Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/09/2018

Công nghệ 4.0 và thực trạng Việt Nam : không thể quét nhà ngược

RFA tiếng Việt

Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát kiếp gia công (RFA, 21/09/2018)

Dù kim ngạch xuất khẩu được báo cáo liên tục tăng trong những năm qua và nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng khá ; tuy nhiên, giá trị thực nhận được lại rất ít. Lý do được chỉ ra là do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như thế Việt Nam đang làm giàu cho các doanh nghiệp nước ngoài.

congnghe1

Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất dệt may tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) - AFP

Thực trạng làm công

Một báo cáo về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 19/9 cho thấy, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ hưởng được một phần nhỏ từ phí gia công. Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 được báo cáo là 8,6 tỷ USD.

Những ngành sản xuất mang lại nhiều kim ngạch cho Việt Nam được thuộc nhóm gia công, lắp ráp như điện thoại, máy tính, dệt may, da giày… Trong khi đó thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đều phát triển rất mạnh.

Trong các cuộc họp chính phủ nhiều đại biểu quốc hội nêu rõ việc quá nhiều ưu đãi thu hút các dự án FDI nhưng lại chưa có chính sách hợp lý phát triển những ngành kinh tế phụ trợ quan trọng trong nước, Việt Nam có thể rơi vào "bẫy" gia công giá trị thấp.

Đồng tình với các đại biểu, Giáo sư- tiến sĩ Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, điều này đã được nhìn ra từ trước đây nhưng tiến trình khắc phục tình trạng này vẫn còn chậm.

Ông cho biết thêm : "Bởi vì hiện nay trong phát triển công nghiệp, Việt Nam vẫn đánh giá khu vực FDI là khu vực chuyên nghiệp hơn cả. Đồng thời nó cũng là cách thức để dẫn dắt những công nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia mà chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ. Đây là một khó khăn lớn cho việc tiếp tục phát triển của công nghiệp Việt Nam".

Vị chuyên gia này cho biết ngoài việc gia công hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện việc gia công sản phẩm đó.

Không đủ chuyên môn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hiện nay vẫn còn rất yếu, bởi vì cơ cấu doanh nghiệp Việt thường quá nhỏ và không đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho thị trường toàn cầu.

Chuyên gia ngành ngân hàng, tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, cho biết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đề xuất Việt Nam nên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu sản xuất trong nước để tăng thêm giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết :

"Trong một thời gian khá dài thì ngành công nghiệp phụ trợ này ít được để ý. Một phần do các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ dựa trên yếu tố là nhân công rẻ mà thôi nhưng mà hiện nay nhân công rẻ không còn là thế mạnh nữa là vì năng xuất lao động Việt Nam thấp hơn so với khu vực".

congnghe2

Dây chuyền lắp ráp động cơ tại nhà máy Toyota ở Vĩnh Phúc. AFP

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về tài chính, thì doanh nghiệp Việt Nam thiếu chuyên môn, thiếu công nghệ để sản xuất ra các hàng hóa, mà các nhà tiêu thụ cũng như là khách hàng nước ngoài đòi hỏi. Ông chia sẻ :

"Phần lớn là do các sản phẩm xuất khẩu, rất nhiều sản phẩm được sản xuất qua các quy trình sản xuất phức tạp công nghệ cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp thu được các công nghệ của FDI nên họ có xu hướng là gia công cho các doanh nghiệp FDI".

Ngoài ra, vị tiến sĩ còn có nhận xét các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ không muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt còn vì vấn đề liên quan đến quyền sở hựu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.

Các doanh nghiệp FDI chỉ khai thác vị thế Việt Nam về thương mại, tài nguyên và lao động giá rẻ để đặt cơ sở gia công tại nước ngoài.

Cần phát triển công nghiệp phụ trợ

Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Nên chính phủ Việt Nam cần có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư vào ngành công nghiệp này vì trong tương lai có thể giúp Việt Nam thoát ra được vai trò gia công.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng đủ chính sách ưu đãi của chính phủ, thế nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp ngoại chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài.

Để tạo nguồn cung bền vững trong nước, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để thu hút nhà đầu tư sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội. Ông cho biết :

"Cái nhìn chung của tôi là các công ty FDI vào Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng chính phủ Việt Nam phải có những chính sách để tiếp thu các công nghệ của doanh nghiệp FDI và dần giới hạn lại giảm thiểu sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Việt Nam tự cường sản xuất hàng hóa bán cho thị trường nước ngoài. Và đặc biệt là tận dụng được liên hệ của các doanh nghiệp FDI với tổ chức quốc tế bởi vì thông thường rất nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là những công ty con của các tập đoàn thế giới nên Việt Nam nên tập dụng để mở rộng cánh cửa với thế giới".

Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc đều đồng ý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

*******************

Công nghệ lạc hậu vẫn tràn vào Việt Nam (RFA, 20/09/2018)

Vẫn lo sau nhiều năm cảnh báo

Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời vào Việt Nam từng được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay thực tế đáng ngại đó vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan.

congnghe3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2017. AFP

Trong nhiều cuộc họp quốc hội trước đây, các vị đại biểu quốc hội đã từng thừa nhận Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần bảo trì, sửa chữa, nâng cấp.

