Có thể đẩy lùi nạn chạy chức, chạy quyền tại Đại hội đảng XIII không ?
RFA, 06/05/2020
Trong buổi hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5 do Ban Tổ chức Trung ương đàng cộng sản Việt Nam chủ trì vào ngày 5/5, tình hình tuyển chọn nhân sự cho Đại hội Đảng XIII diễn ra vào tháng 1/2021 lại được nhắc đển.
Họp bàn chống chạy chức, chạy quyền khi lựa chọn nhân sự Đại hội - Ảnh Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Trong đó có việc không bao che, tiếp tay cho hành động chạy chức, chạy quyền, không để cán bộ bị lợi dụng và biến thành công cụ cho những người chạy chức, chạy quyền.
Nội dung này không chỉ Ban Tổ chức Trung ương mà ngay cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị cán bộ toàn quốc được tổ chức vào ngày 23/4 cũng nêu ra.
Bên cạnh đó, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua cũng có bài viết khẳng định kiên quyết không để những người bị cho có tư chất xấu lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Cụ thể bao gồm những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Nhận xét về những lời kêu gọi vừa nêu, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore cho rằng :
"Trước đây cũng mạnh nhưng bây giờ người ta nhấn mạnh thêm vì chắc chắn có chạy chức chạy quyền. Chạy bằng nhiều thứ như vậy bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít nguời hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên… Nhưng dường như danh sách 205 người ra ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa XIII mà đại hội tổ chức cuối tháng giêng năm tới thì không biết chạy thế nào và khó có thể nói đẩy người này ra đưa người kia vào".
Trao đổi với RFA vào tối 6/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, người có cùng tuổi đời và tuổi đảng với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại lập luận :
"Chạy chức chạy quyền là thế nào, chạy đi đâu, thì họ cứ chạy đến ông có quyền bởi vì đây là tập trung dân chủ. Nội dung ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, bè phái được xem như là một dạng hối lộ để được chức cao hơn thì đại hội nào cũng nhắc nhưng kỳ này đại hội nhắc rõ hơn, cụ thể hơn. Trên thực tế là sau Đại hội XII thì số cán bộ bị kỷ luật rất cao, lên tới 50 ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, bị tù, họ che chắn nhau nên bị lọt lưới như thế".
Phát biểu trong cuộc họp Tiểu ban Nhân sự đảng diễn ra ngày 19/3, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác nhân sự là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ.
Vì vậy, bên cạnh kêu gọi không chạy chức, chạy quyền, Ban Tổ chức Trung ương vào ngày 5/5 cũng bày tỏ quyết tâm đẩy lùi những hiện tượng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm.
Giải thích thế nào là lợi ích nhóm và nói rõ hơn về tình hình này tại bộ máy lãnh đạo nhà nước hiện nay, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho hay :
"Lợi ích nhóm có nhiều loại : lợi ích trong công nghiệp, trong kinh tế, trong phát triển xã hội, các vấn đề quốc phòng – an ninh, các vấn đề cơ cấu về thanh niên, phụ nữ, vùng miền… Lợi ích nhóm còn kèm cục bộ nữa, nhiều tỉnh người ta chơi với nhau và làm sao tạo ra lợi ích lớn hơn cho tỉnh đấy. Đấy là lợi ích nhóm kèm theo cục bộ, rất mạnh".
Còn theo Nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tình trạng cục bộ, vùng miền trong nước đã có từ lâu và vẫn đang phát triển :
"Bao giờ Tổng Bí thư cũng là người miền Bắc, Thủ tướng là người miền Nam, Chủ tịch Quốc hội là người miền Trung. Thậm chí ông Nguyễn Phú Trọng còn nói rằng Tổng Bí thư phải là người miền Bắc mới có lý luận. Đâu phải người miền Bắc mới có lý luận, người nào học hành, chữ nghĩa và nghiên cứu thì người ta đều có lý luận chứ đâu phải chỉ người miền Bắc".
Tuy nhiên, nhà báo Phạm Thành cho rằng vẫn có ngoại lệ như việc ông Lê Duẩn là Tổng Bí Thư và ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng là không đúng mô tuýp mà đảng đề ra do vấn đề nhân sự.
Ông cho rằng lãnh đạo và báo chí đều nói nhiều về vấn đề nhân sự này vì còn có mục đích khác :
"Họ muốn nói thế để mị dân cho dân thấy các ông cấp trên công bằng chính trực, không vùng miền nhưng trên thực tế thì không bao giờ. Hoặc điều đó phản ảnh cục bộ, vùng miền vẫn tồn tại trong Đại hội đảng và tôi cho rằng giai đoạn này là giai đoạn các nhóm lợi ích đánh nhau quyết liệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử đảng cộng sản tồn tại hơn 70 năm nay, phản ánh tính cục bộ, vùng miền quyết liệt nhất".
