Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/11/2018

Bắt con hỏi cha, bán đảo Thanh Đa, cơ chế từ chức

Tổng hợp

Có hợp pháp khi triệu tập con gái 13 tuổi để điều tra về cha ? (RFA, 02/11/2018)

Ngày 15/10/2018, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh gửi giấy triệu tập (Lần 1) cho bé Trần Lê Thanh Hà, 13 tuổi, đến với lý do nêu ra nhằm hỏi về việc có liên quan đến người cha, ông Trần Thanh Phương.

vn1

Bé Trần Lê Thanh Hà (phải) và mẹ, chị Lê Thị Khanh, cùng em gái. Hình : fb Thích Ngộ Chánh

Bà Lê Thị Khanh, thân mẫu của bé Trần Lê Thanh Hà, cho biết ông Trần Thanh Phương bị công an phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bắt giữ hôm 1/9/2018 do tham gia biểu tình phản đối Dự luật đặc khu hôm 10/6/2018 tại khu vực trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Bà cho biết con gái của bà bị an ninh triệu tập là vì một video clip được tải trên mạng :

Tối ngày 1/9/2018, bé Trần Lê Thanh Hà có quay một clip bằng điện thoại di động trước phường do lo sợ ba bị tra tấn ở phường, đồng thời trong điện thoại của bé cũng có hình công an đến nhà buổi sáng. Do đó công an phường tịch thu điện thoại của bé và nói rằng công an mới đến nhà buổi sáng mà có hình trên mạng rồi.

Luật sư Hà Huy Sơn, vị luật sư thường nhận bào chữa cho các nhân vật bất đồng chính kiến, từng tham gia bào chữa cho một số vụ án chính trị lớn ở Việt Nam cho biết về trường hợp bé Thanh Hà :

Việc đó thì phải có người bảo hộ, tức bố mẹ, người nhà hoặc thầy cô giáo đi giám sát cùng. Phải từ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. 14 tuổi tính cho đến ngày có hành vi bị cho là phạm tội.

Bé Thanh Hà sinh tháng 3/2015, tức chỉ mới 13 tuổi.

Trao đổi với Luật Sư Đặng Đình Mạnh về trường hợp trẻ 13 tuổi mà nhận giấy triệu tập có xảy ra nhiều hay không, ông nói "Rất tiếc về vấn đề bạn hỏi thì tôi không có con số thống kê để trả lời được. Nhưng tôi nghĩ không nhiều đâu. Vì trẻ 13 tuổi mà phạm pháp thì cũng hiếm hoi lắm".

Không dám đưa con lên công an

Trò chuyện với RFA qua điện thoại vào tối ngày 2/11/2018, bà Khanh cho biết đã mất niềm tin khi công an nói chỉ triệu tập người chồng lên làm việc một lúc rồi về, nhưng giam luôn mà không gửi bất cứ một giấy thông báo nào. Rồi khi thu điện thoại của cháu Thanh Hà cũng hẹn ngày hôm sau trả mà rồi cũng giữ luôn.

Bà Khanh nói rõ nay không dám cho con đến cơ quan công an làm việc vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bé. Bà cho biết Công an đến nhà hăm dọa là nếu để gửi giấy triệu tập lần hai, lần ba mà không lên thì sẽ bị cưỡng chế ; khiến bà rất phân vân.

Bản thân bà cũng được biết tình trạng người dân chết trong đồn công an một cách bất minh. Vào năm 2015, Bộ Công an từng có báo cáo thừa nhận trong 3 năm, từ 2011 đến 2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại trạm giam, với lý do được công an đưa ra là do bệnh lý, do tự sát. Từ năm 2015 đến nay chưa có số liệu chính thức được công bố, nhưng một số nguồn thống kê không chính thức cho biết năm 2017 đã xảy ra 13 vụ người dân chết khi bị giam giữ tại đồn công an.

RFA liên lạc với Cơ quan Điều tra trên giấy mời nhiều lần nhưng không ai trả lời điện thoại.

Về ông Trần Thanh Phương được biết ông là thành viên của nhóm hoạt động có tên ‘Hiến Pháp’. Tôn chỉ của nhóm này được nói giúp nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền cũng như các quyền chính trị và dân sự.

