Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/09/2018

Kê khai tài sản, truy tìm đồng lõa "Vũ nhôm", đàn áp đạo Tin Lành, dụ nhân tài

Tổng hợp

Đại biểu Quốc hội muốn sĩ quan quân đội và công an kê khai tài sản (RFA, 06/09/2018)

Tại hội nghị đại biểu quốc hội diễn ra vào sáng ngày 6/9 ở Hà Nội, có ý kiến cho rằng dự thảo luật phòng chống tham nhũng nên mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản bao gồm sĩ quan quân đội và công an.

kekhai1

Hình minh họa. Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử hôm 30/7/2018. Ảnh chụp màn hình - Photo : RFA

Dự thảo luật phòng chống tham nhũng theo dự kiến sẽ được trình quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây.

Theo dự thảo luật hiện tại, các giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, những người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, hoặc khi có đơn tố cáo, có biến động tăng tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản bao gồm bố, mẹ và con thành niên, áp dụng đối với những người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan đảng, nhà nước và ở cơ quan thuộc lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên thu hẹp đối tượng kê khai tài sản vì lo ngại khó khả thi.

Trong thời gian gần đây, đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật một số các sĩ quan cấp cao trong quân đội và công an về các sai phạm liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức quyền, trong chiến dịch phòng chống tham nhũng rộng khắp được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ sau đại hội đảng 12 hồi năm 2016.

Những trường hợp đáng chú ý gần đây nhất trường hợp của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc), thượng tá quân đội, bị tòa án tuyên 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Liên quan đến trường hợp Út trọc, còn có hai đại tá quân đội là Bùi Danh Thắm và Bùi Văn Tiệp bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong lực lượng công an, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua đã có 4 tướng công an bị kỷ luật, truy tố về các tội lợi dụng chức quyền. Điển hình là trường hợp của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Cả hai người này bị truy tố với mức án lên đến 10 năm tù.

*********************

Bộ công an đang tìm ai là người giúp Vũ ‘nhôm’ thâu tóm đất công (RFA, 06/09/2018)

Cơ quan chức năng Bộ công an đang xem xét hành vi rửa tiền, trốn đi nước ngoài của ông Phan Văn Anh Vũ, thường được biết đến với biệt danh ‘Vũ nhôm’. Bên cạnh đó Bộ công an Việt Nam cũng đang cố làm rõ ai là nhân vật giúp cho ông Phan Văn Anh Vũ thu tóm được 31 nhà đất công tại thành phố biển Đà Nẵng.

kekhai2

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ Trưởng Bộ công an, hồi đáp như vừa nêu đối với những thắc mắc liên quan của các thành viên Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Việt Nam tại phiên họp diễn ra vào chiều ngày 6 tháng 9 ở Hà Nội.

Truyền thông trong nước dẫn thắc mắc của ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Thành Phố Đà Nẵng rằng có nhiều nhà cửa, đất đai công sản rơi vào tay ông Phan Văn Anh Vũ ; vậy đến nay những tài sản đó đang do ai quản lý, liệu có thu hồi được hay không.

Trong khi đó ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Tư Pháp Quốc Hội Việt Nam, thì nói rằng trong vụ án Vũ nhôm nhiều tài sản rơi vào tay ông Phan Văn Anh Vũ được tẩu tán trước khi bản thân ông này trốn chạy.

Ông Lê Quý Vương trả lời rằng từ khi ông Phan Văn Anh Vũ bị phía Singapore trả về Việt Nam đến nay thời gian khởi tố, điều tra đã 8 tháng. Vụ án được ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, làm tổ trưởng Ban Chỉ Đạo.

Đến nay, ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố 4 tội danh. Tòa xử phạt ông này 9 năm tù về tội danh ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’. Các tội danh khác gồm ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, ‘lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản’, ‘vi phạm qui định về quản lý đất đai, quản lý công sản’.

Ông Phan Văn Anh Vũ sinh năm 1975. Ông được gọi là ‘Vũ nhôm’ vì xuất thân là một người kinh doanh sản phẩm nhôm kính. Tuy nhiên trở thành một nhân vật được nhiều người biết đến như là một ‘đại gia’ trong ngành bất động sản.

Ông còn được nói mang hàm thượng tá công an Việt Nam.

*******************

Thầy truyền đạo Hội thánh tin lành Đấng Christ Việt Nam bị công an bắt cóc (RFA, 06/09/2018)

Một thầy truyền đạo dân tộc Ê Đê thuộc Hội thánh tin lành Đấng Christ ngụ tại tỉnh Đăk Lắk được cho biết bị lực lượng công an địa phương bắt đưa đi khi đang trên đường đi làm rẫy vào sáng 5/9. Một nguồn tin giấu tên cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy hôm 6/9.

kekhai3

Hình minh họa. Những người Thượng xin tị nạn tại Campuchia kêu gọi quốc tế can thiệp - Courtesy Grace Bui

Vào khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 5/9, ông Y Jon Ayun ngụ tại buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk đi làm rẫy tới chiều tối mà vẫn chưa thấy về. Gia đình người nhà lo lắng thì được một người cùng làng qua báo tin là ông đã bị công an bắt.

