Báo Trung Quốc ca ngợi ‘vai trò kép’ của ông Nguyễn Phú Trọng (VOA, 31/10/2018)
Một tờ báo thuộc quản lý của nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm thêm chức chủ tịch Việt Nam là quyết định "hợp lý và không thể tránh khỏi", đồng thời nói rằng nhà lãnh đạo 74 tuổi "hữu hảo" với Bắc Kinh.
Trong bài bình luận có tựa đề, "Vai trò kép của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp Việt Nam phát triển, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc", tờ Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi nhà lãnh đạo Việt Nam là "một người cao tuổi được kính trọng", "có hình ảnh đẹp" và "nổi bật trên chính trường Việt Nam với khả năng, uy tín và các phẩm chất xuất chúng".
Tờ báo còn cho rằng "các chính sách đối nội và đối ngoại của ông Nguyễn Phú Trọng tới nay đều nhất quán", và "các cách tiếp cận của ông đối với quan hệ Việt – Trung cũng vậy".
"Ông ấy hữu hảo với Trung Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do ông ấy lãnh đạo cũng luôn nhất quán và thực tiễn trong các chính sách về Trung Quốc", Hoàn cầu Thời báo viết hôm 28/10.
"Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng được tái bầu năm 2016, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành mối quan hệ hợp tác ổn định và tăng cường, và các vụ xung khắc phần lớn đã hạ nhiệt".
Trước đó, ngay sau khi nhà lãnh đạo Việt Nam được quốc hội bỏ phiếu thông qua kiêm thêm chức chủ tịch nước với tỷ lệ trên 99%, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng ông Trọng, trong đó nói rằng "Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị và đối tác quan trọng với mối quan hệ bạn hữu truyền thống lâu dài".
Khi được hỏi vì sao tờ báo mà nhiều người Việt coi là có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cũng như quan chức Trung Quốc dường như nồng nhiệt hoan nghênh chuyện ông Trọng kiêm nhiệm "vai trò kép", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng lãnh đạo Việt Nam mà có "quan hệ thân thiết và hiểu biết lẫn nhau" với nước lớn như Trung Quốc và Mỹ thì đều "rất là tốt".
Cựu quan chức ngoại giao Việt Nam nói thêm với VOA tiếng Việt : "Ông Trọng là người thân Trung Quốc thì rõ rồi. Nhưng mà cái chữ thân này nó cũng có mức độ. Các bậc lãnh đạo của Việt Nam từ thời vua chúa cho tới nền dân chủ cộng hòa này, ai muốn yên ổn trong quan hệ với nước lớn thì phải thân Trung Quốc".
Ông Trường nói thêm : "Nhưng mà Trung Quốc để mà tranh thủ lãnh đạo, người ta cũng lắm chiêu lắm. Trung Quốc sát Việt Nam lại có Đảng Cộng sản, cùng ý thức hệ, cho nên nó sử dụng quan hệ đảng rất là khéo. Khéo nhưng mà không biết điều thì cuối cùng cũng lòi cái khéo ra thì nó cũng bất lợi".
Trong bài bình luận, Hoàn cầu Thời báo còn dẫn lời ông Trọng nói hồi cuối tháng Chín trong chuyến thăm của một quan chức từ Bắc Kinh rằng "mối quan hệ Việt – Trung đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử".
Hiện chưa rõ ông Trọng sẽ đi thăm nước nào sau khi nhận thêm cương vị mới. Sau Đại hội Đảng 12, Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông.
Khi được hỏi rằng liệu trong thời gian tới, ông Trọng có hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để "thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện lên một tầm cao mới" như lời chúc mừng của Chủ tịch Tập Cận Bình, tiến sĩ Trường nói : "Chẳng có cái tầm cao nào cả. Tầm cao này là tầm cao quá rồi. Lên nữa thì không biết lên tới cái đỉnh nào. Lên rồi lại còn tụt xuống".
