Biển Đông : Chiến hạm Anh áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc phản ứng giận dữ (RFI, 06/09/2018)
Bắc Kinh vào ngày 06/09/2018 đã tỏ thái độ giận dữ trước sự kiện một chiến hạm Anh, trên đường ghé thăm Việt Nam, đã đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Trong một tuyên bố gởi đến hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tố cáo điều mà họ cho là một hành động "khiêu khích".
Thiết bị quân sự bên trong tầu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh, đậu tại Harumi Pier ở Tokyo, ngày 03/08/2018. Reuters/Toru Hanai
Theo thông tin riêng của Reuters, trích dẫn hai nguồn tin xin giấu tên, mới đây chiếc tàu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh đã đi qua quần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm Anh vào lúc ấy đang trên đường ghé thăm hữu nghị đến thành phố Hồ Chí Minh và đã cập cảng hôm 03/09.
Các nguồn tin trên cho biết là con tàu trọng tải 22.000 tấn này, chở theo một đơn vị thủy quân lục chiến, đã thực hiện quyền "tự do hàng hải" khi đi qua khu vực gần Hoàng Sa.
Một trong hai nguồn tin trên tiết lộ rằng Trung Quốc đã cho triển khai một khu trục hạm cùng hai trực thăng ra để đối phó với tàu đổ bộ Anh, tuy nhiên giữa hai bên đã không xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Nguồn tin còn lại nói thêm là dù chiếc Albion không tiến vào vùng biển bên trong phạm vi 12 hải lý quanh Hoàng Sa, nhưng động thái của tàu Anh là nhằm chứng tỏ rằng Luân Đôn không công nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc chung quanh Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ vào năm 1974 sau khi đánh bật lực lượng đồn trú của chính phủ miền Nam Việt Nam vào thời đó. Hiện nay, chủ quyền của vùng này là điểm tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một bản fax gửi tới hãng Reuters, đã tố cáo chiến hạm Anh đã "thâm nhập trái phép" lãnh hải của Trung Quốc xung quanh Hoàng Sa vào ngày 31/08, và đã bị Hải Quân cảnh cáo để rời đi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo tàu Anh là đã "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc", và xác nhận rằng Bắc Kinh đã "phản đối mạnh mẽ và gởi công hàm nghiêm khắc tới phía Anh để bày tỏ thái độ cực lực bất bình".
Trung Quốc không ngần ngại đe dọa Anh Quốc về nguy cơ quan hệ song phương bị tổn hại, hòa bình và ổn định khu vực bị khuấy động nếu Luân Đôn không đình chỉ ngay lập tức các "hành động khiêu khích" như vậy.
Trước khi Trung Quốc phản đối, một phát ngôn viên của Hải Quân Anh đã khẳng định rằng chiến hạm HMS Albion đã "thể hiện quyền tự do đi lại trên biển của mình mà vẫn đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế".
Trọng Nghĩa
*****************
Tàu chiến Anh ‘khiêu khích’ Trung Quốc trước khi tới Sài Gòn (VOA, 06/09/2018)
Bắc Kinh hôm 6/9 đã tỏ ra giận dữ sau khi một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần tới một quần đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong hành trình tới Việt Nam cuối tháng trước.
Chiến hạm HMS Albion cập cảng ở Tokyo hôm 3/8.
HMS Albion thực thi "quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa, hai nguồn thạo tin giấu tên nói với hãng Reuters.
Tàu tấn công đổ bộ này khi đó đang trong hành trình tới Thành phố Hồ Chí Minh, nơi nó cập cảng hôm 3/9 trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày.
Trước đó, chiến hạm được triển khai tới Nhật, một quốc gia cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng tại biển Hoa Đông.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã triển khai một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh, nhưng cả hai đều giữ thái độ bình tĩnh.
Nguồn tin thứ hai nói rằng Albion muốn chứng tỏ rằng Anh "không công nhận các tuyên bố chủ quyền quá đà đối với quần đảo Hoàng Sa".
