Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/10/2018

Loa phường, tàu lạ, ô nhiễm, ma túy, ung thư

Tổng hợp

Thay loa phường bằng thiết bị thông minh : Bình mới rượu cũ ? (RFA, 16/10/2018)

Sau nhiều năm công luận kêu gọi xóa bỏ loa phường vì tính bất cập của nó, gần đây cơ quan chức năng Hà Nội đã có động thái đáp ứng. Đó là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để phường xã phát thanh trực tiếp đến từng nhà. Người dân và các chuyên gia thông tin truyền thông nghĩ gì về việc này ?

vn1

Hệ thống phát thanh loa phường ở Hà Nội. (Ảnh minh họa chụp trước đây) - RFA PHOTO

Ủng hộ bỏ loa phường

Loa phường, một sản phẩm thường thấy ở các nước cộng sản, với mục đích tuyên truyền cổ động các chính sách của nhà nước. Vào ngày 9 tháng 1 năm 2017, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã nhận định ‘loa phường’ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, nếu thấy không hiệu quả thì nên bỏ. Ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung khi đó được sự đồng tình của người dân. Có lẽ đây là một trong số ít lần, ý kiến của vị chủ tịch thành phố Hà Nội được người dân hưởng ứng nhiều như vậy.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Trọng, một người dân ở Hà Nội, cho biết ý kiến của mình về chiếc loa phường:

"Với góc độ là người dân Hà Nội sống trong nội đô thì Anh thấy bỏ loa phường là rất tốt, bởi vì nó đỡ hẳn một cái kênh ô nhiễm tiếng ồn, bởi vì trong nội đô vì đã phải tiếp xúc với rất nhiều thể loại âm thanh khác nhau rồi. Với lại trong nội đô người ta đã có nhiều cách tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, kể cả thông tin từ cơ sở. Trong khi loa phường đưa thông tin lại mang tính áp đặt, có thông tin không cần thiết mà nó cứ văng vẳng ở tai rất khó chịu. Thứ nữa là cái thời đại bây giờ có nhiều cách để các cấp chính quyền từ trung ương cho đến địa phương truyền tải thông tin đến người dân, kể cả thông qua mạng xã hội. Cho nên cái việc bỏ loa phường là anh thấy ủng hộ".

Nhận xét về loa phường, Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam đưa ra nhận định:

"Tôi nghĩ nó sẽ phụ thuộc vào tính chất, chẳng hạn như những nơi mà thông tin nhiều như ở thành phố thì chắc là nó không cần thiết. Còn tính năng cảnh báo, trường hợp đột xuất thì có nhiều cách khác nhau. Ở những nơi vùng sâu vùng xa mà thông tin rất thiếu thì có thể loa phường còn tác dụng, còn ở thành phố thì tôi nghĩ nó không cần thiết".

Tuy nhiên ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó lại không được sự đồng tình của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội. Ý kiến ngược lại này phải chăng là do lợi ích nhóm, vì mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề đều có những dự án, những lĩnh vực thuộc quyền lợi của mình.

Cho đến tháng 8 năm 2017, chính quyền Hà Nội đã tìm ra giải pháp có lẽ sẽ vẫn đảm bảo quyền lợi của các các "nhóm" ! ? Một trong những nội dung của đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố", là dùng thiết bị thông minh gắn tại nhà dân để thay thế loa phường.

Khó khả thi

Thiết bị thông minh mới này có tên M-Gateway, hiện do công ty Mobifone sản xuất và gắn thử nghiệm tại 200 hộ dân tại các quận Ba Ðình, Cầu Giấy và Hoàn Kiếm thuộc trung tâm thành phố Hà Nội.

vn2

Thiết bị thông minh M-Gateway dự định đặt tại nhà dân để thay thế hệ thống phát thanh loa phường ở Hà Nội. Courtesy Mobifone

Theo thông tin từ Trung tâm công nghệ thông tin MobiFone, thiết bị M-Gateway có chức năng phát trực tiếp các bản tin của chính quyền đến từng hộ dân, có thể kết nối với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng… tuy nhiên tất cả mọi chức năng cần phải kết nối internet mới sử dụng được.

