Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu vấn đề an ninh Biển Đông tại hội nghị cấp cao Đông Á
VOA, 28/10/2021
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào tối ngày 27/10, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề cập đến vấn đề an ninh Biển Đông, cho rằng việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung, và kêu gọi các quốc gia kiềm chế, dù ông không đề cập đến Trung Quốc.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, ngày 27/10/2021. Photo Chụp từ đài VTV.
Phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo các nước ASEAN, và lãnh đạo các đối tác, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, ông Chính nói :
"Duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung và cần có sự chung tay đóng góp của tất cả các nước," theo Cổng thông tin Chính phủ.
"Các quốc gia cần tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, theo luật pháp quốc tế, dựa trên UNCLOS 1982," Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông, nơi mà các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền lãnh hải. Khu vực này đã trở thành một trong những ‘điểm nóng’ thách thức quan hệ Mỹ-Trung đầy cam go. Washington bác điều mà họ gọi là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của Bắc Kinh tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị EAS.
Từ Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng với các nước trong khu vực trong việc bảo vệ quyền tự do trên biển.
"Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ông vạch ra tầm nhìn của mình cho khu vực, trong đó tìm kiếm một khu vực rộng mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an toàn", theo một thông cáo của Nhà Trắng.
Ông Biden cũng nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đối với trật tự dựa trên quy tắc quốc tế và bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa đối với trật tự đó.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích của mọi quốc gia. Ông nói : "Biển Đông là ngôi nhà chung của chúng ta".
Mỹ gửi thông điệp gì tới Việt Nam qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ?
Hàn Phi Long, RFA, 30/07/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Việt Nam vào ngày 28/7, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du ba quốc gia Đông Nam Á. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các Mỹ đến Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, trong bối cảnh có những quan ngại về tình trạng thiếu tập trung trong cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7/2021 - AP
Chuyến công du của ông Austin diễn ra sau chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Trung Quốc hôm 25-26/7, và trùng với chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ấn Độ, một đối tác quan trọng khác trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại Bắc Kinh. Các chuyên gia cho rằng sự hiện diện của ông Austin là rất quan trọng để thể hiện rõ rằng Đông Nam Á là một thành phần quan trọng trong các nỗ lực của Biden.
Những tháng gần đây, một số quan chức Đông Nam Á đã cảm thấy bối rối vì thiếu sự can dự trực tiếp từ Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao trong đại dịch Covid-19. Mỹ lại vắng bóng trong nhiều cuộc gặp trực tiếp. Bộ trưởng Austin đã dự kiến đến Singapore vào tháng 6/2021 để dự hội nghị về an ninh khu vực, song cuộc họp đã bị hủy bỏ vào giờ chót do đại dịch bùng phát mạnh trở lại tại nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (ở phía sau) duyệt đội danh dự tại Singapore hôm 27/7/2021. AP
Ngoại giao vắc-xin
Tính đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 190 triệu liều vắc-xin cho các nước Đông Nam Á, đa số là bán cho các nước này. Đáp lại chính sách "ngoại giao vắc-xin" của Trung Quốc, Mỹ cũng liên tục viện trợ vắc-xin ngừa Covid-19 cho khu vực. Trong bài phát biểu tại Singapore ngày 27/7, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, trong hai tháng qua, Mỹ đã viện trợ 40 triệu liều vắc-xin cho khu vực Đông Nam Á mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Riêng đối với Việt Nam, chặng thứ hai trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã trao tặng tổng cộng năm triệu liều vắc-xin thông qua cơ chế Covax.
Ông Austin cũng nhắc lại rằng chính quyền Biden cam kết sẽ cung cấp tổng cộng 500 triệu liều vắc-xin cho các nước nghèo trên thế giới, trong đó khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu.
