Giáo sư Trương Nguyện Thành cuốn gói về Mỹ, tôi nghi là giấc mơ "công nghệ bốn chấm" chắc cũng cuốn gói theo ông thầy.
Xã hội Việt Nam không có chỗ để dung chứa sự "sáng tạo". Tài giỏi mấy, không có thẻ đảng, cũng không thèm xài.
Người ta cứ biện hộ quẩn quanh vì lý do Giáo sư Thành "chưa đủ 5 năm làm quản lý ở cấp khoa, phòng…" theo điều 20 của bộ luật giáo dục đại học. Theo tôi là không thuyết phục. Người ta cố tình bỏ qua yếu tố "đứng đầu sổ" là ứng viên hiệu trưởng phải là người "có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt". Điều này tôi đã nói hôm kia, về "tiêu chuẩn người cán bộ chiến lược".
Theo tôi, Tề thiên đại thánh giáng trần với 72 phép thần thông cũng không làm được gì. Ở Việt Nam muốn được việc phải có cái "thẻ đỏ".
Đại học Hoa Sen không có thầy Thành làm hiệu trưởng thì người ta sẽ bầu ra "thầy" khác. Dĩ nhiên "thầy" này sẽ được tuyển chọn trong số "cán bộ chiến lược" (tức cán bộ nguồn), lấy từ kho "hồng" 4 triệu đảng viên.
Đều tôi hơi lo là thế giới người ta đang bước vào thời kỳ "kỹ nghệ 4.0".
Theo tôi, công nghệ này (cũng như công nghệ ba chấm), được đặt trên ba chữ : khai phóng, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Ý kiến của tôi là tập họp nhân sự trung ương đảng lại, chiếu cho họ coi hai tập tài liệu.
Thứ nhứt là tập tài liệu nói về lịch sử thành lập thung lũng Silicon (San Jose - California). Chỉ mới từ thập niên 70 thôi. Ban đầu với hãng Fairchild Semiconductor với những con transitor cung cấp cho NASA trong chương trình Apollo. Từ Fairchild, với những nhân sự tài ba tách ra, hàng loạt các xí nghiệp khác mọc lên, Intel rồi đến các thứ như Google, Yahoo… sau này.
Thứ hai là lịch sử (cạnh tranh) của Bill Gates với Microsoft và Steves Job với Mcintosch (sau này iphone, ipad).
Nghe ông Phúc ao ước một cái "silicon valley" cho Việt Nam. Tôi nghi là ông Phúc không nắm lịch sử phát triển của Silicon Valley (Sata Clara, San Jose, CA).
Quí ông hãy coi đi, để xem yếu tố nào đã đưa nước Mỹ thành công (ở công nghệ 3.x). Dựa vào thành công ở công nghệ này mà Mỹ chiến thắng khối cộng sản không tốn một giọt máu.
Chỉ có ba chữ : khai phóng, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Ông Giáo sư Trương Nguyện Thành là "chuyên gia" hướng dẫn sinh viên về "sự sáng tạo".
Nhưng xã hội Việt Nam thì không có chỗ để dung chứa sự "sáng tạo".
Tất cả nhân sự lãnh đạo xã hội phải đi ra từ cái lò "đảng viên" gồm khoảng 4 triệu người. Phi đảng viên bất thành… hiệu trưởng.
Thế giới hiện nay có 3 trung tâm thu hút nhân tài : Singapore, Trung Quốc và Nam Hàn. Các quốc gia này trả tiền lương cao (nhứt thế giới) cho giới nghiên cứu tài giỏi. Sinh viên, khoa học gia tốt nghiệp các đại học Đài Loan phần lớn bị "dụ" sang làm việc cho lục địa (lương cao hơn).