Nhật xét về việc dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường, Anh Trọng sống ở Hà Nội, cho biết:

"Cái thiết bị mới đặt trong nhà này, Anh thấy là khó khả thi, trừ khi họ có cái chế tài để bắt từng gia đình phải mua trang bị. Nếu mà để cho người dân tự nguyện thì anh nghĩ nhu cầu của người dân cũng không đến mức họ tự nguyện lắp ở trong nhà đâu. Tại vì, thứ nhất đối với tầng lớp thanh niên hay tuổi trẻ thì họ cũng có nhiều cách để tiếp cận thông tin, còn đối với một số người cao tuổi một chút mà có nhu cầu nghe loa phường, nghe chương trình thời sự qua kênh loa phường thì có lẽ họ cũng khó sử dụng cái thiết bị mà phải cắm qua internet ở trong nhà như thế".

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, kêu gọi lắp đặt thiết bị thông minh tại nhà dân để thay thế loa phường là xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Ông nói tiếp:

"Theo tôi dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường là không khả thi vì không ai làm như thế cả. Thực ra thì chính quyền có thể để ra một cái địa chỉ trên mạng, rồi thông báo cho người dân biết các việc ấy. Chứ còn lắp một cái thiết bị ở trong nhà dân chắc là chẳng ai đồng ý. Còn nếu người ta đồng ý thì sau đó người ta cũng phá đi chứ chẳng ai để cái đó trong nhà. Còn nếu kêu gọi mua thì tôi nghĩ cũng chẳng ai mua, vì cái đó xâm phạm cái quyền riêng tư ở trong nhà người ta".

Chúng tôi liên hệ bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm, là một trong các quận tại Hà Nội được lắp thử nghiệm thiết bị thông minh thay thế loa phường, để tìm hiểu thêm thông tin liệu có bắt buộc người dân gắn thiết bị mới này không, thì được bà Hiền trả lời như sau:

"Anh ơi nếu anh muốn làm việc thì phải đến quận anh ạ, anh ra đấy đến phòng em làm việc đi, ai lại làm việc qua điện thoại thế anh".

Một người dân sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết ông cũng muốn có thiết bị này, tuy nhiên ông chỉ lo lắng về chi phí:

"Nếu trang bị toàn dân thì kinh phí nhà nước có đảm bảo không ? Cái thứ hai là dân cũng muốn có nhưng có phải mất cước hàng tháng không ? "

Theo Kỹ sư Đoàn Quang Hoạt, thiết bị thông minh thay thế loa phường cũng là một cái ý tưởng hay:

"Thiết bị này vẫn có thể dùng được mục đích của loa phường, thông tin công cộng, thông tin phục vụ cộng đồng, nhưng mà cách thức nghe, thời gian nghe và âm lượng nó cũng phù hợp với từng người hơn. Tôi nghĩ vì phục vụ cho cộng đồng nên chi phí phải là do cộng đồng, tức là nếu nhà nước có điều kiện để trang bị là tốt nhất".

Tuy nhiên theo Anh Trọng thì nếu để người dân tự nguyện lắp đặt thì không khả thi, trừ khi là có chế tài gì bắt buộc người dân phải mua, mà như thế thì người dân cũng không thấy thoải mái. Anh nói tiếp:

"Nếu thay loa phường bằng thiết bị thông minh gắn trong nhà thì Anh nghĩ đúng là bình mới rượu cũ, nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trừ khi họ dùng cái giải pháp công nghệ gì đấy cao hơn, không phát sinh chi phí trang bị thiết bị mới. Tại vì nếu người dân không mua mà nhà nước trang bị thì thật ra cũng là từ tiền thuế của dân thôi, nó cũng chẳng khác gì".

Vào đầu tháng 10 năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức khảo sát, ý kiến người dân về đài truyền thanh phường sau một năm thực hiện đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử của chính quyền Hà Nội, tính đến ngày 10 tháng 10 năm 2018, chỉ có 50% ý kiến đồng ý thay thế loa phường bằng thiết bị thông minh.