Vắc-xin Moderna Mỹ viện trợ cho Việt Nam qua chương trình Covax về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 25/7/2021. Hình : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Vai trò của Đông Nam Á
Chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden chủ yếu đi theo hai hướng : xây dựng lại quan hệ với các đồng minh và lập một liên minh chống Trung Quốc. Theo hai hướng này, Tổng thống Biden đặt trọng tâm vào Châu Á. Theo các nhà phân tích, trong những tháng tới, có thể sẽ có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Các nỗ lực trên nhằm để các nước Đông Nam Á thấy rằng "Mỹ vẫn xem khu vực này là rất quan trọng và Washington sẽ không để yên cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại đây".
Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore ngày 27/7, Bộ trưởng Austin cho biết ông cam kết theo đuổi mối quan hệ "mang tính xây dựng, ổn định" với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc mạnh mẽ hơn với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông là "không có cơ sở luật pháp quốc tế", "gây tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực".
Ông Austin nhấn mạnh : "Tôi tin tưởng rằng thông qua những nỗ lực tập thể, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ lại vượt lên các thách thức. Và nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, đúng như những gì mà một người bạn cũ nên làm". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông tin sự thành công của các quốc gia ở Đông Nam Á phụ thuộc vào "các nguyên tắc chung", bao gồm "cam kết sâu sắc về tính minh bạch" và "ủng hộ tuyệt đối tự do trên biển".
Ông Austin khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực để duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế ; cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc phòng mà Mỹ đã có với Nhật Bản và Philippines. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Biden rằng Mỹ không tìm kiếm mối quan hệ đối đầu gay gắt với Trung Quốc, nhưng "sẽ không nao núng khi lợi ích của mình bị đe dọa".
Chuyến thăm đầu tiên của một trong những thành viên cấp cao trong nội các chính quyền Biden có ý nghĩa quan trọng vì ngày càng có nhiều lãnh đạo Đông Nam Á cho rằng khu vực này, dù là điểm nóng về cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc và sự hiếu chiến của Trung Quốc, đã và đang bị các chính quyền Mỹ phớt lờ. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại những nghi ngờ không dứt ở Đông Nam Á nếu Mỹ thực sự nghiêm túc và xác định rõ ràng "vai trò trung tâm của ASEAN" trong chính sách Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của mình. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với lực đẩy mà chính quyền Biden đề ra cho Nhóm Bộ Tứ, cấu trúc mà nhiều người nhìn nhận như một cơ chế đủ sức thế chỗ "vị trí trung tâm của ASEAN" và sự thống trị của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy quan hệ với Việt Nam
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin là bước tiếp theo trong một loạt chuyến thăm cấp cao của các quan chức quốc phòng Mỹ trong những năm gần đây. Mỹ đã thể hiện nhiều hành động cho thấy đặc biệt chú ý đến vai trò của Việt Nam. Mới đây, Mỹ và Việt Nam đã có một thoả thuận quan trọng, theo đó, Mỹ đã gỡ bỏ các căn cứ cáo buộc Việt Nam "thao túng tiền tệ".
Chuyến thăm này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy hai nước vẫn mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, nhất là khi năm 2020 không có nhiều hoạt động nổi bật do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý khi cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Trump thắt chặt quan hệ với Việt Nam.
Trong chuyến gặp gỡ với người đồng cấp từ Việt Nam - Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, hai bên đã bàn luận về việc Mỹ sẽ tăng cường tần suất tuần tra trên biển Đông để chống lại các yêu sách sai trái của Trung Quốc ở đây. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất về việc một tàu sân bay Mỹ sẽ tiếp tục có chuyến thăm và giao lưu tại Việt Nam lần thứ ba, sau hai lần ghé thăm năm 2018 và 2020. Hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015 ; trong đó ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hợp tác quân y phòng, chống Covid-19, đào tạo, cũng như tìm hiểu khả năng, nhu cầu của mỗi bên trong hợp tác về công nghiệp quốc phòng… Hai bên cũng đã ký kết một bản Thỏa thuận ghi nhớ (MOU) về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
Nhiều nhà quan sát mong chờ tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có kế hoạch tiếp cận các vũ khí hiện đại từ Mỹ để nâng cao năng lực bảo vệ cho các cấu trúc trên biển của Việt Nam, tuy nhiên, chưa thấy hai bên hé lộ bất cứ thông tin gì về vấn đề này.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã chỉ định ông Marc Knapper làm đại sứ Mỹ tiếp theo tại Việt Nam. Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào đầu tháng này, ông Knapper nói rằng ông hy vọng hai nước sẽ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mong chờ trong chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ là dịp hai quốc gia Việt - Mỹ sẽ chuyển quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện như mong muốn của cả hai bên.
