Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/10/2018

Nhật hạn chế du sinh Việt, Slovakia khởi tố hình sự, Đại hội Công đoàn 12, tăng giá xăng

Tổng hợp

Nhật Bản thắt chặt kiểm soát môi giới du học từ Việt Nam (BBC, 02/10/2018)

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đang thắt chặt hoạt động của các công ty môi giới vì phát hiện họ đã cấp visa du học cho nhiều trường hợp không đủ điều kiện.

vn1

Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản - Ảnh minh họa

Đại sứ quán sẽ xử lý những công ty môi giới giúp người Việt có được visa du học Nhật Bản một cách gian dối, theo thông tin từ hãng NHK của Nhật Bản.

Có tới 10-20% số người xin visa bị Đại sứ quán Nhật Bản phát hiện là 'có vấn đề', cụ thể là hồ sơ visa có chứng chỉ tiếng Nhật nhưng khi phỏng vấn thì không nói được.

"Thực tế này có thể nói đang rất phổ biến. Như đã thể hiện rõ ràng quan điểm ở một số kênh khác, tôi cảm thấy không bằng lòng về thực trạng này", ông Fushihara Hirota, chuyện gia pháp lý, đồng đại diện cho dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ), cho BBC hay hôm 2/10.

'Du học trở thành vỏ trá hình để vào Nhật'

"Vốn dĩ, chế độ tiếp nhận du học sinh tại Nhật Bản là nhằm mục đích đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, tri thức hoặc một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Tôi nhấn mạnh rằng đây là mục đích tối cao đặt ra đối với cả các cơ sở tiếp nhận và người học - các du học sinh", ông Fushihara Hirota viết trong thư gửi BBC.

"Bởi vậy, khi du học thì sẽ phải gánh chịu chi phí. Nếu không được nhận học bổng thì du học sinh hoặc gia đình phải tự bỏ tiền ra. Ai từng du học một cách nghiêm túc chắc chắn sẽ hiểu, lựa chọn du học ở nước ngoài, đặc biệt là các nước kinh tế phát triển và vật giá cao không phải là con đường dành cho những gia đình có kinh tế khó khăn".

"Đương nhiên, các trường luôn khuyến khích du học sinh tận dụng các cơ hội làm thêm. Đây là cơ hội để tiếp xúc gần hơn với văn hóa nước sở tại, sử dụng kiến thức đã học vào thực tế và trải nghiệm xã hội phát triển. Tức là, việc làm thêm cũng phần nào phục vụ mục đích học và trong giới hạn thời gian cho phép".

"Tuy nhiên, không ít các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, trang trại tại Nhật đã tiếp nhận vô tội vạ du học sinh với mục đích lao động. Lý do là dân số Nhật Bản đang đà già hóa, nguồn lao động trẻ cạn kiệt, nhu cầu tiếp nhận lao động ngắn hạn cho các công việc lao động chân tay trở nên cấp thiết".

"Cũng bởi nhu cầu đó mà chế độ du học sinh trở thành cái vỏ trá hình để được vào Nhật Bản. Sau đó các bạn tìm mọi cách để ngủ trong giờ học do đã làm đến kiệt sức, hoặc bỏ trường lớp và lưu trú bất hợp pháp".

"Ở miền quê Việt Nam, nhiều gia đình nông dân còn khó khăn cũng cố gắng vay tiền cho con cái đi Nhật du học. Tôi hiểu đây là vì miếng cơm manh áo, khi họ thấy nhiều người đã thành công bằng cách đó, khi họ nghe những lời dụ dỗ ngọt ngào của ít nhiều công ty tư vấn. Tuy nhiên, con đường này sớm muộn sẽ làm mất đi tuổi thanh xuân, mất đi cơ hội được học hành đầy đủ những tri thức cần thiết, mất đi tương lai với nhiều hoài bão của các bạn".

Cũng theo ông Fushihara Hirota, dù hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam đang rất nỗ lực hợp tác với Đại sứ quán Nhật Bản và chính phủ Nhật để thắt chặt cơ chế đưa người Việt sang Nhật làm việc, du học, nhưng "sẽ có giới hạn nhất định vì đây là vấn đề của toàn xã hội, của giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ".

'Bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không ?'

Ông Fushihara Hirota cho rằng "cơ quan chức năng Việt Nam nên dựa vào sức mạnh xã hội để sàng lọc các công ty tư vấn du học, xuất khẩu lao động".

