Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/10/2018

Tệ trạng buôn lậu sừng tê, ngà voi và vỡ đê điều gia tăng

Người Việt

Bắt giữ hàng chục ký sừng tê giác vận chuyển từ Châu Phi về Việt Nam (Người Việt, 12/10/2018)

Hải quan phi trường Nội Bài vừa bắt giữ hơn 50 kg nghi là sừng tê giác được vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam qua đường hàng không.

tetrang1

Bên trong kiện hàng chứa 13 sừng tê giác và các sản phẩm. (Hình : Báo Pháp Luật)

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn tin từ Tổng Cục Hải Quan cho biết vào sáng ngày 12 tháng Mười, cơ quan hữu trách đã tiến hành kiểm tra một kiện hàng 53 kg, phát hiện gần 34 kg sừng tê giác vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam.

Lô hàng được vận chuyển trên chuyến bay của Hãng Hàng Không Quatar Airway, từ Nam Phi quá cảnh qua Doha về Việt Nam ngày 4 tháng Mười.

Tin cho biết, Đội Kiểm Soát Hải Quan phối hợp với chi cục Hải Quan Cửa Khẩu phi trường quốc tế Nội Bài, thuộc Cục Hải Quan Hà Nội đã phát hiện một thùng carton có dấu hiệu đáng nghi. Lực lượng hải quan sau đó đã tiến hành soi chiếu các thùng hàng, kết quả cho thấy hàng hóa bên trong "có nghi vấn là sản phẩm động vật".

Người gửi hàng trên vận đơn là một công ty ở Nam Phi và người nhận hàng tên Trương Văn Nam, có địa chỉ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tuy nhiên người này đã từ chối nhận hàng.

Với sự chứng kiến của đại diện kho hàng, Hãng Hàng Không Quatar Airway và những người có liên quan, cùng các lực lượng hữu trách đã tiến hành mở kiểm tra thùng hàng và phát hiện bên trong kiện hàng chứa 13 sừng tê giác và các sản phẩm.

Theo đại diện chi cục Hải Quan Cửa Khẩu phi trường quốc tế Nội Bài, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang đã dùng mọi thủ đoạn vận chuyển tinh vi để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng hữu trách.

Đây là vụ thu giữ sản phẩm động vật hoang dã thứ hai do lực lượng hải quan phát hiện vận chuyển qua phi trường quốc tế Nội Bài trong tháng Chín và tháng Mười, 2018.

Trước đó, ngày 29 tháng Chín, lực lượng hải quan cũng đã phát hiện thu giữ gần một tấn ngà voi, sản phẩm ngà voi và vảy tê tê vận chuyển qua đường hàng không từ Nigeria về phi trường quốc tế Nội Bài. (Tr.N)

********************

Dân khốn đốn vì hàng loạt đê bao ở miền Tây bị triều cường phá vỡ (Người Việt, 12/10/2018)

Hàng loạt đê bao bị vỡ, hàng ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp cùng nhiều nhà dân bị ngập trong triều cường cao bất thường ở miền Tây, khiến người dân nơi đây vốn nghèo khó giờ càng thêm khốn đốn.

tetrang2

Thủy triều dâng cao, phụ huynh ở Cần Thơ đưa rước con bằng xuồng trên phố. (Hình : Tiền Phong)

Lũ kết hợp với triều cường vượt báo động 3 những ngày qua đã làm 7 bờ bao của Cần Thơ bị vỡ, gây ngập nhiều nhà cửa ; gần 450 héc ta vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng ; hơn 180 ha lúa và hoa màu ngã, hư hại.

Nói với báo VnExpress ngày 12 tháng Mười, ông Nguyễn Ngọc Hòe, giám thường trực Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai Và Tìm Kiếm Cứu Nạn Cần Thơ, nhận định, hiện triều cường đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với đỉnh triều các năm qua. "Trong các ngày tới nếu như triều cường dâng cao mà kết hợp với mưa thì sẽ còn ngập sâu", ông Hòe nói.

Tại Vĩnh Long, đợt triều cường những ngày qua đã gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, 134 tuyến bờ bao với chiều dài hơn 93 cây số bị nước tràn ; 77 đập thủy lợi bị tràn, vỡ ; gần 90 cây số đường giao thông nông thôn, liên tỉnh bị ngập ; hơn 2.300 héc ta lúa, cây ăn trái, hoa màu và ao cá của người dân bị ngập úng. Học sinh tại 18 trường bị ngập sâu phải tạm nghỉ học đến hết ngày 12 tháng Mười.

