Ai sẽ thay Trần Đại Quang chính thức làm chủ tịch nước ? (Người Việt, 24/09/2018)
Trong khi báo chí nhà nước ồn ào về việc chuẩn bị tang lễ cho ông cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, giới bình luận thời sự phân tích đưa ra một số nhân vật trong Bộ chính trị cộng sản Việt Nam có thể được đôn lên thay thế.
Tin ông Trần Đại Quang qua đời và tiểu sử của ông được loan báo cho dân chúng trên một bảng hiệu điện tử khu trung tâm thành phố Hà Nội. (Hình : MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images)
Tang lễ ông cựu chủ tịch nước Trần Đại Quang được TTXVN chính thức loan báo diễn ra hai ngày 26 và 27/9/2018 theo nghi lễ "quốc tang" từ Hà Nội rồi đưa về quê nhà của ông tại xã Quang Thiện huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình để chôn cất.
Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin cả trăm chiếc xe cơ giới đủ loại đã được huy động để san ủi, dựng lễ đài tại khu mộ huyệt mà ông Trần Đại Quang đã chuẩn bị từ lâu chỗ nằm cho mình sau khi chết tại quê nhà. Đèn điện thắp sáng trưng hối hả làm cả ban đêm cho kịp. Hàng trăm dân làng đã bị trưng dụng để dọn dẹp đường xá, cắt tỉa cây cối.
Nơi chôn cất ông Quang vốn là đất ruộng của dân địa phương, nằm bên một con sông nhỏ, được gia đình ông mua rồi "dồn thửa" thành diện tích lớn mấy mẫu tây. Hai bên bờ sông được xây kè đá đẹp mắt.
Dân chúng bình luận trên mạng bầy tỏ sự ngạc nhiên về sự chuẩn bị cái "lăng mộ" của một ông vua đỏ cộng sản chẳng khác gì chuẩn bị lăng mộ của những ông vua thời xưa, trong khi luật lệ của chế độ quy định mộ phần của người chết không quả 5 mét vuông.
Báo chí nhà nước thay nhau ca tụng công đức của ông Trần Đại Quang nhưng bàn dân thiên hạ đua nhau nêu ra phơi bầy những tội của một ông vua đỏ cộng sản đối với quốc gia dân tộc. Hàng trăm người chết bất thường tại trụ sở công an khi ông còn là Bộ trưởng Công An. Ông cũng là người ủng hộ nhiệt tình cho Luật an ninh mạng đi ngược lại ý dân.
Một trong những điều đang được thiên hạ bàn tán nhiều là ai sẽ thay ông ta trên ghế chủ tịch nước.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, 59 tuổi, gốc người Quảng Nam, đương kim phó chủ tịch nước được đôn lên là "quyền chủ tịch nước" theo quy định của hiến pháp cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông lệ, chức vụ chủ tịch nước là một ủy viên Bộ Chính trị. Cho nên, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh khó có cơ hội được đôn lên chính thức làm chủ tịch nước vào kỳ họp của quốc hội cộng sản Việt Nam vào tháng 10 tới đây, vì bà chỉ là một ủy viên trung ương đảng.
Nếu có chuyện sắp xếp nội bộ nào đó để đưa bà Thịnh vào Bộ Chính trị theo một quyết định đặc biệt qua một kỳ hop đặc biệt của trung ương đảng, thì cũng có thể. Khi đó, bà sẽ là phụ nữ đầu tiên trở thành chủ tịch nước, một trong tứ trụ của "nhà sản".
Những gì tính toán trong nội bộ của Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam hiện đang diễn ra thế nào, chưa ai biết. Chỉ thấy thiên hạ nêu ra khả năng thay thế ông Quang của một số người.
Ngay từ hồi tháng Tư, khi có tin xì ra chuyện ông Trần Đại Quang "mất tích" cả tháng (bí mặt sang Nhật chữa bệnh ung thư máu) trên những hoạt động của vai trò chủ tịch nước mà dúng ra phải có mặt ông ta, người ta đã cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện đang là bí thư thành ủy thành phố Sài Gòn, nhiều khả năng thay thế nhất.
Đến nay, nhiều nhà phân tích thời sự Việt Nam, trong đó có ông Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc cũng cho rằng ông Nhân là một trong 10 người có thể được đôn lên ghế chủ tịch nước.
Ngoài ông Nguyễn Thiện Nhân, một số ủy viên Bộ chính trị khác cũng là những người có thể vào ghế ngồi của ông Quang như tướng Ngô Xuân Lịch, hiện đang là bộ trưởng quốc phòng, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.
Không mấy ai nghĩ rằng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, lại nhảy vào ngồi cái ghế đó. Chức "chủ tịch nước" là cái chức "có tiếng mà không có miếng".
Bộ Chính trị, cơ quan chóp bu của đảng ngồi trên đầu nhà nước Việt Nam, năm nay có 2 người bị đẩy văng ra ngoài là Đinh Thế Huynh (tiếng là nghỉ chữa bệnh) và Đinh La Thăng bị tù vì những bê bối trong khi cầm đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Bây giờ thêm ông Trần Đại Quang chết, khuyết 3 trên tổng số 19 người được bàu khi đại hội đảng tháng Giêng 2016.