Đối với các vấn đề khác, mặc dù chính quyền Biden có thể gây sức ép nhiều hơn với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền và thương mại, nhưng sẽ không để các bất đồng này làm chệch hướng quan hệ hợp tác. Mỹ coi Việt Nam là một yếu tố quan trọng để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Việt Nam cũng rất cần Mỹ để tạo thế đối trọng với các tham vọng sử dụng sức mạnh để chiếm đoạt biển Đông của Trung Quốc.
Triệu Tử Long, VNTB, 29/07/2021
Sở dĩ gọi là ‘tái khởi động’ vì trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vốn có kế hoạch dừng chân ở Việt Nam trước khi tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore ngày 4 – 5/6. Tuy nhiên, chuyến đi này bị hủy do Covid-19.
Việt Nam là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Sau khi rời Alaska, ông Austin đã tới và tham dự sự kiện ở Singapore hôm 27/7. Sau khi thăm Việt Nam, theo lịch trình, ông Lloyd Austin sẽ tới Philippines. Điểm dừng chân của ông Austin tại Philippines được cho là quan trọng nhất, vì Washington muốn gia hạn thỏa thuận cho phép nước này đóng quân tại Philippines lâu dài.
Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về an ninh ở Đông Nam Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết Mỹ cam kết đảm bảo một khu vực tự do, mở và dựa trên luật pháp. Đồng thời, ông Austin công khai chỉ trích Trung Quốc khi phát biểu từ khách sạn Fullerton (Singapore) tối 27/7 : "Yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn biển Đông không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế".
Ông Austin tuyên bố Mỹ cam kết tránh xung đột với Trung Quốc : "Những khác biệt và tranh chấp này là có thật. Chúng tôi sẽ không nao núng khi lợi ích của chúng tôi bị đe dọa nhưng chúng tôi không muốn thấy đối đầu. Tôi cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Cả hai nước đều có sức mạnh quân sự ấn tượng. Nhưng chúng tôi không định xung đột với Trung Quốc".
Bộ trưởng Lloyd Austin là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tới thăm Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Giới quan sát khu vực nhận định đây là chuyến thăm quan trọng, thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Đông Nam Á, và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Phát biểu với báo chí ngày 19/7, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định : "Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden-Harris đặt lên Đông Nam Á và ASEAN như một phần cốt yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Chuyến đi này sẽ đánh dấu cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực, và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc tại khu vực và thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN".
Còn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai Bộ Quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần vào khuôn khổ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ.
Ngay trước chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 3 triệu liều vaccine Covid-19 được phía Mỹ hỗ trợ thông qua cơ chế Covax để sử dụng khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Tính đến nay, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine Moderna trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước và vùng lãnh thổ Châu Á.
Ông Austin được đánh giá là người trung thành với các chiến lược của Tổng thống Joe Biden, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tháng 7 này, trong quan hệ Việt – Mỹ có nhiều điểm đáng chú ý. Đây không chỉ là tháng kỷ niệm thiết lập quan hệ (11-7-1995) mà còn có một số việc lớn trùng hợp diễn ra : Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận xử lý vấn đề "thao túng tiền tệ" và Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào với Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng.
Cũng trong tháng 7, tàu lớp Hamilton thứ 2 do Mỹ tặng Cảnh sát biển Việt Nam (CSB 8021) cũng đã về đến Việt Nam.
