Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/08/2018

Thái bắt người xin tị nạn, 63.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

RFA tiếng Việt

Thái Lan bắt giữ hơn 100 người Thượng Việt Nam và Campuchia đang xin tị nạn (RFA, 30/08/2018)

Sáng ngày 30 tháng 8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) ra thông cáo yêu cầu chính quyền Thái Lan trả tự do cho 181 người dân tộc thiểu số tị nạn và những người tìm kiếm quy chế tị nạn với quy chế của Liên Hiệp Quốc vừa bị cảnh sát Thái bắt gần đây.

bat1

Một người Thượng tại Thái Lan.- Photo : RFA

Hầu hết họ là người Thượng ở Việt Nam và Campuchia bị bắt trong ngày 28 tháng 8 ở ngoại ô Bangkok.

Ông Brad Adams, giám đốc ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay :

"Những tuyên bố thường xuyên của Thái Lan về việc cải thiện quyền tị nạn chỉ là sáo rỗng khi quan chức bỏ tù hàng chục gia đình đang được bảo vệ bởi cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Những người Thượng này phải đối mặt với cuộc bức hại tàn bạo nếu họ được trả về Campuchia và Việt Nam, mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Những người Thượng tìm kiếm quy chế tị nạn ở Thái Lan hầu hết ở khu vực Tây Nguyên, bị chính quyền cưỡng chế đất đai mà không được đền bù thỏa đáng hoặc bị đàn áp khi theo đạo Tin Lành, phải chạy trốn qua các nước lân cận.

Bà Grace Bùi, Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng ở Thái Lan, vào trưa ngày 30 tháng 8 cho hay, theo thông tin mà bà biết thì chỉ có tổng cộng 133 người bị bắt trong đó có 46 trẻ em.

"Hôm thứ hai 28 tháng 8, chính phủ Thái có đến một khu vực gọi là Wat Sao Thong Hin, khu vực đó có cỡ chừng 70-80 gia đình người Thượng sống ở đó.

Họ bắt hết tất cả người sống ở đó luôn cả những đứa con nít, nhưng thông tin chính xác tôi muốn sửa lại đó là 87 người lớn và 46 trẻ nhỏ, tổng cộng là 133 người.

Ngày hôm qua đến hôm nay chính phủ Thái họ bắt đầu làm giấy tờ, đến bây giờ họ vẫn chưa bắt đầu phiên tòa nhưng một số người đã bị bỏ tù, phần lớn vẫn còn ở nơi tạm giữ.

Có người có quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc, có người đang chờ đợi phỏng vấn và có người mới qua chưa có thẻ".

Những người bị bắt sắp tới đây có thể sẽ phải ra tòa, nộp tiền phạt khoảng 50 ngàn baht Thái, tức là khoảng 1500 đô la Mỹ, hoặc bị đưa vào trại tạm giam người nhập cư IDC.

Theo bà Grace Bùi sẽ rất khó để đưa những người bị giam ở trại này trở ra ngoài.

"Khi vào tù bình thường họ có thể ở một vài ngày, hay một hai tuần rồi mình nộp phạt cho họ ra, nhưng khi vào IDC thì rất khó ra, có những người phải ở cho đến khi có một nước thứ ba nhận họ mới được ra".

Cũng theo thông cáo của Human Rights Watch, đã có 34 người Thượng quốc tịch Campuchia bị đưa vào trung tâm giam giữ người nhập cư để chờ trục xuất và hôm 29 tháng 8. Chính quyền quân đội Thái đưa 38 người tị nạn Việt Nam đến tòa án quận Nonthaburi để xét xử nhưng không thành công do không có người phiên dịch ngôn ngữ tiếng Jarai.

Giám đốc ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền chỉ trích việc Thái Lan đang giam giữ 50 trẻ em tị nạn và đang tìm kiếm quy chế tị nạn là "vi phạm các cam kết quốc tế" của Thái Lan, và yêu cầu chính phủ nước này trả tự do cho những trẻ em này ngay lập tức.

Việt Nam luôn phủ nhận việc đàn áp tôn giáo đối với đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên và cho rằng "chỉ những kẻ chủ mưu phá rối trật tự, an toàn xã hội, bất chấp những lời khuyên răn, cảnh cáo, cố tình phạm pháp đến mức nghiêm trọng mới bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật".

*******************

Trên 63.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm (RFA, 30/08/2018)

Trên 63.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động có thời hạn hoặc chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư) cho biết như vậy hôm 29/8.

bat2

Ảnh chụp vào ngày 13 tháng 7 năm 2017 tại Công ty Thủy sản Khánh Sung ở huyện Mỹ Xuyên, một huyện ở miền Nam Việt Nam. AFP

Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có gần 87.500 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn khoảng 900.000 tỷ đồng.

Các ngành nghề thường có xu hướng gặp khó khăn được công bố là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến, chế tạo, nghệ thuật, vui chơi – giải trí, thông tin – truyền thông. Trong đó, ngành buôn bán sửa chữa xe máy, ô tô có số doanh nghiệp đóng cửa lớn nhất với 3.500 doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm.

Cục Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, số doanh nghiệp chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2018 cho thấy hoạt động của doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn.

Cơ quan chức năng nhà nước xác định một phần nguyên nhân số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng là vì một số ngành có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ trong hầu hết các tiêu chí như dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục, khoa học – công nghệ, thiết kế, quảng cáo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định việc địa phương triển khai công tác làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân khiến con số tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao.

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)