Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/10/2018

Nhà nước cộng sản Việt Nam lên tiếng về vụ Chu Hảo

Tổng hợp

Đảng Cộng sản nêu 'sai trái' của Giáo sư Chu Hảo (BBC, 31/10/2018)

Trong diễn biến bất thường, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết bài giải thích chi tiết về ông Chu Hảo, người bị nói có "biểu hiện suy thoái rất nghiêm trọng".

chu1

Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri thức phát hành

Bài báo ngày 31/10 của ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được đăng trên trang web Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hôm 26/10, giáo sư Chu Hảo viết thư "từ bỏ Đảng Cộng sản" sau khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật.

Bài viết của ông Phạm Đức Tiến nói vi phạm của "đồng chí Chu Hảo" bắt đầu khi ông nghỉ hưu, không còn là thứtrưởng Bộ Khoa học Công nghệ năm 2005, sang công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

In sách 'sai trái'

Bài viết mang quan điểm chính thức của Đảng nhận định ông Chu Hảo, khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đã cho in nhiều sách "có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng".

Từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành.

Ví dụ, cuốn "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek "đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít", theo bài viết.

Cuốn "Karl Marx" của Peter Singer, "nhận xét sai lầm về học thuật, phủ định những nội dung tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx".

Cuốn sách "Ông Sáu Dân trong lòng dân" cho thấy Nhà Xuất bản có "dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm "gợi ý", "gợi mở" một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước".

Qua bài báo, độc giả được tiết lộ rằng năm 2009, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kết luận vi phạm của ông Chu Hảo "đã đến mức phải kỷ luật khiển trách, nhưng miễn kỷ luật do xét các tình tiết giảm nhẹ như công lao, quá trình cống hiến, sự thành khẩn của đồng chí".

Nhưng từ đó đến nay, ông Chu Hảo vẫn cho in các sách "vi phạm", gồm 2 cuốn bị cấm phát hành, 5 cuốn cấm tái bản.

chu2

Vi phạm 'rất nghiêm trọng'

Bài viết tiếp tục tiết lộ ông Chu Hảo đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội.

Trong đó có "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" mà tác giả nói thư ngỏ này cho rằng Đảng Cộng sản "dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm".

Hay "Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam" có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua.

"Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng" năm 2018, bị nói là "tự ý đưa tên đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (không được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) vào danh sách những người đứng tên".

Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Chu Hảo còn có "nhiều bài trả lời phỏng vấn trên các đài, báo nước ngoài có các nội dung sai trái (BBC, RFA, RFI)".

Tháng 6/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với ông Chu Hảo.

Nhưng hai tháng sau, ông lại viết bài "Đã đến lúc cần đối thoại" trong đó, cho rằng : "Nguyên nhân gốc rễ của mọi bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" từ đó đòi hỏi Đảng phải đối thoại với nhân sĩ, trí thức.

Ông Chu Hảo còn sáng lập hay tham gia nhiều hội, nhóm, diễn đàn…trong đó có "Diễn đàn xã hội dân sự", bị nói là "nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa".

Bài này đánh giá : "Năm 2007, đồng chí cùng một số nhà khoa học lập Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) (nay đã giải thể), là thành viên của "Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh" sau đó là "Quỹ Phan Chu Trinh", quỹ này trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam".

Bài viết kết luận : "Đồng chí Chu Hảo là đảng viên trí thức nhưng đã đi ngược lại phẩm giá của người trí thức, đi ngược lại Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, đi ngược lại niềm tin, kỳ vọng của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, không còn xứng đáng với cái tâm, cái tầm của người tri thức và tư cách đảng viên".

Phản ứng về bài viết, nhà văn Phạm Thị Hoài, sống ở Berlin, hôm 31/10 viết trên Facebook :

"Sự kiên nhẫn của Đảng không phải là vô tận. Nhưng cho đến hết bài, Đảng vẫn gọi ông Chu Hảo là đồng chí".

Trước đó, giáo sư Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay "từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.

Cựu thứtrưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật gần đây, cũng nói ông đề nghị chi bộ "xóa tên tôi trong danh sách Đảng viên".

Theo ông Chu Hảo, quyết định kỷ luật ông được Đoàn Kiểm tra "đơn phương công bố rộng rãi" mà không thông báo trước "cho cá nhân và tổ chức đương sự".

Ông viết "đây là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc".

Trong nội dung thư ký tên của ông Chu Hảo hôm 26/10/2018 nhưng mới vừa được lan truyền trên mạng xã hội ở Việt Nam hôm 29/10, ông cũng viết rằng Đảng Lao động VN (nay là Đảng Cộng sản) mà ông gia nhập 45 năm trước "không còn tính chính danh".

Thậm chí ông Chu Hảo cho rằng đảng này (hiện có trên 4 triệu thành viên), "có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".

Ông cũng nói ông đã "từ chức" khỏi vị trí ở Nhà Xuất bản Tri Thức.

Tuy nhiên, ông Chu Hảo viết ông sẽ vẫn tiếp tục con đường Khai Sách của Phan Châu Trinh : Dân tộc, Dân chủ và Phát triển, thông qua các hoạt động giáo dục.

*******************

Xin ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam có dễ không ? (BBC, 31/10/2018)

Việc đảng viên Cộng sản Việt Nam muốn ra khỏi Đảng dường như không đơn giản trong mọi trường hợp, theo lời người trong cuộc.

chu3

Cắm hoa trên pa nô Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Sự việc Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật" do 'tự diễn biến' hôm 25/10 nhanh chóng kéo theo hàng loạt trí thức khác tuyên bố công khai 'từ bỏ đảng'.