Việt Nam thì bất cần. Tài giỏi mấy, không có thẻ đảng, cũng không thèm xài.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 11/05/2020
Covid-19 đã cầm chân hàng trăm triệu đứa trẻ trên toàn thế giới, khiến chúng không thể tới trường và nếu thử so cách giải quyết vấn đề này của thiên hạ với Việt Nam, có lẽ sẽ dễ cảm nhận hơn về Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (xác định "cách mạng công nghệ 4.0" là yêu cầu tất yếu khách quan, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng") (1).
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến hôm 10/4/2020. Hình minh họa. Photo Chinhphu.
***
Mỹ không có bộ nào như… Bộ Chính trị để ban hành nghị quyết về "cách mạng công nghệ 4.0" ! Giống như các bạn đồng lứa ở Việt Nam, trẻ con Mỹ đang trong độ tuổi cần đến trường cũng bị buộc ở nhà để tránh lây nghiễm và ngăn ngừa Covid-19 phát tán rộng hơn. Trẻ con Mỹ chỉ khác với trẻ con Việt Nam ở chỗ có thể tiếp tục học hành tại nhà. Còn chính phủ Mỹ và phụ huynh học sinh thì không mất quá nhiều thời gian, công sức để tranh luận qua lại về việc bao giờ trẻ con nên quay lại trường như ở Việt Nam.
Có nhiều chuyện để kể về việc trẻ con Mỹ học ở nhà khi Covid-19 bùng phát nhưng những câu chuyện đó không có nguồn cho chính phủ Việt Nam và phụ huynh học sinh của Việt Nam kiểm chứng, thành ra kẻ viết bài này đành dùng một nguồn, mô tả chuyện học tại nhà của trẻ con Mỹ đang sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ cho bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu thêm và đối chiếu : Bài tường thuật về việc điều chỉnh hoạt động học tại nhà của những đứa trẻ là học sinh Học khu vùng Đông Châu Âu của DODEA (2).
***
DODEA có tên đầy đủ là Department of Defense Education Activity (Cơ quan đặc trách giáo dục phổ thông của Bộ Quốc phòng Mỹ). Sở dĩ Bộ Quốc phòng Mỹ phải thành lập DODEA vì Mỹ có nhiều căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Khi được điều động đến căn cứ nào đó bên ngoài lãnh thổ Mỹ, nếu căn cứ ấy không tọa lạc ở những khu vực có chiến sự, quân nhân Mỹ và các nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đưa cả gia đình đến đó. DODEA chính là nơi chịu trách nhiệm vận hành các trường học từ nhà trẻ đến cấp ba để thỏa mãn nhu cầu học hành của lũ trẻ con Mỹ do cha mẹ phải di chuyển mà không có cơ hội học hành ngay tại Mỹ.
Vì các căn cứ của Mỹ nằm rải rác tại nhiều nơi trên toàn thế giới, DODEA có nhiều học khu (School District) phục vụ nhiều khu vực khác nhau. Mỗi học khu có nhiều trường thuộc đủ mọi cấp. Học khu ở miền Đông Châu Âu (Europe East School District) của DODEA có 32 trường phục vụ cộng đồng quân sự Mỹ ở Kaiserslautern (thuộc bang Rheinland-Pfalz) và một số cộng đồng quân sự Mỹ khác đang hiện diện tại Đức. Giống như nhiều học khu khác thuộc DODEA, do Covid-19, Europe East School District đã đóng cửa cả 32 trường từ giữa tháng 3 và vì không biết đến bao giờ đại dịch chấm dứt nên không xác định lúc nào sẽ mở cửa trở lại.
Hai đứa trẻ một học lớp 5, một học lớp chín, thuộc hai trường của Europe East School District - mà cha mẹ chúng không muốn kẻ viết bài này nêu danh tính để bảo vệ sự riêng tư - cùng cho biết : Ngay sau khi trường của chúng phải đóng cửa, cả hai chuyển sang học qua Internet gần như lập tức. Do học sinh của các trường thuộc DODEA đã được dạy để sử dụng máy tính, khai thác các lợi ích của Internet từ lớp một và đứa trẻ nào cũng có account, password để thực hiện nhiều yêu cầu khác nhau của giáo viên trên Google Classroom nên không đứa trẻ nào cảm thấy bỡ ngỡ khi phải học qua Internet. Học tại nhà chỉ cần máy tính. Nếu nhà thiếu máy tính, cha mẹ có thể mượn laptop của trường.
