‘Mai Khôi chém gió’ tại Washington (VOA, 08/09/2018)
Mai Khôi, một ca sĩ bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Việt Nam, sẽ trình diễn những bài hát mang tính thời sự và thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến của cô trong một buổi nhạc hội ở thủ đô Washington vào ngày thứ Bảy, 8 tháng Chín.
Sự kiện, kéo dài 3 ngày, có sự tham gia của các nghệ sĩ Trung Đông khác, được mô tả là một cuộc triển lãm nghệ thuật tổng hợp về chủ đề tự do biểu đạt, được bảo trợ bởi Sáng kiến Tự do Nghệ thuật (Artistic Freedom Initiative), một chương trình của tổ chức từ thiện Quỹ SDK vì Nhân phẩm.
Mai Khôi cho VOA biết cô và ban nhạc hai người của cô - được gọi là "Mai Khôi Chém Gió" - sẽ trình bày những bài hát tiếng Việt trong album "Bất đồng" phát hành vào tháng 3 ở Na Uy, bao gồm những bài hát phản ánh hiện thực chính trị và xã hội Việt Nam như "Trại phục hồi nhân phẩm", "Xin ông" và "Tiếng nói của chúng ta".
"Nội dung của những bài hát này nói về quyền con người, những gì mà Mai Khôi đã chứng kiến trong các cuộc biểu tình ở Việt Nam, những diễn biến chính trị ở Việt Nam", cô chia sẻ.
Mai Khôi, người được mệnh danh là "Lady Gaga của Việt Nam" với phong cách trình diễn và ăn mặc độc đáo, là một trong số những nghệ sĩ Việt Nam ít ỏi dùng âm nhạc để bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến về những vấn đề chính trị nhạy cảm.
Từng gặp mặt và trò chuyện với Tổng thống Obama vào năm 2016, cô được tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF) trao Giải thưởng Nhân quyền Quốc tế Vaclav Havel 2018 ở Na Uy vào tháng 5 vì "đưa các quyền tự do dân sự và dân chủ lên hàng đầu trong các cuộc luận đàm công cộng ở Việt Nam", theo Chủ tịch Ủy ban Giải Havel Thor Halvorssen.
Mai Khôi nói cô "rất vui" vì sắp được trình diễn những bài hát của mình trong buổi nhạc hội ngày thứ Bảy này ở Washington, một trong những địa điểm mà cô và ban nhạc ghé qua trong chuyến lưu diễn ở Mỹ.
Còn hơn một nỗ lực quảng bá sản phẩm âm nhạc, buổi trình diễn đề cao quyền tự do biểu đạt mà Mai Khôi theo đuổi trong tư cách một nghệ sĩ độc lập kháng cự những hạn chế và kiểm duyệt trong nước.
"Những bài hát này thể hiện quyền tự do biểu đạt mà mỗi công dân cần nên có", cô nói.
Buổi trình diễn bắt đầu vào 8 giờ tối ngày thứ Bảy 8 tháng 9 tại Dupont Underground, 19 Dupont Circle N.W., Washington, District of Columbia 20036.
**************
Vỡ đập hồ chứa ở Lào Cai, chất thải độc tràn vào nhà dân (Người Việt, 07/09/2018)
Hàng ngàn mét khối nước thải, chất thải tràn vào nhà dân tại huyện Bảo Thắng, sau khi hồ chất thải của Vinachem bị vỡ.
Tài sản của người dân bị cuốn trôi khi chất thải của nhà máy DAP số 2 tràn ra. (Hình : Zing)
Theo báo Zing, khoảng 12 giờ trưa 7 Tháng Chín, 2018, đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của nhà máy DAP số 2 Lào Cai (Công ty cổ Phần DAP số 2, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem, ở khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bị vỡ khiến khoảng 45.000 mét khối nước và chất thải tràn ra ngoài.
Ít nhất hai nhà dân ở gần hồ chứa bị bùn đất chứa hóa chất tràn vào nhà, cuốn trôi toàn bộ tài sản trị giá khoảng 400 triệu đồng (khoảng 17.145 USD).
Theo báo VnExpress, tại hiện trường, hàng chục nhà dân bị nước và bùn thải tràn vào nhà cao 10 đến 20 cm, làm hư hỏng đồ đạc. Tuyến đường liên thôn, liên xã và tỉnh lộ 151 có thời điểm bị ngập sâu 40 cm.
Vị trí đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của nhà máy DAP số 2 Lào Cai bị vỡ. (Hình : Lào Cai)
Theo báo Lào Cai, do mưa lớn kéo dài, nước trong hồ thải dâng cao, trong khi hệ thống bờ bao không bảo đảm an toàn nên bị vỡ, khiến hàng ngàn mét khối nước thải, chất thải chứa chất độc hại chảy tràn ra tỉnh lộ 151, sau đó chảy vào các thôn Phú Hà 1, 2 (xã Phú Nhuận) và tổ dân phố số 7, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, khiến trên 40 nhà dân bị ảnh hưởng.