"Cấp phép, thẩm tra, thẩm định, kiểm tra… là câu chuyện mà cơ quan chức năng đang làm. Nhưng nếu phần nào đó của công việc này được giao cho toàn xã hội thì tôi nghĩ phần nào đó sẽ có ích".

"Ví dụ, có thể thiết lập các cuộc điều tra, đánh giá xã hội về các tổ chức môi giới, tư vấn. Chức năng kiểm tra được giao cho một đơn vị thứ ba độc lập không có quan hệ về lợi ích, tạo ra hệ quy chuẩn đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp trong ngành. Sau đó phổ biến những thông tin này cho nhân dân để mọi người có được địa chỉ tin cậy và hạn chế các vụ việc lừa đảo".

"Mặt khác, cần tăng cường chức năng định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không ? Các bạn mang theo ước mơ, hoài bão gì đi đến Nhật ? Tiền có thực sự là thứ cần phải trả giá và bỏ đi cả tương lai để mang về và tiêu dùng trong chốc lát không ?"

"Tất cả những thứ đó cần được giáo dục, cần khai thác vào tận lý trí của các bạn. Khi các bạn trẻ thực sự có định hướng, khi Nhật Bản thực sự chắp cánh được cho ước mơ của các bạn, thì hãy mang các bạn đến với Nhật Bản".

"Ý tôi muốn nói là chúng ta cần sàng lọc các bạn đi Nhật. Những người cần đến Nhật thực sự vì những gì Nhật Bản có (không phải chỉ là môi trường có thể kiếm tiền, chúng tôi không tự hào về điều đó) thì nên đến Nhật Bản. Còn những bạn khác, cần có định hướng khác cho tương lai của mình".

'Lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến'

Một người Việt sống tại Ibaraki, Nhật Bản, không muốn nêu tên, nói với BBC hôm 1/10 rằng thời gian gầy đây lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến.

Chủ yếu là do số 'du học sinh' được đưa sang ồ ạt.

"Gọi là du học sinh chứ thực chất là nhân lực lao động tay chân, núp bóng đi học để kiếm tiền", vị này nói.

"Thị trường nhân lực ở Nhật đang thiếu kể cả chất lượng cao lẫn thấp nên các công ty du học, nhân sự phải tranh thủ kiếm tiền. Một phần do họ thấy chính phủ Nhật dễ nên làm láo".

"Bây giờ có những vùng ở Việt Nam cả làng cho con đi Nhật hay Hàn học hoặc xuất khẩu lao động. Sang tới Nhật, những người này đi làm là chính, làm xong đi học không đủ tiêu chuẩn để được chứng chỉ, không được cấp visa thì trốn ra ngoài làm chui. Nếu bị bắt thì ôm tiền về nước".

"Tình trạng này xảy ra ở nhiều nước khác nhưng Nhật gần Việt Nam hơn, dễ đi hơn. Nhật cũng là nơi mà trước nay người ta làm ăn trọng chữ tín nên điều kiện khá lỏng lẻo".

"Chỉ từ khi có tình trạng người Việt sang làm 'lậu' ở đây theo diện 'du học' thì nay chính phủ Nhật mới phải thắt chặt như vậy".

"Người ta đi du học để tận dụng cơ hội học hỏi kiến thức mới, nhằm học lên đại học ở nền giáo dục tiên tiến chứ nhiều trường hợp chỉ muốn đi làm, tiếng cũng không học chứ đừng nói là đại học".

'Thắt chặt kiểm soát các công ty môi giới'

Cách làm "gian dối" của một số công ty môi giới du học tại Việt Nam mà NHK đề cập bao gồm cấp chứng chỉ tiếng Nhật cho người xin visa trong hồ sơ, trong khi những người này không hề biết tiếng Nhật,

Sự thật này chỉ được phát hiện khi Đại sứ quán Nhật Bản Nhật Bản tại Việt Nam bắt đầu phỏng vấn người xin visa dạng du học sinh vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đang tăng mạnh.

Theo các con số thống kê trong bài viết trênNHK, vào tháng Sáu, số lưu học sinh Việt Nam là hơn 80.000 người, tăng bốn lần so với năm năm trước đây.

Số người Việt Nam theo học tại các trường tiếng Nhật tại Nhật Bản cũng tăng mạnh.

Một số công ty quảng cáo rằng ở Nhật Bản du học sinh có thể vừa học "vừa kiếm được hàng nghìn đôla Mỹ".