Tuy không phải đến trường nhưng từ khi chuyển sang học qua Internet, lũ trẻ là học sinh các trường của Europe East School District vẫn phải trình diện giáo viên trước máy tính đúng vào giờ mà chúng thường phải có mặt tại lớp. Học tại nhà nên lũ trẻ được hướng dẫn để sử dụng thêm Google Meet, mở webcam, microphone nghe giáo viên giảng, thảo luận với giáo viên và bạn bè y như lúc ngồi tại lớp. Ngoài những nền tảng hỗ trợ học tại nhà có kết nối với trường và giáo viên do Google cung cấp, các trường của Europe East School District còn hướng dẫn lũ trẻ tham khảo thêm về những bài cần học, cần rèn luyện qua những trang web khác.
Bên cạnh những trang web cung cấp các bài giảng, bài tập giúp trau dồi kiến thức, kỹ năng về khoa học tự nhiên hoàn toàn miễn phí như Khan Academy (khanacademy.org), còn có những trang web như Clever mà DODEA (Clever DODEA) đã thanh toán chi phí để giáo viên và học sinh tiểu học có thể cùng nhau khai thác tiện ích khi học nhiều thứ khác (văn, khoa học…). Với những môn học có yêu cầu chuyên biệt hơn, chẳng hạn ngoại ngữ, trẻ có thể dùng VHL (vhlcentral.com)…
Trẻ con ở Mỹ hẳn sẽ ú ớ khi nghe đề cập đến "cách mạng công nghệ 4.0" vì không có ý niệm gì về cuộc… cách mạng ấy. Dù không thể "nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc ‘cách mạng công nghệ 4.0’ để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, xem đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội" nhưng lũ trẻ này có thể mô tả tường tận và thao tác hết sức thành thạo trong việc sử dụng máy tính, Internet để chuyện học hành không bị gián đoạn.
***
Lũ trẻ là học sinh các trường của Europe East School District đang trong Spring Break – đợt nghỉ giữa học phần ba và học phần 4. Theo tường thuật của tờ Stars and Stripes – một tờ báo phục vụ đối tượng độc giả là quân nhân Mỹ - cuối học phần ba, Europe East School District đã tổ chức thăm dò ý kiến của phụ huynh học sinh và quyết định điều chỉnh phương thức học tại nhà qua Internet. Europe East School District xin lỗi vì đã không dự đoán được Internet tại gia không bằng Internet ở trường, thành ra khi các đứa trẻ trong một gia đình cùng mở máy tính, cùng vào Internet để học, wifi quá tải, gây nhiều phiền hà cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Bởi đó cũng là mắc mức chung, bộ phận điều hành 66 trường học các cấp thuộc DODEA ở Châu Âu vừa thông báo, từ 13 tháng này – khi Spring Break chấm dứt, trẻ học Tiểu học sẽ "lên" lớp từ 8 giờ sáng đến 11 giờ sáng. Trẻ học cấp ba sẽ "lên" lớp từ 10 giờ sáng đến 12 giờ 30 trưa. Trẻ học cấp hai sẽ "lên" lớp từ 12 giờ 30 đến 3 giờ chiều mỗi ngày trong tuần. Sở dĩ giờ giấc thay đổi vì cần tránh nghẽn mạng tại gia, còn giờ học dài ngắn khác nhau vì phụ thuộc vào khả năng nhận thức và kỹ năng tự học của từng độ tuổi. Trẻ học cấp ba đã đủ lớn để giờ "lên" lớp ngắn hơn, nhường thời gian cho đàn em sử dụng Internet dài hơn nhưng vẫn có thể bảo đảm chất lượng học hành.
