Đà Nẵng : Dân dựng lều bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm (RFA, 12/10/2018)
Sáng ngày 12 tháng 10, hàng trăm người dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, tiếp tục tập trung dựng lều trước cổng Công ty cổ phần thép Dana – Ý ngăn cản không cho công nhân vào làm việc để phản đối việc sản xuất thép gây ô nhiễm môi trường.
Người dân dựng lều ngay trước nhà máy. Courtesy of baomoi.com
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này, cho biết thêm phía nhà máy đã yêu cầu nhiều chính quyền điều công an và dân quân đến để đảm bảo quyền và lợi ích doanh nghiệp cũng như an ninh trật tự.
Thời gian qua, người dân địa phương đã liên tục có những phản đối đối với hai nhà máy thép là Dana Ý và Dana Úc vì cho rằng hai nhà máy này gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Trước những phản đối của người dân, vào đầu tháng 3 năm nay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã có thông báo không để hai nhà máy thép này hoạt động tại địa phương, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân gần 2 nhà máy.
Đến ngày 26/3, chính quyền thành phố có thông báo cho hai nhà máy thép này được hoạt động trở lại trong 6 tháng để xử lý tồn đọng, tức đến ngày 26/9. Tuy nhiên qua thời hạn này nhà máy vẫn không ngừng hoạt động.
Hoạt động tiếp tục tại nhà máy khiến người dân tại đây lo sợ nếu nhà máy tiếp tục hoạt động và xả thải sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trước những phản đối gay gắt của người dân, hôm 4/10, chính quyền Đà Nẵng đã phải ra công văn yêu cầu hai nhà máy thép phải chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Nói với truyền thông trong nước, ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana – Ý cho rằng trong khi thành phố chưa đưa ra phương án cuối cùng thì doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản, và hàng ngàn lao động mất việc làm.
Kết luận thanh tra hai nhà máy mới công bố cho thấy trong 10 năm hoạt động, hai nhà máy thép đã mắc một loạt sai phạm về quản lý môi trường do những quyết định sai của chính quyền địa phương
*******************
Môi trường sống của người dân Vĩnh Tân tiếp tục bị đe dọa bởi hàng triệu tấn tro xỉ than tồn đọng (RFA, 11/10/2018)
Không có "đầu ra"
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao khoảng 20 m, có khoảng 4 triệu tấn tro xỉ than chưa có "đầu ra", khiến môi trường sống của người dân khu vực này tiếp tục bị đe dọa.
Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây) - RFA
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600 MW và một cảng biển. Toàn bộ dự án được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Hiện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân một đã hoạt động thương mại, đồng thời dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng đã hoàn thành xong trên 70%. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà máy nào hoàn thành đề án tiêu thụ tro xỉ than.
Được biết bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân một nằm sát nhau và chỉ cách đường quốc lộ một khoảng một km, cách tuyến đường sắt bắc - nam khoảng 300 m, và rất gần khu dân cư.
Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày lớn, người dân sống trong khu vực này cho biết, dù nắng hay mưa cũng đều lo lắng, nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao.
Chúng tôi liên lạc với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu thực tế thì được ông Võ Trần Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Tân cho biết :
"Hiện giờ việc lu đèn bãi xỉ ở Vĩnh Tân 2 là tương đối đảm bảo, xe chuyên dụng chở tro ra bãi xỉ, đổ xuống rồi cho phun nước lên, và xe lu đầm lên cho nó nằm yên đó rồi lớp keo lên giữ lại, không cho phát tán bụi. Nên hiện giờ phán tán bụi đã giảm, cũng đỡ nhiều. Nhưng đầu ra cho xỉ than thì hơi khó, hiện chỉ xử lý thủ công, chứ đầu ra xử lý xỉ thì chưa có. Công ty đủ năng lực xử lý triệt để thì chưa có. Chính quyền cũng có thành lập ban chỉ đạo để chống việc sạt lở bờ bao, có hệ thống chống lũ nên nó cũng đảm bảo. Nhưng nếu mưa to kéo dài một tuần lễ cũng có nguy cơ có xảy ra vỡ bờ bao, hiện giờ thì chưa vô mùa mưa lớn".
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lo lắng :
"Sợ là sợ đến mùa bấc, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mùa bấc là gió từ hướng đó thổi về nhà dân đang ở. Cái bãi xỉ nằm ở phía bắc xã Vĩnh Tân, và nhà dân thì ở hướng tây nam, nếu mà gió thổi về hướng tây nam thì dân người ta chịu hết".
Ảnh minh họa : Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Photo : RFA
Tuy nhiên, một người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân thì cho rằng, dù không phải mùa gió bấc thì tro bụi vẫn phát tán ra môi trường :
"Kể cả không có gió bấc về thì bụi bặm trong nhà lúc nào cũng đầy dẫy, tro nó bay trên bầu trời đấy. Cứ mỗi một cái lò thì mỗi ngày thải ra khoảng 3.000 tấn tro, mà hiện nay nhà máy 1, 2, 4 đang chạy tổng cộng 6 lò, như vậy theo lý thuyết mỗi ngày thải ra khoảng 18 ngàn tấn tro. Mà đặc thù của tro than đá là rất nhẹ, chỉ một ngọn gió là nó bay".
Khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân từng được nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường. Không chỉ ô nhiễm không khí, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Tân cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Vào cuối tháng 6 năm 2018, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Dân "sợ" chính quyền không dám nói
Trước đó vào tháng 4 năm 2015, cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong bức xúc vì đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên đã cùng nhau biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ. Trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Sau đó hàng chục người đã bị nhà cầm quyền truy tố vì quá khích gây rối.
Người dân không muốn nêu tên ở Vĩnh Tân cho biết thêm :
"Dân ở đây họ khờ khạo quá, họ ngây thơ quá. Nước tưới xỉ than nó thẩm thấu ra xung quanh khu người ta trồng cây trôm thì nó chết thôi. Còn cách đây khoảng hai tháng cá người ta nuôi lồng bè chết rất nhiều, mỗi hộ thiệt hại hàng trăm triệu, có hộ cả tỷ. Nói chung là nguy hiểm lắm nhưng không hiểu sao chính quyền họ làm ngơ. Bà con mình thì trình độ dân trí thấp, sau vụ biểu tình hồi năm 2015 chính quyền truy tố mấy chục người, rồi bây giờ họ sợ họ đâu dám rục rịch nữa. Ai mở miệng ra họ cũng sợ, thậm chí họ chấp nhận hít tro bụi chứ không dám nói".
Theo Anh Phan Trúc, Trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, đất xung quanh bãi xỉ đã nhiễm mặn hết, nên không thể nuôi trồng gì được, Anh nói tiếp :
"Nhiễm mặn từ cái bãi than nên hiện nay khu vực đó không trồng trọt cái cây gì được hết, trồng cây gì cũng chết, nước giếng cũng không sử dụng được, không có chăn nuôi được, vì nó nhiễm mặn rồi lấy đâu mà chăn nuôi".
Người dân thôn Vĩnh Phúc kể lại, cách đây không lâu, khi trời mưa, nước trong bãi xỉ tràn ra, không chỉ làm cây cối chết, mà còn làm ngập đường, nên nhà máy Vĩnh Tân làm một con kênh để thoát nước. Tuy nhiên, Anh Hải ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân lại tỏ ra lo lắng về giải pháp này :
"Bây giờ nó làm một cái mương thoát nước lớn lắm. Nó làm từ trong bãi xỉ về thẳng cầu Vĩnh Hảo, nếu có nước thì nước từ trong bãi xỉ chảy thẳng về cầu Vĩnh Hảo, rồi chắc chảy ra biển chứ chảy đâu nữa. Nước chảy về cầu, cầu chảy ra biển. Cái đó là nó ô nhiễm đến môi trường biển nữa".
Chúng tôi nêu vấn đề tồn đọng xỉ than ở Vĩnh Tân với Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, thì được ông cho biết như sau :
"Theo tôi vấn đề này thì các nhà máy nhiệt điện ở phía bắc đều đã giải quyết được rồi, tức là cái bụi bay của xỉ than thì người ta làm phụ gia cho xi măng, vật liệu xây dựng, độn đường, gạch không nung… Vĩnh Tân thì mới quá, ở trong miền trung thì từ cơ quan địa phương, cơ quan chuyên môn cũng chưa biết cách giải quyết".
Tuy nhiên, Ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN thì cho rằng cái khó là vấn đề tìm đầu ra cho giải pháp :
"Tóm lại cái giải pháp cho việc tồn đọng xỉ than có thể đưa ra, nhưng nói thật là đầu ra cho giải pháp đó lại không có. Thí dụ người ta phải sử lý cái xỉ than đó để làm vật liệu xây dựng. Nhưng vật liệu xây dựng từ xỉ than lại không có đầu ra cho nó".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường, giải pháp để ngăn nước thẩm thấu thì ta phải làm trước khi có bãi thải, từ khi hiết kế nhà máy. Theo ông, đây cũng là kinh nghiệm rất lớn để thấy rằng các giải pháp môi trường phải được tư duy từ sớm, từ khi mà xây dựng nhà máy, chứ không phải để xảy ra sự cố mới kêu gọi các giải pháp.
******************
Phản ứng của người dân quanh việc tăng giá xăng dầu (RFA, 10/10/2018)
Liên bộ Tài chính - Công Thương Việt Nam cuối tuần qua vừa ra thông báo đồng loạt tăng giá tất cả mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng sinh học E5 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít ; xăng A95 tăng 577 đồng/lít, lên mức 22.347 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng 403-752 đồng/lít, kg tùy loại. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay và cũng là lần thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng qua giá xăng dầu tăng mạnh.
Người lao động có thu nhập thấp ngày càng bấp bênh khi giá xăng tăng liên tục - RFA
Nếu như đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức tăng này giúp họ kiếm thêm hàng trăm tỷ đồng thì với những công ty vận tải, doanh nghiệp sản xuất hay người tiêu dùng, xăng dầu tăng giá khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn lớn, nhiều người không khỏi đau đầu khi mức thu nhập bị ảnh hưởng và nỗi lo sợ xăng dầu tiếp tục tăng giá vẫn chưa dừng lại.
