Hôm 2/11, Giám mục Hoàng Đức Oanh nói với VOA sau khi cùng với các linh mục và hàng trăm tín đồ công giáo đã làm lễ cầu nguyện cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân ngày giỗ thứ 55 tại Nghĩa trang Lái Thiêu tỉnh Bình Dương rằng ngài Tổng thống xứng đáng được an nghỉ tại một nơi đàng hoàng hơn.
Từ Sài gòn, Giám mục Hoàng Đức Oanh cho biết ông đã cùng các linh mục dâng lễ cầu nguyện cho người sáng lập nền Việt Nam Cộng Hòa, người mà ông nói "luôn được mọi người yêu quý, kính trọng và sống mãi trong lòng người".
"Chúng tôi đến tưởng nhớ công ơn của Ngài vì Ngài đã là mẫu gương tuyệt vời cho chúng tôi về mặt đạo đức. Ngài là một tín hữu công giáo gương mẫu, một lãnh đạo yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu quê hương Việt Nam, đã đấu tranh kiên cường cho nền độc lập Việt Nam. Ngài đã bị giết một cách thảm khốc. Chúng tôi yêu mến Ngài và tưởng nhớ công ơn của Ngài".
Giám mục Hoàng Đức Oanh nói dù buổi lễ diễn ra suông sẻ nhưng ông cho biết chính quyền địa phương vẫn luôn cho an ninh theo dõi và ghi hình.
"Ngày hôm nay tôi thấy (an ninh) khá yên tĩnh, không như những lần trước, không bị phá phách. Việc bị theo dõi thì đương nhiên rồi !".
Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn viết trên Facebook : "Tới 300 người tham dự, không kể an ninh mật vụ khoảng 50 người !".
Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2/11/1963, sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Một tài liệu giải mật của CIA vào tháng 10 năm 2017 cho biết cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và cho rằng vụ ám sát ông Kennedy là một ‘quả báo’.
Cựu Giám mục Kontum nói ông ước mong có một nơi đàng hoàng hơn để cố lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa an nghỉ :
"Chúng tôi ước mong có một nơi dành cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Ngài – một nơi xứng đáng hơn, phù hợp hơn. Có nhiều lãnh tụ người ta càng tô điểm bao nhiêu thì càng xấu bấy nhiêu nhưng hình ảnh của ông Ngô Đình Diệm, cho đến giờ phút này, ngày cảng tỏa sáng thêm và càng huy hoàng hơn. Ông chính là hạt lúa miến đã gieo vào lòng đất của Việt Nam, nay đã trở thành cây lúa lớn, và sẽ mang lại nhiều hoa trái cho dân tộc".
Theo trang Kienthuc.net.vn, sau khi bị ám sát ngày 2/11/1963, ông Ngô Đình Diệm và em trai được chôn cất ở khu đất phía sau Bộ Tổng tham mưu Quân lực chính quyền Sài Gòn. Được một thời gian ngắn, chính quyền Sài Gòn dời mộ sang nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Quận Nhứt. Vào năm 1985, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây công viên Lê Văn Tám, các ngôi mộ phải chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu.
Theo Linh mục Thanh, vào cuối thánh lễ, Giám mục Hoàng Đức Oanh mong muốn một tổ chức nào đó của người Việt hay thu thập tư liệu và làm hồ sơ xin Tòa thánh Vatican nhìn nhận cá nhân anh hùng và gương sáng đức tin của cụ Diệm. Ông nói : "Cụ xứng đáng được người Công giáo tôn kính".
Vào tháng 3/2018, Chính quyền Việt Nam lần đầu tiên mở trưng bày sử liệu về biến cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, tại khuôn viên dinh Thống Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Dù cuộc triển lãm có nhan đề là "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966", ban tổ chức đã dành một gian riêng ở tầng hai ở một tòa nhà trong khuôn viên dinh Thống Nhất, dùng để giới thiệu diễn biến của cuộc đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày ông làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại rồi trở thành tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam.