Quan hệ Quốc phòng Việt Nam – Mỹ tiếp tục được thúc đẩy trên các mặt, song phương và đa phương. Trong những năm gần đây, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều đi thăm Việt Nam, như : Bộ trưởng Ashton Carter (6-2015, hai bên ký Tuyên bố Tầm nhìn hợp tác quốc phòng) ; Bộ trưởng Mark T. Esper (11-2019) ; Bộ trưởng James Mattis (1-2018, sau đó có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ vào tháng 3-2918)… Và, lần này là chuyến đi này của Bộ trưởng Austin.
"Sau tất cả, Việt Nam và Mỹ đều nhất trí rằng chúng tôi không yêu cầu các nước trong khu vực phải chọn phe. Thay vào đó là kêu gọi các bên lựa chọn và củng cố hệ thống quốc tế, luật pháp quốc tế" – đại tá Thomas Stevenson, tùy viên quốc phòng thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ về mục tiêu, ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đối với quan hệ song phương Việt – Mỹ, cũng như chính sách của Washington trong khu vực.
Trong kỳ Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, Bộ Chính trị có hai sĩ quan cấp tướng. Số lượng đại diện quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng lên. Trên tờ South China Morning Post, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, cho rằng ảnh hưởng ngày càng lớn của quân đội Việt Nam trong đời sống chính trị phản ảnh những lo ngại về an ninh Biển Đông.
Đầu tiên, tác giả nhắc lại câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông, đưa ra năm 1938 : "Mỗi người cộng sản phải nắm rõ chân lý, "quyền lực chính trị nảy sinh từ họng súng". Nguyên tắc của chúng ta là Đảng điều khiển nòng súng và họng súng không bao giờ được chỉ huy Đảng".
Nguyên tắc này cũng được Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng tương tự và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngay cả khi Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, rút quân khỏi Cam Bốt năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991.
Vào thời điểm đó, Việt Nam bước vào giai đoạn hòa bình và phát triển. Kinh tế trở thành mối ưu tiên hàng đầu cho đất nước, do vậy quốc phòng ít được quan tâm hơn. Hệ quả là vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong nền chính trị ngày càng suy giảm, được thể hiện rõ qua việc lực lượng này giảm đại diện trong Bộ Chính trị.
Nhưng trong 10 năm gần đây, tình hình này có xu thế đảo chiều. Quân đội Việt Nam tăng đều số đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và trong kỳ đại hội lần thứ 13, quy định chỉ bầu một đại biểu quân đội vào Bộ Chính trị đã bị phá vỡ, khi thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã trúng cử.
Ông Lê Hồng Hiệp đưa ra hai lý do chính giải thích cho sự hiện diện ngày càng nhiều của quân đội trong lĩnh vực chính trị.
Thứ nhất, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có xu hướng nâng cao khả năng đàm phán của quân đội Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia là điều cốt lõi cho tính chính đáng của Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này có nghĩa là tiếng nói của quân đội Việt Nam có nhiều trọng lượng hơn khi an ninh và chủ quyền đất nước bị đe dọa.
Đó là những gì từng xảy ra trong quá khứ, ảnh hưởng của quân đội tăng mạnh trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc và chống Khmer Đỏ. Thái độ xác quyết của Bắc Kinh tại Biển Đông trong vòng một thập kỷ qua đã làm cho mối lo ngại về an ninh của Đảng cộng sản Việt Nam thêm sâu sắc, và điều này đã cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ có được nhiều đòn bẩy ở những cơ quan ra quyết định của Đảng mà còn có thêm nhiều nguồn ngân sách.
Thứ hai, vị thế chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn là còn nhờ vào vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của quân đội trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, vận tải cho đến cả xây dựng.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc bầu hai đại diện quân đội vào Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là xảy một lần hay đây là một quy định mới, sẽ được lặp lại trong các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo ? Liệu quân đội Việt Nam có sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện đông đảo và liên tục trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tương lai hay không ?