Ở Hậu Giang, diện tích mía bị ngập tại huyện Phụng Hiệp, lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 3.000 héc ta, trong tổng số 6.500 héc ta chưa thu hoạch và gấp 10 lần so với hai tuần trước.

Chưa hết, nông dân thu hoạch mía chạy lũ bán với giá thấp, 300.000 – 650.000 đồng mỗi tấn, trong khi chi phí sản suất lên đến 715.000 đồng, chưa kể giá nhân công thu hoạch gần 200.000 đồng mỗi tấn nhưng tìm người làm không có.

Báo VnExpress cho biết thêm, tại hội thảo "Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai" hôm 12 tháng Mười tổ chức ở Cần Thơ, bà Akiko Fujii, phó giám đốc Quốc Gia UNDP, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận định rằng, theo chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu năm nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, mức thiệt hại có thể tăng 3-5% GDP vào năm 2030.

Trong khi đó, ông Laurent Umans, bí thư thứ nhất về Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan, cảnh báo cho rằng thiên tai là không thể tránh khỏi nhưng con người có thể ngăn nó trở thành thảm họa. "Khu vực Mekong đang chìm, đất sụt lún 2,5 cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, trong khi nước biển dâng hàng năm 3 mm", ông Laurent Umans nói và cho biết đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với người dân nơi đây.

Trước đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam từ đầu năm đến nay đã xuất hiện những trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng làm 175 người chết và mất tích, gây thiệt hại kinh tế gần 12.500 tỷ đồng… (Tr.N)

****************

Cảng cá lớn nhất miền Trung nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối (Người Việt, 11/10/2018)

Đủ các chất thải từ cơ sở chế biến thủy sản cùng hoạt động buôn bán của hàng ngàn tàu cá ngay tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà đã khiến nơi này ô nhiễm trầm trọng.

tetrang3

Biển tại cảng cá Thọ Quang rác thải la liệt tràn lan, mặt nước đủ các loại chai lọ nhựa. (Hình : Người Lao Động)

Theo tường thuật của báo Người Lao Động, ngay từ ngoài cổng cảng cá Thọ Quang nằm tại hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã ngửi thấy mùi tanh và hôi thối bốc nồng nặc.

Vào bên trong cảng cá, cảnh tượng không khác gì một bãi rác bị ứ đọng lâu ngày : rác thải la liệt tràn lan trên các bờ kè, mặt nước với đủ các loại chai lọ nhựa, hộp giấy, bao nylon, vỏ thuốc lá, vỏ lon bia, váng dầu từ các tàu, thuyền bám đen đúa đọng lại.

Ông Lê Công Huệ, một người dân ở địa phương, cho biết mỗi khi mưa gió, lụt lội, nhiều loại rác trôi ngập vào bờ kè và theo ống cống chảy thẳng xuống âu thuyền. Thế nhưng không thấy Cảnh Sát Môi Trường đến kiểm tra vì "chắc không có lợi ích gì nên không tới".

Hàng ngày, người dân khu vực giáp ranh hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông phải "sống chung" với ô nhiễm. Đặc biệt là những ngày nắng nóng, mùi hôi thối của rác thải, tanh nồng của hải sản theo làn gió bay thẳng vào nhà dân.

Tin cho biết, cảng cá Thọ Quang bắt đầu hoạt động từ năm 2014, với diện tích hơn 80 héc ta là cảng cá lớn nhất miền Trung. Trung bình mỗi ngày, có hơn 1.000 tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định vào đây bán cá, lấy dầu và mua nước ngọt, đá lạnh, lương thực để tiếp tục ra khơi.

Mỗi ngày có khoảng 4.000 ngư dân miền Trung vào đây để giao dịch hải sản khiến các âu thuyền đang quá tải và là một trong những "điểm nóng" ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, quy hoạch khu công nghiệp thủy sản gần cảng cá Thọ Quang, quá trình sản xuất của nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản cùng với một số chợ cá thải chất thải ra đã biến nơi đây thành bãi rác của các doanh nghiệp.

Thế nhưng, nói với báo Người Lao Động, ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, biện minh cho rằng từ tháng Tư, 2017, khi Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà hoàn thành (với công suất 25,500 khối/ngày đêm) đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nước thải cho âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 731 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)