Trong tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Anh đã tiến vào lãnh hải của Trung Quốc quanh Hoàng Sa hôm 31/8 mà không được phép và hải quân Trung Quốc đã cảnh báo tàu này phải rời đi.
Bắc Kinh cáo buộc Albion "xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc" đồng thời "mạnh mẽ thúc giục phía Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích nhằm gây tổn hại tới tổng thể quan hệ song phương cũng như ổn định và hòa bình của khu vực".
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh nói rằng HMS Albion "thực thi quyền tự do hàng hải và tuân thủ toàn diện các luật lệ và nguyên tắc quốc tế".
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh nhạy cảm, khi Anh đang tìm cách thương thảo với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do sau khi Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu.
Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nói rằng chuyến thăm thiện chí kéo dài 4 ngày của tàu HMS Albion là "một trong những hoạt động cụ thể trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh".
Tàu chiến này được cho là cũng "triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Tàu chiến USS Higgins của Mỹ cũng mới tiến gần Hoàng Sa hồi tháng Năm năm nay.
Trên Facebook hôm 3/9, tân Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đề cập tới "vai trò tích cực về tự do hàng hải" của HMS Albion, nhưng không nói tới chuyện tàu chiến này tiến gần tới Hoàng Sa ở Biển Đông trên đường tới Sài Gòn.
Hoa Kỳ thời gian qua đã triển khai tàu chiến tới thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, và cũng đã vấp phải phản đối của Trung Quốc.
Tàu chiến Anh tới Việt Nam ít lâu sau khi có tin hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của nước này có thể được đưa tới Thái Bình Dương để "hỗ trợ tàu chiến Australia" trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
*******************
Trung Quốc giận dữ khi tàu chiến Anh đến gần Hoàng Sa (RFA, 06/09/2018)
Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho điều một chiến hạm cùng hai trực thăng quân sự với mục đích được nói để "dằn mặt" sau khi tàu chiến Anh áp sát quần đảo Hoàng Sa, nhưng cả hai bên đều không đụng độ lẫn nhau.
Tàu chiến đổ bộ HMS Albion thuộc thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tại Tokyo hôm 3/8/2018. (Ảnh minh họa) AP
Hãng tin AFP loan tin này hôm 6 tháng 9 năm 2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Anh đã xâm phạm khu vực không được phép hôm 31 tháng 8 khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa và bị yêu cầu rời đi. Phía Trung Quốc cũng mạnh mẽ hối thúc Anh "ngừng các hành động khiêu khích" đó, để không làm tổn hại đến tình hình chung của quan hệ song phương và hòa bình và ổn định khu vực.
Trong thời gian qua, các tàu hải quân Anh đã thực hiện sứ mệnh tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các thực thể trong khu vực.
Mỹ và các nước đồng minh trong thời gian gần đây cũng đã gửi các máy bay và tàu chiến đến khu vực này với mục tiêu nêu rõ là để đảm bảo "tự do hàng hải" theo luật quốc tế ở vùng biển đang có tranh chấp này.
Giới quan sát cho rằng động thái đó được cho nhắm vào Trung Quốc.
Theo Reuters, tàu chiến đổ bộ 22.000 tấn mang tên HMS Albion chở một đội thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào những ngày cuối tháng 8, sau đó cập cảng Sài Gòn hôm 3 tháng 9.
Trước sự giận dữ của Trung Quốc, phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, chiến hạm HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải, tuân thủ đầy đủ các luật và quy định quốc tế.
Tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều những hoạt động phi pháp tại vùng biển chiến lược này, trong khi Mỹ kêu gọi quốc tế can thiệp nhiều hơn.
Từ trước đến nay, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích qua đường đứt khúc 9 đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016. Trung Quốc không công nhận phán quyết này của tòa.
Ngoài Trung Quốc, một số nước trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Từ năm cuối năm 2013 đầu 2014 trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông, xây dựng các đường băng và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. Vào tháng 5 năm 2018, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa. Trong năm nay, Trung Quốc cũng cho lắp đặt các thiết bị phá sóng ở hai đảo nhân tạo do nước này xây lấp ở quần đảo Trường Sa.