15.000 học sinh các cấp thuộc các trường của DODEA ở Châu Âu sẽ kết thúc niên khóa này vào ngày 9 tháng 6, sớm hơn thời gian biểu đã được công bố hồi đầu niên khóa này chừng một tuần (12 tháng 6). Khoảng 3.500 gia đình quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ ở khắp Châu Âu không cần phải bận tâm đến chuyện con họ có cần đến trường giữa mùa dịch hay không và làm sao để lũ trẻ của họ không bị gián đoạn trong học hành. Giống như con của họ, những phụ huynh này cũng hoang mang khi chẳng biết gì về "cách mạng công nghệ 4.0". Họ chỉ theo dõi xem DODEA vận hành chuyện học tại nhà qua Internet như thế nào rồi góp ý xem cần điều chỉnh ra sao !
***
Thiết kế các website, cung cấp các sản phẩm giáo dục từ miễn phí đến thu phí hoặc của cá nhân hoặc của các cơ sở giáo dục để trẻ con có thể khai thác máy tính, khai thác Internet sao cho chuyện học hành có thể đạt kết quả tốt nhất đã… xưa như… Diễm ở nhiều nơi trên trái đất. Những nơi đó không có… bộ nào ra… nghị quyết về "cách mạng công nghệ 4.0" cho "toàn đảng, toàn quân, toàn dân"… xem là mục tiêu để cùng… phấn đấu nhằm "thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số".
Chưa rõ chủ trương tiến hành… "cách mạng công nghệ 4.0" đã và sẽ còn tiêu hết bao nhiêu tiền nhưng ít nhất, khi Covid-19 bùng phát, cuộc… cách mạng này đã đạt được một số… thành quả nhất định : Đó là đẩy mạnh công tác… tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống dịch của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta và phát hiện, xử phạt nhiều… "đối tượng" dám đưa ra những thông tin, nhận định làm suy yếu hay méo mó nỗ lực này. Thành tựu chưa ngừng ở đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương "đảng ta", Phó ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương "đảng ta", Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vừa tuyên bố ứng dụng công nghệ 4.0 để khám bệnh từ xa qua webcam (3)…
Ông Hùng - ngôi sao sáng nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông của "ta" – đang cố gắng chứng minh tuyên bố của ông : Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm (4) là… hoàn toàn khả thi ! Khi "cách mạng công nghệ 4.0" có thể giúp thực hiện thành công khám bệnh từ xa, nhân viên y tế không cần đo thân nhiệt, không cần biết nhịp tim, huyết áp của bệnh nhân thế nào, bác sĩ không cần trực tiếp nghe phổi, không cần phải dùng mắt, tay để hỗ trợ chẩn đoán… thì rõ ràng thế giới phải… thua. Trên mạng xã hội, đã có một số người bày tỏ băn khoăn : Làm sao bác sĩ phụ sản khám… phụ khoa trước… webcam (5) ?
Những băn khoăn, nghi ngại kiểu đó cho thấy công tác "giáo dục, tuyên truyền" sẽ còn nhiều khó khăn, gian khổ để giúp toàn dân "giác ngộ cách mạng" ! Tuy nhiên với sự "tài tình, sáng suốt" của "đảng ta", với những người đang cùng "đảng ta" dẫn dắt chúng ta như ông Hùng, chắc chắn vào một ngày nào đó mà "ta" chưa thể xác định, giống như chưa thể xác định bao giờ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ hoàn tất, "cách mạng công nghệ 4.0" sẽ… thành công rực rỡ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/04/2020
Chú thích :
(5) https://www.facebook.com/lien.le.7399786/posts/2900362620078200
Dù kim ngạch xuất khẩu được báo cáo liên tục tăng trong những năm qua và nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng khá ; tuy nhiên, giá trị thực nhận được lại rất ít. Lý do được chỉ ra là do các doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công hàng hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như thế Việt Nam đang làm giàu cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Công nhân đang làm việc tại nhà máy sản xuất dệt may tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) - AFP
Một báo cáo về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 19/9 cho thấy, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đi gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ hưởng được một phần nhỏ từ phí gia công. Tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 được báo cáo là 8,6 tỷ USD.
