Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/09/2018

Bàn về nhân sự Chủ tịch nước, Đỗ Mười nằm bệnh viện

BBC tiếng Việt

Đảng cộng sản Việt Nam còn bàn về nhân sự Chủ tịch nước (BBC, 28/09/2018)

Một người phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chưa rõ liệu Hội nghị trung ương 8 có quyết định nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước hay không.

nuoc1

Hình ảnh ngày đầu Quốc tang Chủ tịch Quang

Hội nghị trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ 2 đến 6/10, trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức quốc tang vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang tạ thế.

Tại cuộc họp báo về chương trình hội nghị, Phó Chánh Văn phòng trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh nói "không đặt vấn đề" bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị tại hội nghị 8.

Ông Vĩnh nói thêm :

"Còn việc trung ương có xem xét quyết định giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước mới tại hội nghị lần thứ 8 này hay không còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan".

"Việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, cẩn trọng. Chắc chắn vấn đề này sẽ do trung ương Đảng xem xét nhưng cụ thể có xem xét tại hội nghị này hay không, trung ương sẽ thông báo sau".

Theo tìm hiểu của BBC, cho đến ngày 28/9, Bộ Chính trị chưa có cuộc họp để bàn việc chuẩn bị nhân sự chức Chủ tịch nước.

Một số cái tên ủy viên Bộ Chính trị được giới quan sát nêu ra như ứng viên cho chức chủ tịch nước, gồm các ông Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân hay Ngô Xuân Lịch.

nuoc2

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (trái) được xem là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức Chủ tịch nước

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hiện được xem là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức Chủ tịch nước

Có ý kiến nói ông Phạm Minh Chính, cựu trung tướng công an, nguyên Bí thư Quảng Ninh và hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một nhân vật sáng giá khi Đảng cộng sản sắp xếp lại các chức vụ cao nhất.

Ngoài ra, có câu hỏi trong giới quan sát rằng liệu quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có được Đảng xem xét đưa vào Bộ Chính trị để chính thức giữ chức vụ Chủ tịch nước hay không.

Thời gian qua, dư luận Việt Nam cũng bắt đầu chú ý đến nhu cầu có thêm một nhân vật nữ ở vị trí cao thuộc hàng cao nhất trong bộ máy để cải thiện hình ảnh đất nước.

Lễ quốc tang của Chủ tịch nước Quang được quốc tế rất trọng thị làm lộ ra sự khác biệt trong cách nhìn nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, coi chức vụ này không cao lắm, với hình ảnh, vị thế của nguyên thủ quốc gia trong con mắt dư luận trên thế giới.

Phát biểu với báo chí hôm 28/09, ông Lê Quang Vĩnh nói về quyền Chủ tịch nước :

"Chúng ta vừa qua hai ngày Quốc tang, theo quy định của Hiến pháp và quy định trong Đảng, cấp có thẩm quyền đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước. Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ".

Điều này có thể hiểu là người ta không vội vàng để bà Ngọc Thịnh rời vị trí tạm quyền như hiện nay, dù trong danh sách Ban tang lễ ông Quang, tên bà bị đặt dưới các ủy viên Bộ Chính trị.

Cũng trong mấy ngày qua, có ý kiến của Tiến sĩ Vũ Cao Phan từ Hà Nội cho rằng đây là dịp "có thể nhất thể hòa cái chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước là một".

Trả lời Bàn tròn Thứ Năm 27/09 của BBC Tiếng Việt, ông giải thích vì sao :

"Thứ nhất, Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất cho đến nay chưa kết hợp hai chức vụ ấy làm một. Trung Quốc, Cuba và ngay bên cạnh là Lào, tất cả đều làm thế rồi, chỉ còn Việt Nam thôi.

Thứ hai, trên thực tế, Việt Nam đã có ý định thực hiện từ hơn 20 năm trước, từ thời ông Lê Khả Phiêu còn làm Tổng Bí thư.

Thứ ba, có thể nói là sự ra đi của ông Trần Đại Quang là ngẫu nhiên thôi nhưng trở thành tất nhiên - nghĩa là một sự chín muồi cho sự nhất thể hóa.

Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là sự kết hợp đó là hợp lý và có lợi".

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp từ 22/10 đến 20/11.

Theo luật, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, nhưng trong bối cảnh chính trị một đảng ở Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Đảng trước đó quyết định nhân sự.

Bộ Chính trị đang 'thiếu người'

Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản.

Đại hội Đảng năm 2016 đã bầu ra 19 ủy viên Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Những người từng làm Chủ tịch nước Việt Nam-

- Tôn Đức Thắng 1976-1980

- Nguyễn Hữu Thọ 1980-1981

- Trường Chinh 1981-1987

- Võ Chí Công 1987-1992

- Lê Đức Anh 1992-1997

- Trần Đức Lương 1997-2000

- Nguyễn Minh Triết 2006-2011

- Trương Tấn Sang 2011-2016

- Trần Đại Quang 2016-2018

- Đặng Thị Ngọc Thịnh 21/9/2018

Nhưng chỉ một năm sau, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Thăng sau đó bị hai án tù - 13 năm và 18 năm tù - và tổng cộng lại sẽ phải thi hành mức án 30 năm tù giam.