********************

‘Tàu lạ’ lại tấn công ngư dân Quảng Nam (RFA, 16/10/2018)

Một tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị một ‘tàu lạ’ tấn công đâm vào đuôi khiến nước tràn vào khoang rồi bỏ chạy khỏi hiện trường.

vn3

Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 2/6/2014. AFP photo

Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/10 ; theo đó vụ việc được nói diễn ra trưa ngày 15/10 khi tàu cá mang số hiệu QNa 90398TS do ông Huỳnh Tèo (ngụ tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân đang đánh cá tại khu vực đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa.)

Báo trong nước nói các ngư dân thấy ‘tàu lạ’ không treo cờ và có ghi chữ nước ngoài, nhưng không nói rõ là chữ nước nào và nội dung là gì.

Sau khi bị tấn công, ông Huỳnh Tèo đã phát tín hiệu cầu cứu và được một tàu vỏ thép của ông Huỳnh Văn Tạo, cũng ở xã Tam Quang đến và đưa các thuyền viên lên tàu vỏ thép an toàn.

Tin cho biết tàu cá bị đâm của ông Tèo đang được tàu vỏ thép của ông Tạo dắt vào bờ nhưng chưa rõ thời gian và địa điểm cập bến.

Trao đổi với báo trong nước vào sáng 16/10, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, xác nhận sự việc trên, đồng thời cho biết vẫn chưa xác định được ‘tàu lạ’ gây ra vụ việc là của ai và vẫn đang trong quá trình xác minh.

Từ trước đến nay, tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công trong khu vực Hoàng Sa thường xuyên diễn ra. Trong nhiều trường hợp, truyền thông trong nước không nói rõ là tàu Trung Quốc mà chỉ dùng cụm từ ‘tàu lạ.’

Tuy nhiên, sự việc gần đây nhất được báo trong nước nói rõ bị tàu Trung Quốc tấn công là vụ tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 90546 TS bị đâm chìm gần Quần Đảo Hoàng Sa sáng ngày 7/8/2018.

***************

Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn (RFA, 16/10/2018)

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn

Một số khảo sát tại các thành phố Việt Nam cho thấy, ngoài tiếng ồn do xe cộ lưu thông trên đường, một số cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, điện tử, điện máy, nhiều quán ăn và ngày cả bán hàng rong… cũng sử dụng loa công suất lớn để quảng cáo thu hút khách hàng. Thế rồi chính người dân sống trong cộng đồng cũng gây ra nhiều tiếng ồn quá mức cho phép.

vn4

Giờ cao điểm tại Hà Nội. (Ảnh minh họa) AFP

Chúng tôi có liên lạc với một người dân tại Nghệ An và được chia sẻ như sau :

"Các cửa hàng buôn bán như điện máy, điện tử và điện thoại di động mở loa quá to, đối với người dân ở đây chúng tôi cũng đã phản ánh vài lần rồi nhưng mà cũng không được cải thiện lắm, cho nên đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp để giải quyết giúp cho đời sống nhân dân ổng định hơn".

Một bạn trẻ thì lại tỏ ra rất bức xúc về âm thanh quá lớn khắp nơi, bạn nói với chúng tôi :

"Em thì rất bực bội vì làm việc gì cũng không hiệu quả được như học tập làm việc hay bất cứ việc gì. Ngay cả trong nhà mình nói chuyện với nhau, giao tiếp ảnh hưởng rất là nhiều".

Đại diện của một cửa hàng kinh doanh điện thoại tại quận 3 cho biết vì sao lại sử dụng loa với công suất lớn :

"Khi truyền thông về các phương tiện về loa thì nó thu hút được rất nhiều, bởi vì khi họ đi ngang họ nghe tiếng họ sẽ nghĩ ở đây đang có chương trình gì đó thì ít nhất người ta cũng sẽ lắng nghe, còn truyền thông bằng các kiểu khác nhiều khi bị loãng".

Kết quả khảo sát và kiểm tra của cơ quan quản lý đô thị tại Sài Gòn thì hầu hết các cửa hàng kinh doanh điện tử, các quán án quán nước… với tiếng ồn đều vượt mức cho phép từ 17 đến 35 (dBA).