Tuy nhiên, nếu tranh chấp Biển Đông gia tăng và các doanh nghiệp do quân đội điều hành vẫn có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì trong tổng thể, ảnh hưởng của quân đội đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn sẽ mạnh mẽ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của quân đội có thể cứng rắn hơn, nhưng Việt Nam không nhất thiết phải có cách tiếp cận mạo hiểm. Trải qua bao cuộc chiến tốn kém, xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh xung đột vũ trang vẫn chiếm ưu thế.
Tác giả kết luận, nếu như sự hiện diện của quân đội Việt Nam trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng đông và có thể có một số tác động đến triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại, nhưng những tác động đó chỉ ở mức vừa phải và có giới hạn. Khi nào Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục chỉ huy, ảnh hưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn sẽ nằm trong ranh giới do Đảng vạch ra.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 03/05/2021
Việt Nam ‘mua’ máy bay trinh sát và huấn luyện của Mỹ (VOA, 13/02/2019)
Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Mỹ, hôm 12/2 đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về chuyện Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ.
Ông Davidson nói rằng mối quan hệ quân sự giữa Bộ tư lệnh mà ông chỉ huy và quân đội Việt Nam "ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được hỗ trợ bởi việc Việt Nam mua Scan Eagle UAV (máy bay trinh sát không người lái) và máy bay huấn luyện T-6, và một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ", theo văn bản chuẩn bị sẵn cho cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay được với quan chức hải quân cấp cao của Hoa Kỳ này để hỏi thêm về thông tin trên.
Nếu đúng Việt Nam đã mua các loại máy bay do các tập đoàn Mỹ sản xuất thì giao dịch này thuộc loại Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS), một trong hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác.
Theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị.
Đô đốc Davidson nói thêm rằng "Việt Nam đã nổi lên là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương".
"Việt Nam chia sẻ nhiều nguyên tắc của Mỹ về các vấn đề như pháp quyền quốc tế và tuần tra tự do hàng hải, và Việt Nam là một trong các tiếng nói mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]", quan chức hải quân cấp cao Mỹ nói.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn về vị thế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, ông Davidson cho biết rằng "ở khu vực Đông Nam Á, tôi tập trung làm việc với các đồng minh của chúng ta, Thái Lan và Philippines, và các đối tác vững mạnh của chúng ta, Singapore và Việt Nam, nhằm củng cố ASEAN, mở rộng cơ chế đa phương và cải thiện năng lực tổng thể nhằm chống lại tác động xấu của các yếu tố nhà nước và không thuộc nhà nước, đặc biệt là tại biển Nam Trung Hoa".
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng "Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017".
Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói "sẽ chuyển câu hỏi này đến các cơ quan chức năng".
"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới," bà Hằng nói tiếp. "Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên".
Viễn Đông
******************
Máy bay Osprey của Hoa Kỳ xuất hiện lần đầu tại Việt Nam (RFA, 12/02/2019)
Một nhóm 4 chiếc máy bay CV-22 Osprey của Không quân Hoa Kỳ đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 5/2, đánh dấu lần đầu có mặt tại Việt Nam.
Minh họa : Máy bay MV-22 Osprey. Ảnh chụp 22/10/2001.
Phát ngôn nhân Renee Douglas, người phát ngôn của Nhóm hoạt động đặc biệt 353, xác nhận với tờ Stars and Stripes ở Mỹ rằng những chiếc máy bay CV-22 Osprey vừa nêu thuộc về đơn vị của ông. Mặc dù đơn vị 353 có trụ sở ở Okinawa, Nhật Bản, nhưng những chiếc máy bay Osprey này lại nằm tại căn cứ không quân Yokota ở Tokyo.