Nguồn : VOA, 02/11/2018
***************
Người Việt ở Biển Hồ bị ‘di dồn’ và những lời hứa tại Bali (VOA, 02/11/2018)
Rắn rít, nước ngập, không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không đường bộ… là những khó khăn mà người dân tạm cư gốc Việt ở huyện Boribo, tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia gặp phải khi họ chuyển nhà thuyền ra khỏi khu Biển Hồ từ đầu tháng 10 cho đến nay. Vì cuộc sống ở khu tạm cư quá bấp bênh, khắc nghiệt cho nên đêm đêm, hàng chục gia đình tìm cách thoát khỏi nơi đây, tìm đi nơi khác nương náu hoặc đi ghe thẳng ra sông cái lớn tìm đường về cố hương. Thế nhưng người tha phương không dễ dàng chạy thoát, một số gia đình nói họ bị viên chức địa phương chặn lại và "làm tiền" và thậm chí có gia đình muốn về Việt Nam nhưng không có tiền "lót tay" cho chính quyền.
Trong tháng qua, kể từ khi chính quyền Campuchia giải tỏa trắng khu nhà bè trên Biển Hồ hôm 1/10 đã có hơn 600 hộ trong số 800 hộ đã ra đi vì không kham nỗi cuộc sống cơ cực nơi tái định cư. Các ngư dân gốc Việt cho VOA biết trong khi những người còn ở lại chỉ biết kêu cứu và mong chờ sự trợ giúp nhưng chính quyền lại "né tránh, hứa suông".
‘Di dồn’ ngư dân
Ông Nguyễn Văn Hiếu, 49 tuổi, một di dân gốc Việt đến Biển Hồ cùng với cha mẹ năm ông 13 tuổi để đánh bắt cá, nói với VOA rằng hồi đầu tháng 10 có đến hơn 800 gia đình từng sống trên bè nổi ở Biển Hồ đã phải di chuyển thuyền bè đến nơi tạm cư mới theo lệnh giải tỏa của chính quyền, nhưng cuộc sống ở nơi mới thì thiếu thốn đủ thứ :
"Chính quyền Campuchia đuổi tất cả chúng tôi vào trong rừng. Họ hứa sẽ làm đường lộ, chạy nước nhưng không biết có làm hay không. Ở trên vạt rừng này rắn rít bò lên nhà làm cho dân tình rất sợ. Không có đường đi, không nước sinh hoạt, không nhà vệ sinh nên gây mùi hôi thối".
Ông Tống Văn Sến, 37 tuổi, sinh ra tại vùng Biển Hồ, cũng giống như hàng ngàn ngư dân khác cho đến nay vẫn chưa có quốc tịch Campuchia, nói với VOA :
"Hai vợ chồng em có hai đứa con, cuộc sống vô cùng khắc khổ, làm ăn ở đây rất khó khăn, không biết sẽ ra sao khi không có điện – nước… Không có cái gì cả. Nhà thì nổi trên đọt lùm, đất chìm, không có bờ. Tụi em bàn tính để đi, chứ không ở lại. Mình xin đi ra thì họ không cho. Ai đi mà bị bắt thì họ phạt, và họ tước giấy tờ. Họ lấy luôn cả giấy mà mình đã đóng phí 250 ngàn rieh để có được trước đây".
Từ tháng 12 năm ngoái, khi chính phủ Campuchia thu hồi giấy tờ cũ được cho là cấp sai qui định, một số người Việt cho biết họ được hỗ trợ trả khoản phí đăng ký giấy tờ mới 250 ngàn rieh (khoảng 1,4 triệu đồng), được gọi là thẻ thường trú ngoại kiều, do các hội đoàn gốc Việt tại Campuchia tài trợ cùng với sự thu xếp của cơ quan ngoại giao Việt Nam.
Theo quy định hiện hành của chính phủ Campuchia, người gốc Việt dù đến Campuchia vào thời điểm nào, miễn trước 2012, đều phải đăng ký 3 lần, cứ hai năm một lần, cho đến năm thứ 7 thì có thể xin vào quốc tịch Campuchia.
Theo các ngư dân, chưa ai trong số họ có quốc tịch Campuchia và nếu như họ quyết định chạy thoát và không may bị chặn lại và bị tịch thu giấy đăng ký ngoại kiều, thì con đường mưu sinh trên đất Campuchia lại càng thêm chông gai, tương lai càng mù mịt.
Ông Hiếu chia sẻ :
"Những người nào ở bè thì bị đuổi đi hết. Người Campuchia thì còn được chuyển đến phía bên ngoài, gần đường lộ và gần mé sông, còn người Việt Nam thì bị đuổi vô đây hết. Ở đây giống như ở trong rừng ngập nước, phía dưới nhà thì đầy gai gốc, cây đội lên sàn nhà, ghe bị thủng chìm".