Đã có 12 công ty môi giới du học không tuân thủ luật pháp bị đăng tên trên website của Đại sứ quán Nhật Bản Nhật Bản tại Việt Nam. Hồ sơ xin visa nộp qua 12 công ty này sẽ bị từ chối trong thời gian sáu tháng, kể từ tháng 10/2018.

Phía Đại sứ quán Nhật Bản Nhật Bản tại Việt Nam cho hay trên NHK rằng sẽ hợp tác với các cơ quan sở tại ở Việt Nam và tăng cường nỗ lực loại bỏ những công ty môi giới thiếu trung thực.

Mỹ Hằng

******************

Vụ Trịnh Xuân Thanh : Slovakia khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ (RFI, 02/10/2018)

Sau 2 tháng điều tra, Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

slo1

Trịnh Xuân Thanh bị công an áp tải trong một phiên tòa ở Hà Nội, ngày 08/01/2018. VNA/Doan Tan via Reuters

Thông tín viên Trung Khoa tường trình từ Berlin :

Trong tuần qua, Bộ Ngoại giao Slovakia thông báo, vào ngày 25/09/2018, ngoại trưởng Miroslav Lajčak của Slovakia đã có một cuộc họp với bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Chủ đề chính của cuộc họp là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà Nhà nước Việt Nam bị cáo buộc là đã lợi dụng lãnh thổ Slovakia và chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.

Ngoại trưởng Lajčak đã cảnh cáo Việt Nam về những hậu quả có thể xảy ra do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông yêu cầu Việt Nam phải giải trình rõ ràng hành trình Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào ?

Ngoại trưởng Slovakia đã mạnh mẽ lên án hành động bắt cóc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và lạm dụng trơ trẽn hệ thống Schengen, mà theo quan điểm của ông đã ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Slovakia và Việt Nam.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Slovakia nói rằng những giải thích của phía Việt Nam cho tới nay về vụ bắt cóc công dân Việt Nam và đi qua lãnh thổ Slovakia là không thỏa đáng. Vì thế, thông qua ông Phạm Bình Minh, ông Lajčak yêu cầu Việt Nam cần phải khẩn trương làm rõ tất cả những nghi vấn để khôi phục lòng tin trong quan hệ song phương.

Ông nói : "Nếu như ngài tiếp tục khẳng định rằng Việt Nam không lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân Việt Nam bị bắt cóc không có mặt trên chuyên cơ của chính phủ Slovakia cho mượn, thì tôi yêu cầu ngài hãy đưa ra một giải thích hợp lý, không thể bị bác bỏ, về việc Trịnh Xuân Thanh đã được đưa từ Đức đi về Việt Nam như thế nào. Bất kỳ sự che giấu nào từ phía Việt Nam sẽ mang tới hậu quả cho mối quan hệ song phương của hai nước chúng ta và chúng tôi sẵn sàng tiến hành những biện pháp thắt chặt trên bình diện Liên Hiệp Châu Âu (EU)", ông Lajčák đã chất vấn ngoại trưởng Phạm Bình Minh một cách thẳng thừng như vậy.

Đồng thời ngoại trưởng Miroslav Lajčák nhấn mạnh rằng việc đưa ra một giải thích đáng tin cậy của phía Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp các bằng chứng mà Slovakia đòi hỏi, là không thể trì hoãn được.

Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trọng Thành, Trung Khoa

*******************

Slovakia khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 02/10/2018)

Công tố viện Slovakia hôm 2 tháng 10 đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Truyền thông Slovakia loan tin vừa nêu hôm 1/10.

vn2

Ngoại trưởng Miroslav Lajcak của Slovakia (trái) và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, (ảnh minh họa).  Reuters

Tin nêu rõ, với tư cách là những nhân chứng, hai cảnh sát Slovakia hộ tống phái đoàn công an cấp cao Việt Nam do ông Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu, đã khai rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra. 44 nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017.

Trả lời báo chí, ông Michal Surek, người phát ngôn của Công tố viện tại thủ đô Bratislava xác nhận rằng, từ lời khai của các nhân viên cảnh sát, thủ tục truy tố hình sự được bắt đầu tiến hành.

Theo lời khai của các cảnh sát hộ tống, ông Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu ông đi.

vn3

Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hồi tháng 1/2018 - AFP

Vào ngày 26/09/2018, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak của Slovakia đã có một cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc tại New York về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Việt Nam bị cáo buộc là đã lợi dụng lãnh thổ Slovakia và chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Lajcak đã cảnh báo Việt Nam về những hậu quả ảnh hưởng quan hệ song phương giữa hai nước có thể xảy ra do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông yêu cầu Việt nam phải giải trình rõ ràng hành trình Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đã thực sự diễn ra như thế nào ? Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải những yêu cầu này của Slovakia đến các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn, nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào tháng 7 năm ngoái. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.

Chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú. Ông Thanh bị đưa ra tòa xét xử với hai án chung thân với cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, Đức cho rằng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Berlin tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng cấp thị thực cho những giới chức Việt Nam mang hộ chiếu công vụ sang Đức làm việc.

*****************

Quan ngại của công nhân sau Đại hội Công đoàn Việt Nam XII (RFA, 01/10/2018)

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra vào hạ tuần tháng 9, trong bối cảnh các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam ký kết hầu như bị ràng buộc với điều khoản thành lập công đoàn độc lập cho công nhân. Giới công nhân có những quan ngại nào sau Đại hội Công đoàn lần thứ 12 ?

vn4

Đại hội Công đoàn Việt Nam XII diễn ra tại Hà Nội trong ba ngày 24, 25 và 26 tháng 9/18. Courtesy : Ảnh chụp màn hình congdoangdvn.org.vn

Vai trò mờ nhạt

Phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 với sự có mặt của gần 950 đại biểu, vào sáng ngày 25 tháng 9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên thành tích của Công đoàn Việt Nam, trong nhiệm kỳ Đại hội 11, đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, Đài RFA ghi nhận qua một số các công nhân làm việc trong những nhà máy, hãng xưởng từ Bắc đến Nam thì đều có nhận xét chung rằng vai trò của Công đoàn tại các công ty nơi họ làm việc rất mờ nhạt. Anh Hoàng, một công nhân làm việc trong một công ty sản xuất giày ở Thái Bình cho biết Công đoàn không có bất kỳ hoạt động nào tương tác với công nhân thường xuyên trong suốt một năm. Anh Hoàng nói với RFA :

"Cứ đến dịp cuối năm thì Công đoàn có tổ chức gọi là Đại hội thôi. Họ cũng chỉ báo cáo các hoạt động của Công đoàn trong suốt năm đó, như báo cáo thu chi, thăm hỏi ốm đau bệnh tật, rồi tổ chức bầu đại diện để đi dự Đại hội Công đoàn khối của cụm công nghiệp. Đại hội cũng mờ nhạt lắm. Tiếng nói của đoàn viên Công đoàn cũng không có ý nghĩa gì".

Nhiều công nhân mà Đài Á Châu Tự Do trao đổi trong những năm gần đây chia sẻ rằng hầu như họ không có thông tin nào về Liên đoàn Lao động, một tổ chức đại diện cho họ ở cấp địa phương và mỗi khi giữa công nhân với chủ doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn, đến mức không thể giải quyết được dẫn đến đình công tập thể thì Liên đoàn Lao động mới xuất hiện và thông thường đứng về phía chủ doanh nghiệp, mà không đại diện cho công nhân để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho họ.

Trước thềm Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra, Báo mạng Người lao động, vào ngày 18 tháng 9, đăng tải bài viết có nhan đề "Ăn cơm chủ thì không thể khởi kiện" của Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Đặng và cộng sự gửi đến tòa soạn. Trong bài viết này, Công ty Luật TNHH Đặng nêu lên vấn đề cán bộ Công đoàn cơ sở nhận lương từ doanh nhiệp và bởi vì sự phụ thuộc đó mà cán bộ Công đoàn cơ sở e ngại khi phải khởi kiện doanh nghiệp, theo sự ủy quyền của người lao động.

Cần có Công đoàn độc lập

Hồi trung tuần tháng 7 năm 2018, truyền thông trong nước dẫn số liệu từ kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu công nhân, trong đó có 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ cùng với 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Đài RFA còn ghi nhận từ giới công nhân cho biết rất nhiều quyền lợi của họ không được đảm bảo, như bị chủ doanh nghiệp ép tăng sản lượng, không cho nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp… buộc họ phải biểu tình để phản đối vì Liên đoàn Lao động không can thiệp.

Số liệu thống kê không chính thức được ghi nhận trong năm 2016, tại Việt Nam có đến 300 cuộc biểu tình của công nhân. Con số này tăng lên 314 trong năm 2017 và trong 9 tháng của năm 2018, các công nhân khắp Việt Nam vẫn tiếp tục đình công, biểu tình.

vn5

Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định. Courtesy : Liên đoàn Lao động Việt Tự do

Vào chiều ngày 24 tháng 9, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đại hội thảo luận chủ đề "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước" với câu hỏi đặt ra là ngay sau Đại hội lần thứ 12, Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ một cách có hiệu quả ?