Do đó, nhà báo Phạm Thành cho rằng lời kêu gọi mà chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được :
"Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả. Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền. Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng".
Đồng quan điểm vừa nêu, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho rằng việc ngăn chặn ‘mua quan, bán chức’, chống cục bộ, lợi ích nhóm nghe thì có thể tưởng tượng ra được nhưng đi vào cụ thể thì không đơn giản. Do đó, ông đề nghị :
"Tôi ủng hộ nên làm sao để nhân dân tham gia vào việc chọn lựa cán bộ, tự do báo chí được quyền đăng nói về đời tư riêng, tài sản thì có thể loại bỏ bớt cơ hội đưa vào trong đảng. Nếu dân chủ tập trung thì dân chọn lựa từ vòng ngoài, vào vòng trong sẽ loại bớt những thành phần cơ hội, tham nhũng, có nhiều tiêu cực".
Vẫn theo Luật sư Thuận, phương pháp đẻ ra hậu quả nên nếu chỉ chăm chăm vào việc thay đổi kết quả mà không tìm ra ngọn nguồn nguyên nhân thì thay đổi chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi, hy vọng.
Nguyên nhân của tình trạng chạy chức, chạy quyền còn do cơ chế hiện hành ; nếu không thay đổi được cơ chế sinh ra tình trạng này thì biết đến bao lâu mới có thể chấm dứt.
************************
Xuất hiện nghi vấn Apple chuẩn bị sản xuất iPhone ở Việt Nam
VOA, 05/05/2020
Việc Apple đang có đợt tuyển dụng lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam làm dấy lên nghi vấn rằng hãng điện thoại hàng đầu thế giới của Mỹ có thể sắp mở nhà máy sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ muốn đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.
Một người bán hàng rong đi qua một cửa hàng Apple ở Hà Nội trong bức ảnh chụp ngày 24/4/2014. Việc tuyển dụng của Apple ở hai thành phố lớn đang làm dấy lên nghi vấn hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ muốn mở nhà máy ở Việt Nam.
Trang việc làm của Apple cho thấy hãng này liên tục tuyển nhân sự từ cuối năm 2019 đến nay, gồm các vị trí quan trọng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo truyền thông trong nước, việc Apple tuyển dụng nhân sự nhiều bộ phận làm việc nhiều nhất từ trước tới nay làm dấy lên dư luận rằng công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ có thể mở nhà máy sản xuất toàn phần hoặc một phần hoặc cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
VietnamNet, trong bài viết "Dấu hiệu Apple sắp mở nhà máy iPhone ở Việt Nam", trích dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng với việc tuyển dụng một loạt vị trí tại Việt Nam, hãng này đang muốn mở rộng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Trong số các vị trí mà Apple đang tuyển dụng ở Việt Nam có cả vị trí liên quan đến quan hệ chính phủ và quản lý vận hành hệ thống. Theo nhận định của Tuổi Trẻ, điều này cũng khiến nhiều người nghĩ ngay đến chuyện công ty của Mỹ sẽ mở văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Đánh giá khả năng Apple chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam trong tương lại, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, nguyên trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng "hoàn toàn có khả năng".
Ông Quốc được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng với tình hình chiến tranh thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, việc các công ty Mỹ giảm bớt mức độ "phụ thuộc" vào các công ty tại Trung Quốc là điều dễ hiểu. Với việc nằm ngay sát Trung Quốc, theo ông Quốc, khi là một sự thuận lợi để việc dịch chuyển sản xuất nếu có sẽ giảm thiểu chi phí cũng như không làm "đứt gãy" chuỗi cung ứng linh kiện hiện nay của Apple.
Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết rằng chính quyền đương nhiệm ở Washington đang tìm các hợp tác với các quốc gia gồm một số nước trong đó có Việt Nam để đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Apple chưa trả lời yêu cầu bình luận của VOA về khả năng chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam.
Hiện có khoảng 30 đối tác là nhà cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple đang có mặt tại Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung ứng chính của Apple, hiện đang có nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất linh kiện cho Apple.
CNBC hồi tháng 3 cho biết Apple và các công ty công nghệ khác như Microsoft và Google "đang tìm cách chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc tới các nơi khác gồm Việt Nam và Thái Lan". Vẫn theo tờ báo của Mỹ, Apple "được cho là đang muốn bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods (tai nghe không dây) ở Việt Nam".