Do vỡ đập xảy ra vào lúc người dân nghỉ trưa nên việc phòng, tránh không kịp thời khiến thiệt hại rất lớn đến tài sản.
Tin cho hay, do nước thải chứa nhiều hóa chất nên địa phương phải sử dụng vôi bột để trung hòa.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường, ông Lê Ngọc Hưng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, cho báo Zing biết, 45.000 mét khối chất thải bị tràn ra có độ pH xấp xỉ bằng 2.
Ngoài bịt cửa đập bị vỡ, địa phương sẽ đổ hàng trăm tấn vôi bột xuống con suối bị nhiễm chất thải để trung hòa trước khi chảy ra sông Hồng.
Nhà ở, tài sản và nhiều diện tích hoa màu của hơn 40 nhà dân bị thiệt hại. (Hình : Lào Cai)
Theo người dân phản ảnh, trước khi đập bị vỡ, nước thải của nhà máy DAP 2 nhiều lần rò rỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Báo Zing cho hay, hồi cuối Tháng Bảy, 2018 vừa qua, "Ủy ban tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt công ty này 150 triệu đồng (hơn 6.430 USD) về hành vi không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng (bãi Gyps) và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp xử lý không để nước thải tràn ra môi trường".
Công ty DAP số 2 thành lập năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (hơn 214,3 triệu USD). Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất. Ngoài ra DAP số 2 được phép hoạt động kinh doanh, xuất nhập cảng vật tư, máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho ngành phân bón và hóa chất ; kinh doanh bất động sản và cho thuê văn phòng.
Trên website công ty, DAP số 2 giới thiệu họ là nhà máy thứ hai tại Việt Nam sản xuất phân bón DAP – loại phân bón phức hợp chứa hai thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cho cây trồng là đạm (Nitơ) và lân (P2O5). Quá trình sản xuất, doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền công nghệ và các thiết bị xuất xứ từ các nước thuộc nhóm tiên tiến trên thế giới (EU, G7). (Tr.N)
****************
"Mại dâm" nuôi sống khá nhiều kẻ làm báo ở Việt Nam (CaliToday, 07/09/2018)
Xét thấy chẳng gây hậu quả bằng những dự án hủy hoại môi trường, cũng chẳng tàn phá đất nước bằng những vụ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng và cũng chẳng gây tác động xã hội bằng việc áp dụng chữ viết cải tiến, chữ viết công nghệ vào việc học của học sinh…nhưng báo đài Việt Nam hơn một tuần qua đặc biệt quan tâm đến vụ mua-bán dâm của những Á hậu, diễn viên, MC "đi khách" giá từ vài ngàn cho đến chục nghìn USD mỗi giờ do Công an Thành phố Sài Gòn vừa triệt phá…
Thật vậy, từ việc đưa công khai hình ảnh, danh tánh cho đến nghề nghiệp, chuyện đời tư của những Á hậu, diễn viên, MC truyền hình được báo đài Việt Nam gần như khai thác triệt để thông tin theo cái gọi là đường dây mua-bán dâm cấp cao do Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Sài Gòn vừa triệt phá.
Thông tin ban đầu được báo đài Việt Nam cho biết vào chiều ngày 30/8/2018, trinh sát đội 6 Phòng Cảnh sát hình sự Công Thành phố Sài Gòn chia thành 2 mũi kiểm tra hành chính tại 2 khách sạn trên đường Nam Quốc Cang và đường Trần Hưng Đạo. Quá trình kiểm tra, phía Công an bắt quả tang 4 cặp nam nữ đang thực hiện việc mua-bán dâm tại khách sạn. Trong đó, có 2 cô gái đặc biệt khá nổi tiếng bị bắt quả tang hành vi bán dâm và một trong hai được báo đài Việt Nam công khai đưa rõ tên, hình ảnh, chuyện đời tư nhiều nhất chính là là Á hậu Nguyễn Thị Dung (nghệ danh Thư Dung).
Được biết, điều hành đường dây mua-bán dâm này là một thanh niên tên Kiều Đại Dũ, sinh năm 1996, quê Bình Định. Sở dĩ gọi là đường dây mua bán-dâm cấp cao bởi vì báo đài Việt Nam cho biết giá "đi khách" của những "chân dài" này dao động từ 7000-25.000 USD/lần/giờ và nếu sex tour thì giá sẽ cao gấp nhiều lần.
Ngay sau thông tin vướn vào đường dây mua-bán dâm cao cấp, vào chiều ngày 6/9/2018 cô nàng Thư Dung bị Ban tổ chức cuộc thi "Người mẫu thời trang Việt Nam 2018" ra có văn bản số 0609/2018/QĐ-TCMA thu hồi danh hiệu Á quân 1 của Thư Dung với lý do đưa ra là ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi.