Tác hại của tiếng ồn

Thực tế cho thấy tiếng ồn không chỉ gây khó chịu nhất thời mà về lâu về dài còn gây ảnh hưởng tiêu cực và đến sức khỏe con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, âm lượng khoảng 76 decibels (dB) là bắt đầu chạm ngưỡng tiếng ồn gây ra cảm giác khó chịu. Ngưỡng nghe trong giới hạn chịu đựng của con người là khoảng 110 dB. Âm thanh quá lớn làm giảm thính lực và làm hỏng các tế bào tiếp nhận âm thanh. Các tế bào này không thể tái tạo nên người nghe rất khó phục hồi thính giác.

Đồng ý với việc tiếng ồn gây ảnh hưởng lớn đến thính giác và nguy hại không thể phục hồi, một vị bác sĩ xin được giấu tên hiện đang làm việc tại Bệnh viện Tai- Mũi-Họng Sài Gòn giải thích ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn được phân ra làm hai nhóm chính là thính giác và ảnh hưởng toàn cơ thể. Vị bác sĩ cho biết thêm :

"Với tiếng ồn cường độ thấp gây ra đau đầu, rối loạn giấc ngủ hay các biểu hiện về tim mạch. Đặc biệt đối với trẻ em cơ thể rất là nhạy cảm nên tiếng ồn thấp đó sẽ gây cho trẻ em mất tập trung. Đây là một vấn đề công cộng rất là lớn mà chúng ta cần quan tâm, sự ảnh hưởng lớn nhất đối với tiếng ồn là sự giảm nghe không thể hồi phục".

Bác sĩ Huỳnh Hoa từng làm việc tại bệnh viện Đa khoa Hà Nội chia sẻ với chúng tôi :

"Chúng ta tiếp xúc tiếng ồn hằng ngày nhưng tai chúng ta chỉ chịu đựng được tiếng ồn ở mức độ là sinh hoạt thôi là 60 đến 80 decibels (dB) là cùng nếu vượt qua ngưỡng 85 db thì sẽ dễ bị tổn thương thính lực. Nếu chúng ta tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên thì tai chúng ta sẽ giảm đi và gây điếc tai và qua chừng một tiếng đồng hồ coi chừng bị điếc tai trong và điếc tai trong là điếc không hồi phục rất nguy hiểm".

Xử phạt & biện pháp

Theo điều 17 nghị định 155 do chính phủ Việt Nam ban hành năm 2016 về việc xử phạt vi phạm môi trường về tiếng ồn thì mức phạt đối với các trường hợp vi phạm thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 160 triệu đồng đối với cá nhân. Còn đối với tổ chức, doanh nghiệp thì mức thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất lên tới 320 triệu đồng.

Một vị chuyên gia về môi trường không muốn nêu tên hiện đang sống tại Sài Gòn cho rằng việc xử phạt ô nhiễm tiếng ồn thật sự khó. Ông cho biết :

"Vấn đề tiếng ồn nó rất khó trong việc xử phạt, bởi vì ngay cả trong một cơ sở sản xuất thôi có thể bình thường người hoạt động gây ồn nhưng khi được người dân phản ánh thì chỉ cần điều chỉnh về âm lượng một cái thì có thể giảm tiếng ồn dưới tiêu chuẩn liền và như vậy không có cơ sở để xử phạt người ta".

Một ý kiến khác được Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân.

"Tôi cho là không khó, thật sự mà nói nó phụ thuộc vào dân trí. Ví dụ một anh lái xe nếu mà ý thức được rằng việc bóp còi nó ảnh hưởng đến thính giác người khác thì anh ta sẽ không làm. Nếu tất cả mọi người ý thức được ô nhiễm tiếng ồn gây nguy hại cho sức khỏe con người, gây mất trật tự thành phố thì tức khắc mọi người sẽ dẹp đi, tôi cho rằng phụ thuộc vào dân trí khá nhiều và đưa ra các quy tắc ứng sử để không có tiếng ồn nữa thì tôi cho là chúng ta làm được và tất nhiên cần một thời gian nhất định".