Ông Douglas cũng cho biết 4 chiếc máy bay CV-22 Osprey bay từ căn cứ Yokota đến Đà Nẵng để bơm nhiên liệu trong khoảng một tiếng, trước khi tiếp tục đến Thái Lan để tham gia cuộc tập trận quốc tế Hổ Mang Vàng năm 2019.
Cuộc tập trận Hổ Mang Vàng Cobra Gold năm nay là lần thứ 38 của cuộc tập trận huấn luyện Ấn Độ - Thái Bình Dương thường niên, diễn ra từ ngày 12-23/2.
Có khoảng 4.000 lính Mỹ tham gia trong cuộc tập trận thường niên này. Năm ngoái, quân đội từ Hàn Quốc đã cùng với Thái Lan và Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.
****************
Anh hối thúc phương Tây tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương (RFA, 12/02/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ở London hôm 11/2/2019 rằng, các đồng minh phương Tây phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh cứng để củng cố lợi ích, như nước Anh đang chuẩn bị đưa tàu sân bay mới tới Thái Bình Dương.
Hình minh họa. Tàu HMS Queen Elizabeth vào cảng Portsmouth ở Portsmouth, miền nam nước Anh hôm 16/8/2017
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin trong cùng này, theo đó ông Williamson nhấn mạnh rằng "nếu các quốc gia phương tây không can thiệp để chống lại sự khiêu khích từ nước ngoài thì quốc gia mình sẽ gặp nguy cơ bị xem không hơn gì con hổ giấy".
Bộ Trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận kế hoạch điều siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc đang gây bất bình vì những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Anh sẽ tham gia chiến dịch cùng các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ cả Anh và Mỹ. Anh cũng nhiều lần khẳng định ý định tăng cường các hoạt động ở Thái Bình Dương và mới tiến hành một chiến dịch chung với Mỹ.
Thông điệp cứng rắn của ông Williamson được đưa ra giữa lúc Hải quân Mỹ đang thúc đẩy các hoạt động ở biển Đông. Hôm 11/2/2019, các tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 1, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã gia nhập với tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ trong một đợt diễn tập 6 ngày ở biển Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành một chiến dịch tự do hàng hải khác gần quần đảo Hoàng Sa vốn bị Trung Quốc chiến đóng trái phép ở biển Đông.
Hồi năm 2017, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson, đã nói rằng siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi tàu được đưa vào hoạt động.
******************
Lãnh đạo Malaysia kêu gọi các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc (RFA, 12/02/2019)
Ông Anwar Ibrahim, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, mới đây lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính trị gia cao cấp người Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại Viện tư tưởng Hồi giáo quốc tế ở Herndon, Virginia, ngày 10 tháng 2 năm 2019 - Courtesy of BenarNews
Phát biểu tại một diễn đàn ở Viện Quốc tế về Tư tưởng Hồi giáo ở Virngina, Mỹ, hôm 10/2, ông Anwar nói rằng Malaysia đã lấy lập trường bảo vệ lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông.
"Lựa chọn tốt nhất là làm việc cùng các quốc gia nhỏ khác ở ASEAN để bảo vệ lập trường an ninh của mình, đặc biệt là bởi vì chúng tôi không thể trông đợi Hoa Kỳ trong tình hình hiện tại có thể tích cực hơn trong khu vực", ông Anwar phát biểu tại diễn đàn.
Malaysia là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Brunei và Philippines hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích vùng nước qua đường đứt khúc 9 đoạn.
Malaysia là nước từ trước đến nay hiếm khi lên tiếng hay có hành động mạnh để phản đối những hành động xây lấp đơn phương các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ở Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.
Tuy nhiên, nước này trong các năm qua cũng phải đối đầu với việc tàu chiến của Trung Quốc đi vào bãi Luconia do Malaysia kiểm soát.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhất là trong việc cho ngưng các dự án hạ tầng cơ sở lên đến hàng chục tỷ đô la do Trung Quốc đầu tư vì quan ngại các dự án không thực sự hiệu quả trong khi lại khiến Malaysia mắc nợ quá nhiều.