Không chỉ vậy, mới đây trên trang Fanpage của cuộc thi "Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế" cũng đã đăng tải thông báo về việc tước danh hiệu Á hậu của Thư Dung.
Vụ việc chỉ có vậy nhưng báo đài Việt Nam hơn một tuần qua khai thác gần như triệt để thông tin vụ mua –bán dâm này nói chung và cá nhân cô nàng Thư Dung nói riêng nào là "loạt ảnh bikini nóng rẫy của Thư Dung…", "Lộ clip Á hậu Thư Dung nói tiếng Anh như gà mổ thóc…", "Á hậu Thư Dung và những nghi án thẩm mỹ…", " Á hậu thư Dung bất ngờ khóa trang cá nhân", "Thư Dung và chiếc áo không làm nên thầy tu", "Thủ môn Bùi Tiến Dũng may mắn không sa lưới tình của Á hậu Thư Dung", "Á hậu Thư Dung sau bộ ảnh Tuyệt Tình Cốc hiện sống ra sao ?", "Á hậu Thư Dung : Con đường sự nghiệp đầy bê bối", "Á hậu Thư Dung gây sốt mạng xã hội vì khoe thân là ai ?", v.v… khiến dư luận Việt Nam một phen cười "mỉa mai" cách làm việc của báo đài Việt Nam bởi đây không phải là lần đầu tiên thông tin về những vụ mua-bán dâm, những vụ scandal của người mẫu, hoa hậu, nghệ sĩ bị báo đài Việt Nam khai thác triệt để đến nhẫn tâm.
Xét thấy vụ mua-bán dâm cao cấp mà Công an Thành phố Sài Gòn cho biết mỗi lần "đi khách" của những Á hậu, diễn viên, MC này có lên đến hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn USD đi chăng nữa nhưng liệu nó có gây hại cho đất nước và dân tộc Việt Nam bằng những dự án hủy hoại môi trường như Formosa ở Hà Tĩnh, Boxit ở Tây Nguyên, nhiệt điện ở Bình Thuận hay là không ? Nó có tàn phá đất nước bằng những vụ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng như vụ án Vinashin, Vinalines, đại án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, Vũ "nhôm" ? Và nó có đe dọa an nguy mất lãnh thổ bằng việc Dự thảo luật Đặc khu nếu được Quốc hội thông qua ? Cuối cùng là nó có gây tác động xã hội bằng việc áp dụng chữ viết cải tiến, chữ viết công nghệ vào việc học của học sinh hay là không ?… Hầu hết đây là những vấn đề hệ trọng liên quan đến an nguy của đất nước và dân tộc nhưng người viết nhận thấy hầu như báo đài Việt Nam không triệt để đưa thông tin đến người dân hoặc có chăng chủ yếu đưa thông tin một chiều, mập mờ chứ không rạch ròi, rõ ràng như vụ đưa tin đường dây mua-bán dâm cấp cao của những Á hậu, diễn viên, MC và cá nhân cô nàng Thư Dung như muốn đưa người vào chổ không còn đường sống.
Nếu nói các Á hậu, diễn viên, MC này vì tiền mà dùng "vốn bản thân" để kiếm tiền, đánh mất đạo đức bản thân ? Người viết cho ràng ngoại trừ xã hội nguyên thủy chứ ở xã hội nào con người cũng cần có tiền để sống, muốn có tiền thì phải lao động. Nói ở khía cạnh này người viết thấy những phụ nữ bán dâm cũng còn đạo đức hơn nhiều kẻ thừa tiền lắm bạc, những quan chức bất chính ở Việt Nam khi đã kiếm tiền từ việc ỷ mạnh, ỷ thế nên đẩy người lương thiện, người dân vào chỗ mất đất mất nguồn sống nhưng mở miệng rao giảng đạo đức, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Vậy so với những kẻ này thì việc các Á hậu, diễn viên, MC dùng "vốn bản thân" để bán dâm kiếm tiền ai đánh mất đạo đức bản thân hơn ?
Người viết thừa nhận trong xã hội Việt Nam hiện tại dù đã bước sang thế kỷ 21 nhưng thành kiến về những phụ nữ hành nghề "bán dâm" vẫn con đầy rẫy, luật pháp Việt Nam cũng quy định đây là nghề bất hợp pháp, cho nên nếu không có hoàn cảnh khó khăn nhất định thì chẳng người phụ nữ nào muốn chọn cho mình cái nghề này để rồi bị báo đài khai thác triệt để góc khuất của cuộc sống, đem bêu riếu trước dư luận.
Cuối cùng, người viết cũng như số nhiều dư luận thắc mắc là tại sao báo đài Việt Nam đưa tin những người bán dâm mà không đưa tin những người mua dâm ? Những người mua dâm ở đường dây mua-bán dâm với giá "đi khách" một lần từ 7000-25.000USD/giờ hẳn phải là những người có lắm tiền nhiều của, hẳn là những đại gia bất chính, những quan chức tham nhũng, hối lộ.
Quê Hương