Tổ chức có tên Human Rights Defenders vào ngày 29 tháng tư dẫn phát biểu của một thành viên trong nhóm Hiến Pháp rằng họ có kế hoạch biểu tình ôn hòa vào ngày 4/9/2018 để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tham nhũng có hệ thống, sự nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc cũng như nạn ô nhiễm môi trường khắp nơi trên cả nước.

Tuy nhiên khi kế hoạch chưa được thực hiện thì lực lượng chức năng ratay bắt giữ 9 thành viên vào ngày 1/9/2018. Đến nay, đã có ba thành viên của nhóm ‘Hiến Pháp’ bị khởi tố.

Đó là ông Huỳnh Trương Ca bị Công an tỉnh Đồng Tháp khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hôm 14/9 với cáo buộc tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước VN".

Hai người khác gồm ông Ngô Văn Dũng và Hồ Văn Cương bị truy tố về tội "phá rối an ninh". Tuy nhiên người nhà của ông Ngô Văn Dũng bác bỏ nói ông này không phải thành viên của nhóm Hiến Pháp.

Diễm Thi

****************

Dân ‘treo’ gần 30 năm theo dự án Bán đảo Thanh Đa (RFA, 02/11/2018)

Dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa ở bán đảo Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh được ký phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được tiến hành. Đây được đánh giá là dự án treo lâu nhất tại Sài Gòn. Và người dân trong vùng quy hoạch phải chịu tình trạng mà theo họ mô tả là ‘còn hơn cảnh ở quê’.

vn2

Bán đảo Thanh Đa, Bình Thạnh. RFA

Cấp giấy phép sửa chữa nhà : có hay không ?

Trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày một tháng 11, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã chấp thuận cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân trong khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đang bị quy hoạch trong 26 năm qua.

Trước đó, phía Ủy ban Nhân dân thành phố cũng thể hiện nỗ lực giúp đỡ người dân Thanh Đa bằng cách ban hành Quyết định số 26 vào ngày 20 tháng 6 năm 2017 để người dân có thể xây dựng, sửa chữa nhà… Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 2 có quy định phải có giấy tờ chứng nhận sử dụng đất, tương đương với sổ hồng, sổ đỏ…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 2 tháng 11, một người dân sống tại khu quy hoạch Thanh Đa tại phường 28, quận Bình Thạnh, cho biết ngôi nhà anh tự dựng lại trên đất của anh đã bị tháo dỡ 2 lần vì không có giấy tờ. Dù biết sẽ bị cưỡng chế anh vẫn cố thử, vì không thể 8 người cùng chung sống trong một căn nhà nhỏ lợp tôn nóng nực :

"Anh cầu mấy ổng cho người dân (sửa) tạm bợ đi, rồi sau này giải tỏa chỉ đền miếng đất thôi, còn xác nhà không đền, ký vô liền. Mà mấy ổng đâu có chịu, kêu là trước mắt anh cứ cất nhà là anh sai pháp luật, anh cứ dỡ đi, mướn nhà ở. Hỏi tiền đâu mà mướn ?"

Theo thông tin từ Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh đã có chỉ thị mới. Theo đó, người dân có thể yêu cầu Ủy ban cấp giấy tờ để sửa chữa nhà :

"Người dân rất là khổ sở khi mà người ta không được xây nhà, người ta có giấy tờ nguồn gốc đất mà không được quyền sử dụng đất. Vừa rồi tôi có đi giám sát cùng Hội đồng nhân dân tôi có hỏi vấn đề này thì Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh nói là bây giờ những người dân nào sửa nhà thì Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh vẫn cấp, bắt đầu từ tháng 10. Thông tin này là mới nhất đó".

Trong thực tế, người dân tại đây cho biết anh đã gửi đơn xin lên tới Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh nhưng vẫn không được đáp ứng ước nguyện và bị trả đơn vào ngày một tháng 11 :

"Cứ 1-2 tháng vô cưỡng chế, kéo một đám vô cưỡng chế tháo dỡ, sao sống được. Anh làm đơn lên quận mà quận nói nhà anh nằm trong quy hoạch phải tháo dỡ. Anh làm đơn rồi, mới bãi nại đem về hôm qua kìa".

Chúng tôi có liên lạc với Ủy ban Nhân dân phường 28, quận Bình Thạnh, nhưng điện thoại chuyển sang tín hiệu fax.

