Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (RFA, 21/09/2018)
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 21/9 họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh. RFA Edited
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh ông Trần Vĩnh Tuyến rằng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận trách nhiệm về những sai phạm vì đã thực hiện không đúng quy hoạch, giải tỏa và đền bù cho người dân về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin lỗi toàn thể người dân thành phố và nhất là các hộ dân tại khu vực diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm vì họ phải chịu thiệt hại, vất vả trong nhiều năm qua. Đại diện Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh hứa sẽ xây dựng chính sách bồi thường thiệt hại, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực thiệt hại trước ngày 30/11.
Ngoài ra, vị đại diện của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết qua việc thanh tra các khiếu nại đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm nhưng chưa thể công bố vì việc này liên quan đến nhiều cán bộ nên cần phải có đầy đủ cơ sở chứ không thể tùy tiện.
Vị phó chủ tịch thành phố mong người dân thông cảm vì sự việc diễn ra trong khoảng thời gian dài tới 20 năm nên cần phải có thời gian. Ông nhấn mạnh rằng UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo công khai sau khi hoàn tất kết luận thanh tra.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ khoảng đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải toả, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới với ước mong biến nó thành một nơi giống như Phố Đông ở Thượng Hải. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải toả, quy hoạch mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
*****************
Nhà hoạt động Đỗ Công Đương tiếp tục đối mặt với án tù thứ hai (RFA, 21/09/2018)
Nhà hoạt động Đỗ Công Đương sẽ tiếp tục phải đối mặt với án tù thứ hai vào tháng tới với cáo buộc tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước" theo điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 với mức án cao nhất có thể lên đến 7 năm tù, theo thông cáo báo chí mới của Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vào ngày 21/9/2018.
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương bị tuyên án 48 tháng tù giam ngày 17/09/18. Ảnh minh họa (CaliToday)
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra hôm 17/9 tại tòa án huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhà hoạt động về môi trường Đỗ Công Đương đã bị tuyên án 48 tháng tù giam về tội "Gây rối trật tự công cộng"
Thông cáo mới của RSF yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam phải chấm dứt hành động bắt bớ các nhà báo độc lập và các đối tác thương mại của Việt Nam cần phải gia tăng áp lực đối với Hà Nội để nhà cầm quyền nới lỏng tự do thông tin.
Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard, khẳng định Chính quyền Việt Nam gia tăng quyền lực cai trị người dân qua việc cáo buộc tiếng nói của các blogger và truyền thông độc lập là vi phạm các quyền của họ được ghi trong Hiến pháp.
RSF kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt việc làm đó và trong trường hợp Việt Nam không từ bỏ thì các đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới phải có trách nhiệm gia tăng áp lực để Việt Nam cải thiện việc vi phạm nhân quyền.
Vào ngày 19 tháng 9, Đại diện Khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), ông Shawn Crispin cũng lên tiếng rằng nếu Việt Nam có thực tâm trong vai trò trách nhiệm của một thành viên thế giới thì phải chấm dứt việc làm bỏ tù các nhà báo độc lập.
CPJ kêu gọi Chính quyền Việt Nam trả tự do và hủy bỏ các cáo buộc tội đối với nhà báo tự do Đỗ Công Đương.
CPJ ghi nhận tính đến cuối năm 2017, Việt Nam bắt giữ và tuyên án tù ít nhất 10 nhà báo độc lập với cáo buộc chống đối Nhà nước Việt Nam.