Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/09/2018

Biểu tình, nhiễm mã độc, bệnh tay chân miệng

RFA tiếng Việt

Liệu có phải công nhân biểu tình là do ‘thế lực thù địch’ kích động ? (RFA, 28/09/2018)

Bị xúi giục biểu tình

Phát biểu tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 25 tháng 9, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ra cảnh báo được trích dẫn nguyên văn "tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".

bẹnh1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP

Một nữ công nhân may Công ty Pouchen ở Đồng Nai có ý kiến về phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng :

"Ổng phát biểu vậy là nói sai rồi, hông có ai xúi giục đâu. Công nhân giờ họ có trình độ, hiểu biết nhiều, tự công nhân họ thấy quyền lợi họ bị xâm phạm thành ra họ tự đình công, biểu tình chứ đâu ai xúi giục đâu".

Đồng quan điểm với nữ công nhân trên, anh Đoàn Huy Chương, người từng bị tuyên án 7 năm tù giam trong vụ đình công của hơn chục ngàn công nhân nhà máy Mỹ Phong ở Trà Vinh vào đầu năm 2010 giải thích :

"Không ai xúi công nhân cả, mỗi công dân thì phải biết quyền lợi mình ở đâu và quyền lợi đó là chính đáng. Trong Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định trong điều 25 là người dân có quyền biểu đạt ý kiến, quyền nêu chính kiến của mình, và có quyền hội họp, tự do biểu tình. Khi một người Tổng Bí thư mà không hiểu về luật pháp như vậy, có khi họ hiểu về luật pháp và ngồi xổm trên Hiến pháp thì dân không tôn trọng, vừa qua dân phản ứng rất nhiều".

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu phát động cuộc cách mạng luôn đề cao vai trò của giai cấp công nhân là tiên phong chống lại những thế lực bị những người cộng sản kết án ‘lạc hậu, bóc lột’.

Sau bao nhiêu năm, giai cấp công nhân Việt Nam cũng không khá hơn lên là bao. Nhiều người cho rằng thành quả của cuộc cách mạng vô sản mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào họ không hề được thụ hưởng.

Quyền lợi người công nhân không được bảo đảm khiến cuộc sống của họ chẳng khá gì hơn. Từ đó, lâu nay công nhân phải tiến hành đình công thường xuyên để yêu cầu Nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam phải có chính sách đúng đắn.

benh2

Hàng trăm công nhân công ty Yazaki Đông Mai ở Quảng Ninh sáng ngày 10 tháng 7 đã đình công để đòi hỏi trả lời rõ ràng về nguyên nhân hàng loạt công nhân ngất xỉu và choáng váng vì hít phải khí lạ vào hôm 6 tháng 7. Screen capture

Chị nữ công nhân Pouchen từng tham gia biểu tình nhắc lại khi tiến hành biểu tình tất cả công nhân đều đồng lòng chứ không phải do bị thúc ép, kích động. Họ phải lên tiếng vì những quyền lợi của họ :

"Thứ nhất là chế độ không đảm bảo. Thứ hai là mức lương, quyền lợi của công nhân bị xâm phạm. Rồi bóc lột sức lao động nữa. Không được đền bù thỏa đáng thì công nhân bức xúc, tự đình công".

Ngoài biểu tình đòi hỏi quyền lợi, nhiều công nhân còn tham gia biểu tình để nói lên chính kiến của họ như trong đợt biểu tình vào giữa năm 2014 phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hay gần đây nhất là hai cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra trong hai ngày 9-10/6 với sự tham gia của rất nhiều công nhân ở nhiều tỉnh thành như Sài Gòn, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Anh Đoàn Huy Chương nhận định rằng việc đổ cho ‘thế lực thù địch’ là cách để chính quyền Việt Nam trấn áp hoạt động này của công nhân :

"Đảng Cộng sản họ gọi thế lực thù địch nhắm đến những người biểu tình. Không riêng gì một người kêu gọi hay một nhóm nào, mà họ nhắm trực diện đến người biểu tình họ cho là thế lực thù địch chứ không riêng gì một ai hết. Vừa qua họ thấy những người đi đầu thì họ bắt bỏ tù. Từ ngày 10/6 đến nay họ bắt gần cả trăm người và cho là thù địch".

Công đoàn

Cũng tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 25 tháng 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vai trò của công đoàn, phải tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ đảng, coi đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công nhân.

Trong thực tế, lâu nay đảng và chính quyền Việt Nam dựng lên công đoàn cơ sở ở các nhà máy, xí nghiệp cũng không ngoài mục tiêu để dễ bề kiểm soát giới công nhân. Đại diện công đoàn cơ sở không do chính công nhân bầu ra.