Khoản thời gian nhất định đó là bao lâu thì chưa thể tìm được lời giải đáp. Lý do vì thực trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp giảm thiểu hữu hiệu. Trong khi đó thì mức độ mỗi lúc một tăng thêm đáng quan ngại qua số lượng phương tiện giao thông gây ồn không hề được giới hạn, cơ sở sản xuất phát ra âm thanh quá lớn chưa được khống chế…

********************

Công an Việt Nam thu giữ 1 lượng lớn ma túy đá (RFA, 16/10/2018)

Công an Việt Nam phát hiện một lượng hàng lớn bị nghi ngờ là ma túy đá (methamphetamine) trị giá khoảng 3 triệu USD trong 1 chiếc xe tải chạy quá tốc độ.

vn5

Hai người H'mong bị bắt ngày 2/1/2018 tại tỉnh Tây Bắc Điện Biên Phủ do nhập lậu 489 túi heroin trị giá khoảng 3 triệu USD từ Lào. AFP

AFP trích dẫn tin từ cơ quan chức năng Việt Nam hôm thứ Ba 16 tháng 10 với thừa nhận đây là vụ phát hiện mới nhất tại Việt Nam nơi mà tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp đang tăng đáng kể.

Theo AFP, 2 người đàn ông đã thoát khỏi hiện trường nhưng sau đó một trong 2 người, mang quốc tịch Lào đã bị bắt. Công dân Lào này khai ông ta được hứa trả 10.000 USD để đưa số hàng ma túy đến thành phố Đà Nẵng, một trung tâm du lịch trên bờ biển miền Trung Việt Nam.

Một viên chức công an nói với AFP rằng nhà chức trách vẫn đang tìm kiếm nghi phạm thứ hai là công dân Việt Nam. Theo người này cho biết, họ tìm thấy12 túi màu xanh lá cây có chứa các gói nhỏ của một chất trắng có trọng lượng tổng cộng 309 kg.

Tuy Việt Nam có luật pháp nghiêm ngặt về sử dụng ma túy nhưng lại là trung tâm vận chuyển cũng như thị trường phổ biến cho các loại ma túy từ khu vực biên giới "Tam giác vàng" nổi tiếng không có luật lệ gì nằm giữa Lào, Myanmar và Thái Lan.

Thuốc phiện và bạch phiến từ lâu đã là những loại được người lớn tuổi sử dụng ; nhưng lớp trẻ ăn chơi sau này có xu hướng chuyển sang dạng thuốc viên tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, ketamine.

Những loại ma túy tổng hợp được tuồn vào Việt Nam từ các nước lân cận ; nhưng theo công an Việt Nam thì trong những tháng gần đây đã phát hiện được những phòng thí nghiệm tổng hợp ma túy ngay trong nước.

AFP cho biết theo số liệu chính thức, có 220.000 người sử dụng ma túy ở Việt Nam, và tình trạng sử dụng các chất tổng hợp đã tăng 7% trong giai đoạn 2001 và 2016.

Mới vào ngày 16 tháng 9 vừa qua, có 7 trường hợp sốc ma túy chết tại lễ hội âm nhạc điện tử ‘Du Hành đến Mặt Trăng’ tổ chức ở Công Viên Nước Hồ Tây tại Hà Nội.

Các quan chức và người ủng hộ đã cảnh báo sự nguy hiểm của việc sử dụng ma túy sau sự viện bảy người Việt Nam đã chết vì do sốc ma túy tại một lễ hội âm nhạc ở Hà Nội vào tháng trước

*******************

Vấn đề ung thư 'đang bị hiểu sai ở Việt Nam' ? (BBC, 16/10/2018)

Một bác sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC rằng dường như giới đấu tranh chống thực phẩm bẩn "đã nói về ung thư nhiều quá mức cần thiết".

vn6

Bệnh viện Ung bướu tại Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải

Hồi đầu tháng 10/2018, hai nhà khoa học James P. Allison, người Mỹ và Tasuku Honjo, người Nhật, được giải Nobel Y học năm 2018, nhờ phương pháp tiếp cận mới trong điều trị ung thư.

Công trình của hai nhà khoa học này đã tìm ra "liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch", giúp điều trị các bệnh ung thư khó điều trị như ung thư da hoặc phổi.

Cùng thời điểm, báo Việt Nam cho hay, nhiều bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K. ở Hà Nội "sống thêm vài năm sau khi dùng thuốc miễn dịch nhờ đáp ứng thuốc tốt".

Tuy vậy, chi phí điều trị thuốc miễn dịch được ghi nhận "có giá rất cao". Theo báo Zing, một lọ thuốc dao động hơn 60 triệu đồng, mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần.