Ông Đinh Thế Huynh phải nghỉ điều trị bệnh, thôi chức Thường trực Ban Bí thư từ đầu năm 2018 tuy vẫn ngồi trong Bộ Chính trị.

'Quỹ nhân sự cao cấp' hiện bị hẹp lại sau cái chết của Chủ tịch Quang, và sự vắng mặt lâu của ông Đinh Thế Huynh, cùng việc bỏ tù ông Đinh La Thăng.

Ông Trần Quốc Vượng, vốn là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 3/2018.

Trong danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang.

Danh sách này xếp thứ tự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thứ ba và ông Trần Quốc Vượng thứ tư.

Việc bổ sung bất cứ ai vào Bộ Chính trị cũng có thể tạo ra "phản ứng dây chuyền" vì chức vụ của người đó sẽ cần phải có người khác thay thế.

Quy định của Hiến pháp Việt Nam 2013

- Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

- Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.

- Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

- Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Chân dung quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Sinh năm 1959 ở tỉnh Quảng Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Đảng Cộng sản năm 1979.

Bà có bằng Thạc sĩ xây dựng Đảng, Cử nhân khòa học Sử, Cử nhân Luật.

Bà có thời gian dài làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua các chức vụ như Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) ; Viện trưởng Viện Kiểm sat nhân dân Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Chủ tịch UBND Quận 1 ; Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi được điều động ra Hà Nội, bà Ngọc Thịnh trở thành ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương khòa X năm 2006.

Năm 2009, bà về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy một năm sau đó.

Đầu năm 2015, bà lại được điều ra Hà Nội giữ chức Phó Chánh Văn phòng trung ương Đảng.

Đại hội Đảng năm 2016 bầu bà vào Ban Chấp hành trung ương Đảng khòa XII. Sau đó, bà được Quốc hội bầu vào chức Phó Chủ tịch nước.

*****************

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nằm bệnh viện đã gần 6 tháng (RFA, 28/09/2018)

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nằm bệnh viện 108 điều trị bệnh phổi và thận gần 6 tháng nay. Ông Phan Trọng Kính - Trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - khẳng định với VietNamNet sáng 28/9/2018.

nuoc3

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (giữa) đến dự Lễ khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 1 năm 2016. AFP

Theo ông Kính thì nguyên Tổng bí thư bị khó thở nên bệnh viện phải mở khí quản, do đó ông Đỗ Mười không nói được nhưng vẫn nghe được.

Tin cho biết, vào chiều 28/4/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Trong chuyến thăm đó có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917. Ông nguyên Tổng bí thư, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng vào ngày 12/4/2018.

Vào tháng 9 năm 1990, ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thành Đô tại Trung Quốc.

Một sự kiện nữa liên quan đến ông Đỗ Mười là chủ trương đánh tư sản (còn gọi là cải tạo công thương nghiệp hay cải tạo công thương nghiệp tư doanh hay cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh) được thực hiện tại miền bắc sau 1954 và tại miền Nam sau 1975.

*********************

Hai chiều ý kiến về cựu Tổng bí thư Đỗ Mười (BBC, 28/09/2018)

Nhà quan sát nói với BBC rằng ông Đỗ Mười để lại di sản là công cuộc 'cải tạo công thương' khốc liệt trong khi chuyên gia bảo ông Mười "có tính cầu thị".

nuoc4

Ông Đỗ Mười (giữa) tại lễ tang Tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội hồi tháng 10/2013

Ông Đỗ Mười, sinh ngày 2/2/1917, tên thật là Nguyễn Duy Cống. Ông làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997.

Sau đó ông làm Cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng.

Trong lúc mạng xã hội nhôn nhao thắc mắc về sức khỏe của ông Đỗ Mười, thì hôm 21/9, báo Dân Việt đưa tin : "Một thành viên của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cho biết, cựu Tổng bí thư Đỗ Mười đang được điều trị tại Khòa Điều trị tích cực, Bệnh viện trung ương Quân đội 108".

Đánh tư sản mại bản

Về di sản của cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, hôm 24/9, trả lời BBC văn phòng Bangkok, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận trung ương Đảng, hiện sống ở Hà Nội nói :

"Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là "cải tạo công thương nghiệp".

"Theo như tôi hiểu, ông làm điều này rất hung hăng vì học vấn ít, và cuồng tín cao".

"Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai hòa rất lớn cho dân tộc".

"Nhưng có vẻ là trong nhiều năm ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa".

"Đến lúc cuối đời, ông không có vẻ gì ăn năn, hối cải về sai lầm của mình cả".

Về việc đánh tư sản của Tổng bí thư Đỗ Mười, nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Bên Thắng Cuộc :

"Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh" ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh ; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất ; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất ; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa".