Mục sư muốn giấu tên nói với chúng tôi như sau.

Vào sáng sớm, công an huyện Krông Pắc chưa tới nhà nhưng thấy thầy Y Jon Ayun thì chặn xe và mời bằng miệng là phải lên huyện làm việc, nhưng Y Jon từ chối vì không có một giấy mời nào hết. Thầy Y Jon chuẩn bị đi vào rẫy đi làm. Ông đang trên đường đi làm, giữa đoạn đường đi ông không ngờ lực lượng công an huyện Krông Pắc và công an huyện Buôn Hồ dùng những thủ đoạn giống như kẻ khủng bố đã chặn và bắt ngay tại đoạn đường trên rẫy.

Chiều tối ngày 5/9, Mục sư Y Nuen, anh trai của Thầy truyền đạo Y Jon Ayun, đã gọi điện thoại lên công an tỉnh Đăk Lắk để hỏi xem em trai mình hiện đang ở đâu. Người nhà nạn nhân cho biết ban đầu công an trả lời rằng không biết nhưng về sau thừa nhận là đã bắt ông Y Jon Ayun để điều tra và đang bị giam tại đồn công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk.

Vào trưa 6/9, anh trai và vợ của ông Y Jon Ayun đã tới đồn công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk để gặp người nhà nhưng chỉ có người vợ được vào gặp ông Y Jon Ayun. Cuộc gặp được nói rằng rất ngắn ngủi và công an nói sẽ thả ông Y Jon Ayun khi điều tra xong. Gia đình ông Y Jon Ayun không được cho biết công an đang điều tra ông về cáo buộc gì.

Gia đình ông Y Jon Ayun cho biết đến lúc này ông người bị bắt vẫn chưa được thả về nhà. Vào năm 2013, ông này được nói bị giam giữ và tra tấn 9 ngày trong đồn công an huyện Krông Pắc.

Hội thánh Tin lành Đấng Christ được nói vẫn bị chính quyền địa phương sách nhiễu kể từ năm 2013. Bản thân nhiều người đã phải bỏ buôn làng sang tị nạn ở các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Phillipines chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ.

******************

Lại chuyện chiêu dụ người tài nhân danh "lòng yêu nước" (RFA, 06/09/2018)

Chính phủ Hà Nội tiếp tục nhân danh ‘lòng yêu nước’ kêu gọi những người gốc Việt có tài trên thế giới về đóng góp cho tổ quốc. Suốt nhiều năm qua, từng có những vị ở nước ngoài cho biết, họ vì lòng yêu quê hương mà sẵn sàng về làm việc, đóng góp giúp Việt Nam phát triển. Thực tế ra sao ?

kekhai4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam hôm 19/8/2018, tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Lại chuyện hình thức

Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra sự kiện được báo chí trong nước loan tin rộng rãi mang tên "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018". Tham gia sự kiện ngoài các nhà khoa học trong nước, có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài được mời.

Mục tiêu theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam là nhằm huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo và làm việc lâu năm tại nước ngoài, trở về giúp xây dựng và phát triển đất nước.

Từ Đà Nẵng, nhà báo Trương Duy Nhất đưa nhận xét liên quan chương trình này :

"Trong mọi ngành thì các cuộc gặp gỡ kêu gọi các người tài ở khắp nơi về nó chỉ mang tính hình thức thôi. Người ta hay nói đùa, như trong bài viết của Anh Dương Ngọc Thái là một chuyên gia người Việt trẻ ở Thung lũng Silicon có về Việt Nam tham dự, thì có thể hiểu là buổi lễ chủ yếu để phát danh thiếp, chụp hình với thủ tướng, tặng quà là cây viết thủ tướng… thế thôi. Tôi nghĩ nếu mà để lắng nghe hiến kế của những người tài, thậm chí những ý kiến trái chiều một tí để đóng góp thì nó rất hy hữu".

Nhân danh ‘lòng yêu nước’

Phát biểu tại buổi lễ công bố chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018", ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Việt Nam, cho rằng "tình yêu Tổ quốc ở mỗi người thể hiện bằng những hành động cụ thể, những góc độ khác nhau, song hơn hết là làm sao để đưa đất nước phát triển".

kekhai5

Lễ công bố chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" - Viet Nam Innovation Network hôm 19/8/2018, tại Hà Nội.Courtesy chinhphu.vn

Cùng thời điểm này, báo chí do nhà cầm quyền Việt Nam quản lý, cũng đưa lên nhiều bài viết cho rằng, kêu gọi người tài sống ở nước ngoài trở về đóng góp, nên bắt đầu từ lòng yêu nước.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn và bị kết án tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam’ rồi bị trục xuất đi Pháp, chia sẻ suy nghĩ của ông về kêu gọi trí thức nước ngoài hãy vì lòng yêu quê hương về nước đóng góp :

