Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nâng "vượt cấp" quan hệ với Mỹ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam thế nào ?

Ngày 10/9/2023, hai nhà lãnh đạo của hai chế độ chính trị khác biệt Việt Nam và Mỹ, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. đã gặp và hội đàm tại Hà Nội, Việt Nam. Họ đã ký "Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (Joint Leaders’ Statement : Elevating United States - Vietnam Relations to a Comprehensive Strategic Partnership)". Có nhiều bình luận xoay quanh chủ đề này, nhấn mạnh "điều đặc biệt" rằng ông Trọng là người đứng đầu chế độ Đảng cộng sản toàn trị và ông Biden là Tổng thống Mỹ đương nhiệm của chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Điều đặc biệt này gây sự chú ý và sẽ vẫn cần giải mã. Một trong những mối quan tâm của giới nghiên cứu chính sách công là liệu việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ Việt - Mỹ sẽ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam thế nào ?

nangcap1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Hà Nội ngày 11/9/2023 - AFP

Tích cực là một cách nhìn lạc quan nên được ủng hộ. Giả sử ‘cực đoan’ rằng không có mối quan hệ này thì cải cách thể chế ở Việt Nam không dễ gì đảo ngược. Đường lối Đổi mới ở Việt Nam do Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo, đã đề xướng và thực hiện, trong quá trình này có lúc thăng lúc trầm, phải điều chỉnh, dù nhanh chậm, tiến lùi nhưng vẫn trong xu hướng tích cực : tăng trưởng kinh tế, hội nhập với khu vực và thế giới, trong đó nhấn mạnh những vấn đề chung : tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu… Và, cải cách thể chế được xác định trong các văn kiện chính thức của Đảng cộng sản là một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước.

Mặc dù Việt Nam còn nghèo, khó khăn về kinh tế… nhưng đã ‘dám’ cam kết mạnh mẽ trong những vấn đề trên, tất nhiên, mong muốn được quốc tế ủng hộ, các nhà đầu tư quan tâm. Nghĩa là vấn đề tăng trưởng kinh tế luôn được ưu tiên đồng thời với duy trì chế độ khiến giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ‘không hài lòng’. Hơn thế, ở Mỹ ông Biden còn bị chỉ trích là đã "nhượng bộ" Hà Nội cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, kiềm tỏa sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc và kinh tế. Có lẽ ông ấy không chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhân quyền như kinh tế trước nhân quyền sau hay kiểu "dân chủ xã hội chủ nghĩa", nhân quyền theo pháp luật chủ quyền. Và, thực tế, trong cuộc hội đàm nêu trên ông Biden đã có đề cập về khía cạnh nhân quyền phổ quát (dù không nhiều), nhưng truyền thông Nhà nước Việt Nam đã "lược bỏ". Vô tình, các nhà tuyên huấn của chế độ đã bộc lộ sự yếu kém trong ngoại giao và sự ‘tôn trọng’ đối với người dân.

nangcap2

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng ngày 11/9/2023. AFP

Sự khác biệt chế độ chính trị được lãnh đạo cả hai nước Việt Mỹ cam kết tôn trọng lẫn nhau nhưng trong thực tế quan hệ sự ảnh hưởng qua lại là không tránh khỏi. Và, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ Việt – Mỹ sẽ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, trước hết theo hướng thị trường và, về lâu dài, theo hướng dân chủ hóa đất nước. Một số luận cứ cho nhận xét này là :

Một, mặc dù khác biệt về thể chế dân chủ phương Tây, chế độ Đảng cộng sản toàn trị ở Việt Nam sau hơn 30 thực hiện đường lối Đổi mới, đã phải dựa vào tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường để đảm bảo tính chính danh của nó. Cần tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường để phát triển, trong đó cải cách thể chế kinh tế còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng không thể đảo ngược xu hướng. Và, nếu quay lại, thì có thể sẽ là mô hình Kim Jong-un, cô lập với thế giới. Phía Việt Nam đề nghị Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường nhưng rõ ràng còn nhiều việc cần cải cách theo các nguyên tắc thị trường.

Hai, việc nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên ‘hết cỡ’ sẽ mở ra cơ hội tăng cường buôn bán và đầu tư song phương, chẳng hạn Hàng không Việt Nam sẽ mua máy bay của hãng Boing với tổng trị giá gần 8 tỷ đô la, Apple, Intel… mở một số cơ sở ở Việt Nam…, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu chất lượng và hiệu quả, như các ngành kỹ thuật số, chất bán dẫn, năng lượng sạch, đón dịch chuyển vốn tư bản từ Trung Quốc… Từ đó, từng bước có thể thay đổi mô hình kinh tế hiện thời, dựa chủ yếu vào hai trụ cột là bất động sản (lợi dụng về sở hữu công đất đai) và đầu tư nước ngoài (chủ yếu là gia công, lắp ráp) đang trong cơn khủng hoảng. Thời kỳ hoàng kim của mô hình Trung Quốc đang trong hồi kết đang hàm ý về sự thay đổi ‘đột phá’ chính sách cải cách thể chế ở Việt Nam, liệu có cần thiết cuộc "Đổi mới" lần 2 và như thế nào ?!