"Sau Cải tạo, dưới dạng kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, Nhà nước nắm : 100% ngành năng lượng ; 45% ngành cơ khí ; 45% ngành xay xát lương thực ; 100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá ; 45% trong các ngành chế biến đường, dầu thực vật ; 60% ngành dệt ; 100% ngành sản xuất giấy ; 80% ngành sản xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công nghiệp ; 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán".

"Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận : "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn", nhà báo Huy Đức viết trong cuốn sách nêu trên.

Đối ngược với Võ Văn Kiệt

Cũng trong hôm 24/9, Luật sư Vũ Đức Khanh, nhà hoạt động và quan sát chính trị, xã hội Việt Nam từ Ottawa, Canada, nói với BBC :

"Đối với nhiều người dân thành thị miền Nam, ông Đỗ Mười được nhắc đến như một "hung thần" của tiềm lực kinh tế của xã hội miền Nam trong những năm hậu chiến 1975-1985".

"Từ gốc trung nông, không có trình độ và kiến thức chuyên môn về kinh tế nhưng nhờ tinh thần "đấu tranh giai cấp" cao độ và triệt để, ông đã được cất nhắc vào chức vụ Thứ trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương những năm 1956, 1958".

"Trong suốt trên 20 năm công tác trong lãnh vực kinh tế tài chính, thành tích lớn nhất cũng như có thể tạm gọi là "di sản" của ông là một nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ, lụn bại dẫn đến việc "Đổi mới" năm 1986".

"Đặc biệt, năm 1977, với tư cách phó thủ tướng kiêm nhiệm trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội Chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp tại miền Nam, ông đã giáng một đòn chí tử lên những thành phần tư sản, tiểu tư sản và tiểu thương miền Nam, triệt tiêu mọi tiềm lực kinh tế quốc gia mà phải đợi đến đầu thế kỷ 21 mới lấy lại được phong độ".

"Vụ cải tạo Công thương nghiệp năm 1977 dù là vô tình hay hữu ý nhưng phần nào do, nó đã đưa "Hòn ngọc Viễn Đông" trở về thời kỳ đồ đá, đẩy hàng triệu người dân miền Nam ra biển tìm đường vượt biên để cứu mạng".

"Cũng may là Gorbachev đã quyết định thay đổi làm "perestroika" nên Việt Nam mới "đổi mới" được như hôm nay".

"Đỗ Mười là một trong những khuôn mặt đại diện tiêu biểu nhất của cách mạng Việt Nam "đấu tranh giai cấp" ở cuối thế kỷ trước. Ông cũng có thể được coi như là một nhân vật đối ngược lại với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, một kiến trúc sư của đổi mới".

'Cầu thị'

Hôm 25/9, chuyên gia Lê Đăng Doanh, người từng làm thư ký kinh tế cho văn phòng của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bình luận với BBC :

"Theo như tôi hiểu, ông Đỗ Mười là Đảng viên thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng".

"Chủ trương "cải tạo công thương" là của tập thể lãnh đạo, còn những người khác có chức vụ cao hơn ông ấy trong Đảng".

"Nếu những người này không đồng tình thì mình ông ấy không thể làm gì được".

"Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, ông Đỗ Mười được ghi nhận gửi lời chúc doanh nghiệp làm ăn phát tài, thực hiện đầy đủ chính sách cải cách tiền tệ, chuyển đổi tỷ giá, phát triển kinh tế tư nhân..".

"Ông cũng là lãnh đạo đầu tiên đi Nam Hàn mời gọi đầu tư vào Việt Nam".

"Nói như vậy để thấy không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ".

'Giai thoại'

Hồi tháng 4/2018, báo VietnamNet viết : "Cựu Tổng bí thư Đỗ Mười là cán bộ lão thành cách mạng, đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tổ quốc".

"Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, dù trong lao tù của thực dân đế quốc hay ngoài chiến trận, dù trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc gian khổ hay giai đoạn xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ở cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân".

Một bài của nhà báo Huy Đức hồi năm 2013 đăng trên BBC viết :

"Dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, có những câu chuyện làm nhân sự nghe cứ như giai thoại : Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo : "Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao ?". Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại : "Ai sẽ thay anh ?".

Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử. Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn : "Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được". Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.

Ngày 19/06/1996, tại Hội nghị trung ương 12 (Hội nghị trước khi Đại hội VIII bắt đầu), Tổng bí thư Đỗ Mười đã yêu cầu trung ương đưa vào danh sách đề cử ủy viên Bộ chính trị hai nhân vật bị Hội nghị trung ương 11 đưa ra và yêu cầu tái cử thêm hai ủy viên Bộ chính trị quá tuổi, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình.

Tuy bị ba ủy viên trung ương phản ứng, khi ông yêu cầu "giơ tay biểu quyết", đa số trung ương phải "chấp hành" ý kiến của ông. Sau Đỗ Mười, không có tổng bí thư nào có khả năng thô bạo với trung ương như thế".

Quay lại trang chủ
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)