"Tôi cũng không ngạc nhiên, vì thật sự mà nói thì cái lời kêu gọi này tôi đã nghe từ năm 1976 rồi. Tôi thấy nó buồn cười, bởi vì thật sự mà nói những người tài trong nước cũng không phải là ít. Tôi đã có cơ hội làm việc ở trong nước 20 năm, tôi có tiếp xúc với các thầy cô cũng như các sinh viên, tôi thấy họ rất là giỏi và có lòng với đất nước. Với cái số lượng người như thế, chất lượng như thế thì tôi nghĩ cũng đã đủ sức để đóng góp xây dựng đất nước. Vậy mà bốn mươi mấy năm rồi, sau khi bom đạn chấm dứt, đất nước thống nhất. Vậy mà bây giờ đất nước chúng ta, tôi xin xài cái chữ là ‘lẹt đẹt’ trong những nước chậm phát triển".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, chính quyền Việt Nam không cần phải kêu gọi những người ở hải ngoại yêu nước trở về, khi mà điều kiện cho phép là họ về ngay. Theo ông, người Việt hải ngoại lúc nào cũng suy nghĩ về đất nước và muốn đóng góp cho đất nước, nhưng hoàn cảnh đất nước không cho phép họ làm như vậy.

‘Lòng Yêu nước’ theo định hướng

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động có tiếng ở Việt Nam đồng thời cũng là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Độc Lập IDS tự giải thể, thì lại cho rằng không cần nhân danh ‘lòng yêu nước’ mà cần tạo điều kiện và trọng dụng người tài thực sự :

"Tôi nghĩ cái lòng yêu nước rất là khó xác định, cái việc cần làm là tạo điều kiện để người người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, tức là các nhà khoa học, họ làm việc một cách sáng tạo nhất. Điều kiện đó là gì, tức là họ có thiết bị máy móc, họ được tự do làm việc và phải có thu nhập thỏa đáng. Tôi nghĩ là với vài điều kiện tôi vừa nói thì dễ làm hơn nhiều so với cái gọi là lòng yêu nước chung chung. Cái lòng yêu nước chung chung ấy bây giờ còn không huy động được những người già nữa chứ đừng nói đến thế hệ trẻ. Mà cái lòng yêu nước của họ lại đi ngược với tự do, cho nên tôi nghĩ nói như vậy là nói chơi thôi chứ chẳng có tác dụng gì cả ?"

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh sống tại Bỉ, đã và đang tham gia nhiều chương trình hợp tác tại Việt Nam, hiện đang có mặt tại Việt Nam, đồng ý rằng lòng yêu nước là căn bản của người Việt Nam. Nhưng theo ông, lòng yêu nước trong khuôn khổ quan điểm hiện nay của nhà nước Việt Nam thì có sự lệch lạc. Cho nên ông cho rằng chính quyền Việt Nam dùng lòng yêu nước để kêu gọi người tài thì không ổn. Ông nói tiếp :

"Phải xuất phát từ quan điểm tất cả người Việt Nam đều có lòng yêu nước hết. Mà lòng yêu nước đó là yêu quê hương, yêu xóm làng, yêu khóm tre, bụi trúc, yêu con đò … yêu quê hương là yêu như vậy chứ không phải là yêu quan điểm chính trị. Cái điều lệch lạc là họ cho rằng phải đồng ý với quan điểm chính trị của họ thì mới là yêu nước, đó là một sai lầm. Tôi nghĩ nếu mà nghĩ như vậy để kêu gọi nhân tài về giúp nước, thì tôi e là hơi khó".

Theo nhà báo Trương Duy Nhất, bây giờ mà kêu gọi trở về đóng góp bằng lòng yêu nước thì không còn phù hợp, không nên và không đúng nữa. Bởi vì thực tế yêu nước thì biết bao nhiêu người tài trong nước, biết bao nhiêu người Việt trong nước yêu nước. Ông chia sẻ :

"Đất nước này đâu thiếu người tài, gần 100 triệu dân Việt thì cũng không thiếu người tài đâu, nhưng quan trọng là chính phủ sử dụng người tài như thế nào ? Ví dụ một nhân vật có thể nói là tài năng về mặt công nghệ như Anh Trần Huỳnh Duy Thức, chỉ vì những ý kiến đóng góp mang đầy tính khoa học để xây dựng kinh tế và thể chế thì lại đang phải chịu bản án 16 năm tù giam và Anh đang tuyệt thực trong tù. Ngay cả những người bất đồng chính kiến, giới trí thức phản biện, hay ví dụ như chúng tôi là báo thôi, chúng tôi viết những bài báo phản biện, chúng tôi góp ý chân thành chứ không chống đối, đả phá gì, nhưng mà chúng tôi vẫn bị bắt bỏ tù, kết án".

Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết, khi có cơ hội được đi ra nước ngoài và được tiếp xúc với nhiều tầng lớp trí thức, thì họ cho rằng nếu muốn kêu gọi trí thức trở về, thì trước hết chính quyền Việt Nam phải cho thấy cách họ đối xử với người trong nước như thế nào thì mới lấy được lòng tin của họ.

Riêng đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, thì điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải có được tự do dân chủ, thì lúc đấy sự đóng góp mới hiệu quả và lâu bền.

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)