Ba, để hiện thực hóa hai điểm trên, thể chế kinh tế cần được thiết lập tương ứng. Sự biện minh rằng thị trường là sản phẩm chung của nhân loại, không thuộc về chủ nghĩa tư bản, đang là rào cản từ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Các nguyên tắc chủ yếu để thị trường vận hành như sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, tự do cạnh tranh bình đẳng và chủ quyền của người tiêu dùng không được xác lập chắc chắn, minh bạch và khả thi. Các điều luật có liên quan hoặc có "tuổi thọ ngắn, hay phải sửa đổi, tính khả thi thấp" hoặc ‘bế tắc’ trong thể chế hóa chẳng hạn Luật Đất đai sửa đổi 2023 mâu thuẫn giữa "sỡ hữu toàn dân, nhà nước quản lý" và thị trường…

Bốn, sự tách rời thể chế kinh tế và thể chế chính trị là không thể về lý luận và thực tiễn. Một trong hậu quả nặng nề là sự tha hóa quyền lực công mang tính hệ thống, mà biểu hiện rõ ràng trong nghịch lý tăng trưởng tương đối cao đồng thời với vấn nạn tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng. Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại niềm tin về sự trong sạch của Đảng cộng sản, đòi hỏi công khai minh bạch về nguồn gốc tài sản quan chức nói riêng và tăng cường dân chủ hóa nói chung, thức tỉnh đòi hỏi về quyền con người được hiến định… Thử hỏi nghịch lý trên sẽ có thể kéo dài bao lâu ? Liệu có thể phòng chống tham nhũng nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bền vững ? Dân chủ hóa đất nước liệu có là giải pháp và như thế nào ? Cải cách là không thể đảo ngược nhưng có liệu hướng đến chế độ dân chủ với nền tảng kinh tế thị trường hay sẽ là mô hình gì ?

nangcap3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 11/9/2023. AFP

Việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, nhưng ‘quả bóng đang ở phần sân’ Việt Nam, giới lãnh đạo và người dân. Sau sự kết thúc ‘vội vã’ sự ủng hộ chính quyền Ashraf Ghani ở Afganistan năm 2021, nước Mỹ dường như ‘mệt mỏi’ với việc ‘xuất khẩu’ mô hình dân chủ kiểu phương Tây, và chiến lược quan hệ quốc tế đang thay đổi để thích ứng với trật tự thế giới mới đang định hình. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh thể chế, trong đó có cả cạnh tranh về ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn căng thẳng. Và, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ, theo góc nhìn của Tập Cận Bình, liệu có là "sự tự diễn biến, tự chuyển hoá" của giới lãnh đạo Việt Nam ?

Dẫu biết rằng không dễ gì để thoát khỏi chế độ Đảng cộng sản toàn trị, khi giới lãnh đạo phải là một phần ‘cơ hữu’ của tháp quyền lực tập trung, nghĩa là chế độ "còn đảng còn mình" được duy trì bởi gieo rắc nỗi sợ hãi và tuyên truyền một chiều, sai lệch về chủ nghĩa xã hội, biện minh cho những sai lầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, sự đảm bảo tính chính danh cho chế độ, đang cần sự đột phá cải cách. Vì vậy, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện nên chăng được coi như sự thay đổi ‘khôn khéo’, một cú huých cho cải cách thể chế.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 18/09/2023

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Việc Đảng "kiên định" với chủ nghĩa Mác-Leninlà nguyên nhân cơ bản của hai điều ngộ nhận dưới đây. Ngộ nhận thứ nhất : "…không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng… quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân". Ngộ nhận thứ hai : Đảng cộng sản có thể lãnh đạo "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

ngonhan1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trên, giữa) và các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016, Reuters-Hình minh hoạ.

Được biết, Đảng bổ sung phần "quan điểm chỉ đạo", khẳng định việc giữ vững nền tảng tư tưởng này mang ý nghĩa sống còn với chế độ, trong báo cáo chính trị trình Đại hội 13, coi đây là "một trong những điểm mới quan trọng".

Bài viết làm rõ hai điều ngộ nhận nêu trên nhằm gợi mở thay đổi tư duy để thúc đẩy cải cách thể chế chính trị.

"Thời kỳ Thập nhị sứ quân" ?

Tại Hội nghị báo cáo viên trung ương khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức mới đây, vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận trung ương giải thích về "quan điểm chỉ đạo" nêu trên, được truyền thông nhà nước trích lại : "Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác-Lenin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ Thập nhị sứ quân, rối loạn". Đây là điều ngộ nhận mang tính tuyên truyền để duy trì chế độ thay vì lý giải thuyết phục.

Chủ nghĩa Mác-Lenin là nền tảng tư tưởng cho mô hình Xô Viết với đặc trưng đảng cộng sản toàn trị. Sau thế chiến 2, từ năm 1945 mô hình này được áp dụng cho các nước Đông Âu để hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cho đến khi sụp đổ năm 1991. Việt Nam, Trung Quốc, Cuba… với xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu sau khi giành được độc lập cũng dựa vào mô hình này để phát triển.

Trong bối cảnh chính quyền Xô Viết I. Stalin từng định nghĩa đó là "Học thuyết do K. Marx và F. Engels sáng lập và được V. Lenin phát triển trong mối quan hệ đấu tranh giai cấp giữa thời đại chủ nghĩa đế quốc và các cuộc cách mạng của giai cấp vô sản". Tuy nhiên, trong quá trình vận hành nó đã thay đổi về hình thức tuỳ thuộc thực tế và quyền lực của giới lãnh đạo từng quốc gia, có xu hướng từ "phong trào cộng sản" mang tính quốc tế đến chủ nghĩa toàn trị, độc đoán mang tính quốc gia.

Năm 1991 hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoàn toàn, và nguyên nhân cơ bản là thua kém trong cạnh tranh kinh tế với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Như V. Lenin từng nhấn mạnh, để chế độ mới xã hội chủ nghĩa chiến thắng chế độ tư bản chủ nghĩa suy cho cùng là năng suất. Các quốc gia ở Đông Âu đã chuyển đổi nhanh sang chế độ dân chủ, không hề phải trải qua thời kỳ loạn "mười hai sứ quân" mà trái lại, đang phát triển văn minh, bền vững trong suốt ba thập kỷ qua. Một điều chắc chắn rằng không quốc gia nào muốn quay lại chế độ đảng toàn trị thêm lần nữa.

Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại như Trung Quốc, Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường mà vẫn duy trì chế độ đảng cộng sản toàn trị. Chế độ này vẫn dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác-Lenin và bổ sung thêm "tư tưởng Mao Trạch Đông", "tư tưởng Hồ Chí Minh"… để phù hợp với đặc thù từng nước.

Đó là một lựa chọn, tuy nhiên, cả Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù tuyên bố xây dựng xã hội chủ nghĩa, đang ‘vất vả’ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp. Thực tế đang chỉ ra rằng sự kết hợp cơ học giữa chế độ đảng cộng sản toàn trị với thị trường đang sản sinh ra "nhà nước tư bản thân hữu" với những bất ổn xã hội sâu sắc. Đảng đang làm mọi cách ngăn chặn nguy cơ sụp đổ chế độ. Việc dẫn sử "thời kỳ thập nhị sứ quân" là sự tuyên truyền ngộ nhận thay vì một lý giải thuyết phục.

"Chính sách can dự" thất bại

Đảng cộng sản toàn trị có thể lãnh đạo nền kinh tế thị trường đó là ngộ nhận thứ hai. Điều này là không thể bởi vì chế độ này với bản chất chuyên chế mâu thuẫn với các giá trị dân chủ và tự do của thị trường.

Các hiện tượng nhìn bề ngoài dễ dẫn đến sự ngộ nhận: sự sụp đổ của mô hình Xô Viết khiến cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, các quốc gia ở Đông Âu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, trong khi các nước như Trung Quốc, Việt Nam hay Cuba vẫn duy trì có chế độ đảng cộng sản toàn trị đồng thời thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, được dán nhãn như "xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc" hay "định hướng xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Chính sách chuyển đổi như "Cải cách và mở cửa" ở Trung Quốc và "Đổi mới" ở Việt Nam, dường như, không chỉ đã "cứu" chế độ trước nguy cơ sụp đổ, mà còn tạo ra tăng trưởng đảm bảo cho tính chính danh của Đảng…

Đảng cho đó là sự lãnh đạo "sáng suốt", là "công lao", nhưng thực ra đó là nhờ thị trường. Điều ngộ nhận, trước hết, được giải mã bởi "Chính sách can dự" của Mỹ và các nước Phương Tây, trong đó nhấn mạnh quan niệm rằng tăng trưởng kinh tế có thể làm thay đổi bản chất chuyên chế của chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hoá sau chiến tranh lạnh. Với chính sách này, một mặt, các nước tư bản tiên tiến đầu tư và giao thương mạnh mẽ vào thị trường tỷ dân, "dễ dãi" với các giá trị dân chủ, nhân quyền. Mặt khác, chính sách thực dụng "khôn khéo", như "mèo trắng mèo đen…" và "giấu mình chờ thời" đã giúp nước này hội nhập nhanh với thị trường quốc tế để có động lực tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Qua gần ba thập kỷ, năm 2011 Trung Quốc đã trở thành "công xưởng" và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP hơn 14 nghìn tỷ đô la Mỹ. Mô hình này đã từng được coi là "điển hình" cho các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt đối với Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng.

ngonhan2

Hình minh hoạ. Biểu tình đốt cờ Trung Quốc và ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 18/6/2020 Reuters

"Chính sách can dự" được cho là thất bại khi bản chất chuyên chế của chế độ đảng toàn trị bộc lộ. Trước hết, Trung Quốc đã trỗi dậy hung hăng, đặc biệt sau khi Tập Cận Bình trở thành "hạt nhân" lãnh đạo đảng và nhà nước, năm 2012. Về đối nội, tăng cường chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" thanh trừng phe phái để tập trung quyền lực, siết chặt kiểm soát người dân, thay đổi hiến pháp có thể cai trị lâu dài. Về đối ngoại, hiện thực hoá "giấc mộng Trung Hoa" với các kế hoạch đầy tham vọng như "sáng kiến vành đai, con đường", chiếm đoạt và quân sự hoá biển đảo, ngoại giao "chiến lang", đe doạ các quốc gia khác…

Thế giới, đứng đầu là Mỹ, đang phải đối phó với một Trung Quốc hung hăng. D. Trump, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đã "đoạn tuyệt" với "Chính sách can dự", tiến hành và mở rộng cuộc thương chiến sang các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ... Hơn thế, chính quyền D. Trump lên án sự chuyên chế của Đảng cộng sản Trung Quốc và tăng cường "trừng phạt" các vi phạm về nhân quyền, tôn giáo, dân chủ… trong các hồ sơ đối nội về Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Hồng Kông… và đối ngoại như Biển Đông, Sông Mê Kông…, đặc biệt khi lãnh đạo Trung quốc bị cáo buộc "che giấu thông tin về đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ra thế giới, gây thảm hoạ y tế cho loài người.

Trật tự thế giới đang thay đổi, trong đó các hoạt động kinh tế không chỉ vì lợi nhuận cao, mà còn hướng đến các giá trị tự do, dân chủ của người dân. Liệu đây có là bài học cho Việt Nam ? Nước ta, về nguyên tắc, cũng được hưởng lợi từ "chính sách can dự", tuy nhiên năng lực nội sinh, sai lầm chính sách, trì hoãn cải cách là những nguyên nhân không hấp thụ đầy đủ ưu thế của thị trường. Kinh tế có tăng trưởng, nhưng đất nước vẫn tụt hậu. Một trong những hậu quả của hai điều ngộ nhận này là một "nhà nước tư bản thân hữu" đang lớn dần với những bất ổn xã hội sâu sắc. Thấu hiểu những điều này để thay đổi tư duy thúc đẩy cải cách thể chế chính trị.