Trả lời câu hỏi của RFA rằng công đoàn tại Việt Nam phải như thế nào thì mới có sự kết nối chặt chẽ với công nhân cũng như đại diện cho công nhân được hiệu quả, anh Nam, một công nhân làm việc ở khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm cá nhân :

"Theo suy nghĩ của Nam thì Nam cho rằng để gắn kết được sự liên hệ giữa công đoàn và công nhân thì việc cần thiết nhất bây giờ là cần phải có công đoàn độc lập, tách riêng quyền lợi với công ty và hoàn toàn không gắn kết với công ty ; đặc biệt là chức vụ bởi vì chức vụ gắn liền với lương bổng và các quyền lợi khác. Một khi đã gắn quyền lợi với bổng lộc rồi thì hẳn nhiên cán bộ công đòan sẽ thiên về lợi ích cá nhân hơn so với lợi ích chung của những người công nhân".

Không chỉ một mình anh Nam và nhiều công nhân tại Việt Nam mong muốn và trông đợi các tổ chức công đoàn được Chính phủ Hà Nội cho phép thành lập và hoạt động hợp pháp, mà các chính phủ trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam cần có công đoàn độc lậpvà cải thiện nhân quyền khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt), một tổ chức công đoàn độc lập nhận định Đảng lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam sẽ không làm như vậy :

"Tôi thấy rằng việc Đảng Cộng sản sẽ cho thành lập công đoàn độc lập thì chuyện đó rất là xa vời và chắc chắn rằng nếu như chế độ, thể chế này còn thì sẽ không bao giờ có công đoàn độc lập theo đúng nghĩa của nó. Và, những người đang làm trong công đoàn độc lập như tôi thì đang rất lo lắng vì đang suy nghĩ đến một trường hợp xảy ra ; đó là Nhà nước Việt Nam có thể dựng lên những công đoàn độc lập trá hình để lừa bịp dư luận. Bây giờ nếu họ muốn có công đoàn độc lập thật sự cho công nhân thì họ giải tán Tổng Liên đoàn Lao động, để cho các công nhân tự bầu lên công đoàn của mình và Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật thôi".

Quan ngại của công nhân

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, diễn ra trong ba ngày 24, 25 và 26 tháng 9 được truyền thông quốc nội loan tải là thành công tốt đẹp và Công đoàn Việt Nam vẫn tiếp tục vai trò là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động và nhiều quan hệ pháp luật khác với tiêu chí hoạt động đảm bảo tính độc lập tương đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận xét về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, ông Đoàn Huy Chương, thành viên của tổ chức Công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt lên tiếng :

"Nói về những lời hứa của Công đoàn Nhà nước, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì họ hứa bao nhiêu năm nay rồi, mỗi năm họ đều hứa nhưng thực chất thì càng ngày cuộc sống của người lao động càng tệ hơn, chứ không có dấu hiệu tốt hơn. Bởi vì, vật giá leo thang và quyền lợi của người lao động cũng không được bảo vệ".

Không ít công nhân ở Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc chia sẻ rằng họ rất lo lắng về sau, mỗi khi họ thực hiện quyền biểu tình, được ghi trong Hiếp pháp để cất lên tiếng nói cho quyền lợi căn bản của đời sống người công nhân nhưng lại bị quy chụp qua lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn lần thứ 12 rằng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều về đến vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống trước mắt, ít quan tâm vấn đề cơ bản lâu dài và tuyệt đối không để lòng yêu nước chân chính của công nhân bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo biểu tình…Rất nhiều công nhân cho biết trước mắt Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền thông tin và quyền tự do ngôn luận của công nhân theo luật định, qua ban hành mới nhất của Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Công đoàn ở các khu công nghiệp và chính quyền địa phương nơi có các khu công nghiệp lập ra những trang mạng để quản lý thông tin truyền thông của giới công nhân.

******************

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… mờ ám (VNTB, 02/10/2018)

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ ngày 24-26/09 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). Chiều 26/09, ngay sau phiên bế mạc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin kết quả Đại hội. Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, báo cáo diễn biến của đại hội và khẳng định đại hội được chuẩn bị chu đáo, có nhiều đổi mới, thể hiện sự dân chủ và đã thành công tốt đẹp.

danoan1

Tranh thủ sự kiện ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết, trong luc "tang gia bối rối", liền âm thầm tăng giá xăng dầu lên ngay chiều hôm đó.