Dự án treo 26 năm

Cũng trong buổi họp báo ngày một tháng 11, ông Nguyễn Văn Hoan cho biết thành phố sẽ đấu thầu dự án chứ không chỉ định thầu như trước đây đã từng làm.

Theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc giải phóng mặt bằng sẽ là vấn đề khó khăn nhất và mất tới 300 ngày. Bên cạnh đó, phải mất thêm 500 – 800 ngày để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Do đó, dự án sẽ tiến triển chậm, nhưng thành phố kiên quyết thực hiện Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Một người dân tại bán đảo Thanh Đa cho rằng nhà nước cần phải nói chi tiết hơn nữa, vì người dân nơi đây đã chờ quá lâu và nghe quá nhiều lời hứa :

vn3

Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh trả lời người dân. RFA

"Nhà nước bây giờ nói khu bán đảo Thanh Đa này hoàn toàn giải tỏa, có quy hoạch thì nó phải cụ thể phần nào hay là hết. Bây giờ cứ nói chung chung, chúng tôi chỉ biết nghe vậy thôi. Thậm chí nói đúng một câu là gọi rất nhiều lần cũng chán, chẳng đi họp làm gì vì không giải quyết được gì.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992 đã ký phê duyệt quy hoạch phát triển bán đảo Thanh Đa trở thành siêu dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa.

Đến năm 2004 thì Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn được giao triển khai dự án này nhưng không thực hiện được nên Thành phố quyết định thu hồi vào năm 2010.

Theo nhiều đánh giá chuyên gia, đến thời điểm đó, dự án này có thể bị thu hồi do đã vi phạm Luật đất đai. Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết :

"Tôi cho rằng Luật đất đai đã nói trong dự án đó anh mà không triển khai trong vòng ba năm thì coi như là anh không thực hiện dự án đó nữa bởi vì quá thời hạn mà anh không đưa vào. Cái này do trước tới giờ không ai lên tiếng".

Sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã cho Tập đoàn Bitexco thực hiện điều chỉnh quy hoạch dự án với diện tích 426 hecta đất, gần như tổng diện tích phường 28 quận Bình Thạnh.

Trên trang web của Bitexco, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được mô tả như một khu đô thị sinh thái với môi trường sống hiện đại cho khoảng gần 50.000 người.

Thủ tướng chính phủ Hà Nội vào ngày 6 tháng 9 năm 2011 cũng đã gửi công văn chấp nhận đề nghị chỉ định thầu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 26 tháng 11 năm 2015 thì Ủy ban thành phố chỉ đinh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC của Dubai thực hiện dự án này.

Tuy nhiên phía công ty Dubai đã rút khỏi dự án vào ngày 18 tháng 10 năm 2016.

Đến tháng 8 năm 2018 thì dự án mới được giao cho Sở kế hoạch Đầu tư để đưa ra các đề xuất tổ chức đấu thầu.

Hai tháng sau đó, Sở Xây dựng đưa ra hai phương án giải quyết cho dự án này.

Như vây, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã trải qua 26 năm được duyệt nhưng vẫn chưa bắt tay vào tiến hành.

Khác với những mô tả về Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được quảng cáo trên trang web của Tập đoàn Bitexco, bán đảo Thanh Đa ngày nay hoang sơ và đổ nát, mà theo như lời người dân sống tại đây là "sống ở thành phố mà còn thua nhà quê".

Theo nhà báo Sương Quỳnh, trách nhiệm này thuộc về những người lãnh đạo :

"Khi họ đưa ra một quy hoạch họ không thực hiện được, theo mình nghĩ đấy là sự vô trách nhiệm của thành phố. Khi họ không làm được đáng lẽ sau ba năm họ phải hủy quyết định đó đi để quy hoạch lại cho người dân sinh sống. Nhưng họ đã không làm điều đấy, họ cứ để một khu quy hoạch treo như thế làm cho ảnh hưởng như thế nào đến người dân ở khu Thanh Đa đó. Lỗi đấy là của lãnh đạo thành phố, qua 26 năm là qua vài ba ông rồi".