Cựu quan chức ngoại giao nói thêm : "Cứ hô là ‘sẽ thúc đẩy lên tầm cao mới’, nhưng mà tầm cao cái gì ? Biển Đông là một cái phanh để hãm quan hệ Việt – Trung lại. Chừng nào Trung Quốc còn hung hăng và ngạo mạn, và ác trên Biển Đông thì sẽ không có chuyện ông Trọng hết lòng với Trung Quốc vì ông Trọng cũng phải chú ý tới cái tâm thái của dân tộc này. Cho nên không có cái chuyện lên đỉnh cao mới đâu. Đấy là câu nói sáo ngữ của Việt Nam và Trung Quốc".
Trong một diễn biến liên quan tới tranh chấp từng nhiều lần gây sóng gió trong quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình mới đây đã lệnh cho quân khu phụ trách Biển Đông và Đài Loan "chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh".
"Chúng ta cần phải tăng cường diễn tập khả năng sẵn sàng chiến đấu, các cuộc thao dượt chung và đối đầu để tăng cường khả năng của các binh sĩ và chuẩn bị cho chiến tranh", ông Tập nói với Bộ Tư lệnh Chiến khu 5 hôm 25/10, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bằng tiếng Việt về ý kiến cho rằng ông Trọng "thân" Bắc Kinh, tiến sĩ Phan Kim Nga, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng nguyên thủ 74 tuổi "cũng như tất cả các lãnh đạo Việt Nam, họ chỉ quan tâm về lợi ích của Việt Nam".
VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với ông Trọng để phỏng vấn về các thông tin trái chiều liên quan tới ông.
Viễn Đông
**********************
Thủ tướng Phúc muốn Samsung biến Việt Nam thành ‘cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu’ (VOA, 31/10/2018)
Trong buổi tiếp Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung chiều 30/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập đoàn công nghệ tiếp tục mở rộng đầu tư, hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và biến Việt Nam trở thành "cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-young tại Hà Nội ngày 30/10/2018.
Tờ Yonhap cho biết Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, người cầm quyền trên thực tế của tập đoàn Samsung, hứa sẽ mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
"Samsung đã đầu tư ở nhiều quốc gia, nhưng không có nhiều quốc gia lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mạnh mẽ như Việt Nam", báo điện tử của Chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Lee nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong cuộc gặp, người đứng đầu chính phủ Việt Nam đề nghị Samsung mở rộng phạm vi, đầu tư vào các lĩnh vực như nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng… và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Samsung đầu tư thành công.
Ông Phúc cũng đề nghị tập đoàn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chính phủ điện tử, như đã từng giúp chính phủ Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Samsung nói sau khi về nước, ông sẽ họp với các giám đốc điều hành Samsung để xem xét xem có thể đầu tư vào lĩnh vực nào khác.
Ông Lee Jae-yong là con trai duy nhất của Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee. Người thừa kế tập đoàn này vừa được phóng thích hồi tháng 2 sau gần một năm ngồi tù do bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối chính trị đã khiến cựu Tổng thống Park Geun- hye bị phế truất. Đây là chuyến đi nước ngoài thứ 7 của ông kể từ sau khi ra tù, theo Yonhap.
Cha ông, ông Lee Kun-hee, đã phải nhập viện kể từ tháng 5 năm 2014 nên không thể đảm nhiệm công việc điều hành tập đoàn.
Tin cho hay chuyến đi của ông Lee Jae-young đến Việt Nam nhằm mục đích xem xét chiến lược kinh doanh của Samsung về điện thoại thông minh, lĩnh vực mà tập đoàn này đang đối mặt với những thách thức gần đây vì sự cạnh tranh của các đối thủ Trung Quốc.
Samsung có tổng vốn đầu tư tại Việt Nam hơn 17 tỷ đôla, xuất khẩu hơn 54 tỷ đôla và tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 người.