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

Nguồn : RFA, 07/09/2020

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Ông thủ tướng nhắc đến ý tưởng của James A. Robinson, được báo chí trích dẫn lại, rằng "Một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế" , đồng thời nhắn nhủ là "Đừng sợ dân giàu", rằng "Nếu cứ giữ mãi tư duy lạc hậu thì không thể phát triển"…

caicach1

Luật Doanh nghiệp 1999 thực sự đã trao quyền tự do cho người dân, cho doanh nghiệp với tinh thần người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ lãnh vực gì mà Nhà nước không cấm (Ảnh minh họa) -AFP

Chí ít phát biểu này hợp tình hợp lý, nói có sách mách có chứng, là ghi nhận ban đầu của kinh tế gia kiêm nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan :

Tôi hoàn toàn hiểu và rất tán thành những điều ông nói. Ông cũng đã có đọc cuốn "Tại sao các quốc gia thất bại" (Why The Nations Failed), một số lần nói chuyện ở các nơi hoặc khi nói với doanh nghiệp thì ông cũng đã nhắc đến những điều rất cơ bản được nêu trong cuốn sách đó. Tôi nghĩ thủ tướng cũng đã thấy rõ vấn đề phải cải cách thể chế, ông nhắc lại 3 lần "thể chế, thể chế và thể chế" là hoàn toàn đúng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc gia ở Hà Nội, nhận định ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hướng tới chuyện "Dân giàu nước mạnh" :

Đây cũng là điều gây sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua. Dân giàu thì nước mới mạnh. Rõ ràng chính phủ nào, quốc gia nào cũng mong muốn người dân có thể có thu nhập ngày càng tăng hơn thì kinh tế ngày càng mạnh hơn.

Theo kinh tế gia Phạm Chi Lan, những điều ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lúc này thực tế đã được đề cập nhiều lần từ lúc Việt Nam bắt đầu đổi sang nền kinh tế thị trường dưới trào 2 vị cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phân Văn Khải. Nói gần nói xa thì cải cách thể chế chẳng qua là để cho người dân và doanh nghiệp được quyền làm giàu bằng những lãnh vực mà luật pháp không cấm :

Hai ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải đã quan tâm đến vấn đề tư nhân khi Việt Nam bắt đầu đổi mới sang nền kinh tế thị trường. Chính vì ý thức được sự cần thiết các ông đã xây dựng được Luật Doanh nghiệp. Năm nay là kỷ niệm đúng 20 năm Luật Doanh nghiệp 1999 (1) ra đời vào thời thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng ý tưởng cải cách Luật Doanh nghiệp cũ thành Luật mới theo tinh thần giải phóng cho dân và doanh nghiệp thì đã được khởi xướng từ thời ông Võ Văn Kiệt.

Trong thực tế, bà Phạm Chi Lan giải thích tiếp, Luật Doanh nghiệp 1999 thực sự đã trao quyền tự do cho người dân, cho doanh nghiệp với tinh thần người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ lãnh vực gì mà Nhà nước không cấm, và nếu cấm thì cũng không thể vượt qua Luật :

Những lãnh vực cấm là thông thường các nước khác đều cấm thôi, thí dụ phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên hay sản xuất vũ khí, thuốc nổ này khác. Còn tinh thần dựa vào dân cho dân phát triển, tham gia các hoạt động kinh tế để từ đó Nhà nước giảm dần vai trò của mình đi, nhất là rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh rồi sau đó rút khỏi những lãnh vực mang tính chất truyền thống như là các dịch vụ công và đầu tư hạ tầng chẳng hạn. Những cái đó càng ngày càng được triển khai mạnh mẽ hơn.

Những điều kinh tế gia Phạm Chi Lan lý giải chính là sự cải cách thể chế được mong đợi, nhưng chừng như chỉ được nghe nhiều về mặt lý thuyết, là nhận xét của tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân :

Cải cách thể chế thì cũng nói đến rất nhiều rồi. Nói nhiều rồi thì bây giờ phải tạo thuận lợi cho khối tư nhân. Thế nhưng vấn đề bây giờ của Việt Nam vẫn là" phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa"...

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cho rằng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là sự đánh tráo khái niệm.

Bây giờ người ta bắt đầu thấy sự phá sản của kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa và loay hoay, rón rén tuyên bố kinh tế tư nhân là quan trọng, kinh tế tư nhân đóng góp 40, 50% thu nhập quốc dân.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thừa nhận Luật Lệ và Nghị Định các thứ chồng chéo nhau, ràng buộc nhau và không tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân phát triển. Nhận thức ra như thế cũng là điều may nhưng đòi hỏi phải có luật. Người ta nói nếu không có luật lệ tử tế thì không thể làm giàu được.

Kinh tế tư nhân càng ngày càng chứng tỏ họ đi con đường đúng. Hai nữa, thực sự họ đã vươn lên trong những điều kiện rất khó khăn.

Dưới mắt nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, càng về sau này chính phủ càng chứng tỏ có sự cố gắng thúc đẩy cải cách nhiều hơn, tuy nhiên :

Nhưng cũng có một thời gian độ khoảng chục năm gần đây thì có ý tưởng trở lại là thúc đẩy khu vực Nhà nước lên và trao cho Doanh Nghiệp Nhà nước quá nhiều quyền, nhất là khi biến họ thành các tập đoàn kinh tế và cho phép kinh doanh đa ngành. Chủ trương đó làm cho Doanh Nghiệp Nhà nước tràn sang rất nhiều lãnh vực và quá trình cổ phần hóa để rút dần hoạt động của những Doanh Nghiệp Nhà nước khỏi những lãnh vực mang tính chất kinh doanh, tính chất thương mại thuần túy nó bị chậm lại.

