Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/09/2018

Hà Nội sợ Tổng thư ký FIDH, HRW thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Tổng hợp

Việt Nam cấm nhập cảnh Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền (RFA, 09/09/2018)

Vào khoảng 15 giờ ngày 9 tháng 9 năm 2018, cơ quan An ninh cửa khẩu quốc tế Nội Bài ra quyết định cấm nhập cảnh và tạm giữ bà Debbie Stothard - Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền đang đến Hà Nội để tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018. 

nq1

Bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký FIDH - Courtesy auschwitzinstitute.org

Bà Debbie Stothard viết trên mạng xã hội Twitter và Facebook cho hay, bà sẽ bị tạm giữ 13 tiếng trước khi bị trục xuất về Kuala Lumpur vào sáng mai, ngày 10/9/2018.

"Dù sao đi nữa sự bất tiện mà tôi đang phải chịu không là gì so với các cuộc tấn công vào báo chí và những nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam.

Tôi đã hy vọng rằng việc tổ chức Diễn Đàn Kinh tế Thế giới có uy tín sẽ giúp họ nhận ra rằng đa nguyên, nhân quyền và tự do là cần thiết cho sự phát triển kinh tế", nhà hoạt động có tiếng trên thế giới người Malaysia cho hay.

Tài khoản Twitter của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngay sau đó có trả lời là họ đã được nghe về việc người đứng đầu FIDH bị từ chối nhập cảnh để tham dự Diễn đàn về kinh tế lớn nhất thể giới này và đã yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng lời mời của WEF, tạo điều kiện cho bà Debbie Stothard được tham dự cuộc họp.

Theo biên bản cấm nhập cảnh ký tên cán bộ Nguyễn Ngọc Quyết, dưới sự chứng kiến của đại diện hãng hàng không JetStar Pacific được bà Sothard đăng trên facebook, thì bà Deborah Christine Stothard (Debbie Stothard) thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam theo điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2014 và có hiệu lực đầu năm 2015 quy định những trường hợp không được nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có điều khoản không được nhập cảnh "vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.

Theo báo chí trong nước thì đây là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.

Bà Debbie Stothard, người Malaysia, trở thành Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền FIDH (tổ chức có gần 100 năm hoạt động) từ tháng 11/2010. 

Bà trước đó là một nhà hoạt động tích cực có 32 năm kinh nghiệm thúc đẩy nhân quyền ở Miến Điện và khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, vào năm 2014 ông Andrew Khoo, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Liên đoàn Luật sư Malaysia cũng bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam. 

Theo một bài viết của báo Công an nhân dân, trong năm 2016 qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Công an Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã "phát hiện hàng trăm đối tượng thuộc diện chưa được xuất cảnh, nhập cảnh".

*******************

HRW kêu gọi Nhật hối thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền (RFI, 09/09/2018)

Ít ngày trước chuyến công du Việt Nam của ngoại trưởng Nhật Bản, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ngày 09/09/2018, công bố thư ngỏ, kêu gọi Tokyo thúc đẩy Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền, bị đánh giá là ở trong tình trạng hết sức tệ hại.

nq2

Human Rights Watch kêu gọi Tokyo lên tiếng về nhân quyền tại Việt Nam.HRW

Trong bức thư gửi ngoại trưởng Nhật Taro Kono, HRW khẩn thiết đề nghị lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản trực tiếp nêu vấn đề này với bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, phó thủ tướng Phạm Bình Minh, trong cuộc hội kiến ngày 11/09/2018 tại Hà Nội, đặc biệt là về "các tù nhân chính trị", mà theo HRW hiện có ít nhất 130 người đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm.

Theo HRW, với tư cách là quốc gia cấp viện trợ lớn nhất cho Việt Nam và một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Nhật Bản ở vào vị trí rất thuận lợi, để hối thúc Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.

Ngoài vấn đề tù nhân chính trị, Human Rights Watch nhấn mạnh đến nhiều lĩnh vực cần đến sự lên tiếng của phía Nhật Bản. Cụ thể là các quyền tự do ngôn luận và hội họp bị kiểm soát chặt, quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động – thể theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia - không được đáp ứng, cũng như việc nhiều tổ chức tôn giáo bị cấm đoán, đàn áp. Theo HRW, "nhiều nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam hy vọng Nhật Bản khẳng định mạnh mẽ các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, mà các nhà tranh đấu đang mạo hiểm cuộc sống của chính họ, để thúc đẩy".

Kèm theo bức thư ngỏ nói trên là phần "phụ lục", trong đó HRW nêu ra hàng loạt lĩnh vực nhân quyền bị xâm phạm tại Việt Nam, bao gồm "tù nhân chính trị", "các nhà hoạt động và ly khai bị đàn áp, quấy rối", cải cách luật giới hạn tự do ngôn luận, đặc biệt là luật mới siết chặt kiểm soát internet, sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm tới, vấn đề quyền nghiệp đoàn của người lao động, và "tự do tôn giáo, tín ngưỡng" bị giới hạn.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)