Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/02/2017

Thách thức của chính sách chống đô la hóa

TBKTSG

Việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng nhanh trong quí 1-2017 là đáng chú ý nếu so với những năm trước. Sự gia tăng này có thể đến từ những kỳ vọng như Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng nhà nước) có thể sớm gỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ. Tính đến ngày 21/2/2017, tỷ giá trung tâm là 22.231 đồng, tăng 0,32% so với đầu năm nay, trong khi tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại đã tăng cao hơn so với đầu năm đến 1,1%.

dola1

Chính sách chống đô la hiện tại và cả sắp tới có thể gặp nhiều thách thức, khi đồng đô la Mỹ đã tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây. Ảnh : HẢI NGUYỄN

Những kết quả bước đầu

Việc trần lãi suất đô la Mỹ liên tục được điều chỉnh giảm và về mức 0% từ tháng 12/2015 đã gần như khiến tài sản bằng đồng đô la Mỹ không còn sinh lợi, ngoại trừ kỳ vọng tăng giá trước những lần điều chỉnh tỷ giá khiêm tốn của Ngân hàng nhà nước. Thực tế cho thấy sau khi lãi suất tiền gửi về 0% thì nguồn vốn huy động bằng đô la Mỹ tại hầu hết các ngân hàng sụt giảm, trong khi huy động tiền đồng tăng mạnh do một bộ phận người dân đã chuyển từ gửi đô la Mỹ sang tiền đồng.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế cũng liên tục mất giá trước việc điều chỉnh giảm lãi suất về mức thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá trong nước. Trong khi đó, với nguồn vốn FDI tăng trưởng tích cực, dòng kiều hối tăng mạnh trong những năm qua đã giúp Ngân hàng nhà nước có cơ hội tăng dự trữ ngoại hối và từ đó đủ nguồn lực cần thiết để điều tiết thị trường ngoại hối trong nước. Song song đó, lãi suất đồng đô la Mỹ thấp đã kích thích dòng vốn đầu tư từ hoạt động carry trade đổ vào những quốc gia mới nổi có lãi suất cao như Việt Nam.

Nhưng thách thức vẫn còn

Tuy nhiên, những yếu tố kể trên có thể sẽ không còn thuận lợi và chính sách chống đô la hiện tại và cả sắp tới có thể gặp nhiều thách thức, khi đồng đô la Mỹ đã tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây. Đặc biệt với lộ trình nâng lãi suất của Fed trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đồng đô la tăng giá và do đó sẽ gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước, khi mà nhiều quốc gia khác đã chủ động phá giá mạnh tiền tệ so với đô la Mỹ.

Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nguồn vốn FDI trong năm 2017 cũng như giai đoạn tiếp theo, nhất là khi chính quyền mới của Mỹ đang có thiên hướng áp đặt các chính sách bảo hộ thương mại. Dòng kiều hối được dự báo có thể tiếp tục sụt giảm trước những chính sách thắt chặt tình trạng nhập cư của Tổng thống Mỹ, gây nên tâm lý lo lắng cho kiều bào và thúc đẩy tăng cường tích lũy nguồn thu nhập để đề phòng bất trắc.

Ngoài ra, kể từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể phải vay vốn ODA với lãi suất cao hơn do đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010. Lãi suất vay cao hơn, tuy nhiên kỳ hạn vay ngắn hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn vay ngoại tệ của Việt Nam. Như vậy, với áp lực tỷ giá cao hơn, trong khi nguồn cung ngoại tệ từ bên ngoài suy yếu thì việc ổn định thị trường ngoại hối có thể gặp nhiều thách thức.

Còn ở phía cầu ngoại tệ, Ngân hàng nhà nước đã muốn chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Các thông tư yêu cầu ngừng cho vay ngoại tệ, rồi sau đó lại gia hạn, và gần đây nhất là Thông tư 31 cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017. Rõ ràng ý chí của Ngân hàng nhà nước luôn muốn hạn chế dần hoạt động cho vay ngoại tệ, thu hẹp các đối tượng vay tuy nhiên khi đi vào thực tiễn thường gặp những khó khăn nhất định và buộc phải điều chỉnh chính sách.

Trong bối cảnh lãi suất cho vay tiền đồng vẫn còn cao so với các quốc gia khác trong khu vực, còn tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thời gian qua điều chỉnh không theo kịp với mức độ phá giá của các đồng tiền khác, buộc Ngân hàng nhà nước phải mở lại việc cho vay ngoại tệ để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, tiết giảm chi phí tài chính và tăng mức độ cạnh tranh về giá cho các mặt hàng xuất khẩu.

Ở nguồn cung vốn ngoại tệ của ngân hàng, lượng ngoại tệ tiền gửi dù có giảm như đã nói ở trên, tuy nhiên trong những thời điểm tỷ giá căng thẳng thì nguồn vốn này lại có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt nguồn vốn huy động ngoại tệ tại các ngân hàng lớn vẫn có sự tăng trưởng, cụ thể tiền gửi đô la Mỹ của Vietcombank trong năm 2016 tăng trưởng 2,3% so với 2015, hay của VietinBank tăng trưởng 15,4%.

Đặc biệt với việc Fed tăng lãi suất đô la Mỹ và hiện tại đã cao hơn nhiều lãi suất huy động của các ngân hàng trong nước, thì một số ý kiến gần đây cho rằng Ngân hàng nhà nước cần gỡ bỏ trần lãi suất huy động 0% đối với đô la Mỹ, nhằm hạn chế nguồn vốn ngoại tệ có thể chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu chính sách lãi suất tiền gửi đô la Mỹ thay đổi có thể kích thích tâm lý tăng găm giữ khi biến đồng tiền này lại trở thành một tài sản có sinh lời.

Thụy Lê

Quay lại trang chủ
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)