Có ai được điền khuyết vào ba ghế trống này hay vẫn cứ để không, không thấy ai nói năng gì. Ai sẽ thay ông Trần Đại Quang cũng vẫn là bí mật của chế độ độc tài đảng trị và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam. (TN)
*******************
Việt Nam chuẩn bị quốc tang cho cố chủ tịch Trần Đại Quang (RFI, 24/09/2018)
Theo thông báo của Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam, quốc tang dành cho cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, qua đời hôm 21/09/2018, sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/09. Trong thời gian đó, cả nước sẽ treo cờ rủ, và mọi hoạt động vui chơi, giải trí đều bị đình chỉ. Trước mắt, phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chính thức được phân công giữ chức quyền chủ tịch nước Việt Nam.
Đảng cộng sản tổ chức quốc tang cho Trần Đại Quang trong 2 ngày 26 và 27/9
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, ông Trần Đại Quang qua đời hôm 21/09 tại bệnh viện ở Hà Nội. Truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn một bác sĩ chính phủ cho biết là ông đã chết vì một loại "virus hiếm", nhưng không nói rõ đó là virus gì.
Trong số các lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi ông Quang là "Người bạn lớn của Hoa Kỳ", trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem ông là "Đồng chí và người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc".
Theo AP, các nhà phân tích cho rằng cái chết của ông Quang sẽ không có ảnh hưởng gì nhiều trên nền chính trị Việt Nam, vì chế độ được điều hành tập thể.
Trước mắt, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã cử đương kim phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lên làm quyền chủ tịch, nhưng chưa nói gì về việc bầu lại một chủ tịch mới.
Hãng tin Anh Reuters đặc biệt ghi nhận rằng dù chỉ tạm thời thay thế ông Quang, nhưng bà Đăng Thị Ngọc Thịnh là nhân vật nữ đầu tiên được lên làm nguyên thủ nhà nước Việt Nam.
Trọng Nghĩa
**********************
Thông tin liên quan quốc tang ông Trần Đại Quang (RFA, 24/09/2018)
Theo thông báo của chính phủ Việt Nam, tang lễ của ông Trần Đại Quang sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang và tang lễ sẽ diễn ra ngày 26/9 tại nhà tang lễ quốc gia Hà Nội.
Truyền thông Việt Nam thông tin về Chủ tịch nước Trần Đại Quang - AFP
Ban lễ tang cho ông Trần Đại Quang gồm 37 người và do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang. Người vừa được cử giữ chức quyền chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, đứng thứ 17 trong danh sách Ban Lễ tang.
Thông báo của chính phủ Việt Nam cũng cho biết thêm lễ an táng của ông Trần Đại Quang sẽ được tổ chức tại quê nhà và gần với ngôi nhà của ông tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Công an Thành phố Hà Nội vào ngày 24/9 ra thông báo trong hai ngày diễn ra lễ tang 26 -27/9 sẽ só phân luồng giao thông cũ thể tại Hà Nội và tổ chức hướng đi cho các loại xe để đảm bảo không gây ra tình trạng kẹt xe tại Hà Nội.
Việt Nam cũng tuyên bố trong hai ngày diễn ra quốc tang, các công sở, các nơi công cộng phải treo cờ rủ và ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí.
Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vào ngày 24 tháng 9 thông báo khi đi viếng lễ tang ông Trần Đại Quang, các đoàn trong nước chỉ mang băng tang, không mang theo vòng hoa.
Cũng tin liên quan, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 23/9 đã ra thông báo cho biết ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bắt đầu vào ngày 24/9 tại New York, Hòa Kỳ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc họp diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc tại Mỹ hôm 20/9, tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự hiện diện của 84 người đứng đầu nhà nước và 44 lãnh đạo cấp cao của chính phủ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ này.
************************
Việt Nam có Chủ tịch nước mới tạm quyền (RFA, 23/09/2018)
Vào ngày 23/9, Việt Nam đã chính thức có một Chủ tịch nước mới thay thế Chủ tịch Trần Đại Quang vừa từ trần hôm 21/9. Đó là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ phải sang) gặp Nhật Hoàng Akihito (trái) và Hoàng hậu Michiko (thứ 2 từ trái sang) ở Hà Nội hôm 28/2/2017- AFP
Vào ngày 23/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký thông báo gửi các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng toàn thể người dân Việt Nam về quyết định mới này.
Việc bổ nhiệm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được thực hiện theo quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Theo thông báo, bà Thịnh sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới vào tháng 10 tới.
Trong hội luận hôm 21/9 với Đài Á Châu Tự Do, các chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Việt Nam cho rằng có nhiều khả năng ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành Chủ tịch nước. Sự lựa chọn này được cho là sẽ không làm xáo trộn những sắp xếp đã khá ổn định trong Bộ Chính trị. Mặt khác ông Nhân được đánh giá là người không ngả hẳn về phe nào trong những tranh đấu nội bộ của đảng Cộng sản.