*****************
Chợ thuốc Nam ở vùng cao (RFA, 31/10/2018)
Hầu hết các tỉnh Tây Bắc Việt Nam đều có những khu chợ thuốc Nam ở các ngã ba làng, ngã ba xã. Và mỗi khu chợ lại mang dấu ấn văn hóa của một tộc người. Ví dụ như chợ thuốc của người Dao Đỏ ở Sa Pa, Bắc Hà – Lào Cai được phân phối qua kênh du lịch, các loại thuốc để ngâm rượu, nấu tắm được bán nhiều nhất. Nhưng thuốc của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội thì lại mạnh về các loại cao bổ trợ sức khỏe. Có những khu chợ chuyên bán nguyên liệu mới mang về từ rừng sâu cho các thầy thuốc mang về sơ chế. Mỗi khu chợ thuốc Nam mang màu sắc và đặc trưng tộc người rất rõ nét.
Thuốc Nam ở chợ Đồng Khê, Yên Bái RFA
Sắc màu tộc người thiểu số
Bà Thắng, người H’Mong bán thuốc Nam ở ngã ba Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chia sẻ : "Nhiều nhất là thuốc dạ dày, thuốc tê thấp, thận, thuốc uống mát hằng ngày, thuốc bổ máu, người ta mua nhiều nhất là thuốc bổ máu !"
Ở các chợ thuốc Nam, nếu như người H’Mong với váy áo màu đen là chủ đạo và họ bán các loại thuốc thiên về dương tính như thuốc cường dương, bổ thận, tráng khí… Thì người Thái, người Tày và người Dao lại áo váy nhiều màu sắc, rực rỡ hơn và thuốc của họ không thiên về dương tính mà chủ yếu để trị bệnh, các loại thuộc chữa đại tràng, dạ dày, suy nhược cơ thể, mất ăn, mất ngủ, đau lưng… được bày bán rất nhiều.
Bà Thắng chia sẻ thêm rằng việc mang thuốc Nam ra ngã ba đầu làng hay xuống chợ đồng bằng để bán vốn dĩ là tập tục, truyền thống lâu đời của người H’Mong, người Thái, người Dao, người Tày. Nhưng phổ biến và đa dạng nhất vẫn là người Dao, sau đó là người H’Mong và người Thái, người Tày. Thời gian gần đây, tục mang thuốc ra chợ hay ngã ban đầu làng bán hầu như chỉ còn chủ yếu là người H’Mong. Người Thái và người Dao đã tự chế biến thuốc và tìm cách tiếp thị, tạo ra một kênh mua bán riêng thông qua quảng cáo, internet và du lịch.
Những người H’Mong hầu như ít có khả năng tiếp nhận công nghệ thông tin nhanh bằng người Dao nên việc bán thuốc Nam vẫn diễn ra theo cách truyền thống tại các khu chợ lâu đời. Hoặc người H’Mong, người Tày và người Thái sẽ đi vào rừng sâu, lùng các loại thuốc Nam để mang về bán lại cho người Dao. Người Dao sẽ sơ chế, nấu thành cao hoặc ngâm rượu, nấu nước tắm để phục vụ trực tiếp cho khách du lịch. Nhìn chung, người Dao vẫn thành công hơn trong việc làm giàu bằng thuốc Nam. Ngược lại, các tộc người khác chỉ cầm cự qua ngày với nghề này.
Ông Tráng Y Lềnh, một người H.Mong chuyên vào rừng sâu lấy thuốc rồi sau đó đến các phiên chợ để bán, chia sẻ : "Đi rừng để lấy, gặp là lấy thôi, rất là phức tạp, trong rừng, ổ cây, thân cây, mỗi lần gặp (thuốc quý) thì được mấy trăm, một triệu, một triệu mấy…".
Ông này cho biết rừng càng ngày càng trơ trọi, việc kiếm ra được những cây thuốc quí trong rừng sâu ngày càng khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây. Chi phí đi tìm thuốc cũng đắt đỏ hơn nhiều so với trước : từ việc mua thức ăn mang theo cho tới cái đèn pin, cái xẻng… Nhưng bù vào đó, giá thành thuốc Nam có phần nhỉnh hơn trước. Nghiệt nỗi, người thất nghiệp ngày càng nhiều mà đất đai ngày càng eo hẹp, ruộng cũng không có để làm, tìm thuốc Nam nhanh chóng trở thành cái phao cứu sinh của nhiều người. Nên giá cao lên chẳng bao nhiêu mà người tìm thuốc thì quá nhiều, hệ quả là nguồn thuốc đã hiếm lại càng thêm hiếm.