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hầu hết những người dân tại đây đều mong muốn thành phố nhanh chóng tìm ra giải pháp hợp tình hợp lý cho người dân vì mọi người đều biết dự án sẽ vẫn thực hiện, chỉ là không biết lúc nào bắt đầu :

"Theo anh nghĩ quy hoạch phường 28 này không bỏ đâu, nhưng mà cảnh như Thủ Thiêm vậy".

*****************

Có xây dựng được "cơ chế từ chức" tại Việt Nam chưa ? (RFA, 02/11/2018)

Một Đại biểu quốc hội tại phiên chất vấn sáng một tháng 11 năm 2018, đã hỏi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về vấn đề nêu gương, cán bộ "chủ động từ chức khi không còn uy tín", sẽ được thực hiện như thế nào ?

vn4

Ảnh minh họa : Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018. AFP PHOTO

Có thể thực hiện chưa ?

Ông Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, trong luật cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đại biểu quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, người cũng có mặt trong buổi chất vấn tại Quốc hội hôm một tháng 11, để tìm hiểu về vấn đề này và được ông cho biết :

"Tôi nhớ cách đây 5 năm, khi mà tôi có nêu vấn đề văn hóa từ chức lên, thì lúc đó người ta thấy nó không bình thường, vì nó mới mẻ, nhưng đến nay người ta nói đến rất nhiều và đang xây dựng một quy chế về việc từ chức. Như gần đây nhất đảng đưa ra những yêu cầu về tính gương mẫu của các nhà lãnh đạo thì cũng nhắc đến yếu tố từ chức. Và ngày hôm nay một tháng 11 trên diễn đàn Quốc hội có nói đến điều đó. Như thế là nó có một yêu cầu xã hội thật sự, một cái phương thức nếu nhìn theo truyền thống thì nó bình thường, nhưng nếu nhìn ra thiên hạ thì nó càng bình thường hơn nữa".

Sử gia Dương Trung Quốc cho biết, trong lịch sử Việt Nam, chuyện từ quan thì tương đối bình thường, đôi khi chỉ vì những lý do rất đơn giản, như để về cư tang cha mẹ (1) chẳng hạn, thì người ta có thể từ quan. Đó là chưa kể là họ cảm thấy bất cập với trách nhiệm của mình, họ cũng từ quan.

Từ chức nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội.

Ông nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói :

"Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội,thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại".

Ông Dương Trung Quốc nói thêm ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Và từ chức là một biện pháp tối ưu để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến vị thế của bản thân người đó trong xã hội.

vn5

Ảnh minh họa : Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII hôm 22/10/2018.AFP

Trở lại với tình hình Việt Nam hiện nay, từ Sài Gòn, Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng, cho biết những thực tế khi ông làm việc từng chứng kiến :

"Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất".

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.

Cần xây dựng hệ thống giá trị xã hội

Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nên xây dựng cơ chế từ chức :

"Nếu các vị lãnh đạo dùng đức trị được, tức là tính tự giác, tính gương mẫu của con người cao, người cán bộ phải biết liêm sỉ khi thấy tại vị không có uy tín hay cản trở công việc, thì từ chức. Nhưng cũng có đối tượng chây lì, không tự nguyện tự giác từ chức,thì chẳng lẽ cứ chờ họ tự nguyện từ chức. Vì vậy phải cần xây dựng cơ chế từ chức để chế tài".

Vì ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên phải có cách chức, bãi nhiệm. Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, từ chức là lòng tự trọng, người lãnh đạo phải có lòng tự trọng, khi thấy mình không còn tín nhiệm nữa thì tự rút. Ông chia sẻ :

"Ở đây tôi thấy phần lớn họ đều bám đến cùng. Như ông Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc hội trước đây, mấy chục năm theo đảng thì đảng giao nhiệm vụ gì thì ông ấy làm, ông ấy không từ chối gì. Vì từ chức là thoái thác nhiệm vụ của đảng giao, cho nên họ cứ bám, họ bám họ được lợi nhiều thứ".

Sử gia Dương Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác, đó là hệ thống giá trị xã hội hiện nay người ta chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông nói tiếp :

"Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm".

Theo Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.

---

(1) Cư tang Cha Mẹ : Thời xưa, dẫu làm quan đến chức gì, theo phép nước, hễ cha mẹ mất đều phải về chịu tang 3 năm trừ trường hợp đang bận việc quân nơi biên ải hay đi sứ nước ngoài.

Quay lại trang chủ
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)