Núp bóng để gom đất
Vụ việc mới nhất được cư dân mạng chia xẻ là một chủ đất ở Sài Gòn sau khi phát hiện doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau giao dịch liên quan đã xin hoàn trả toàn bộ số tiền cũng như hủy hợp đồng buôn bán tại tòa ; thế nhưng bị tòa án xử thua kiện.
Người Trung Quốc “thâu tóm” đất ven biển Đà Nẵng - Ảnh minh họa. AFP
Lâu nay dư luận xôn xao về tình trạng Trung Quốc sử dụng người dân hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đứng tên sở hữu nhằm né tránh luật pháp Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định về quyền sở hữu nhà đất.
Tại phiên trả lời chất vấn hồi 05 tháng 06 năm 2018, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng chưa phát hiện trường hợp người nước ngoài mua đất ở Việt Nam
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn thì trong luật quy định về nhà ở của Việt Nam năm 2014 có cho phép người nước ngoài được quyền mua nhà tại nước sở tại nhưng chỉ được một căn thôi và với điều kiện là họ phải chứng minh được đầy đủ có loại thủ tục theo yêu cầu.
Tuy nhiên, luật sư Hậu cho biết : "Họ chỉ được mua nhà thôi chứ không được quyền mua đất nhưng họ lách luật bằng cách họ kêu người khác đứng tên dùm chứ mỗi người chỉ được sở hữu một căn thôi".
Chị Cẩm Vân một người dân sống tại Đà Nẵng người chuyên về buôn bán bất động sản tại đây cho chúng tôi biết, việc người Trung Quốc mua nhà, đất tại Đà Nẵng diễn ra từ lâu nay rồi. Còn việc người Trung Quốc hiện nay công khai sở hữu đất tại Đà Nẵng bằng việc lợi dụng kẻ hở pháp luật Việt Nam thì chị xin phép không trả lời.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cũng thừa nhận việc người Trung Quốc lách luật để sở hữu bất động sản tại Việt Nam nó diễn ra khá lâu rồi nhưng :
"Khoảng tầm 3-4 năm trở lại đây thì tại Nha Trang sự việc này diễn ra rất phổ biến, họ liên doanh góp vốn với người Việt Nam để mở cái này cái kia để kinh doanh và đứng tên chủ sở hữu là người Viejt Nam nữa. Thậm chí tôi có một người cháu làm kiến trúc sư nó đi làm bất động sản nó thấy người Trung Quốc tên hẳn hoi và đưa cả căn cước ra chính xác là người nước ngoài nhưng vẫn được đăng ký nên tôi rất ngạc nhiên. Sau đó báo chí và ban lãnh đạo địa phương cũng có chất vấn về vấn đề này và nói sẽ kiểm tra lại".
Kẽ hở luật pháp
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đà Nẵng trong một lần trả lời với báo chí cho rằng, bằng việc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc dự án, nhiều người Trung Quốc đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Sơn giải thích khi một người Việt Nam mua đất thì Sở Tài nguyên Môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Sau đó họ sẽ thành lập doanh nghiệp rồi liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc để cổ phần hóa doanh nghiệp với tỉ lệ 49% - 51%. Phía Việt Nam sẽ góp vốn bằng đất còn toàn bộ những chi phí còn lại do các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng (Ảnh minh họa). RFA
Theo luật Việt Nam, tỉ lệ 49% - 51% là doanh nghiệp đầu tư trong nước, do đó sở Tài nguyên và Môi trường phải cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của phía Việt Nam.
Đồng ý với điều này luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm :
"Luật quy định người nước ngoài góp vốn chỉ được 49% mà thôi bởi vì hơn họ sẽ toàn quyền quyết định mọi thứ nên luật quy định như vậy, mà Việt Nam mình thì chưa có kinh nghiệm nhiều về thương trường này nên mình đành phải chấp nhận tạm thời như thế. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có quá nhiều tiền họ làm cái này cái kia rồi quyết đầu tư lỗ luôn sau đó họ sẽ mua lại cái đầu tư lỗ đó và họ trở thành sở hữu 100%".
Chưa tìm ra giải pháp
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, biện pháp xử lý khắc phục tình trạng này thật sự khó bởi vì họ làm đúng luật, Ông cho biết :
"Tôi nghĩa rất khó xử lý các trường hợp như thế này vì theo luật người nước ngoài không được quyền mua đất nhưng người Việt Nam mình thì thấy ham lợi đứng tên mua dùm cho người ta thì luật cũng khó mà xử lý được. Cho nên tôi thấy nên kết hợp tuyên truyền cho người dân đừng thấy lợi trước mắt mà gây nguy hại cho quốc gia. Chứ bây giờ càng ban bố luật thì người ta lại càng lách luật tiếp thì thật sự là khó đấy".
Một vị luật sư xin giấu tên từ Đà Nẵng trao đổi với chúng tôi qua tin nhắn rằng xử lý vi phạm kiểu này khó, nhưng không phải là không có cơ sở nếu quản lý chặt từ đầu. Vị luật sư cho rằng cần phải làm nghiêm từ đầu, xác minh và điều tra rõ nguồn gốc số tiền mua đất của chủ sở hữu, như vậy chắc chắn không ai dám nhận tiền mua đất cho người nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng sắp tới Việt Nam sẽ có điều chỉnh lại luật về nhà ở đất đai. Ông trình bày :
"Trong kinh doanh buôn bán thì họ sẽ dùng mọi cách miễn sao luật cho phép họ thì họ mua cho nên họ mới lách luật. Bây giờ nên đánh thuế mạnh vào người mua bất động sản, càng nhiều bất động sản anh phải đóng thuế càng cao nên tôi nghĩ sắp tới sửa luật theo hướng như vậy. Anh muốn bao nhiêu căn cũng được nhưng phải đóng thuế theo giá trị gia tăng của anh. Vì vậy quá trình về luật nhà ở nó có khe hở như vậy. điều này nó gây mất bình đẳng mà nhà nước thì lại không thu thuế được".
‘Mất bò mới lo làm chuồng’ là câu nói dân gian có thể áp dụng vào trường hợp doanh nghiệp hay cá nhân người Trung Quốc núp bóng người Việt để thâu tóm nhà- đất tại Việt Nam. Tuy nhiên những qui định như Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ra chưa biết đến khi nào mới hình thành và mang lại hiệu quả !
Nguồn : RFA, 02/11/2018