Lãnh đạo Việt Nam đi họp Liên Hiệp Quốc, vận động cho ‘ghế’ không thường trực ở Hội động Bảo an (VOA, 28/09/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 26/9 đã tới Mỹ cùng với phái đoàn lãnh đạo Việt Nam để tham dự phiên thảo luận chung tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, đồng thời vận động các nước ủng hộ cho Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
"Việc ứng cử vào Hội động Bảo an thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế", trang mạng của chính phủ Việt Nam dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong cuộc họp vận động cho chiếc ghế tại Hội động Bảo an lần thứ hai.
10 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên được chọn giữ vị trí không thường trực Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2008-2009. Trong thời gian giữ vai trò này, Việt Nam đã "giúp" cho Myanmar tránh được một lệnh cấm vận, từ đó dẫn đến mối quan hệ giữa hai bên phát triển "rất tốt", kéo theo việc Vietnam Airlines mở đường bay sang Myanmar và các doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn tại nước này sau đó, theo tiết lộ của TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, thuộc Học viện Ngoại giao-Bộ Ngoại giao Việt Nam, với báo Đầu tư hồi tháng 6.
Theo nhà nghiên cứu này, việc Việt Nam ứng cử vào Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc "vô cùng quan trọng" bởi vì nó giúp mang lại "lợi thế rất lớn về mặt chính trị", cho Việt Nam cơ hội tiếp cận với các nước lớn, nhỏ khi được giao nhiệm vụ làm chủ tịch luân phiên hay chủ trì các sự kiện lớn.
Việt Nam giành được đề cử vào vị trí này trong cuộc họp với các nước nhóm Châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 25/5.
Kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã có các bước nhằm vận động cho việc ứng cử vào chiếc ghế không thường trực tại Hội động Bảo an như tổ chức hội thảo quốc tế, thông tin vận động trên truyền thông...
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định rằng "những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động trong việc tham gia vào các định chế quốc tế, trong Liên Hiệp Quốc, ASEAN, WTO", và "theo đuổi các lợi ích riêng của Việt Nam gắn với theo đuổi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".
Ông cho rằng lý do các nước Châu Á-Thái Bình Dương chọn Việt Nam làm ứng cử viên cho vị trí này là "vì họ biết rằng Việt Nam rất năng động, tích cực và có khả năng để phản ánh quan điểm của cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hiệp Quốc".
Theo nhà phân tích chuyên về Châu Á này, trong thời gian qua, Việt Nam tập trung vào việc đưa những vấn đề xảy ra trên Biển Đông ra trước cộng động quốc tế, như những yêu sách chủ quyền và các hoạt động của Trung Quốc, nên "có thể Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này, không nhất thiết là để đánh trực tiếp Trung Quốc nhưng để nêu những vấn đề như an ninh hàng hải, tự do hàng hải…".
"Việt Nam cũng cần quốc tế giúp giải quyết những vấn đề như tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, ở Biển Đông", ông Hierbert nói.
Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Dự kiến, cuộc họp biểu quyết cho vị trí mà Việt Nam ứng cứ sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.
*******************
Thủ tướng Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền và môi trường trước Liên Hiệp Quốc (VOA, 28/09/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/9 nói trước các đại biểu của Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam phấn đấu thực hiện cam kết của mình đối với tổ chức này trong việc bảo đảm nhân quyền và môi trường sống.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu phiên họp thường niên thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 27/9.
Một nhà hoạt động trong nước cho VOA biết ông hy vọng người đứng đầu chính phủ Việt Nam không nói suông trước mặt cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chiều ngày 27/9, ông Phúc nói "Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc trong hơn 70 năm qua" trong đó có "đảm bảo quyền con người".
Trong bài phát biểu tại hội trường trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Phúc cho biết Việt Nam "đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng" và "bảo vệ tốt môi trường" cũng như "đảm đảo quyền cho mọi người dân".
Thành tích nhân quyền của Việt Nam luôn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội Việt Nam đặc biệt trong những năm gần đây, nhất là từ thảm họa Formosa.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói hôm 28/9 ông được nghe bài phát biểu của ông Phúc tại Liên Hiệp Quốc qua truyền hình Việt Nam VTV trong đó "ông ấy nói nhiều về thành tích của Việt Nam, về cam kết nhân quyền và phát triển".
Vị tiến sĩ và nhà hoạt động vì dân chủ này cho rằng nếu những gì ông Phúc nói ở New York là cam kết của chính ông Phúc và chính phủ thì "đó là một điều rất tốt".
"Tôi mong rằng cam kết ấy sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam, với việc các ông ấy sẽ dừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, ngừng bỏ tù những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn những tai họa môi trường như trường hợp đã xảy ra với Formosa, với rất nhiều các nhà máy nhiệt điện đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở Việt Nam".
Nhiều người dân đã xuống đường phản đối thảm họa môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra trong năm 2016.
Bảo vệ quyền con người là một trong ba trụ cột chính bên cạnh hòa bình-an ninh và hợp tác-phát triển của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên. Trong khi đó, đảm bảo sự bền vững của môi trường là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.
TS Quang A cho rằng nếu tình hình sẽ vẫn diễn ra như thời gian vừa qua thì lời nói của ông Phúc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ là "lời nói gió bay cho vui mà thôi".
Đầu tháng này, chính quyền Hà Nội đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì ngăn cản hai nhà lãnh đạo của các tổ chức nhân quyền quốc tế không cho họ nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN mà Việt Nam là nước chủ nhà.
Chính quyền Việt Nam trong những tháng gần đây cũng tăng cường bắt giữ nhiều nhà hoạt động, bloggers, nhà báo và những người dùng mạng xã hội với các cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước".
Ông Trần Văn Huỳnh và hai bà mẹ Việt Nam điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hàng trăm người bị bắt giữ bất hợp pháp trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam vào tháng 6 khi người dân phản đối các dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra trong cả nước vào năm 2016 khi thảm hỏa ô nhiễm biển do chất thải của nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh làm cá chết hàng loạt trên biển miền Trung.
Theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế, có gần 100 nhà hoạt động đang chịu án tù ở Việt Nam nơi không có truyền thông độc lập và các cuộc biểu tình của dân chúng bị coi là bất hợp pháp.
Vào tháng 4 năm nay, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã thúc giục Việt Nam ngừng đàn áp xã hội dân sự và những tiếng nói bất đồng chỉ vì họ thực hành các quyền tự do biểu đạt và tụ họp trong ôn hòa. Theo họ, điều đó vi phạm các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam đối với luật nhân quyền quốc tế.
TS Quang A, người từng tham gia các cuộc biểu tình trong nước, cho rằng nếu cam kết của ông Phúc hôm 27/9 không trở thành hiện thực thì người dân sẽ yêu cầu giải trình tại sao ông đưa ra tuyên bố đó trước quốc tế.
"Chúng tôi sẽ bằng mọi cách áp lực bắt các ông ấy phải thực hiện. Bởi vì có một sự cam kết như thế là tốt và nó là cơ sở để cho người dân Việt Nam đấu tranh buộc họ phải thực hiện những cam kết mà họ nêu ra".