Tuy nhiên Nikkei Asian Review trước đó trích dẫn nhiều nguồn tin cho rằng Apple do dự trong việc di rời việc sản xuất 45 triệu AirPods sang Việt Nam do những nguy cơ và rào cản liên quan đến đại dịch virus corona dù các nhà sản xuất chính của họ đang gặp khó khăn về lao động và thiếu nhiên liệu giữa bối cảnh đại dịch bùng phát ở Trung Quốc.
Mỹ bắt giữ cựu điệp viên "chỉ điểm" các đồng nghiệp tại Trung Quốc (RFI, 18/01/2018)
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trong đêm 16 rạng sáng 17/01/2018 thông báo bắt giữ một cựu nhân viên của CIA. Vụ bắt giữ xảy ra vào đầu tuần này. Từ nhiều năm qua, cơ quan tình báo Mỹ truy tìm kẻ nội gián "chỉ điểm" làm hàng chục cộng tác viên của Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc bị bắt giam và hành quyết.
Cơ quan tình báo Mỹ CIA, Langley HallAFP
Người bị bắt tên là Jerry Chun Shing Lee. Hoa Kỳ cáo buộc người này chiếm hữu trái phép các tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia. Theo tường thuật của báo chí Mỹ, kể từ đầu thập niên 1990, ông Jerry Chun Shing Lee được giao trọng trách tuyển dụng và quản lý nhân viên của CIA.
Nhưng đến năm 2007, người này đã từ nhiệm và đến định cư hẳn ở Hồng Kông với gia đình. Theo các cựu nhân viên, ông này cảm thấy bất mãn vì sự nghiệp không thăng tiến. Ba năm sau, mạng lưới gián điệp Mỹ tại Trung Quốc bị phá vỡ. Khoảng hai chục nhân viên đã bị bắt giữ hay bị hành quyết.
Hoa Kỳ từ nhiều năm qua tìm hiểu nguyên nhân : Họ là nạn nhân của tin tặc, hay có người "chỉ điểm" ? Và cái tên Jerry Chun Shing Lee bắt đầu xuất hiện. Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI bắt đầu chú ý đến người này bằng cách làm cho Lee lóa mắt với một hợp đồng mới với CIA.
Nhờ vậy FBI phát hiện tại hai trong số các phòng khách sạn của Jerry Chun Shing Lee những tập hồ sơ đầy các thông tin quốc phòng bảo mật. Đặc biệt là danh tính thật của các điệp viên Mỹ. Thế nhưng, Jerry Chun Shing Lee vẫn được tự do rời Mỹ vào năm 2013 sau khi bị thẩm vấn.
Trong một thông cáo công bố lệnh bắt giữ cựu nhân viên tình báo hôm thứ Hai, khi người này vừa đặt chân đến sân bay JFK tại New York, bộ Tư Pháp Mỹ không giải thích vì sao phải đợi đến 5 năm sau mới kết tội Jerry Chun Shing Lee. Về phía Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua khẳng định "không hay biết về vụ việc này".
Minh Anh
************************
Viện Khổng tử tại đại học Mỹ bị phản đối (VOA, 18/01/2018)
Chính phủ Trung Quốc điều hành viện này, một trong số hơn 90 viện đặt tại các trường đại học khắp cả nước Mỹ và ở nước ngoài. Website của trung tâm cho biết nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện cho "giao lưu văn hóa phong phú giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự hợp tác với các đối tác giáo dục ở Bắc Kinh".
Một nhóm bao gồm các sinh viên, giáo sư và cựu sinh viên Đại học Massachussetts đang chỉ trích Viện Khổng học của Trung Quốc đặt tại đây, cáo buộc viện này đẩy mạnh kiểm duyệt và làm suy yếu những chương trình về nhân quyền.
Những người phản đối hoạt động đang tiếp diễn của trung tâm tại trong khuôn viên của Đại học Massachussetts ở thành phố Boston lo ngại rằng một thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đang hoạt động trong khuôn viên của trường và họ "sử dụng chỗ đứng của họ trong các cơ sở giáo dục có tiếng này để gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật", theo một bức thư gửi đến hiệu trưởng lâm thời của trường.
Bức thư gửi cho Đại học Massachussetts nói rằng viện Khổng tử định hướng dư luận về những vấn đề gây tranh cãi như sự độc lập của Tây Tạng, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, và vụ thảm sát Thiên An Môn, theo The Boston Globe.
Tờ báo này đưa tin người tổ chức tập hợp những người chống đối nói rằng bà hy vọng sẽ thuyết phục được các trường đại học đóng cửa các viện Khổng Tử này.