Tin vào thuốc Nam
Tâm lý tin vào thuốc Nam của người đồng bào thiểu số và mua về cất trong nhà phòng khi trái gió trở trời lại cao hơn so với tin vào thuốc Tây. Không những thế, thuốc Nam của người dân tộc thiểu số cũng được cả người miền xuôi tìm đến.
Mỗi khu chợ ở Đồng Khê mang màu sắc và đặc trưng tộc người rõ rệt.RFA
Bà Hà Thị Vân, người Tày, bán thuốc lâu năm ở Đồng Khê, chia sẻ : "Tất nhiên là thuốc Nam này tốt hơn thuốc Tây nhiều chứ, nó không có tác dụng phụ. Thuốc Nam này uống ai hợp thuốc thì mới khỏi, những người nào không thì không khỏi, nó theo tay bốc. Thuốc Tây thì nó nhanh khỏi nhưng nó có tác dụng phụ nhiều hơn không như thuốc Nam này, cho nên người ta thích thuốc Nam này hơn…".
Theo bà, chợ thuốc Đồng Khê ngày càng lớn hơn, phong phú, đa dạng hơn và những người bán thuốc nhỏ lẻ trước đây bây giờ đã thành tiểu thương, họ có những khách hàng phương xa để kí gởi thuốc và họ có thề bán mỗi lần từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Bà lấy làm bất ngờ khi khoa học ngày càng phát triển, càng tối tân, thuốc Tây rẻ như bèo nhưng người ta lại tin vào thuốc Nam nhiều hơn trong khi thuốc Nam có thể ẩm mốc, lẫn lộn nhiều tạp chất và cũng chưa được chiết xuất tinh chất như thuốc Tây.
Chị Nguyễn Thị Thúy, một người bán thuốc Nam tại chợ Đồng Khê, Yên Bái, chia sẻ : "Thuốc đại tràng, thuốc sỏi thận, thuốc mát gan, giải độc gan, gan nhiễm mỡ này, thuốc ăn được ngủ được này, nói chung là nhiều loại, trị nhiều loại bệnh lắm, thuốc chữa trĩ cũng có. Toàn là thuốc gia truyền của các cụ ngày xưa để lại, bọn em học qua nhau như nhà em thì mẹ chồng em làm nên em học theo rồi tất cả mọi người ở đây thì ai cũng có học theo như ngày xưa các cụ lấy thuốc rồi trị bệnh, ví dụ như đau bụng thì thế nào rồi con cháu học theo, thế thôi".
Chị Thúy cho biết thêm là hầu hết khách hàng xe hơi từ dưới xuôi lên chợ Đồng Khê đều tìm mua thuốc cường dương, bổ thận, và nói chung, người Kinh nhà giàu thì tìm mua chủ yếu là thuốc cường dương, bổ thận. Ngược lại, những khách du lịch đi theo đoàn hoặc khách lẻ đi xe máy từ dưới xuôi lên tìm mua chủ yếu là thuốc chống phong thấp, thuốc cho sản phụ sau khi sinh, thuốc đau đại tràng, dạ dày, thuốc chống đau lưng. Và từ xưa tới giờ, dường như đối tượng mua cũng không có gì thay đổi.
Nhóm phóng viên
*******************
Tham nhũng, hàng chục cán bộ tỉnh Sơn La bị truy tố (Người Việt, 30/10/2018)
Cáo trạng quy kết ông giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Sơn La cùng các đồng phạm "có nhiều sai phạm trong đo đạc, thu hồi đất, bồi thường, gây thiệt hại cho nhà nước".