Hệ qua là sau này đổi mới Doanh Nghiệp Nhà nước rất chậm, số Doanh Nghiệp Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả thì vẫn rất cao. Cả 12 dự án của Bộ Công Thương chẳng hạn, mà các doanh nghiệp tư nhân có thể làm được nhưng Nhà nước lại ôm lấy để làm. Cả 12 dự án đó rốt cuộc bị thua lỗ rất nặng nề. Đến tận bây giờ tổng số lỗ của các dự án đó cũng vẫn còn treo đấy, trở thành gánh nặng của nền kinh tế.

Tình thế như vậy buộc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thốt ra những lời lẽ hàm ý và xu hướng để cho dân, tức là cho tư nhân, được chủ động nhiều hơn trong việc làm ra của cải cho mình và cho đất nước :

Những năm gần đây thì Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, việc tiếp cận các nguồn vốn ODA không dễ dàng nữa. Nhà nước càng thấy là không có đủ nguồn lực và sẽ phải chuyển mạnh hơn nữa sang khu vực tư nhân.

Thủ tướng đã thấy rõ vấn đề phải cải cách thể chế, điều này thậm chí đã được nêu lên từ Đại Hội XI cách đây 9 năm rồi. Năm nay, trong Diễn Đàn Kinh Tế tháng Chín vừa rồi mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự thì một số chuyên gia nước ngoài đã nói rất rõ rằng yêu cầu cải cách thể chế là rất lớn nhưng quan trọng không kém là phải thực thi, hành động có thứ tư ưu tiên và tập trung giải quyết các vấn đề. Thủ tướng cũng tán thành những cách như vậy, nghĩa là luật pháp, chính sách và cơ chế thi hành thật tốt và phải có hành động thực tế.

Được hỏi khi ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là "đừng sợ dân giàu" thì phải chăng ông muốn xóa bỏ suy nghĩ của thể chế cộng sản rằng dân mà giàu lên thì Nhà nước mất quyền lực, bà Phạm Chi Lan phản biện :

Suy nghĩ đó vẫn có trong một số người, nhưng mà nói về thể chế thì trong các chính sách, pháp luật Việt Nam ban hành chưa có bất cứ đạo luật nào hoặc văn bản nào mà lại thể hiện cái sự ngần ngại đối với việc để cho dân làm giàu. Kể cả khi nói về xây dựng kinh tế thị trường theo thì lãnh đạo Việt Nam vẫn giải thích đó là xây dựng một xã hội Việt Nam dân giàu nước mạnh, tức vẫn đặt dân giàu lên trên nước mạnh, vẫn hiểu dân có giàu thì nước mới mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận về Dự Luật Đầu Tư mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố thẳng quan điểm thị trường đừng sợ dân giàu, rằng quyền sở hữu , quyền tài sản được bảo vệ theo Hiến Pháp, nếu thủ tục thuận lợi và mang tính thị trường thì nước lên thuyền lên. Giảng viên Đại học Kinh Tế Quốc Dân, tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, góp ý :

Nước lên thuyền lên là vì khi doanh nghiệp hay dân chúng có thu nhập tăng cao lên. Nhưng bây giờ vẫn có cái tâm lý e ngại của các doanh nghiệp là khi mà lớn lên trên mức vừa và nhỏ thì các cơ quan nhà nước lại nhũng nhiễu khó khăn.

Rõ ràng cách thức quản lý của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng cái thời thuế khóa tập trung, tức là cái gì không quản được thì cấm, cái gì không hiểu được là cấm. Cần phải xóa bỏ cái tâm lý không quản được là cấm.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, những lời này nghe hay nhưng chưa đủ làm an lòng giới đầu tư tư nhân vì :

Vẫn rụt rè, rón rén và không làm một cách công khai, minh bạch, không tạo ra một thể chế văn minh, nhân văn để cho người dân có quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ của các nước tiên tiến.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/11/2019

(1) Luật Doanh nghiệp năm 1999

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn

Cải cách thể chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển (RFA, 10/10/2019)

Theo thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam vừa tăng 10 bậc lên hạng thứ 67 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu - GCI 2019. Báo cáo GCI còn cho rằng Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.

vn1

Ảnh minh họa : Cảng Hải Phòng ngày 12/8/2019. AFP

Có cải cách nhưng không rõ ràng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, việc thăng hạng này là kết quả bước đầu trong nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.

Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết :

"Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy rất nhiều việc cải cách thể chế, cắt giảm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh và thực hiện công khai minh bạch. Các bộ như Bộ Công thương, đã đi đầu trong việc cắt giảm 50% số giấy phép con. Tuy vậy, phía doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng các giấy phép con đó không được cắt giảm thật sự, mà 3 giấy con gộp lại thành một giấy phép mới trong một văn bản mới. Cho nên chi phí ngoài pháp luật để thực hiện các giấy phép con đó vẫn còn cao, theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp".

