Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở thành nội dung áp đảo trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, theo tường thuật của TASR hôm 27/9.
Phó Thủ tướng-Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak (trái) bắt tay với Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một cuộc họp ở Hà Nội năm 2014.
Hãng thông tấn nhà nước Slovakia cho biết Ngoại trưởng Slovakia đã "mạnh mẽ lên án" hành động bắt cóc cựu lãnh đạo công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ Đức, nói rằng đây là hành động "vi phạm nền tảng luật pháp quốc tế và lạm dụng trắng trợn hệ thống khối Schengen, gây tác động tiêu cực lên quan hệ Việt Nam-Slovakia".
Ngoại trưởng Lajcak còn "nhấn mạnh" với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng những giải thích trước đây của phía Việt Nam về những "nghi ngờ nghiêm trọng" trong vụ bắt cóc người Việt Nam trên lãnh thổ Slovakia là "không thỏa đáng". Vì vậy, thông qua người đồng cấp, ông kêu gọi Việt Nam "nhanh chóng làm rõ mọi nghi ngờ để khôi phục lòng tin lẫn nhau trong quan hệ song phương".
"Nếu anh cứ tiếp tục khẳng định rằng anh không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của anh không có mặt trên máy bay của chính phủ Slovakia, thì tôi cần một lời giải thích đáng tin cậy về cách anh đưa ông ta từ Đức về lại Việt Nam. Bất kỳ giải thích sai lệch nào về phía anh cũng sẽ gây hậu quả đối với quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi đang đã sẵn sàng thực hiện các bước hạn chế theo quy định của Liên minh Châu Âu", TASR dẫn lời ông Lajcak nói với ông Phạm Bình Minh.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Denisa Sakova sau cuộc họp với người đồng cấp Đức Horst Seehoffer ở Berlin ngày 24/9 cho biết phía Đức không quy trách Slovakia trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin cho họ về các bước xử lý mà Slovakia đã và đang thực hiện về vụ bắt cóc này.
Bà Denisa Sakova nói "hai bên đều đồng ý rằng vụ bắt cóc này ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam và giữa Slovakia và Việt Nam, chứ không phải giữa Slovakia và Đức".
Việt Nam bị cáo buộc là đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức và sau đó dùng máy bay mượn của chính phủ Slovakia - nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các quan chức khác - để đưa ông này sang Nga rồi từ đó về Việt Nam. Các nhà điều tra Châu Âu đã phát hiện nhiều bằng chứng và tòa án Đức gần đây đã quy án một số người liên quan đến vụ bắt cóc này.
Việt Nam cho tới nay vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh tự về nước đầu thú.
Cuộc họp giữa hai bộ trưởng diễn ra hôm 25/9, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York, Hoa Kỳ.
TASR cho biết ngoại trưởng Slovakia còn yêu cầu Việt Nam cung cấp bằng chứng về những giải thích mà Slovakia đòi hỏi phải có "ngay lập tức".
Tin cho hay Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải thông điệp này đến các lãnh đạo nước mình.
https://youtu.be/99z9rT9OJR8