Chi phí điều trị bằng thuốc miễn dịch hiện nay chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh phải thanh toán 100%.

Tờ báo cũng cho hay, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 164.671 ca mắc ung thư mới và khoảng 114.871 ca tử vong do ung thư. Phần lớn trường hợp ung thư đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn và tốn kém.

vn7

Giáo sư Tasuku Honjo (giữa) là một trong hai người nhận giải Nobel Y học năm 2018

'Bệnh của thế giới văn minh'

Trả lời BBC hôm 15/10, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Ý kiến của tôi có lẽ hơi khác, thậm chí là ngược lại so với các bác sĩ làm về ung thư ở Việt Nam".

"Dựa vào các số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) công bố, Việt nam không phải là nước mắc ung thư nhiều".

"Tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới của Việt Nam là 163,1 đến 223,7 người tính trên 100.000 dân, thuộc nhóm 3 (tính từ nhiều nhất trở xuống)".

"Tỷ lệ này ở nữ giới là 109,3 đến 129,6 người, thuộc nhóm 5 - nhóm áp chót (gần ít nhất), của thế giới. Tính chung cho cả hai giới, tỷ lệ mắc ung thư của khu vực Đông Nam Á là 143,3 người trên 100.000 dân, thì thuộc nhóm thấp của thế giới".

vn8

Mỗi năm, Việt Nam được ghi nhận có khoảng 164.671 ca mắc ung thư mới và khoảng 114.871 ca tử vong do ung thư

"Tôi không biết chính xác, hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư mới ở Việt Nam có tăng lên so với trước đây hay không. Nhưng chắc chắn là hiện nay ở Việt Nam, khả năng phát hiện ung thư tốt hơn, nên ung thư được phát hiện nhiều hơn".

"Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin có nhiều tiến bộ, nên người ta nói về ung thư nhiều hơn, và cộng đồng biết đến nhiều trường hợp ung thư hơn".

"Theo tôi, ung thư là loại bệnh của thế giới văn minh. Việt Nam, và cả khu vực Đông Nam Á nói chung, chưa đủ văn minh để được cho rằng có tỷ lệ mắc ung thư cao so với thế giới. So với các khu vực như Úc, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, tỷ lệ mắc ung thư ở Đông Nam Á chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên, vấn đề là tỷ lệ tử vong do ung thư của khu vực Đông Nam Á rất cao, gấp đôi so với các khu vực trên".

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết thêm : "Giống như đối với tất cả các loại bệnh khác, hệ thống y tế Việt nam không làm cho người dân tin tưởng khi họ bị bệnh. Đối với hầu hết người Việt Nam, phát hiện ung thư được xem như án tử hình".

"Khi đó, họ sẵn sàng bán nhà cửa, ruộng, vườn để chữa. Với hệ thống y tế được quản trị rất kém, không tạo được niềm tin cho người bệnh, việc người bệnh tìm đến Singapore hay Thái Lan chữa bệnh là việc tất yếu, nhất là khi người ta muốn xóa cái "án tử".

"Tôi không làm về lĩnh vực ung thư, nên không có đánh giá cá nhân về liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, nếu nó là phương pháp chữa ung thư hiệu quả, tôi tin là nó nhanh chóng được áp dụng tại Việt Nam".

"Theo tôi, các bác sĩ ở Việt Nam rất có khả năng trong việc làm chủ các công nghệ chẩn đoán và điều trị mới. Nếu như Việt Nam cải tiến được vấn đề quản trị y tế, tôi tin là kết quả điều trị ung thư, cũng như các loại bệnh khác, hoàn toàn không thua kém các nước trong khu vực".

"Cuối cùng, tôi thấy là vấn đề ung thư đang bị hiểu sai ở Việt Nam. Dường như các nhà đấu tranh chống thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, đã nói về ung thư nhiều quá mức cần thiết".

"Thực phẩm bẩn và độc hại có thể làm tăng một chút tỷ lệ ung thư. Nhưng điều đó cần phải có thời gian. Trong khi đó thì người ta thường chết do ngộ độc trước khi ung thư kịp phát triển để chúng ta phát hiện ra chúng".

Ben Ngo

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)