Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay ngày đầu kỳ họp thứ 6 (RFA, 16/10/2018)
Quốc hội Việt Nam Khóa 14 sẽ bầu Chủ tịch nước ngay trong ngày khai mạc kỳ họp 6 vào ngày 22/10 và sẽ công bố kết quả cũng như Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 23/10.
Quốc hội Việt Nam (Ảnh minh họa) - AFP
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu như vừa nêu của Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm 16/10 tại Hà Nội.
Tại phiên họp ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc bầu Chủ tịch nước phải tiến hành ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp, để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền như: xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Theo chương trình dự kiến, khai mạc kỳ họp vào ngày 22/10 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ trình bày dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Vào sáng 23/10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ sau khi có kết quả.
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người vừa qua được Hội Nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương khóa 12 thống nhất 100% giới thiệu ông để Quốc hội bầu vào chức chủ tịch đang khuyết. Theo thông báo từ cơ quan chức năng trung ương Việt Nam thì ông chủ tịch Trần Đại Quang, 62 tuổi, qua đời đột ngột vì virus hiếm và độc hôm 21 tháng 9 vừa qua.
Cũng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cũng vào sáng 23/10 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Quốc hội sẽ thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Minh Tuấn bằng việc bỏ phiếu kín. Sau đó sẽ phê chuẩn để bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin truyền thông mới vào ngày 24/10.
Ngoài ra, đối với việc bổ nhiệm và miễn nhiệm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, bà Phòng Thị Phóng phó chủ tịch quốc hội cho rằng việc ký miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng đối với ông Trương Minh Tuấn vẫn sẽ do quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thực hiện vì không kịp trình Chủ tịch nước mới bầu ký quyết định này.
Hiện nay, quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông là ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. Vào ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Thông tin truyền thông cho ông Hùng thay thế ông Trương Minh Tuấn.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 24 ngày và kết thúc vào ngày 21/11/2018.
*****************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước ngày 23/10 (VOA, 16/10/2018)
Quốc hội Việt Nam sẽ bầu chủ tịch nước ngay ngày đầu kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tuần tới (22/10) và tân chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay ngày hôm sau, truyền thông trong nước dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hôm 16/10.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh minh họa
Việc bầu chủ tịch nước là nội dung mới được bổ sung vào chương trình làm việc kéo dài 24 ngày của Quốc hội, và lý do bầu chức danh này ngay ngày đầu là "để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền", vẫn theo lời ông Phúc.
Về quy trình bầu, theo lời Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận trước khi bỏ phiếu. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận và giải trình, tiếp thu ý kiến, rồi Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách để bầu chủ tịch nước. Hình thức bầu là bỏ phiếu kín.
Tuy gọi là "bầu", nhưng dư luận cho rằng đây chỉ là một hình thức "hợp thức hóa" chức danh chủ tịch nước cho ứng cử viên duy nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vào ngày 3/10, ông Trọng đã được Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản đồng ý 100% giới thiệu cho Quốc hội.
Hiện bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đang giữ quyền chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng trước.
Vấn đề "nhất thể hóa" hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã gây ra nhiều tranh luận trong thời gian qua, trong đó nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về cơ chế kiểm soát quyền lực khi có một lãnh đạo kiêm nhiệm hai chức danh.
Sau khi nhậm chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, sẽ là lãnh đạo thứ hai trong lịch sử đảng Cộng sản kiêm nhiệm hai chức danh cùng một lúc. Người đầu tiên là Hồ Chí Minh.
Theo nghị trình dự kiến, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới cũng sẽ bàn đến các nội dung như Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.