Đến nay đã có khoảng dưới 20 người 'bỏ đảng' theo danh sách cập nhật trên mạng xã hội.

Nhiều người nói từ bỏ đảng để ủng hộ Giáo sư Chu Hảo. Số khác cho hay từ lâu đã nhận thấy đảng không đóng góp gì trong đời sống của mình nên sự việc này chỉ là cái cớ để họ đưa ra quyết định không đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên bỏ Đảng có dễ hay không ?

'Nhiêu khê về thủ tục'

"Ra khỏi Đảng là vấn đề rất nhiêu khê về thủ tục, cho nên nhiều người chọn nhiều cách làm khác nhau," PGiáo sư TS Mạc Văn Trang - một trong những trí thức đầu tiên tuyên bố bỏ đảng để ủng hộ Giáo sư Chu Hảo - nói với BBC.

"Có một số người làm đơn. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn".

"Ví dụ như giáo sư Nguyễn Đình Cống nói ông đã làm đơn xin ra khỏi đảng nhưng cả năm không ai ra quyết định, họp lên họp xuống nhiều lần nhưng chẳng ai dám đồng ý để ông ấy ra khỏi đảng".

"Cho nên nếu làm đơn ra khỏi đảng để được chuẩn y thì rất phức tạp, phiền phức".

"Với những người vẫn đang sinh hoạt trong chi bộ, khi chưa duyệt đơn thì chi bộ có thể sẽ họp, kiểm điểm, nhưng người đó có thể không tới họp nữa, không quan tâm tới".

"Tuy nhiên, nếu người đó vẫn đang công tác thì có thể sẽ bị hạ chức, cách chức. Bởi đây là đảng cầm quyền, anh được giao vị trí đó bởi anh là đảng viên. Cho nên khi anh không còn là đảng viên nữa thì anh có thể sẽ không được để giữ chức vụ, vị trí đó nữa".

Tự bỏ thì dễ ?

Chính vì thủ tục nhiêu khê, nhiều trường hợp đã tự ra khỏi đảng. "Đây là hình thức phổ biến," theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang.

"Rất nhiều người áp dụng hình thức tự ra khỏi Đảng. Nhiều người khi về hưu, thay vì chuyển sinh hoạt Đảng tới chỗ mới thì họ không nộp giấy tờ nữa, tự mình ra khỏi đảng".

"Trường hợp của tôi, tôi không nộp đơn để khỏi gây phiền phức cho chi bộ, tôi tự tuyên bố ra khỏi Đảng để tỏ thái độ".

Đây cũng là trường hợp của Giáo sư Chu Hảo.

"Tôi không xin [ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam], mà tự ý ra khỏi, thành ra chả cần thủ tục gì cả," Giáo sư Chu Hảo viết trong email trả lời BBC ngày 30/10.

Về phản ứng của phía đảng bộ đối với quyết định của mình, ông Chu Hảo nói : "Tôi không còn là thành viên của tổ chức chính trị ấy nữa nên cũng không được họ thông báo động thái tiếp theo của họ là gì".

Kỹ sư Hoàng Tiến Cường, người công khai 'bỏ đảng' hôm 27/10 sau 10 năm là thành viên của tổ chức này cũng nói với BBC rằng ông "tự tuyên bố bỏ đảng cho khỏi phiền toái".

"Trường hợp của tôi thì tôi không xin ra, mà tuyên bố bỏ luôn".

"Tôi từ lâu đã không sinh hoạt đảng, cũng không đóng đảng phí, nên họ không có biện pháp thu hồi thẻ. Trường hợp của tôi thì có khi trả lại thẻ họ cũng không dám nhận".

"Tôi thấy cái khó nhất là thời gian cảm tình đảng. Khi đó đảng ủy nơi người đang được xem xét vào đảng sống sẽ họp bàn, nhật xét, xem thái độ và đi điều tra lý lịch ba đời. Nếu có vợ và chồng thì điều tra lý lịch ba đời nhà vợ và chồng".

"Do đó, riêng trường hợp của tôi thì tôi thấy ra khỏi đảng dễ lắm. Tuyên bố là xong. Như vậy đỡ phải lăn tăn, và còn vớt vát được chút danh dự cho bản thân trước thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tha hóa biến chất," ông Cường nói với BBC từ Hà Nội.

Khó dễ tùy địa phương ?

Việc xin ra khỏi đảng được cho là "nhìn chung khó, nhưng còn tùy địa phương," theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, 28 tuổi, trung úy quân đội phục viên.

"Trong quân đội, xin ra khỏi Đảng rất phức tạp," ông Hiếu nói.

"Nhưng với trường hợp của tôi thì dễ. Ở quê mà. Thật ra hồi tôi mới xin ra quân ngũ năm 2017, trở về địa phương, cán bộ địa phương cũng nói tôi đi sinh hoạt đảng. Nhưng tôi từ chối".

"Tôi thấy mình khác tư tưởng với họ. Tôi không thể ngồi nghe những lời sáo rỗng đó. Nên tôi xin ra khỏi đảng, trả lại thẻ. Họ đồng ý ngay", ông Hiếu cho hay.

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xem xét xóa tên một đảng viên được thực hiện trong những trường hợp như : đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ; không đóng đảng phí ba tháng/năm; giảm sút ý chí phấn đấu, v.v...

Việc Đảng viên xin ra khỏi Đảng phải được chi bộ xem xét, sau đó gửi đề nghị cấp cao hơn để ra quyết định có cho ra khỏi đảng hay không.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn bốn triệu đảng viên Cộng sản.

Quay lại trang chủ
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)