Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/08/2018

Vì sao các ngân hàng muốn mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC ?

Vietstock

Sau một giai đoạn ồ ạt bán nợ cho tổ chức này, thời gian qua chứng kiến xu hướng đảo chiều khi làn sóng các ngân hàng mua lại nợ đã bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) ngày càng lan rộng. Diễn biến này có ý nghĩa gì ?

no1

Tích cực xóa sạch nợ xấu đã bán cho VAMC

Vietcombank (VCB) là ngân hàng đầu tiên xóa sạch nợ tại VAMC vào cuối năm 2016, chỉ sau hai năm tập trung kế hoạch xử lý nợ, sớm trước ba năm so với lộ trình 2020 mà Quốc hội, Chính phủ chủ trương. Cụ thể sau khi trích lập 3,300 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt, Vietcombank đã đã lấy lại toàn bộ dư nợ đã bán cho VAMC còn lại là 4,300 tỷ đồng về để tiếp tục theo dõi xử lý.

Sau Vietcombank, đã có thêm một số ngân hàng xử lý sạch phần nợ xấu bán cho VAMC. Những tên tuổi này gồm có Techcombank (TCB), MBBank (MBB), ACB, VIB và gần nhất là Vietinbank (CTG), ngân hàng thứ 6 xóa sạch nợ tại VAMC. Cụ thể, nếu như cuối năm 2017, Vietinbank vẫn còn 2,472 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt tại VAMC, trong đó trích lập dự phòng 1,891 tỷ đồng thì báo cáo tài chính bán niên 2018 vừa qua VietinBank không còn nắm giữ trái phiếu đặc biệt nào do VAMC phát hành.

Xu hướng này khả năng sẽ còn tiếp tục lan rộng, đặc biệt tại những ngân hàng có lượng nợ xấu đã bán cho VAMC chỉ ở mức tương đối, hoặc ở những ngân hàng có tình hình tài chính tốt và có tỷ lệ nợ xấu hiện tại thấp, do đó không quá lo ngại đến việc tỷ lệ nợ xấu có thể vượt quy định khi mua lại nợ xấu từ VAMC. Như tại OCB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết nhiều khả năng OCB sẽ thu hồi được 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC còn lại và không phải trích dự phòng và OCB cũng quyết xóa hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng để làm sạch nợ ngoại bảng.

Theo báo cáo gần đây của VAMC thì kể từ khi thành lập đến hết 31/12/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Do đó, có thể thấy con đường mà các tổ chức tín dụng còn lại muốn xóa sạch nợ tại VAMC là còn lắm gian nan, đặc biệt đối với những ngân hàng có lượng nợ xấu bán cho VAMC khá lớn như Agribank, BIDV, Sacombank hay SCB thì có thể cần phải mất nhiều thời gian xử lý hơn, do đó khó có thể sớm xóa sạch nợ.

Không còn cần đến một "cái lồng" để nhốt nợ xấu

Để xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC, các ngân hàng có thể sớm trích lập dự phòng đầy đủ cho trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi tiềm lực tài chính của ngân hàng thật sự mạnh mẽ, theo đó lợi nhuận phải đảm bảo cao đủ khả năng để trích lập dự phòng mà không ảnh hưởng quá lớn đến các hệ số sinh lời.

Song song đó, ngân hàng có thể phối hợp với VAMC để sớm thu hồi nợ từ khách hàng, hoặc chọn con đường mua lại nợ đã bán để có thể xóa sạch nợ tại VAMC. Đáng lưu ý là quyết định mua lại nợ xấu gần đây được nhiều ngân hàng áp dụng, khi các điều kiện hiện nay cho thấy giải pháp này mang lại lợi ích nhiều hơn.

Trước hết cần biết rằng VAMC ra đời vào giữa năm 2017, thời điểm mà ngành ngân hàng đang đối mặt với nợ xấu gia tăng liên tiếp và rủi ro bất ổn đến hệ thống tài chính. Theo ước tính của một sổ tổ chức quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu thực tế của hoàn hệ thống nằm trong khoảng 13 – 15%, chứ không phải vài ba % như báo cáo được công bố. Việc VAMC ra đời đã giúp nhiều ngân hàng có được phương thức xử lý nợ cực kỳ nhanh gọn lẹ, và VAMC trở thành một "cái lồng" tuyệt vời để thu gom và nhốt nợ xấu lại, từ đó giúp tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách nội bảng của toàn hệ thống nói chung và từng ngân hàng nói riêng ở mức "đẹp như mơ" và thấp hơn quy định.

Và kể từ đó đến nay, toàn ngành ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, theo đó một số ngân hàng đã giảm nợ xấu đáng kể, đưa tỷ lệ nợ xấu thật sự về mức thấp ổn định như hiện tại, do đó việc mua ngược lại nợ xấu đã bán từ VAMC vẫn đảm bảo tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của ngân hàng đảm bảo theo quy định, đồng thời thể hiện được sự minh bạch và lành mạnh trong việc nhìn nhận nợ xấu, điều mà giới đầu tư trong và ngoài nước luôn nhìn vào.

Tận dụng điều kiện thị trường để chủ động xử lý nhanh hơn

Thực tế cho thấy công cuộc xử lý nợ xấu tại VAMC là gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Không chỉ vì một thị trường mua bán nợ, tài sản chưa thật sự hình thành, mà vì quá nhiều khoản nợ phức tạp trong khi nguồn lực của VAMC có hạn nên cũng không thể xử lý nợ nhanh và có mức độ ưu tiên như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, dù có được sự phối hợp tích cực giữa hai bên.

Thay vì vậy, việc mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội từ tháng 7/2017, trong đó cho các tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ là một giải pháp quan trọng.

Thực tế cho thấy giá trị nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 đã đạt được kết quả tích cực chỉ sau 1 năm Nghị quyết được ban hành. Ngoài ra, với các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, thì trong tình hình thị trường bất động sản đang tiếp tục phục hồi tốt sẽ càng giúp các ngân hàng có thể tự mình xử lý nhanh hơn.

Đứng ở góc độ tài chính, nếu để nợ xấu đã bán tại VAMC thì ngân hàng vẫn định kỳ phải trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt theo tỷ lệ 20%/năm, hoặc 10%/năm đối với những ngân hàng có tình hình tài chính khó khăn hơn. Đây là áp lực chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó, việc mua lại nợ xấu từ VAMC không chỉ giúp các ngân hàng giảm được áp lực dự phòng rủi ro những năm kế tiếp, mà còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng đối với các khoản đã trích trước đó khi thu hồi nợ xấu thành công.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ – TTg diễn ra vào sáng nay (28/8), đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Nhung Võ

Quay lại trang chủ
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)