Điều này được nữ công nhân công ty Pouchen xác nhận :

"Công đoàn của công ty không bao giờ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công nhân hết, công nhân không có cơ quan nào bảo vệ, thành ra họ mới đình công tự phát".

Mong mỏi của người công nhân là công đoàn phải quan tâm đến quyền lợi của họ, như chia sẻ của nam công nhân sau :

"Hy vọng công đoàn sẽ đi sâu đi sát vào đời sống vật chất tinh thần người lao động. Công đoàn phải hiểu và chia sẻ thì mới tạo niềm tin sâu rộng đối với người lao động".

Công nhân cũng như người nông dân và các thành phần khác trong xã hội là những lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính quyền có trách nhiệm bảo đảm mọi quyền lợi và giúp họ phát huy hết mọi năng lực để cuộc sống cá nhân, gia đình được bảo đảm và góp phần phát triển đất nước.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 28/09/2018

****************

Việt Nam nằm trong top 20 nước bị lây nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới (RFA, 28/09/2018)

Các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng mạnh cả về quy mô và tính chất phức tạp.

benh3

Hacker đang tấn công máy tính đào tiền ảo. (Ảnh minh họa) - AFP

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục An toàn thông tin, ông Nguyễn Thanh Hải, nêu ra tại hội nghị ‘Nâng cao nhận thức – Yếu tố quyết định đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số quốc gia’ do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Lào Cai hôm 28/9.

Trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia bị lây nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu Đông Nam Á với hơn 86 triệu email có nội dung đe dọa tấn công được phát hiện, theo hãng bảo mật Trend Micro.

Tỷ lệ máy tính và thiết bị di động bị tấn công là hơn 71% nhưng chỉ có 11% người dân biết.

Tổng số các cuộc tấn công lừa đảo được ghi nhận là gần 5.500 vụ, các trang bị gài mã độc là gần 1.000, tổng số trang thu thập thông tin cá nhân người Việt Nam lên đến 1.020 website.

Bộ Thông tin và truyền thông ghi nhận các cuộc tấn công mạng nhắm vào người dùng để lừa đảo thẻ cào, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thu thập dữ liệu của người dùng. Đặc biệt xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ thông tin để chiếm đoạt tiền của các cá nhân và tổ chức, gây thiệt hại về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết lý do xảy ra tình trạng trên là vì nhận thức về an toàn thông tin của số đông người Việt Nam còn chưa cao. Tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền và các phần mềm phòng chống mã độc của người dân không đúng cách.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục an toàn thông tin cũng cho biết sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và nhận thức của nhiều cá nhân, tổ chức chưa đầy đủ khiến công tác bảo đảm an toàn thông tin ở Việt Nam còn nhiều thách thức.

******************

6 trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng (RFA, 28/09/2018)

Tính đến ngày 28 tháng 9, Việt Nam đã có 6 ca tay chân miệng tử vong trong tháng 8 và tháng 9, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam. Đặc biệt, số ca mắc bệnh trong 4 tuần gần đây tăng nhanh và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Truyền thông trong nước trích thông tin từ giới chức Bộ Y tế cho biết như vậy hôm 28/9.

benh4

Một trẻ ở Bình Dương bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị. AFP

Những trường hợp tử vong đều là trẻ em, ở các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đông Nai. Các trẻ bị nhiễm chủng Enterovirus 71, là loại chủng nguy hiểm nhất của bệnh tay chân miệng tính đến nay. Đây cũng là loại chủng khiến 100 người tử vong vào mùa dịch năm 2011. Năm nay, bệnh tay chân miệng được nói nguy hiểm hơn các năm khác là do gen gây bệnh đang chuyển đổi từ B5 sang C4 của loại chủng Enterovirus 71, trong khi người dân chưa có miễn dịch với loại gen mới này.

Trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 30.000 đến 80.000 trường hợp mắc bệnh. Năm 2011 dịch bệnh lan rộng nhất với hơn 113.000 trường hợp mắc và 145 trường hợp tử vong.

Ngoài bệnh tay chân miệng, các dịch bệnh khác như sởi, sốt xuất huyết cũng đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Các ổ dịch này xuất phát từ khu vực nhà trọ, cha mẹ của trẻ là dân nhập cư, công nhân, người lao động nghèo bận làm ăn không đưa con đi tiêm đầy đủ. Khi con bị nhiễm bệnh thì không kịp phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời.

Quay lại trang chủ
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)