Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/09/2018

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có thật sự tốt đẹp không ?

Tổng hợp

Tổng bí thư Trọng ca ngợi quan hệ với Trung Quốc đang tốt đẹp nhất (Người Việt, 30/09/2018)

Ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi mối quan hệ với nước cộng sản láng giềng Trung Quốc "đang ở những lúc tốt đẹp nhất trong lịch sử bang giao giữa đôi bên".

vntq1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, chiều 27 tháng 9, 2018 tại Hà Nội. (Hình : Tân Hoa Xã)

Tân Hoa Xã hôm thứ Bảy thuật lại lời nói của ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như thế khi ông tiếp ông Triệu Lạc Tế, ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tại Hà Nội chiều ngày 27 tháng Chín, 2018.

Cũng trong ngày này, chế độ Hà Nội bận rộn làm quốc táng cho ông chủ tịch nước Trần Đại Quang tại "lăng tẩm" của ông ta ở Ninh Bình.

Bản tin Tân Hoa Xã tường thuật chuyến thăm Việt Nam kéo dài bốn ngày từ 26 đến 29 tháng Chín của phái đoàn Triệu Lạc Tế có nội dung khác với những gì được TTXVN tường thuật, trong đó, ngoài gặp ông Nguyễn Phú Trọng, ông ta còn gặp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, Nguyễn Cẩm Tú, bí thư Trung Ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Tân Hoa Xã viết rằng ông Nguyễn Phú Trọng nói với ông Triệu Lạc Tế là "Mối quan hệ Việt Nam Trung Quốc hiện đang tốt đẹp nhất trong lịch sử (bang giao giữa hai nước). Ông nói thêm rằng những thành tựu của Trung Quốc đạt được không những đem lợi ích cho người Trung Quốc mà còn thúc đẩy Việt Nam phát triển và nâng mối quan hệ song phương".

Dịp này, theo Tân Hoa Xã, ông Trọng nhấn mạnh rằng "Phía Việt Nam sẵn sàng nâng tầm trao đổi về lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, thực thi sự đồng thuận đã đạt được giữa hai đảng trên tất cả mọi cách và đàu sâu sự hợp tác trên mọi lãnh vực hầu phong phú hóa mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước".

Cũng thấy Tân Hoa Xã thuật lời ông Triệu Lạc Tế nói chuyến thăm viếng của ông ta nhằm thực thi những sự đồng thuận đã được tổng bí thư đảng của đôi bên đạt được… để nâng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.

Trong khi đó, TTXVN trong bài tường thuật "Củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc", chỉ thấy thuật lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với ông Triệu Lạc Tế là "quan hệ hai đảng, hai nước trong thời gian qua đã có nhiều tiến triển tích cực ; đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện những nhận thức chung và những thỏa thuận đã đạt được, nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác có tiến triển thực chất, tôn trọng lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhau, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung".

Trong cuộc họp tổ chức ở Sài Gòn "lần thứ 11 ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc" ngày Chủ Nhật 16 tháng Chín, Ủy viên Quốc Vụ Viện Kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được Tân Hoa Xã thuật lời đề nghị "Cách tích cực nhất để quản lý và kiểm soát tranh chấp trên biển là thảo luận hợp tác dò tìm dầu khí. Và sự tưởng nhớ 10 năm kỷ niệm đánh dấu đặt trụ mốc biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam là thiết lập các khu vực hợc tác kinh tế xuyên biên giới thời gian sớm nhất".

Ngược lại với bản tin của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của cộng sản Việt Nam chỉ tường thuật hai bên "nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển" khi viết rằng "Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc" ; "thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất ; thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC ; tiếp tục tinh thần hợp tác, xây dựng và tích cực cùng các nước ASEAN trao đổi các nội dung cụ thể, thực chất của Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) ; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

Lời lẽ hoàn toàn khác nhau của hai cơ quan thông tấn chính thức của hai nước cho người ta thấy dù các lãnh tụ và chức sắc cấp cao của Hà Nội và Bắc Kinh mỗi khi gặp nhau đều hô hào "thúc đẩy hiệu quả" và "nâng lên tầm cao mới" mối quan hệ mọi mặt giữa hai nước Cộng Sản anh em, quan điểm về chủ quyền và tranh chấp biển đảo có vẻ vẫn dậm chân tại chỗ.

Hồi năm ngoái, chế độ Hà Nội đã phải dừng kế hoạch dò tìm và khai thác dầu khí tại lô 136-3 trên thềm lục địa Việt Nam vì bị Bắc Kinh dọa đánh chiếm các đảo ở Trường Sa. (T.N)

******************

Tổng bí thư Trọng : 'Quan hệ Việt-Trung đang tốt đẹp nhất' (BBC, 30/09/2018)

Tổng bí thư Trọng cũng nói với ông Triệu Lạc Tế, người hiện đang giữ chức Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, rằng các thành tựu mà Bắc Kinh đạt được không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc mà còn tạo động lực cho sự phát triển của Việt Nam và nâng cao mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

vntq2

Ông Triệu Lạc Tế hiện là Ủy viên Bộ Chính trị,Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc

Báo chí Việt Nam thì nói nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá quan hệ hai đảng, hai nước trong thời gian qua "đã có nhiều tiến triển tích cực", theo VTV.