Ô nhiễm, bệnh tật
Các ngư dân cho biết nơi tập kết mới là vùng đất trũng ngập nước, nhà nổi của họ hiện ở phía trên khu vực rừng cây mai dương, nước ngập không có đường đi lại, gây ảnh hưởng rất lớn về sinh hoạt, môi trường. "Chỉ còn một vài ngày nữa thôi, khi nước rút xuống thì cây cối sẽ đâm thủng thuyền bè". ông Hiếu lo lắng.
Sau một tháng bị dồn đến nơi đầm lầy hoang dã, ngư dân Trần Văn Tuấn, 53 tuổi, chia sẻ :
"Chính quyền di dồn, đuổi dân lên đọt cây, lên rừng rậm, nơi nguy hiểm không có nước sinh hoạt, không nơi chứa nước thải, bị ô nhiễm. Bà con phải tắm giặt bằng nước dơ mang mầm bệnh. Thậm chí ông sư thầy trụ trì chùa hơn 50 năm vừa chết vì sanh bệnh cách nay hai ngày".
Ông Hiếu cho biết có hơn 600 gia đình bỏ nơi tạm cư mới ra đi và gia đình ông cũng muốn chạy thoát nhưng chưa thực hiện được.
Ông nói sống ở đó như bị giam lỏng :
"Họ không cho chúng ta ra ngoài. Những người ra đi liền bị họ áp tải vô trở lại và bị họ phạt rất nhiều tiền. Tôi cũng muốn ra ngoài nhưng không đi được. Nếu họ không cho ra thì chỉ còn khoảng 2-3 ngày nữa nước rút xuống thì chúng tôi bị mắc cạn, không kéo nhà ra được. Chúng tôi ngày đêm lo lắng, bàn tính chắc sẽ bỏ nhà bè mà đi, chứ không còn ở đâu được".
Ngài Đại sứ "làm không xuể"
Trong một email phản hồi VOA hôm 30/10, ông Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, cho biết công việc chuẩn bị cho tái định cư cho người gốc Việt của chính quyền Phnom Penh "chưa được tổ chức tốt".
Hôm 29/10, phát biểu khi đến thăm các hộ dân gốc Việt thuộc diện di dời ở huyện Boribo, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng người Campuchia gốc Việt luôn ủng hộ chủ trương di dời người dân sống trên Biển Hồ của Chính phủ Campuchia, "về nguyên tắc, đây là chủ trương đúng đắn để giải quyết vấn đề môi trường, ổn định đời sống lâu dài cho người dân", theo đài VOV.
Ông cũng ghi nhận rằng khu vực di dời chưa đảm bảo các điều kiện hạ tầng cần thiết như : Điện, đường, nước sinh hoạt, đặc biệt là hệ thống thoát nước và chất thải.
Hôm 1/11, ông Hiếu nói Đại sứ Vũ Quang Minh có đến thăm nơi tái định cư mới của làng bè, cách nơi cũ khoảng 4-5 km, và nhà ngoại giao Việt Nam có vẻ thất vọng trước những lời hứa của chính quyền Campuchia.
Ông Tuấn nói các nhà ngoại giao Việt Nam "làm không xuể" trước việc mạnh tay giải tỏa và bỏ mặc của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang.
Bất lực trước cảnh này, ông Sến nói nếu tình hình không thay đổi thì gia đình ông cũng như các gia đình khác sẽ thu dọn đồ đạc xuống ghe vỏ lãi mà quyết chạy trốn.
"Cho đến nay vẫn chưa nghe đến việc được hỗ trợ gì. Đã khổ rồi ! Mình lên xin hoài mà người ta cứ kêu chờ, mình chờ hoài từ 1/10 đến bây giờ, cả tháng rồi !".
Hôm 1/11, ông Tuấn nói ông mạnh mẽ lên án việc chính quyền Thủ tướng Hunsen hứa hẹn và cam kết hỗ trợ ngư dân không thực hiện.
"Thủ tướng Hunsen có hứa với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Indonesia hôm 11/10 là sẽ làm đường, dẫn điện, có trạm xá, trường học để bà con ổn định lâu dài rồi mới di dời bà con lên. Nhưng bên này không giữ lời hứa, chính quyền địa phương tráo trở. Hunsen nói là chỉ đạo xuống nhưng chính quyền ở đây thì làm ngơ. Đại sứ Vũ Quang Minh xin gặp tỉnh trưởng để yêu cầu hỗ trợ, nhưng họ nói bận, hơn một tuần nay chưa gặp được".