Giá có ngừng tăng ?
Một nhà báo, hiện sống ở miền Nam Việt Nam không muốn nêu tên chia sẻ :
"Có một thực trạng ở Việt Nam là lượng người làm nông quá cao, hiện tại cũng vậy và lượng công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp cũng vậy. Cả hai nhóm này đều dùng đến xe máy, tương tác với sản phẩm xăng rất nhiều, thiệt thòi đầu tiên khi xăng tăng là những nhóm lao động chịu thiệt thòi đầu tiên".
Theo nhà báo này, lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành.
Vị này đặt ra câu hỏi vì sao là một quốc gia có sản lượng dầu thô lớn hơn nhiều nước và có hai nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã đi vào vận hành nhưng mức giá xăng dầu ở Việt Nam lại cao hơn nhiều nước khác không có trữ lượng dầu thô và không có nhà máy lọc dầu ? Phải chăng do sự quản lý trong việc khai thác trữ lượng dầu thô không khoa học và chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam có vấn đề ?
Nhà báo này chia sẻ thêm :
"Giá xăng tăng, không riêng gì xăng tăng, hiện tại theo tôi biết thì rất nhiều thứ vật giá leo thang là do đồng Việt Nam trượt giá so với đồng đô la. Mà điều đó tôi nghĩ là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động không nhỏ lên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương này, mà trong đó thì Việt Nam chắc chắn lãnh đòn nặng hơn những nước khác như Lào, Campuchia vì Việt Nam phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc. Trung Quốc bị ảnh hưởng thì mình bị ảnh hưởng thôi. Điều đó là một hệ lụy chắc chắc phải xảy ra thôi, mà tôi nghĩ là giá xăng còn tăng nữa, vật giá sẽ còn leo thang nữa, nếu cán cân thương mại lệch về phía Mỹ, thì chắc chắn Việt Nam còn bị tăng giá nữa".
Hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Từ chỗ là một nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã nhập khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2018 với trị giá gần 600 triệu đô la, tăng hơn 411% so với nửa đầu năm ngoái, như vậy, tự thân xăng dầu được sản xuất trong nước đã bị đội giá lên cao do phải nhập khẩu ngày càng nhiều hơn lượng dầu thô.
Riêng xăng dầu sử dụng, chỉ trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam đã chi 5,71 tỷ USD để nhập khẩu hơn 8,6 triệu tấn xăng dầu các loại. Với tỷ giá tăng liên tục từ tháng 7 đến nay, giá xăng tại Việt Nam đang trên đà tăng chưa dừng lại. Cộng thêm tác động của giá thế giới và thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng tăng lên mức 4.000 đồng/lít sắp tới đây, việc xăng dầu tăng giá phi mã khó có thể tránh được.
Ai chịu thiệt
Chia sẻ về nỗi bức xúc của mình, anh Văn Công Thắng, một lao động trong ngành nghề xây dựng cho hay : "Một ngày thì hai vợ chồng đi làm 50 ngàn tiền xăng, thì vợ tranh thủ đi chợ luôn. Nói chung là giờ biết sao, phải nhịn lại thôi, mình phải khắc phục chứ biết sao chừ… !".
Anh Thắng chia sẻ thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên anh đưa ra ý kiến của mình khi giá xăng tăng, tuy nhiên cũng như nhiều lần trước, anh tự hỏi không biết những bức xúc của mình sẽ đến được tai ai ?
Từ nhà anh Thắng đến chỗ làm việc gần 45km, với chiếc xe ngốn xăng của mình, một ngày đi và về anh đã phải chi hơn 40 ngàn tiền xăng, cũng đồng nghĩa với 15% tiền công mỗi ngày phải chi trả cho xăng, chưa kể tiền xăng vợ anh đi chợ, đưa đón con đi học… và với đà xăng tăng giá liên tục như hiện tại, có lẽ thời gian tới, toàn bộ tiền công mà anh làm được hàng ngày không đủ để chi trả cho các khoản xăng xe, điện, nước, tiền lo con ăn học và các khoản khác trong đời sống bởi các mặt hàng khác cũng tăng giá theo, duy chỉ có tiền công của anh khó mà tăng theo kịp. Như vậy, không chỉ anh mà những người lao động tay chân khác cũng sẽ khốn đốn hơn cuộc sống hằng ngày.
Càng về sau, chỉ số tăng giá xăng dầu càng đáng sợ. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là chuyện người tiêu dùng không thể biết hay không thể để ý được giá xăng đang tăng và mức độ gánh chịu của họ. Bởi vì nếu như có đủ thời gian, cơ hội cũng như tri kiến để tìm hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… thì người ta không còn đủ thời gian để kiếm sống. Và cứ thế, giá xăng cứ tăng nhảy nhót trên túi tiền người lao động Việt Nam !