Vấn đề được các vị đại biểu quốc hội đưa ra là Việt Nam đã nhận những loại công nghệ bị cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam. Những công nghệ cũ kỹ lạc hậu cả mấy đời là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây nhất là vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, tại Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 ở Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đưa ra cảnh báo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đẩy cho các công nghệ lạc hậu và phế thải.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết :

"Tôi hoàn toàn nhất trí với cái nhận xét, cái ý kiến của ông Tổng kiểm toán nhà nước tại Hội nghị kiểm toán Châu Á. Và tôi cho rằng đây cũng phải là nhận xét mới, mà cũng đã được đưa ra từ lâu, chỉ có điều khắc phục tình trạng tiếp nhận các công nghệ lạc hậu vẫn chưa làm được tốt".

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng này :

"Hiện nay việc nhập công nghệ ở Việt Nam rất là phổ biến, bởi vì chúng ta gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Bởi vì thiếu hiểu biết nên đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt".

congnghe4

Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2017. AFP PHOTO

Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra ví dụ về việc sử dụng công nghệ lạc hậu khi Việt Nam xây dựng hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng, trong khi các nước đều làm lò ngang. Ông dẫn chứng thêm nhiều dự án khác :

"Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điệt chạy than nhưng công nghệ cũng lạc hậu. Kể cả gần đây quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, bây giờ trên thế giới người ta xây dựng những nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, thì trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn thì cứ quy hoạch nhiệt điện ở đấy".

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong xu thế hội nhập thì Việt Nam muốn thu hút đầu tư, nhưng không phải đầu tư bằng mọi giá. Đầu tư phải đảm bảo môi trường, đầu tư phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng, công nghệ phải tiên tiến. Theo ông, nếu sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ gây những hệ lụy rất lớn. Thứ nhất nó sẽ làm tăng chi phí giá thành, thứ hai không thể cạnh tranh và thứ ba là nó sẽ tạo thành một bãi rác ảnh hưởng đến môi trường.

Việt Nam trở thành "bãi đáp" công nghệ cũ của Trung Quốc

Hiện nay, trong số các doanh nghiệp, các dự án đầu tư tại Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thì phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam trở thành "bãi đáp" công nghệ cũ của Trung Quốc đã không còn là cảnh báo nữa.

Theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư, Trung Quốc hiện đầu tư hơn 1.600 dự án tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn 11,2 tỉ USD, là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Một trong những ví dụ Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam là trong lĩnh vực nhiệt điện than. Trong khi Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện than thì vài năm nay, hàng loạt nhà máy nhiệt điện từ Trung Quốc được đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Riêng tại các tỉnh đồng bằng sông cửu long đã có 14 nhà máy nhiệt điện, hơn nửa số nhà máy đó là do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Làm cách nào mà công nghệ lạc hậu của Trung Quốc có thể dễ dàng vào Việt Nam, trong khi hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều qua đấu thầu. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh đưa ra nhận định :

"Phía Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ mà mình không kiểm soát được. Đây là cái cách mà Trung Quốc làm để thắng các đối thủ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, chúng ta cấm Trung Quốc bỏ thầu cũng không được, vì đó là thông lệ quốc tế. Vì vậy chúng ta mà muốn nhập đúng thiết bị thì chúng ta phải ra cái bài thầu, làm thế nào để có thể loại trừ những hàng hóa của Trung Quốc. Ví dụ mình có thể cài thêm cái tham số nào mà Trung Quốc không có, hoặc thêm cài thêm cái ý là chỉ nhập ở các nước G7... Đó là trường hợp hoàn toàn song phẳng, tôi không muốn nói ở đây là có những lợi ích cá nhân nhập về, hay có những cái feedback phần trăm hoa hồng là tôi không nói ở đây".

Theo ông Tạ Cao Minh, mặc dù vận dụng luật đấu thầu quốc tế, nhưng Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để ban hành những quy định riêng của bản xứ, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm của Trung Quốc. Theo ông cần có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thì mới làm được, chứ một cá nhân, một tổ chức khi đã đưa đấu thầu thì rất khó có thể làm được gì.

Liên quan vấn đề vừa nêu, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét :

"Việt Nam nói chung luật thì không thiếu nhưng trong quá trình thực thi người tổ chức thực hiện chưa nghiêm chỉnh, chưa đúng. Thứ hai là đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm, cho nên những cái luật soạn thảo ra phần lớn còn có những khuyết tật, vì vậy còn nhiều vấn đề còn bất cập".

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay cái chính là vấn đề người thực thi và tính nghiêm minh của luật pháp. Theo ông nếu người thực thi mà cố ý làm không đúng, thì chế tài tại Việt Nam chưa thật nghiêm. Ống nói rõ rằng các doanh nghiệp không sợ pháp luật mà họ sợ nhất là người thực thi pháp luật không công tâm mà chỉ vì vụ lợi, gây phiền hà nhũng nhiễu để được hối lộ.

