Dư luận Việt Nam mới đây ồn ào về hai bài viết trên báo nhà nước, mà họ cho là điển hình của lối viết báo 'theo chỉ đạo'.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/9.
Đó là hai bài viết về hai lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đăng trên báo Tuổi Trẻ, và về cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trên báo Phụ nữ.
'Sự đơn độc của ông Trump'
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề "Ông Trump đơn độc tại Liên Hiệp Quốc" ngày 27/9 ngay lập tức gặp phải phản ứng từ cộng đồng mạng
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng
"Phát biểu không giống ai tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn độc và hứng chịu phản ứng gay gắt từ nhiều phía", bài viết có đoạn.
Tác giả bình luận rằng bài phát biểu thứ hai của ông Trump trong phiên họp "được cho là đã 'vả thẳng' vào trật tự thế giới". Và rằng "Như thể đang phát biểu trước quần chúng cả nước chứ không phải các nguyên thủ quốc gia, ông Trump khẳng định nước Mỹ đã trở thành "một quốc gia mạnh mẽ, an toàn và giàu có hơn" kể từ khi ông nắm quyền".
Để chứng minh ông Trump 'đơn độc', tác giả bài báo đưa ra hai ví dụ : Tổng thống Pháp chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump và Tổng thống Iran chỉ trích lệnh trừng phạt kinh tế của ông Trump.
Để minh họa, bài báo đăng tấm ảnh ông Trump đang ngồi một mình trên ghế.
Facebooker Bùi Thanh Tuấn Anh Vỹ viết : "cái quan trọng là ổng nói và làm được những gì. Em đã thấy ông ta như một thanh nam châm mà thế giới đang bị hút vào. Ông ta không hề đơn độc như báo Tuổi Trẻ nói".
Một người tên Dinh Bac thì cho rằng "thời hạn ba tháng [đình bản] hết không phải đương nhiên Tuổi Trẻ Online sẽ có lại, phải nịnh một chút chứ... thông cảm cho người ta, chết cũng làm ma xứ này !".
Facebooker Thanh Sơn bình luận : "Truyền thông Việt Nam ngày càng lộ rõ bộ mặt tiêu cực. Xuyên tạc, nói sai sự thật cũng như bưng bít. Những hình ảnh của lãnh đạo Việt Nam bị phản đối khi ra nước ngoài thì không thấy. Ngẫm mà bái phục truyền thông Việt Nam".
Người có tên Phong Hoàng Thanh cho rằng "viết báo theo chỉ đạo thì chỉ có vậy" còn Ngọc Tú Đoàn Nguyễn thì nói "Buồn cho người cầm bút".
Một số tài khoản Facebook khác, như Huân Cao Tưởng, tỏ ra thất vọng về tờ báo từng được cho là uy tín nhất Việt Nam : "Tuổi trẻ thế nào, thì ra cũng chỉ tầm thế này".
Trong khi đó, Nguyên Tống Dân nói "người dân giờ đọc và nghe tiếng Anh lõm bõm rồi Tuổi trẻ ạ. Không phải thời thích nói gì thì nói nữa đâu".
Một số người khác tỏ ra rất bất bình, như một tài khoản tên Việt Hoàng, với đề nghị "tờ này [báo giấy] cũng nên đình bản như Tuổi trẻ online thôi".
Luật sư Lê Công Định, trong một bài viết trên Facebook cá nhân, bình luận rằng dẫu ông Trump có 'đơn độc' tại Liên Hiệp Quốc như Tuổi Trẻ viết, thì "tư tưởng loại bỏ dứt khoát chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của ông được toàn dân Việt Nam đồng thuận và cảm kích".
Hồi tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ Online bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản ba tháng do đăng phát ngôn của cố chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình, dù sau đó đã sửa nội dung.
Hôm thứ Ba 25/9, Tổng thống Donald Trump vừa có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nơi ông nhắc đến những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được "chỉ trong chưa đầy hai năm", sự cần thiết phải thay đổi hệ thống thương mại thế giới và tình hình khủng hoảng ở Venezuela mà theo ông là do chủ nghĩa xã hội gây ra.
Ông Trump nói rằng "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".
Bài phát biểu của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
'Đèn đom đóm của ông Quang'
Cách đó khoảng một tuần, cư dân mạng cũng phản ứng với bài viết trên báo Phụ nữ Việt Nam nhan đề "Vĩnh biệt cậu học trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học", đăng tải sau ngay khi cố chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Bài viết có đoạn : "Trong mắt người thân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một học trò siêng năng từ tấm bé. Gia đình khó khăn, cậu học trò ấy từng phải bắt đóm đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu…".
Nhiều ý kiến bình luận rằng dù để tỏ lòng thương tiếc vị chủ tịch nước thì tác giả bài báo cũng không nên viết 'phi thực tế' như vậy vì có thể làm ảnh hưởng thanh danh chủ tịch.
…bắt đóm đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu
Luật sư Lê Ngọc Luân bình luận trên Facebook cá nhân rằng "Nếu là người thân, tôi sẽ đề nghị gỡ bài báo dưới đây".
