Việt Nam ‘mua’ máy bay trinh sát và huấn luyện của Mỹ (VOA, 13/02/2019)
Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Mỹ, hôm 12/2 đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về chuyện Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ.
Ông Davidson nói rằng mối quan hệ quân sự giữa Bộ tư lệnh mà ông chỉ huy và quân đội Việt Nam "ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được hỗ trợ bởi việc Việt Nam mua Scan Eagle UAV (máy bay trinh sát không người lái) và máy bay huấn luyện T-6, và một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ", theo văn bản chuẩn bị sẵn cho cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc ngay được với quan chức hải quân cấp cao của Hoa Kỳ này để hỏi thêm về thông tin trên.
Nếu đúng Việt Nam đã mua các loại máy bay do các tập đoàn Mỹ sản xuất thì giao dịch này thuộc loại Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS), một trong hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác.
Theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị.
Đô đốc Davidson nói thêm rằng "Việt Nam đã nổi lên là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương".
"Việt Nam chia sẻ nhiều nguyên tắc của Mỹ về các vấn đề như pháp quyền quốc tế và tuần tra tự do hàng hải, và Việt Nam là một trong các tiếng nói mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]", quan chức hải quân cấp cao Mỹ nói.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn về vị thế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, ông Davidson cho biết rằng "ở khu vực Đông Nam Á, tôi tập trung làm việc với các đồng minh của chúng ta, Thái Lan và Philippines, và các đối tác vững mạnh của chúng ta, Singapore và Việt Nam, nhằm củng cố ASEAN, mở rộng cơ chế đa phương và cải thiện năng lực tổng thể nhằm chống lại tác động xấu của các yếu tố nhà nước và không thuộc nhà nước, đặc biệt là tại biển Nam Trung Hoa".
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng "Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017".
Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói "sẽ chuyển câu hỏi này đến các cơ quan chức năng".
"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới," bà Hằng nói tiếp. "Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên".
Viễn Đông
******************
Máy bay Osprey của Hoa Kỳ xuất hiện lần đầu tại Việt Nam (RFA, 12/02/2019)
Một nhóm 4 chiếc máy bay CV-22 Osprey của Không quân Hoa Kỳ đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng vào ngày 5/2, đánh dấu lần đầu có mặt tại Việt Nam.
Minh họa : Máy bay MV-22 Osprey. Ảnh chụp 22/10/2001.
Phát ngôn nhân Renee Douglas, người phát ngôn của Nhóm hoạt động đặc biệt 353, xác nhận với tờ Stars and Stripes ở Mỹ rằng những chiếc máy bay CV-22 Osprey vừa nêu thuộc về đơn vị của ông. Mặc dù đơn vị 353 có trụ sở ở Okinawa, Nhật Bản, nhưng những chiếc máy bay Osprey này lại nằm tại căn cứ không quân Yokota ở Tokyo.
Ông Douglas cũng cho biết 4 chiếc máy bay CV-22 Osprey bay từ căn cứ Yokota đến Đà Nẵng để bơm nhiên liệu trong khoảng một tiếng, trước khi tiếp tục đến Thái Lan để tham gia cuộc tập trận quốc tế Hổ Mang Vàng năm 2019.
Cuộc tập trận Hổ Mang Vàng Cobra Gold năm nay là lần thứ 38 của cuộc tập trận huấn luyện Ấn Độ - Thái Bình Dương thường niên, diễn ra từ ngày 12-23/2.
Có khoảng 4.000 lính Mỹ tham gia trong cuộc tập trận thường niên này. Năm ngoái, quân đội từ Hàn Quốc đã cùng với Thái Lan và Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.
****************
Anh hối thúc phương Tây tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương (RFA, 12/02/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ở London hôm 11/2/2019 rằng, các đồng minh phương Tây phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh cứng để củng cố lợi ích, như nước Anh đang chuẩn bị đưa tàu sân bay mới tới Thái Bình Dương.
Hình minh họa. Tàu HMS Queen Elizabeth vào cảng Portsmouth ở Portsmouth, miền nam nước Anh hôm 16/8/2017
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin trong cùng này, theo đó ông Williamson nhấn mạnh rằng "nếu các quốc gia phương tây không can thiệp để chống lại sự khiêu khích từ nước ngoài thì quốc gia mình sẽ gặp nguy cơ bị xem không hơn gì con hổ giấy".
Bộ Trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận kế hoạch điều siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới Thái Bình Dương - nơi Trung Quốc đang gây bất bình vì những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Anh sẽ tham gia chiến dịch cùng các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ cả Anh và Mỹ. Anh cũng nhiều lần khẳng định ý định tăng cường các hoạt động ở Thái Bình Dương và mới tiến hành một chiến dịch chung với Mỹ.
Thông điệp cứng rắn của ông Williamson được đưa ra giữa lúc Hải quân Mỹ đang thúc đẩy các hoạt động ở biển Đông. Hôm 11/2/2019, các tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 1, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã gia nhập với tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ trong một đợt diễn tập 6 ngày ở biển Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành một chiến dịch tự do hàng hải khác gần quần đảo Hoàng Sa vốn bị Trung Quốc chiến đóng trái phép ở biển Đông.
Hồi năm 2017, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson, đã nói rằng siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi tàu được đưa vào hoạt động.
******************
Lãnh đạo Malaysia kêu gọi các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc (RFA, 12/02/2019)
Ông Anwar Ibrahim, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, mới đây lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính trị gia cao cấp người Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại Viện tư tưởng Hồi giáo quốc tế ở Herndon, Virginia, ngày 10 tháng 2 năm 2019 - Courtesy of BenarNews
Phát biểu tại một diễn đàn ở Viện Quốc tế về Tư tưởng Hồi giáo ở Virngina, Mỹ, hôm 10/2, ông Anwar nói rằng Malaysia đã lấy lập trường bảo vệ lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông.
"Lựa chọn tốt nhất là làm việc cùng các quốc gia nhỏ khác ở ASEAN để bảo vệ lập trường an ninh của mình, đặc biệt là bởi vì chúng tôi không thể trông đợi Hoa Kỳ trong tình hình hiện tại có thể tích cực hơn trong khu vực", ông Anwar phát biểu tại diễn đàn.
Malaysia là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Brunei và Philippines hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích vùng nước qua đường đứt khúc 9 đoạn.
Malaysia là nước từ trước đến nay hiếm khi lên tiếng hay có hành động mạnh để phản đối những hành động xây lấp đơn phương các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ở Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.
Tuy nhiên, nước này trong các năm qua cũng phải đối đầu với việc tàu chiến của Trung Quốc đi vào bãi Luconia do Malaysia kiểm soát.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhất là trong việc cho ngưng các dự án hạ tầng cơ sở lên đến hàng chục tỷ đô la do Trung Quốc đầu tư vì quan ngại các dự án không thực sự hiệu quả trong khi lại khiến Malaysia mắc nợ quá nhiều.