*******************

Nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư ở Việt Nam (RFA, 24/09/2018)

Nguy cơ và nhận thức

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Người lao động phổ thông sẽ đối diện nguy cơ cao mất công ăn việc làm do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực mới phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp.

congnghe5

Giới thiệu "Công nghiệp 4.0" tại hội chợ thương mại công nghiệp Hannover Messe ở Hanover, Đức ngày 14 tháng 4 năm 2015 - AFP

Nhiều lãnh đạo Việt Nam dường như cũng nhìn thấy được vấn đề đó, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói bài toán về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đang trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp cách mạng công nghiệp thứ tư thành công.

Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, thương mại dần được toàn cầu hóa ; công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Nhưng cuộc cách mạng này cũng đặt ra yêu cầu đối với từng chính phủ, tổ chức phải hỗ trợ, thay đổi để đồng bộ với các doanh nghiệp.

Tiềm năng và vai trò Nhà nước

Một Giám đốc Công nghệ thông tin ở Việt Nam nói với RFA rằng, Việt Nam có lợi thế là nhân lực trẻ, và các bạn trẻ suốt ngày cầm smart phone trên tay nên họ không lạ lẫm gì với internet và thích ứng nhanh với công nghệ cao.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, trả lời câu hỏi của RFA rằng liệu Việt Nam có đủ nhân lực để tận dụng hay ứng dụng kết quả cuộc cách mạng thứ tư nhằm phát triển kinh tế đất nước theo con đường ngắn nhất hay không, như sau :

Tôi thì tôi nghĩ là Việt Nam thiếu người dẫn dắt, thiếu nhà quản lý hiểu biết về vấn đề này và họ có thể hoạch định chính sách, có thể điều hành để tận dụng nguồn lực trong nước. Về nguồn lực cụ thể thì tôi không nghĩ là thiếu. Tất nhiên là có càng nhiều thì càng tốt, nhưng tôi không nghĩ đang thiếu ở điểm đó. Tôi có thể lấy ví dụ : Chúng tôi chỉ có 1.500 nhân viên nhưng chúng tôi có thể sản xuất ra smart phone. Về an ninh mạng thì chúng tôi có thị phần nhiều hơn so với những phần mềm diệt virus khác, đều là những phần mềm có thứ hạng cao trên thế giới.

Ý kiến của ông Nguyễn Tử Quảng cũng được vị giám đốc công nghệ thông tin làm việc trong ngành ngân hàng và liên doanh nước ngoài chia sẻ rằng :

"Quét nhà thì phải quét từ trên cao xuống chứ không ai quét từ dưới lên. Chính quyền phải 4.0 trước, tức là phải có con người 4.0, hệ thống pháp lý 4.0, mọi thứ vận hành trơn tru không còn nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mới 4.0 được".

Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiện có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong khi có những doanh nghiệp được cho là đã nhập cuộc như BKAV với nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhưng họ vẫn chưa được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận định :

Việt Nam thực sự có cơ hội. Nếu như có sự hoạch định vĩ mô của nhà nước và có những nhân tố điều hành chính sách đúng thì Việt Nam có thể tận dụng cơ hôi này. Ý tôi là không thiếu nhân lực làm, chỉ thiếu sự hoạch định về chính sách vĩ mô.

Thực ra nói một cách sòng phẳng là từ trước đến nay BKAV tự làm và chưa có sự hỗ trợ nào của chính phủ cả, gần như là như thế. Nếu như có chính sách tốt hơn nữa thì tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thị phần tốt trong mảng smart phone này. Và có thị phần tốt trong nước thì chúng tôi có thể vươn ra thị trường quốc tế. Thì đó là tiền đề rất tốt để Việt Nam tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Hướng thực hiện

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2017, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao.

Về việc đào tạo nhân sự để ứng dụng cho cuộc cách mạng công nghiệp thư tư, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học nói với chúng tôi rằng muốn đào tạo nhân sự thì trước hết Việt Nam phải xác định mình muốn ứng dụng cái gì, và có khả năng ứng dụng cái gì trong các kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư. Chứ đào tạo tràn lan rồi không có cơ sở vật chất phù hợp thì vô ích. Ông nói :

Thực chất để ứng dụng được các kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư thì cần phải có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật, thứ hai là trình độ khoa học chung của toàn xã hội, thứ ba là nguồn nhân lực.

Riêng về việc đào tạo nguồn nhân lực thì bất cứ thời đại nào, chế độ nào, xã hội nào cũng cần đào tạo. Nguồn nhân lực đó phải tương ứng với cái hiện có và cái có thể có, của thực tế xã hội, của đất nước về khoa học, về công nghệ, và phải tương ứng hợp lý với sự chuẩn bị cho bước tiến tương lai. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư thì Việt Nam còn rất xa vời, kể cả việc đào tạo con người.

Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh hôm 11/9 vừa qua, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, WEF đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bắc Kinh, Singapore và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.

Một chuyên gia về nguồn nhân lực mới đây phát biểu trên tờ Asia Times rằng, Việt Nam là một trong những nước mà nhu cầu về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin sẽ tăng vượt bậc trong vài năm tới.

Diễm T

Quay lại trang chủ
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)