Tốc độ cải cách thể chế ở Việt Nam tuy có nhiều thay đổi, thể hiện qua việc được thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng theo một số chuyên gia, hiện vẫn còn nhiều chồng chéo trong các quy định văn bản pháp luật, khiến phát sinh nhiều rủi ro cho doanh nghiệp & địa phương…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm :

"Hiện nay, trách nhiệm giải trình của một số cơ quan trong việc thực hiện các quyết định của mình chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy doanh nghiệp rất dễ dàng gặp rủi ro, ví dụ mới đây có vấn đề cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì có hai luật, ‘một luật về đất đai’, ‘một luật về nhà ở’, thì luật đất đai dùng khái niệm ‘nhà đầu tư’, còn luật đất đai dùng khái niệm ‘chủ đầu tư’, thế thì hai khái niệm đó mâu thuẫn và không giống nhau, vì vậy dùng ‘nhà đầu tư’ hay ‘chủ đầu tư’ không thay thế nhau được, và nó gây ra các phiền toái cho doanh nghiệp".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tương lai, các nhà làm luật Việt Nam cần nâng cao chất lượng và tính tương thích giữa các luật với nhau, tránh luật này đá luật kia, luật này mâu thuẫn luật kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Mới đây, tại một Hội thảo đánh giá về kết quả thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM, cho rằng vì thể chế còn nhiều rủi ro, nên doanh nghiệp tư nhân cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn, rủi ro càng cao. Đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc phải dừng lại...

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết :

vn2

Ảnh minh họa : Công nhân một doanh nghiệp dệt vải ở Nam Định ngày 17/9/2019. AFP

"Gây cản trở cho doanh nghiệp tư nhân, thì mặc dù đến giờ cũng có một số tiến bộ, nhà nước cũng có một số chính sách để cải tiến, để mở ra, nhưng nói chung vẫn còn nhiều trở ngại. Vì vậy doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rủi ro không thể kể hết. Đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh thương mại Trung Quốc với Mỹ, thì Việt Nam với những ảnh hưởng bên ngoài cộng với cơ chế bên trong chưa hoàn toàn cởi mở hết, làm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến giờ cũng chưa thể phát triển một cách bình thường, trong đó đặc biệt là vấn đề thủ tục, thuế, về những ưu đãi về mặt nhà nước, hay những chính sách về xuất nhập khẩu phải qua nhiều trung gian tầng nấc, những cái đó gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp".

Trở lại với những nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, ông còn đưa ra thêm các dẫn dụ. Ông cho rằng trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cải cách từ nguồn gốc của sự mâu thuẫn

Thực tế có đúng như những gì tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt hôm 10/10 và được ông cho biết những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp ông :

"Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận thôi, luật ở Việt Nam thì không cụ thể, nhưng quan trọng là người thực hiện. Thí dụ người ta cố tình vạch lá tìm sâu thì phải chết thôi. Và có khi cũng là chuyện đó nhưng người ta thấy xuê xoa thì nó lại khác. Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận doanh nghiệp phải có mối quan hệ nhất định, nhiều khi nghĩ mình làm tốt nhưng chưa chắc đâu. Chẳng hạn lỗi nhỏ thì bị phạt, lỗi nặng nhưng có mối quan hệ thì chả sao cả. Pháp luật thì nhiều từ ngữ rất chung chung, tùy theo người cầm cân nẩy mực, họ muốn mình có tội thì có tội, cũng khó nói lắm, phải thích nghi thôi".

Theo cách trả lời của Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ, thì có lẽ phần nào minh chứng được mức độ rủi ro về thể chế mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải có phần xác thực với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung khi ông cho rằng "doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế".

Ông còn đưa ra dẫn dụ như một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.

Trước những phân tích như trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình, ông cho rằng có hai rào cản chủ yếu cần giải quyết hiện nay, điều thứ nhất là vấn đề công khai minh bạch, được ông nhấn mạnh :

"Phải công khai minh bạch, hiện nay phần lớn doanh nghiệp và công dân đã có kết nối internet, thì các cơ quan nhà nước nên công khai đầy đủ các quy định pháp luật, công khai người nào phụ trách vấn đề gì ? Ví dụ như ở các nước khác, một doanh nghiệp có vấn đề gì đấy đưa đến một cơ quan thì lập tức nó hiện lên vấn đề này đang giao ông này, đang làm ở đây, thời gian thực hiện là bao lâu và doanh nghiệp đó có thể theo dõi được… cái đó chúng ta cần cố gắng thực hiện".

Vấn đề thứ hai theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là trách nhiệm giải trình, tức là người nào ký hay chịu trách nhiệm về vấn đề gì đấy thì được nêu tên lên, và người dân sẽ biết rằng người này đã có quyết định và trách nhiệm của họ về mặt hành chính, tài chính và về mặt hình sự như thế nào về các quyết định đó. Trên cơ sở đó có thể làm tăng chất lượng bộ máy nhà nước.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định :

"Mong muốn của giới doanh nghiệp chúng tôi và cũng là mong nuốn của mọi người dân, là mọi chuyện càng minh bạch càng tốt. Vì nếu minh bạch, thì mới được giám sát và có sự công bằng, và như vậy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như giữa từng con người với nhau mới có sự công bằng để vương lên được".

Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết tuy nhìn nhận thời gian qua chính phủ Việt Nam đã có những cải cách về thể chế, về chính sách và về các thủ tục… nhưng những cải cách đó theo ông, chưa đủ mức để doanh nghiệp thoải mái làm ăn mà không gặp khó khăn. Ông nói tiếp :

"Tôi cho rằng, vấn đề lớn hơn, về lâu về dài, là phải cải cách thể chế. Mà thể chế của mình mà cứ theo đường lối ‘nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì cái đó còn nhiều cái ràng buộc và chính bản thân mình tự mình mâu thuẫn trong đường lối và từ đó nó đẻ ra những vấn đề hết sức trắc trở trong thể chế".

Cho nên, mặc dù Việt Nam cải cách có tiến bộ, nhưng Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết cho rằng, nếu thật sự đảng và nhà nước muốn cải tiến một cách cơ bản, thì phải ưu tiên cải cách từ nguồn gốc của sự mâu thuẫn.