Những ngành sản xuất mang lại nhiều kim ngạch cho Việt Nam được thuộc nhóm gia công, lắp ráp như điện thoại, máy tính, dệt may, da giày… Trong khi đó thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đều phát triển rất mạnh.
Trong các cuộc họp chính phủ nhiều đại biểu quốc hội nêu rõ việc quá nhiều ưu đãi thu hút các dự án FDI nhưng lại chưa có chính sách hợp lý phát triển những ngành kinh tế phụ trợ quan trọng trong nước, Việt Nam có thể rơi vào "bẫy" gia công giá trị thấp.
Đồng tình với các đại biểu, Giáo sư- tiến sĩ Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, điều này đã được nhìn ra từ trước đây nhưng tiến trình khắc phục tình trạng này vẫn còn chậm.
Ông cho biết thêm : "Bởi vì hiện nay trong phát triển công nghiệp, Việt Nam vẫn đánh giá khu vực FDI là khu vực chuyên nghiệp hơn cả. Đồng thời nó cũng là cách thức để dẫn dắt những công nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia mà chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ. Đây là một khó khăn lớn cho việc tiếp tục phát triển của công nghiệp Việt Nam".
Vị chuyên gia này cho biết ngoài việc gia công hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện việc gia công sản phẩm đó.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hiện nay vẫn còn rất yếu, bởi vì cơ cấu doanh nghiệp Việt thường quá nhỏ và không đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho thị trường toàn cầu.
Chuyên gia ngành ngân hàng, tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, cho biết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đề xuất Việt Nam nên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu sản xuất trong nước để tăng thêm giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết :
"Trong một thời gian khá dài thì ngành công nghiệp phụ trợ này ít được để ý. Một phần do các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, sử dụng nguồn vốn lớn còn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Chính vì vậy khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ dựa trên yếu tố là nhân công rẻ mà thôi nhưng mà hiện nay nhân công rẻ không còn là thế mạnh nữa là vì năng xuất lao động Việt Nam thấp hơn so với khu vực".
Dây chuyền lắp ráp động cơ tại nhà máy Toyota ở Vĩnh Phúc. AFP
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về tài chính, thì doanh nghiệp Việt Nam thiếu chuyên môn, thiếu công nghệ để sản xuất ra các hàng hóa, mà các nhà tiêu thụ cũng như là khách hàng nước ngoài đòi hỏi. Ông chia sẻ :
"Phần lớn là do các sản phẩm xuất khẩu, rất nhiều sản phẩm được sản xuất qua các quy trình sản xuất phức tạp công nghệ cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp thu được các công nghệ của FDI nên họ có xu hướng là gia công cho các doanh nghiệp FDI".
Ngoài ra, vị tiến sĩ còn có nhận xét các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam họ không muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt còn vì vấn đề liên quan đến quyền sở hựu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.
Các doanh nghiệp FDI chỉ khai thác vị thế Việt Nam về thương mại, tài nguyên và lao động giá rẻ để đặt cơ sở gia công tại nước ngoài.
Tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Nên chính phủ Việt Nam cần có thêm chính sách hỗ trợ, đầu tư vào ngành công nghiệp này vì trong tương lai có thể giúp Việt Nam thoát ra được vai trò gia công.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI được hưởng đủ chính sách ưu đãi của chính phủ, thế nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp ngoại chỉ cung ứng cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Để tạo nguồn cung bền vững trong nước, chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để thu hút nhà đầu tư sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội. Ông cho biết :
"Cái nhìn chung của tôi là các công ty FDI vào Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nhưng chính phủ Việt Nam phải có những chính sách để tiếp thu các công nghệ của doanh nghiệp FDI và dần giới hạn lại giảm thiểu sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp Việt Nam tự cường sản xuất hàng hóa bán cho thị trường nước ngoài. Và đặc biệt là tận dụng được liên hệ của các doanh nghiệp FDI với tổ chức quốc tế bởi vì thông thường rất nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là những công ty con của các tập đoàn thế giới nên Việt Nam nên tập dụng để mở rộng cánh cửa với thế giới".
Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc đều đồng ý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho đến nay thực chất chỉ là tận dụng giá nhân công thấp để làm giàu, và đóng góp không đáng kể vào việc chuyển giao công nghệ cũng như quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.
*******************
Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời vào Việt Nam từng được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay thực tế đáng ngại đó vẫn chưa có dấu hiệu gì khả quan.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2017. AFP
Trong nhiều cuộc họp quốc hội trước đây, các vị đại biểu quốc hội đã từng thừa nhận Việt Nam nhập công nghệ lạc hậu lỗi thời cả hai ba thế hệ và không có giải pháp kỹ thuật đi kèm khi cần bảo trì, sửa chữa, nâng cấp.
Vấn đề được các vị đại biểu quốc hội đưa ra là Việt Nam đã nhận những loại công nghệ bị cho là bẩn, không còn được sử dụng tại quốc gia bán cho Việt Nam. Những công nghệ cũ kỹ lạc hậu cả mấy đời là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây nhất là vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, tại Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 ở Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đưa ra cảnh báo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các dự án đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đẩy cho các công nghệ lạc hậu và phế thải.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết :
"Tôi hoàn toàn nhất trí với cái nhận xét, cái ý kiến của ông Tổng kiểm toán nhà nước tại Hội nghị kiểm toán Châu Á. Và tôi cho rằng đây cũng phải là nhận xét mới, mà cũng đã được đưa ra từ lâu, chỉ có điều khắc phục tình trạng tiếp nhận các công nghệ lạc hậu vẫn chưa làm được tốt".
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận thực trạng này :
"Hiện nay việc nhập công nghệ ở Việt Nam rất là phổ biến, bởi vì chúng ta gần như là chưa phát triển, cái gì cũng cần nhập. Bởi vì thiếu hiểu biết nên đúng là ở Việt Nam có nhiều công nghệ nhập về bị lỗi mốt".
Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa chụp năm 2017. AFP PHOTO
Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra ví dụ về việc sử dụng công nghệ lạc hậu khi Việt Nam xây dựng hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng, trong khi các nước đều làm lò ngang. Ông dẫn chứng thêm nhiều dự án khác :
"Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điệt chạy than nhưng công nghệ cũng lạc hậu. Kể cả gần đây quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, bây giờ trên thế giới người ta xây dựng những nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, thì trong khi đó đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn thì cứ quy hoạch nhiệt điện ở đấy".
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong xu thế hội nhập thì Việt Nam muốn thu hút đầu tư, nhưng không phải đầu tư bằng mọi giá. Đầu tư phải đảm bảo môi trường, đầu tư phải bảo đảm hiệu quả, chất lượng, công nghệ phải tiên tiến. Theo ông, nếu sử dụng công nghệ lạc hậu sẽ gây những hệ lụy rất lớn. Thứ nhất nó sẽ làm tăng chi phí giá thành, thứ hai không thể cạnh tranh và thứ ba là nó sẽ tạo thành một bãi rác ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, trong số các doanh nghiệp, các dự án đầu tư tại Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thì phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam trở thành "bãi đáp" công nghệ cũ của Trung Quốc đã không còn là cảnh báo nữa.