Ông Luân giải thích : "Thú thật, ngày xưa tôi nghe ba mẹ nói bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng học sẽ giỏi và tôi cũng tin nên bắt bỏ vào trứng khiến nó chết vì thở thông nổi. Sau này lớn lên mới biết đó chỉ là câu chuyện dân gian khích lệ sự hiếu học mà thôi".
"Chỉ trách tại sao người cầm bút lại có thể viết ra những dòng như thế. Họ không biết thẹn lòng mình hay sao ?"
Nhà báo Nguyễn Như Phong thì đặt câu hỏi về 'tư duy của nhà báo' ngày nay. "Hình như người viết không biết phân tích, đánh giá độ thực hư của câu chuyện kể".
"Tại sao chuyện ca ngợi những tấm gương hiếu học có từ thời xửa thời xưa mà ví dụ hay được dẫn nhất là "bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn", hoặc luyện viết chữ Hán đến nỗi " lõm viên gạch lát sân"... nay dám "gán" vào cho Chủ tịch Trần Đại Quang ?".
"Phải hiểu đó là những giai thoại. Và chuyện người ta kể chủ tịch bắt đom đóm làm đèn cũng chỉ nên coi là giai thoại".
Ông Phong cũng kể kinh nghiệm cá nhân thời đi sơ tán, khi ông học lớp Năm, từng bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng nhưng "thật thất vọng vì ánh sáng lập lòe xanh nhợt của con đom đóm chẳng xuyên qua được vỏ trứng để đủ làm thành 'ngọn đèn'.
"Ca ngợi Chủ tịch nước hiếu học thì thiếu gì dẫn chứng, thiếu gì chi tiết... Còn lấy chuyện bắt đom đóm làm đèn, chỉ làm tổn hại thanh danh chủ tịch mà thôi", nhà báo Nguyễn Thanh Phong kết luận bài viết trên Facebook cá nhân.
Nhiều Facebooker khác cũng chia sẻ kinh nghiệm 'bắt đom đóm' tương tự. Như cây bút Hằng Thanh viết hồi bé từng bắt đom đóm cho vào lọ thủy tinh nhưng 'không sáng', dù thử nghiệm nhiều lần.
"Dạo này xuất hiện thứ báo chí thiệt là kinh dị khiến người được viết cũng lạy cả nón", Facebooker này viết.
Cầu kỳ hơn, Facebooker có một bài phân tích dài về độ sáng, đặc tính sinh học và mùa xuất hiện của đom đóm.
Văn Song Nguyễn tính toán và cho rằng để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 60W sẽ cần 28.622 con đom đóm !
Hơn nữa, ánh sáng của đom đóm "không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của nó. Nên cái đèn đom đóm sẽ nhấp nháy liên tục. Mà nó lại nằm trong vỏ trứng thì không đủ sáng liên tục được...".
"Đom đóm chỉ xuất hiện vào mùa hè... Mà mùa hè thì xưa nay học sinh nghỉ học".
Tuy nhiên cũng có lác đác một vài ý kiến ủng hộ, cho rằng việc học bằng đèn đom đóm là có thật.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến viết trên Facebook rằng ở quên thời xưa trẻ em nào cũng quen với việc bắt đom đóm làm đèn và ai "không tin đèn đom đóm có thể đọc sách, kể cũng là một sự thiệt thòi".
Cây bút Thinh Nguyen cũng chia sẻ rằng bản thân đã từng ngồi học bằng ánh sáng đom đóm những ngày nhà hết dầu, và những người phản đối chuyện này "hầu hết là những người chưa trải qua thời kỳ đó".
'Không kiểm duyệt' nhưng có 'định hướng'
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng truyền thông Việt Nam 'viết theo chỉ đạo'.
Để kiểm duyệt thông tin trên mạng internet, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xây dựng một đội ngũ hàng ngàn người gọi là Lực lượng 47 để đối phó với những "quan điểm sai lầm" và "tuyên truyền chống nhà nước".
Theo một báo cáo của tổ chức Freedom House năm 2016, môi trường truyền thông của Việt Nam là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất ở Châu Á, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát mọi kênh truyền thông và có 'quy chế hoạt động' cho các toàn soạn báo.
"Đảng Cộng sản thường xem các phương tiện truyền thông như một công cụ để quảng bá chính sách của đảng và nhà nước, và chính quyền thường can thiệp trực tiếp vào nội dung".
"Các cuộc kêu gọi cải cách dân chủ và tự do tôn giáo, các bài báo về tham nhũng của quan chức cấp cao, về tranh chấp quyền sử dụng đất và chỉ trích mối quan hệ với Trung Quốc là những vấn đề phổ biến nhất để bị kiểm duyệt hoặc trừng phạt".
"Trước nguy cơ bị sa thải hoặc mắc vào các vấn đề về pháp lý, nhiều nhà báo đã thực hiện "tự kiểm duyệt", báo cáo của Freedom House cho hay.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ những điều này.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ngày 17/11/2017, ông Tuấn nói : "Tôi khẳng định Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí", theo VnExpress.
Tuy nhiên ông cũng cho hay rằng Ban Tuyên giáo Trung ương "thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng ; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan".
Nguồn : BBC tiếng Việt