Ông Triệu nói chuyến đi của ông nhằm triển khai thực hiện những đồng thuận quan trọng mà tổng bí thư đảng hai nước đã đạt được, bên cạnh các vấn đề khác, nhằm "nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt lên một tầm cao hơn".

Ông Triệu, sinh năm 1957, là một trong năm gương mặt mới được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc, từ 10/2017, làm việc trực tiếp dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của nhân vật cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào thời điểm ban lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc chọn phương án nhân sự cho chức Chủ tịch nước sau khi Đại tướng Trần Đại Quang qua đời, trong lúc có những ý kiến nói đây là cơ hội để nhất thể hóa hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, mô hình đã được áp dụng tại Trung Quốc từ lâu nay.

Ông Triệu Lạc Tế nhận sự ủy quyền của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tới viếng cố Chủ tịch Trần Đại Quang hôm 26/9.

Ông Triệu trong chuyến đi cũng gặp gỡ các quan chức cao cấp khác của nước chủ nhà, trong đó có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú.

'Những chuyến thăm lịch sử'

Trong cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Triệu nói rằng năm nay đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, và ông nhắc tới các "chuyến thăm lịch sử" của tổng bí thư hai đảng hồi 2015 và 2017, là những thời điểm mà hai bên "đạt được sự nhất trí quan trọng".

Hồi 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Hai bên ra tuyên bố chung nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

vntq3

Chủ tịch Trần Đại Quang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, 11/2017

Trước đó, hồi 1/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Sau chuyến thăm này, hai bên ra thông cáo chung theo đó xác định hai nước "đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung", và khẳng định quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp "có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước".

Bản thông cáo chung khi đó khẳng định quan điểm hai bên là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" trong tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Chuyến thăm trước đó của ông Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là tháng 4/2015, gần một năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải dương 981 trên vùng biển có tranh chấp, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam trên toàn quốc.

Chuyến đi Việt Nam của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Triệu Lạc Tế để dự quốc tang Chủ tịch Trần Đại Quang và bàn chuyện quan hệ song phương diễn ra vào lúc tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến dồn dập.

Trung Quốc vừa tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, ngay sau khi Mỹ đưa máy bay ném bom B-52 bay qua vùng biển này.

Tin cho hay mới đây nhất, hôm Chủ nhật 30/09, một khu trục hạm của Hoa Kỳ đã áp sát phạm vi 12 hải lý gần Bãi Gaven và Bãi Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ 1988 và tiến hành bồi đắp, xây cất cơ sở kiên cố trên đó.

Trung Quốc lấy Gạc Ma từ tay Việt Nam sau trận hải chiến 14/3/1988, một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu khiến 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh.

Khi nhận được video clip quay cảnh Trưởng công an xã Hòa Khánh Tây, tỉnh Long An "vòi vĩnh" 100 triệu đồng để làm Chứng minh nhân dân cho người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh. Kết quả xác minh cho thấy, giọng nói trong đoạn clip đúng là của ông Nguyễn Hoàn Khải – Trưởng CA xã Hòa Khánh Tây.

Giải thích với cơ quan kiểm tra, ông Khải cho biết, do người dân cứ đòi "bồi dưỡng" để làm Chứng minh nhân dân, nên ông nói chơi "giá 100 triệu đồng" (nói ngoài giờ làm việc, bên ngoài cơ quan) để người dân ngán mà không quấy rầy ông nữa.

Trước đó, trong tháng 5-6 vừa qua, ông Lê Tùng Vân (ngụ xã Hòa Khánh Tây) cùng nhiều người dân khác đến xã làm hồ sơ xin cấp giấy Chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho những người cơ nhỡ đã được ông Vân chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến nay, những người này đã đủ tuổi công dân, có người ngoài 30 tuổi nhưng chưa được làm giấy Chứng minh nhân dân, hộ khẩu nên ông đến xã làm các thủ tục xin cấp giấy tờ nêu trên. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, dù đã đủ điều kiện để cấp giấy Chứng minh nhân dân, hộ khẩu nhưng sau rất nhiều lần yêu cầu, chính quyền xã Hòa Khánh Tây vẫn không làm cho họ. Điều đáng nói, việc làm hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân ở đây được ông Khải đòi giá 100 triệu đồng cho 1 người. Sau đó ông Khải tiếp tục nâng giá lên 150 triệu đồng 1 người.

Từ cấp Trung ương đến địa phương rõ ràng tham nhũng là kết quả tai hại từ sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam. Vì đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra toàn khắp trong giới cầm quyền nhưng không có luật pháp nào có thể ngăn cản được. Đến nay, tham nhũng trở thành một hệ thống và bản chất tự nhiên của chế độ. Với cơ chế độc tài lãnh đạo hiện nay, việc chống tham nhũng chỉ là một chiêu bài mỵ dân của chế độ. Không ai có thể chống lại hay giải quyết được quốc nạn này.

TH

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)