Bên lề cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) và Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF - WB) tại Bali, Indonesia, ông Hun Sen nói đã trực tiếp chỉ đạo Tỉnh trưởng Kampong Chhnang xử lý đề nghị của ông Phúc về việc bảo đảm di dời có thời gian quá độ phù hợp, tránh làm xáo trộn đời sống người dân trên Biển Hồ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Campuchia, và chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, nhưng chưa được phản hồi.
Gia đình ông Tuấn, ông Hiếu và ông Sến, cũng như hàng trăm gia đình bị di dời, khẩn thiết đề nghị chính quyền Campuchia cho phép họ di chuyển tới địa điểm tạm cư mới đủ điều kiện sống tối thiểu, bảo đảm vệ sinh môi trường và có thể mưu sinh trong thời gian chờ đợi chính quyền tìm các biện pháp cho bà con tái định cư lâu dài, hoặc nếu chưa có địa điểm phù hợp thì cho phép họ quay tạm trở lại nơi ở cũ.
Vào cuối tháng 9, Nhật báo Phnom Penh Post dẫn lời thống đốc tỉnh Kampong Chhnang, ông Chhour Chandoeun, nói rằng việc di dời là cần thiết để "duy trì chất lượng nước", vì các làng nổi đã gây ô nhiễm và tàn phá hệ sinh thái trong hồ.
Bộ Thông Tin Cambodia dẫn lời một giới chức địa phương khác cho hay, những người sống trên đoạn sông Tonle Sap chảy qua Thành phố Kampong Chhnang, thủ phủ tỉnh cùng tên, sẽ được di dời tới một khu đất rộng 40 héc ta, nhưng dường như đây chỉ là một khu đất hoang ngập nước.
Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Campuchia vào cuối tuần trước, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã nhắc lại các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó về việc đảm bảo hạ tầng thiết yếu và không làm xáo trộn đời sống người dân tái định cư, nhưng hầu như chưa nhận được phản hồi tích cực từ phía Campuchia.
Vi phạm nhân quyền
Nhiều gia đình, trong đó phần đông là người Việt, chọn Biển Hồ làm nơi sinh sống từ lâu đời. Kế sinh nhai chủ yếu của họ dựa vào việc nuôi cá và nguồn cá đánh bắt được trong hồ nên có ý kiến cho rằng khi bị giải tỏa lên đất liền, họ sẽ mất nguồn thu nhập chính và không biết sống dựa vào đâu.
Các tổ chức nhân quyền đã lên án vụ di dời là tàn nhẫn, và nhiều người cho rằng quyết định của nhà cầm quyền Cambodia có nguyên nhân sâu xa về chủng tộc.
Khu tạm cư mới của ngư dân gốc Việt. Photo VOV.
Ông Tuấn nói ông và nhiều ngư dân Biển Hồ đã gửi thư cho Cao ủy Nhân quyền LHQ tố cáo rằng việc chính quyền Campuchia đối xử bất công với người gốc Việt là vi phạm nhân quyền, phân biệt chủng tộc.
"Họ luôn nói tôn trọng nhân quyền, không phân biệt chủng tộc, nhưng hành động trong tháng chứng tỏ rằng họ vi phạm nhân quyền, đối kỵ với mình là người Việt Nam. Họ đàn áp và xem thường người Việt Nam".
Hàng ngàn người Việt ở Campuchia đã phải trở về Việt Nam bằng thuyền và hiện đang tạm cư trong tình trạng nghèo khổ và vô tổ quốc tại hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, cũng như các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai và Kiên Giang.
Khi trò chuyện với VOA cũng là lúc màn đêm buông xuống ở khu tạm cư của người Việt vùng Biển Hồ, ông Sến khăn gói các vật dụng cần thiết sẵn sàng cho một hành trình hồi hương nếu có cơ hội, trong khi đó ông Hiếu thì dặn con rễ xem tối nay nhớ châm thêm dầu vào máy điện, để mắt vào mấy cọc nhọn cây mai dương ở dưới sàn nhà nổi, còn vợ ông đang kiểm tra xem bồn nước uống có đủ cho cả thảy bảy người hay không.
An Hải
Nguồn : VOA, 02/11/2018