Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/09/2018

Nga muốn tăng quan hệ quân sự và an ninh với Việt Nam

BBC tiếng Việt

Hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin tại Sochi hôm 6/9 nằm trong một loạt nỗ lực ngoại giao của Nga tại Châu Á gần đây nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược, thị trường kinh doanh vũ khí, và quyền lực, theo giới phân tích.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 06/09 tại Sochia rằng Liên bang Nga "muốn quan hệ chặt chẽ hơn về quân sự và an ninh với Việt Nam", theo các hãng thông tấn.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 06/09 tại Sochia rằng Liên bang Nga "muốn quan hệ chặt chẽ hơn về quân sự và an ninh với Việt Nam", theo các hãng thông tấn

Nga bị phương Tây cô lập nên đang hướng về phương Đông.

Hàng loạt các hoạt động quân sự và ngoại giao dày đặc thời gian qua với các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương khắc họa hình ảnh nước Nga đang hồi sinh và tái khẳng định vị thế ở khu vực này, theo The South China Morning Post.

Với Việt Nam

Tổng bí thư Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tại Nga từ 6-8/9.

Ông Trọng dự kiến sẽ có cuộc đàm phán với Tổng thống Putin hôm 6/9 tại Sochi, tập trung vào các vấn đề chính của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt Nam và các vấn đề hiện tại của khu vực, theo thông cáo của điện Kremlin được Thông Tấn Xã TASS của Nga trích dẫn.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga đang tiến triển thuận lợi, dựa trên truyền thống nhiều năm hợp tác hữu nghị, theo TASS.

Ông Putin và ông Trọng đã gặp nhau hai lần, tại Hà Nội vào tháng 11/2013 và ở Sochi vào mùa Thu năm 2014.

Trợ lý của ông Putin, ông Yuri Ushakov cho hay Nga và Việt Nam sẽ kỷ niệm 25 năm quan hệ hữu nghị với Việt Nam trong năm 2019 và lên kế hoạch tổ chức Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga.

"Các cuộc đàm phán là để đưa ra một tuyên bố chung và một số văn bản hợp tác song phương về thương mại và đầu tư" ông Yuri Ushakov được dẫn lời trên TASS.

Riêng trong chuyến đi lần này, chưa ai rõ là ông Trọng đi tìm gì ở Nga, và Việt Nam nằm đâu trong chiến lược của Nga ở phương Đông.

Với Philippines, Indonesia

Nga cũng tăng cường quan hệ với Philippines. Vào tháng 8/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã thông báo đưa một trong những tàu chiến tới thành phố Vladivostok, nơi có Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, theo The South China Morning Post.

Tháng trước, có báo cáo rằng Nga đã bán cho Philippines hai tàu ngầm lớp Kilo.

Bà Fe Apon, chuyên gia Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược ở Manila cho rằng có vẻ rõ ràng rằng Nga sẵn sàng cung cấp phần cứng quân sự cho Philippines tốt hơn so với Mỹ, bất chấp sáu thập kỷ quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Washington và Manila.

Giới phân tích cũng cho rằng trong khi Mỹ thường áp đặt một số chính sách đối với các đối tác hoặc khách hàng tiềm năng- chẳng hạn như vấn đề nhân quyền - Nga đặt ra rất ít điều kiện liên quan đến nội bộ các nước.

Điều này là vấn đề quan trọng với Indonesia, theo Evan Laksmana, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Jakarta được trích lời trên The South China Morning Post.

Indonesia đã đặt hàng các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, trong khi Moscow đã tận dụng mối quan hệ với nước này để gửi tín hiệu rõ ràng cho các đối thủ về tầm ảnh hưởng của mình.

Với Trung Quốc

nga2

Ông Putin và ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh năm 2018

Nga đang hướng về Trung Quốc với kỳ vọng biến nước này thành đối tác chiến lược và thị trường kinh doanh vũ khí mới của mình, theo bài báo trên The South China Morning Post.

Tại cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều thập niên của quân đội Nga vào cuối tháng Chín, Trung Quốc sẽ có mặt.

Mặc dù lực lượng quân sự của các quốc gia thường xuyên tổ chức diễn tập chung, quyết định đưa Trung Quốc vào Vostok 2018 khiến một số nhà phân tích quốc phòng ngạc nhiên. Vì các cuộc tập trận trước đây nghiêm cấm sự tham gia của lực lượng vũ trang nước ngoài.

Việc Nga mời Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự được cho là một bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ quân sự vốn đã khăng khít giữa hai nước. Việc Nga phá bỏ tiền lệ cũng có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy mong muốn của Nga dành vị thế chiến lược ở phương Đông, theo giới phân tích.

Xét cho cùng, Moscow không chỉ vươn ra Bắc Kinh. Trên khắp Châu Á-Thái Bình Dương, sự tham gia của quân đội Nga đang gia tăng, từ các mối quan hệ quốc phòng hồi sinh với Việt Nam đến bán vũ khí cho các khu vực xa xôi như Fiji.

Đồng thời, Nga đang củng cố lực lượng ở các căn cứ phía đông đất nước, theo bình luận của tác giả bài báo trên The South China Morning Post.

Theo giới phân tích, trong ngắn hạn, Nga muốn giành thị trường xuất khẩu vũ khí mới, tiếp cận chiến lược với các cảng biển và sân bay, và ưu đãi trên nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp Nga.

Về lâu dài, giới quan sát cho rằng, những nỗ lực này cũng có thể giúp thúc đẩy tham vọng của Nga trở thành một cường quốc hàng đầu.

Nga hiện vẫn giữ lợi thế đáng kể trong lĩnh vực quân sự trên toàn cầu, với công nghệ tiên tiến chỉ xếp sau Mỹ.

Chỉ riêng tại Khu quân sự phía Đông, Nga tự hào có một kho vũ khí đa dạng cả trên biển và trên không, với máy bay ném bom tầm xa, máy bay chiến đấu và một số tàu ngầm hạt nhân yên tĩnh nhất trên thế giới.

Nếu Nga phải cảnh giác với bất kỳ quyền lực nào trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, các nhà phân tích nói, đó hẳn là Trung Quốc.

Ông Bobo Lo, cựu giám đốc chương trình của Nga và Trung Quốc tại Chatham House được dẫn lời trên The South China Morning Post cho rằng Bắc Kinh có thể nhanh chóng hất cẳng Moscow ra khỏi khu vực nếu Nga trở nên quá mạnh.

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)