Theo số liệu của Bộ kế hoạch đầu tư, Trung Quốc hiện đầu tư hơn 1.600 dự án tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn 11,2 tỉ USD, là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Một trong những ví dụ Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam là trong lĩnh vực nhiệt điện than. Trong khi Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện than thì vài năm nay, hàng loạt nhà máy nhiệt điện từ Trung Quốc được đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Riêng tại các tỉnh đồng bằng sông cửu long đã có 14 nhà máy nhiệt điện, hơn nửa số nhà máy đó là do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
Làm cách nào mà công nghệ lạc hậu của Trung Quốc có thể dễ dàng vào Việt Nam, trong khi hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều qua đấu thầu. Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh đưa ra nhận định :
"Phía Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ mà mình không kiểm soát được. Đây là cái cách mà Trung Quốc làm để thắng các đối thủ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, chúng ta cấm Trung Quốc bỏ thầu cũng không được, vì đó là thông lệ quốc tế. Vì vậy chúng ta mà muốn nhập đúng thiết bị thì chúng ta phải ra cái bài thầu, làm thế nào để có thể loại trừ những hàng hóa của Trung Quốc. Ví dụ mình có thể cài thêm cái tham số nào mà Trung Quốc không có, hoặc thêm cài thêm cái ý là chỉ nhập ở các nước G7... Đó là trường hợp hoàn toàn song phẳng, tôi không muốn nói ở đây là có những lợi ích cá nhân nhập về, hay có những cái feedback phần trăm hoa hồng là tôi không nói ở đây".
Theo ông Tạ Cao Minh, mặc dù vận dụng luật đấu thầu quốc tế, nhưng Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để ban hành những quy định riêng của bản xứ, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm của Trung Quốc. Theo ông cần có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thì mới làm được, chứ một cá nhân, một tổ chức khi đã đưa đấu thầu thì rất khó có thể làm được gì.
Liên quan vấn đề vừa nêu, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét :
"Việt Nam nói chung luật thì không thiếu nhưng trong quá trình thực thi người tổ chức thực hiện chưa nghiêm chỉnh, chưa đúng. Thứ hai là đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm, cho nên những cái luật soạn thảo ra phần lớn còn có những khuyết tật, vì vậy còn nhiều vấn đề còn bất cập".
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay cái chính là vấn đề người thực thi và tính nghiêm minh của luật pháp. Theo ông nếu người thực thi mà cố ý làm không đúng, thì chế tài tại Việt Nam chưa thật nghiêm. Ống nói rõ rằng các doanh nghiệp không sợ pháp luật mà họ sợ nhất là người thực thi pháp luật không công tâm mà chỉ vì vụ lợi, gây phiền hà nhũng nhiễu để được hối lộ.
*******************
Nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư ở Việt Nam (RFA, 24/09/2018)
Nguy cơ và nhận thức
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Người lao động phổ thông sẽ đối diện nguy cơ cao mất công ăn việc làm do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực mới phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Giới thiệu "Công nghiệp 4.0" tại hội chợ thương mại công nghiệp Hannover Messe ở Hanover, Đức ngày 14 tháng 4 năm 2015 - AFP
Nhiều lãnh đạo Việt Nam dường như cũng nhìn thấy được vấn đề đó, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói bài toán về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đang trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp cách mạng công nghiệp thứ tư thành công.
Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, thương mại dần được toàn cầu hóa ; công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Nhưng cuộc cách mạng này cũng đặt ra yêu cầu đối với từng chính phủ, tổ chức phải hỗ trợ, thay đổi để đồng bộ với các doanh nghiệp.