Nhìn chung, trong các báo cáo ở đại hội, hội nghị…, các cơ quan nhà nước Việt Nam tuy có dẫn vài khó khăn, yếu kém, nhưng sau đó đổ lỗi khách quan, chủ quan… chứ chẳng bao giờ có sai sót, rồi tựu trung luôn luôn báo cáo những nhiệm vụ được giao đều hoàn thành xuất sắc, thành công tốt đẹp. 

Tôi nhận ra họ còn hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ… rất kỳ khôi, đó là thực hiện công việc thành công tốt đẹp bằng… sự mờ ám. 

Sự vụ mới đây là vào ngày 21/09. Tranh thủ sự kiện ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết, trong luc "tang gia bối rối", liền âm thầm tăng giá xăng dầu lên ngay chiều hôm đó. Giá xăng E5 RON 92 tăng 320 đồng/lít, lên mức 20.231 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 293 đồng, lên 21.770 đồng. Dầu diesel 0.05S tăng lên 18.126. Dầu hỏa tăng 124 đồng, lên 16.683. Và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 26 đồng/kg, lên 14.942 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng vốn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Xăng dầu tăng là nguyên nhân chính kéo vật giá leo thang, trong khi tiền công, tiền lương lại dẫm chân tại chỗ, gây muôn vàng khó khăn cho đời sống người dân. Nói trắng ra là dân chúng sẽ tức thì chửi rủa thậm tệ mỗi khi có chủ trương tăng giá xăng dầu.

Vì vậy, để tránh né, họ đã thực hiện trong âm thầm. Dân gian gọi hành động này là ‘rình’, rình rình mà làm. Ông Quang chết cũng có mờ ám, nhiều người cho rằng chết đúng qui trình. Cho nên xuất hiện liền hai câu vè:

"Chủ tịch chết đúng qui trình

Chúng mình ở lại… rình rình tăng giá xăng"

Chuyện rình rình không chỉ dừng lại ở các cơ quan điều hành xăng dầu. Những cơ quan cũng đầy mờ ám, được gọi là của lợi ích nhóm, là sân trước sân sau của quan chức tham lam tham tàn, của mafia móc ngoặc với quan chức… Mà còn ở cơ quan cấp cao, đó là Quốc hội Việt Nam. 

Ngày 20/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đẩy các mặt hàng xăng dầu tăng thuế môi trường lên kịch khung vào đầu năm tới. Xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít so với hiện tại, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu lửa cũng tăng 1.000 đồng một lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng.

Và họ cũng viện dẫn điều này điều nọ để làm cái cớ. Những viện dẫn cũng chẳng thấy minh bạch đâu cả. Theo dân gian là ‘tốt khoe xấu che’, xấu giấu nhẹm, như giấu thứ chất thải hôi thối trong người.

Họ viện dẫn rằng thuế tăng thì giá xăng dầu vẫn thấp hơn nhiều nước. Giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu đều thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á. Giá xăng Việt Nam thấp hơn Singapore 18 ngàn đồng, Hồng Kông 30 ngàn đồng…

Một câu hỏi đặt ngược trở lại. Thế thì tại sao không viện dẫn rằng, tỷ lệ thuế trên mỗi lít xăng bị lấy đi trong thu nhập trên ngày của người Việt đang ở mức 7,3% thu nhập, so với Mỹ là 0,1%. Tức có nghĩa là thuế xăng chiếm trong thu nhập người Việt cao gấp 82 lần người Mỹ.

Và sao không so sánh thu nhập của người dân Việt kém khoảng 30 lần của dân Singapore, kém chừng 25 lần dân Hồng Kông, và dân Mỹ.

Thêm một câu hỏi nữa. Rêu rao là thuế môi trường, nhưng thực chất là không sử dụng để làm điều này, chỉ sử dụng một phần nhỏ. Tại sao không chính danh quân tử gọi đúng tên mà ai cũng biết là tận thu cho ngân sách ?

Tất cả những câu hỏi đều bị chìm trong bóng tối. Chỉ có im lặng, không hề có một câu trả lời.

Thể chế độc tài này chủ trương chính sách mờ ám, những kẻ thực thi, thực thi triệt để chính sách hòng lừa mị dân chúng. Hết sức bào vệ sự tồn vong của thể chế, một thể chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, đứng đầu là các quan chức, sau đó là những kẻ cơ hội. Dân chúng thì mặc bay!.

Dân Oan

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)