Ông Triệu Ngọc Hoan, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Sơn La. (Hình : Tuổi Trẻ)
Hôm 30 tháng Mười, 2018, báo Tuổi Trẻ loan tin, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Sơn La vừa truy tố các ông Triệu Ngọc Hoan, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường; ông Trương Tuấn Dũng, phó giám đốc Sở Tài Chính; ông Phan Tiến Diện, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường, cùng 14 bị can khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra trong quá trình đền bù thu hồi đất xây Nhà Máy Thủy Điện Sơn La.
Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho hay, ngày 22 tháng Mười, 2003, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sơn La có quyết định thu hồi hơn 2,000 hécta đất tại một số xã của huyện Mường La và xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tạm giao cho Ban Quản Lý Dự Án xây Nhà Máy Thủy Điện Sơn La để xây dựng tổng mặt bằng thi công.
Cơ quan an ninh điều tra đọc lệnh bắt tạm giam ông Trương Tuấn Dũng, phó giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Sơn La. (Hình : Tuổi Trẻ)
Việc bồi thường, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng thực hiện theo chính sách do tỉnh Sơn La ban hành và tổ chức theo chỉ đạo của chính phủ.
Tuy nhiên, năm 2013, nhiều nhà dân có đất bị thu hồi tại khu vực Nhà Máy Thủy Điện Sơn La khiếu nại cho rằng còn thiếu nhiều diện tích chưa được đền bù hỗ trợ.
Ủy ban tỉnh Sơn La yêu cầu ủy ban huyện Mường La đo đạc lại, thống kê diện tích đất từng hộ và đưa kế hoạch bồi thường trên diện tích chưa được bồi thường trước đó.
Ông Trương Tuấn Dũng, lúc này đang là phó chủ tịch huyện Mường La, đã trực tiếp chỉ đạo đo đạc, lập bản đồ địa chính phục vụ bồi thường hỗ trợ các hộ bị thu hồi đất, thế nhưng ông Dũng đã ký, ban hành và tổ chức thực hiện "Kế hoạch 41" không đúng với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan hữu trách, cho phép các đơn vị tư vấn, đo đạc thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính khi không có các thủ tục pháp lý…
Từ đó, Ban Di Dân huyện Mường La và các đơn vị thực hiện sai quy định về đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với đất nông nghiệp các hộ dân khu vực mặt bằng Nhà Máy Thủy Điện Sơn La, trong đó có đất của bị can Đèo Văn Ban.
Công an tỉnh Sơn La khám xét nhà ông Đèo Văn Ban. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo cáo trạng, ông Ban "có hành vi thỏa thuận với các cán bộ đo đạc để nâng khống diện tích đất, hưởng tiền đền bù giá cao".
Những việc làm sai này đã dẫn đến việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ sai cho nhà ông Ban hơn 1.2 tỷ đồng (hơn $51,396). Ông Dũng bị truy tố tội "Cố ý làm trái".
Cơ quan tố tụng cho rằng "việc chỉ đạo sai là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sai phạm trong đo đạc, lập bản đồ địa chính nên ông Dũng phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ sai".
Trong khi đó, ông Triệu Ngọc Hoan giữ chức vụ giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường nhưng "không thực hiện đúng quy trình, không kiểm tra hồ sơ, tài liệu, không nắm được bản đồ địa chính do Văn Phòng Đăng Ký Đất Đai lập có đúng quy định hay không nhưng vẫn ký xác nhận 16 tờ bản đồ để ban hành phục vụ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ," dẫn đến việc bồi thường sai gần 850 triệu đồng (hơn $36,410). Ông Hoan bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị can Phan Tiến Diện, khi đó là phó chủ tịch ủy ban huyện Mường La, biết rõ "Kế hoạch 41" do ông Dũng ký ban hành "có nội dung không đúng nhưng ông Diện không báo cáo xin ý kiến cấp trên mà vẫn ký duyệt phương án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ dẫn đến hỗ trợ sai hơn 1.2 tỷ đồng". (Tr.N)