Tiềm năng và vai trò Nhà nước
Một Giám đốc Công nghệ thông tin ở Việt Nam nói với RFA rằng, Việt Nam có lợi thế là nhân lực trẻ, và các bạn trẻ suốt ngày cầm smart phone trên tay nên họ không lạ lẫm gì với internet và thích ứng nhanh với công nghệ cao.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, trả lời câu hỏi của RFA rằng liệu Việt Nam có đủ nhân lực để tận dụng hay ứng dụng kết quả cuộc cách mạng thứ tư nhằm phát triển kinh tế đất nước theo con đường ngắn nhất hay không, như sau :
Tôi thì tôi nghĩ là Việt Nam thiếu người dẫn dắt, thiếu nhà quản lý hiểu biết về vấn đề này và họ có thể hoạch định chính sách, có thể điều hành để tận dụng nguồn lực trong nước. Về nguồn lực cụ thể thì tôi không nghĩ là thiếu. Tất nhiên là có càng nhiều thì càng tốt, nhưng tôi không nghĩ đang thiếu ở điểm đó. Tôi có thể lấy ví dụ : Chúng tôi chỉ có 1.500 nhân viên nhưng chúng tôi có thể sản xuất ra smart phone. Về an ninh mạng thì chúng tôi có thị phần nhiều hơn so với những phần mềm diệt virus khác, đều là những phần mềm có thứ hạng cao trên thế giới.
Ý kiến của ông Nguyễn Tử Quảng cũng được vị giám đốc công nghệ thông tin làm việc trong ngành ngân hàng và liên doanh nước ngoài chia sẻ rằng :
"Quét nhà thì phải quét từ trên cao xuống chứ không ai quét từ dưới lên. Chính quyền phải 4.0 trước, tức là phải có con người 4.0, hệ thống pháp lý 4.0, mọi thứ vận hành trơn tru không còn nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mới 4.0 được".
Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiện có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong khi có những doanh nghiệp được cho là đã nhập cuộc như BKAV với nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhưng họ vẫn chưa được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận định :
Việt Nam thực sự có cơ hội. Nếu như có sự hoạch định vĩ mô của nhà nước và có những nhân tố điều hành chính sách đúng thì Việt Nam có thể tận dụng cơ hôi này. Ý tôi là không thiếu nhân lực làm, chỉ thiếu sự hoạch định về chính sách vĩ mô.
Thực ra nói một cách sòng phẳng là từ trước đến nay BKAV tự làm và chưa có sự hỗ trợ nào của chính phủ cả, gần như là như thế. Nếu như có chính sách tốt hơn nữa thì tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thị phần tốt trong mảng smart phone này. Và có thị phần tốt trong nước thì chúng tôi có thể vươn ra thị trường quốc tế. Thì đó là tiền đề rất tốt để Việt Nam tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Hướng thực hiện
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2017, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao.
Về việc đào tạo nhân sự để ứng dụng cho cuộc cách mạng công nghiệp thư tư, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học nói với chúng tôi rằng muốn đào tạo nhân sự thì trước hết Việt Nam phải xác định mình muốn ứng dụng cái gì, và có khả năng ứng dụng cái gì trong các kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư. Chứ đào tạo tràn lan rồi không có cơ sở vật chất phù hợp thì vô ích. Ông nói :
Thực chất để ứng dụng được các kết quả của cách mạng công nghiệp thứ tư thì cần phải có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật, thứ hai là trình độ khoa học chung của toàn xã hội, thứ ba là nguồn nhân lực.
Riêng về việc đào tạo nguồn nhân lực thì bất cứ thời đại nào, chế độ nào, xã hội nào cũng cần đào tạo. Nguồn nhân lực đó phải tương ứng với cái hiện có và cái có thể có, của thực tế xã hội, của đất nước về khoa học, về công nghệ, và phải tương ứng hợp lý với sự chuẩn bị cho bước tiến tương lai. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư thì Việt Nam còn rất xa vời, kể cả việc đào tạo con người.
Tại buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh hôm 11/9 vừa qua, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, WEF đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Bắc Kinh, Singapore và trong 12 tháng tới sẽ tập trung xây dựng tại Việt Nam.
Một chuyên gia về nguồn nhân lực mới đây phát biểu trên tờ Asia Times rằng, Việt Nam là một trong những nước mà nhu cầu về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin sẽ tăng vượt bậc trong vài năm tới.
Diễm T