân chủ và đang rất hâm mộ Tổng thống Obama nhưng McCain là một điều gì đó gần gũi và rất quen thuộc với gia đình. Tôi công khai viết bài ủng hộ Tổng thống Obama nhưng khi biết McCain III thất cử lòng cũng bùi ngùi. Tôi cảm phục bài phát biểu chúc mừng của ông đối với Tổng thống Obama.
Lần cuối gặp ông là năm Tháng Sáu năm ngoái (2017) khi ông sang Việt Nam. Lần này tôi quyết định đến gặp ông dù được chính quyền khuyến cáo là không được gặp. Tuy nhiên, tôi đã để lại một tin nhắn cho các nhân viên an ninh rằng : "Ông ấy là một người bạn trung nghĩa, của tôi và của Việt Nam, dù các ông có ngăn cản thì tôi vẫn cứ đi".
Sau khi tìm mọi cách trốn đi để có được cuộc gặp cuối cùng với ông, hôm sau tôi đã bị đánh và bị doạ giết cả gia đình. Tuy nhiên, tôi không bao giờ hối tiếc việc đó. Tôi thấy ông là tấm gương, ngay cả khi bệnh tình đã nặng, ông vẫn miệt mài vun đắp cho sự phát triển của Việt Nam, không chỉ với chính quyền, mà còn với những con người đối lập với chính quyền.
McCain III luôn tin rằng, một cuộc hòa giải đích thực sẽ rất mất thời gian, và trước tiên đó phải là một sự hòa giải thực sự trong tâm hồn người Việt, nơi tự do dân chủ được tôn trọng và tôi có quyền gặp ông bất cứ khi nào.
Giờ thì không còn cơ hội nữa, nhưng tôi sẽ rất nhớ và tôi tin rằng ông sẽ mãi phù hộ cho sự hòa giải được thành công. Xin Chúa đón nhận linh hồn ông về nơi vĩnh hằng. Rest-In-Peace, My Dear Friend.
Luật sư Lê Quốc Quân
Uyên Vũ (tổng hợp)