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh các viện Khổng Tử, bao gồm cả một trường hợp đáng chú ý vào năm 2009 tại Đại học Bang North Carolina sau khi trường này hủy một buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama, được cho là để tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang điều hành hơn 513 viện khắp thế giới, cộng thêm 1.074 Lớp học Khổng Tử đặt trong các trường tiểu học và trung học.
***********************
Apple sắp xây thêm cơ sở mới (VOA, 18/01/2018)
Apple sẽ mở một khuôn viên mới như một phần trong kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 350 tỉ đôla ở Mỹ và sẽ thanh toán một lần khoản thuế trị giá 38 tỉ đôla đối với nguồn tiền ở nước ngoài của công ty này. Đây là một trong những kế hoạch chi tiêu lớn nhất của một công ty được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cắt giảm thuế.
Apple vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Công ty công nghệ này vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích vào nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Mặc dù Apple chưa loan báo kế hoạch nào thay đổi hiện trạng này và các chuyên gia nói sẽ không khả thi về mặt kinh tế nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, song công ty đã bắt đầu nhấn mạnh đến tác động kinh tế của họ ở Mỹ, từ những nhà phát triển bán phần mềm trên App Store đến hàng chục tỉ đôla mỗi năm Apple chi cho các nhà cung cấp ở Mỹ.
Giữa kế hoạch chi tiêu, việc thuê 20.000 nhân công, các khoản thanh toán thuế và kinh doanh với các nhà cung cấp ở Mỹ, Apple hôm thứ Tư ước tính họ sẽ chi 350 tỉ đôla ở Mỹ trong năm năm tới.
Tuy nhiên, công ty không nói bao nhiêu phần trong kế hoạch này là mới hoặc bao nhiêu trong khoản tiền 252,3 tỉ đôla của họ ở nước ngoài, khoản tiền lớn nhất của bất kỳ công ty nào của Mỹ, sẽ được đưa về lại Mỹ. Ngoài khoản 38 tỉ đôla tiền thuế phải trả, Apple đã mua tới 97 tỉ đôla công trái của chính phủ Mỹ để trả cho những khoản mua lại cổ phần và cổ tức trước đó.
Loan báo chi tiêu ở Mỹ sẽ là một phần đáng kể trong tổng chi phí đầu tư của Apple. Trên toàn cầu, Apple đã chi 14,9 tỉ đôla trong năm 2017 và dự trù sẽ chi 16 tỉ đôla vào năm 2018, những con số bao gồm cả đầu tư ở Mỹ vào các trung tâm dữ liệu và các dự án khác và các khoản đầu tư ở Châu Á cho các nhà sản xuất ký hợp đồng với Apple.
*************
Nghi án Nga can thiệp bầu cử : Steve Bannon ra điều trần trước bồi thẩm đoàn (RFI, 17/01/2018)
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tống thống Donald Trump hôm qua 16/01/2018 đã từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ, về công việc của ông tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, tại Washington ngày 16/01/2018. Reuters/Joshua Roberts
Song song đó, ông Bannon còn bị triệu tập ra trước một bồi thẩm đoàn, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Thông tin này được tờ New York Times đưa ra, và nếu là sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên một người thân cận của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải ra điều trần.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Theo tờ New York Times, trát tòa dành cho ông Steve Bannon có thể đơn thuần là chiến thuật của công tố viên. Ông Robert Mueller có thể hủy trát đòi đối với cựu cố vấn của ông Donald Trump, nếu ông này chấp nhận bị thẩm vấn riêng. Nói cách khác, nếu Bannon chịu hợp tác.
Trát tòa được gởi đi sau khi cuốn sách "Lửa và cuồng nộ" được phát hành, trong đó Steve Bannon tuyên bố cuộc họp giữa con trai tổng thống với những người Nga hồi tháng 6/2016 là hành động phản quốc. Cựu cố vấn Nhà Trắng còn nhận định rằng không có khả năng con trai Donald Trump không giới thiệu các khách mời Nga cho cha. Trong khi đó ông Donald Trump luôn chối rằng không biết đến cuộc gặp này.
Cho dù Steve Bannon sau đó nói rằng những phát ngôn của ông đã bị hiểu lầm, sự xuất hiện của cuốn "Lửa và cuồng nộ" đã làm ông bị xuống dốc. Đã bị loại khỏi Nhà Trắng, ông còn bị mất tất cả những người ủng hộ, kể cả chức vụ đứng đầu Breibart News, trang web thông tin cực hữu ở Mỹ.
Nhưng Steve Bannon là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tranh cử cũng như thời kỳ chuyển tiếp, có thể nắm trong tay những thông tin quan trọng về quan hệ giữa ê-kíp ông Trump với phía Nga. Ông cũng đã bị ủy ban tình báo Hạ Viện thẩm vấn hôm qua".
Thụy My