********************

"Khỏa thân" vì môi trường – "Lệch" từ đời thực tới hành vi (RFA, 10/10/2019)

Lúng túng trong xử lý

Trên mạng xã hội vào ngày 8/10 lan truyền hình ảnh 4 người đàn ông khỏa thân đi xe motor trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đặc biệt, nhóm người này còn đứng tạo dáng phản cảm để chụp ảnh trước tòa nhà Panorama, nơi đang gây nhiều tranh cãi. Tài khoản Facebook Trần Chí Hiếu người có biệt danh Hiếu Orion, 1 trong 4 thành viên khỏa thân cho biết nhóm bạn của ông thực hiện việc này với mục đích nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường.

vn3

Nhóm 4 người đàn ông khỏa thân tại khu vực đèo Mã Pí Lèng. RFA Edited

Tuy nhiên, việc làm của nhóm ông Hiếu không nhận được sự đồng tình của mọi người ngược lại khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt. Thậm chí một nhóm luật sư cho rằng hành vi của nhóm ông Hiếu là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và có thể xử phạt lên tới 50 triệu đồng.

Trung Tá Lã Văn Việt, chỉ huy công an huyện Mèo Vạc trả lời với báo chí trong nước cho rằng, "Pháp luật hiện tại chưa quy định cụ thể về xử phạt hành vi này nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, yêu cầu nhóm người này dỡ bỏ những hình ảnh phản cảm trên". (trích báo Giadinh.net.vn đăng 8/10)

Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News đăng ngày 9/10 khẳng định rằng, theo Nghị định 174/2013 của chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề ; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc". Do đó, hành vi này dù được truyền thông dưới bất kỳ thông điệp nào thì cũng cần xử phạt nghiêm để không thể tiếp diễn các hành động phản cảm tương tự.

Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội trao đổi với RFA về vấn đề này vào ngày 10/10, ông có nhận định rằng đối với sự việc này rất khó xử phạt mặc dù đa phần dư luận nhận định rằng nó gây phản cảm nhưng vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên khó thực hiện.

"Những hành vi này chỉ rõ vi phạm hay không vi phạm là do áp lực về số đông thì người ta phạt thôi chứ không có quy định, chế tài cụ thể nào để xử phạt. Thay vì những người đó không phải là đàn ông mà thay vào là người phụ nữ thì nó sẽ được đưa qua một hướng khác liên quan đến vấn đề thuần phong mỹ tục. Nếu những người phụ nữ khỏa thân như thế thì nhiều người sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng cao hơn, không phải ở những nơi công cộng khác như bãi tắm…nếu khỏa thân như vậy sẽ bị đưa vào diện kích thích tình dục chẳng hạn, còn đối với người đàn ông thì chưa biết. Vì thực tế tại Việt Nam chưa có tiền lệ như thế nên các cơ quan nhà nước có vẻ hơi lúng túng".

Luật sư Ngô Anh Tuấn còn cho biết thêm, vì chưa có quy định chi tiết cụ thể nên mỗi người suy diễn một cách khác nhau, diễn đạt không theo quy định, thông tư, nghị định nào cả mà khi sự việc xảy ra thì người ta chỉ suy nghĩ chung chung theo các quy định có sẵn của pháp luật bằng nhiều cách khác nhau và việc xử phạt hay không là do cảm quan của họ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định rằng xử phạt là cần thiết "Hiện nay theo luật pháp Việt Nam không cho phép nói nôm na khỏa thân đi ngoài nơi công cộng thì xử phạt là đều hết sức đúng đắng. Mọi người đều có thể biểu lộ bất cứ việc gì như những vấn đề thuần phong mỹ tục thì nên biểu lộ những nơi kín đáo hoặc những nơi riêng tư, còn những nơi công cộng nó sẽ ảnh hưởng lớn đến những người khác, nên ai đặt vấn đề xử phạt thì điều đó là đúng đắn".

Còn theo ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội và là một nhà quan sát, nhận định với chúng tôi rằng, đối với hành động của nhóm người này thì anh không đồng tình nhưng để xử phạt thì không nên, mà chỉ lên án hành động này mà thôi.

"Hành động của những người đàn ông này theo tôi có lẽ cũng đã có sự tính toán nhưng họ hơi bị coi thường dư luận không nghĩ rằng những chuyện đó lại gây phẫn nộ lớn như vậy. Về khía cạnh pháp lý việc này cũng nằm trong quyền biểu đạt tự do ngôn luận, xét cho cùng những hành động đó cũng không gây hại đến lợi ích của một chủ thể hay cá nhân nào, nên nếu nó đi ngược lại với giá trị chung của xã hội thì chỉ nên là sự lên án thôi không nên có biện pháp hành chính, chế tài xử phạt những người này. Tự họ làm tự họ trách nhiệm trước truyền thông với những hành động của mình".

Mơ hồ trong văn bản

Trước đây một vài trường hợp "khoe thân" nơi công cộng đã từng bị dư luận lên án như hình ảnh cặp đôi chụp ảnh khỏa thân tại Đà Lạt. Cô gái không mảnh vải che thân tạo dáng dưới hồ sen tại Bắc Giang. Năm 2018, Á hậu Thư Dung cùng ê kíp của mình cũng bị phản ứng dữ dội khi chụp ảnh hở hang tại Tuyệt tình Cốc, Đà Lạt... Bên cạnh đó, sự việc người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc được cho là lố lăng tại thảm đỏ LHP Cannes 2019 cũng gây mất thuần phong mỹ tục Việt Nam và gần đây nhất là việc một nữ du khách quay video bán khỏa thân lấy nón lá che ngực tại phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc ăn mặc phản cảm bị dư luận lên án vẫn cứ lặp đi lặp lại. Đúng là các cơ quan liên quan đang lúng túng trong việc xử lý. Tại sao vậy ?

Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News cho rằng tại Nghị Định 73/2010 có quy định về xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh nhưng Nghị định đó đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị Định 167/2013. Tuy nhiên Nghị định mới lại bỏ quên mục xử phạt về hành vi vi phạm nếp sống văn minh.

Mới nhất có Nghị định 45/2019 vừa có hiệu lực từ 1/8/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung và một điều quan trọng là các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng chưa được ban hành do đó, cũng khó có thể phạt nhóm người nói trên.

Ớ góc độ khác, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định "Tôi không quan tâm họ bảo vệ môi trường vì không ai quy định điều đó mà họ tự mạc định thôi, tôi chỉ quan tâm việc đã có vi phạm pháp luật về hành chính hay chưa, đủ đến mức xử phạt vi phạm hành chính hay chưa. Theo các quy định hiện tại thì theo tôi nó chưa đủ để xử phạt vì luật pháp chưa quy định rõ ràng thì việc bỏ trống một hai trường hợp là chuyện bình thường, tôi thấy chúng ta hay làm kiểu chạy theo dư luận và cố gắng làm hài lòng dư luận thì không được, rõ ràng quy định pháp luật chưa có thì cho qua cũng được thì mới biết được mình sai, mình thiếu, mình yếu chứ cố gắng ngượng ép như thế thì cũng chỉ được vài trường hợp mà thôi".

Còn nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng, "…việc này đúng ra nhà nước cũng quan tâm và lo lắng việc này, thật ra không phải là chuyện Mã Pí Lèng mà là việc tự do biểu đạt, tất nhiên hành động của nhóm 4 người đàn ông này thì hiện tại dư luận không tán thành, phản đối nhưng lỡ sau này một nhóm khác người ta khỏa thân để biểu tình vì dân chủ vì tự do vì đa nguyên đa đảng chẳng hạn thì đến lúc đó nhà nước sẽ xử lý như thế nào, thì đó mới là vấn đề chính quyền người ta thật sự quan tâm, lo lắng đối với những chuyện đó trong tương lai".

Ngoài ra, anh Thắng còn cho hay trong một xã hội như hiện nay thì những chuyện bất bình thường như vậy chắc chắn sẽ xảy ra và đã từng xảy ra. Không xảy ra chỗ này cũng xảy ra nơi khác, không nhóm người này cũng có nhóm khác thực hiện và chỉ đến khi xã hội đạt mức bình ổn thì những hiện tượng phi văn hóa sẽ tự nhiên mất đi.

*****************

Cho dân giám sát Cảnh sát giao thông : tưởng dễ mà lại khó ! (RFA, 10/10/2019)

Trong Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ công an đã bổ sung đề nghị người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, quay phim hoặc quan sát trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

vn4

Một nữ cảnh sát giao thông chỉ đạo giao thông tại một ngã tư ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 6 tháng 3 năm 2013. AFP

Dân được quyền giám sát cảnh sát giao thông

Đây là thay đổi so với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2. Nếu dự thảo này được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.

Nhận xét về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ý kiến mới này của Bộ Công an rất nên khuyến khích. Ông tiếp lời :

"Không cứ riêng anh đâu mà công chúng nói chung cũng sẽ rất hoan nghênh ý kiến này của Bộ Công an. Vì điều đó tốt cho tất cả mọi người nhất là cho chính cơ quan công an. Đây là một dịp để người dân có phương tiện giám sát giúp cơ quan công an hoạt động tốt hơn".

Xác nhận lời Luật sư Mạnh, bạn Trang, hiện đang ở Sài Gòn cho biết qua Facebook Messenger như sau :

"T ủng hộ. Vì như vậy cảnh sát giao thông mới làm đúng trách nhiệm và minh bạch. Nhưng dĩ nhiên dân cũng không được làm lố. Kiểu người ta phạt đúng tội thì không nên lạm dụng quay phim chụp hình".

Còn theo anh Minh, ở góc nhìn của anh, đề xuất này thực chất chẳng có tác dụng gì rõ rệt vì thói quen sợ phiền phức của người Việt hiện nay :

"Ra đường bị công an giao thông bắt vô, nói chung ai cũng tâm lý muốn đi nhanh cho rồi thành ra mới có tình trạng cảnh sát giao thông ăn hối lộ. Còn thời gian móc máy ra quay thì mọi chuyện đã khác rồi".

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, nhà báo Ngô Nhật Đăng, lại cho rằng những đề xuất này người dân đã yêu cầu từ lâu rồi và đây là lúc chính phủ cần thay đổi. Ông lý giải :

"Kể cả ở những nước khác, đều có cơ chể để những người tuân luật giám sát người thực thi pháp luật để xã hội có kiểm soát và tránh trường hợp những người thực thi luật pháp vượt quá quyền hạn của mình".

Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, dư luận còn vấn đề cần quan tâm nhiều hơn khi Bộ Công an đưa ra đề này. Ông nói :

"Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là cảnh sát giao thông ? Một vấn đề nữa là liệu những người kiểm tra, giám sát những hành động của cảnh sát giao thông có được bảo vệ hay không và những phản hồi của người dân khi lên các cơ quan chức năng bên trên khi phát hiện sai phạm kỷ luật của cảnh sát giao thông sẽ được xử lý như thế nào ?"

Giám sát ra sao để không phạm luật ?

Trở lại sự việc từ đầu tháng 10 và cuối tháng 9 vừa qua khi báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tin cho biết ông Lê Công Nam bị công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, vì ông Nam đã dùng điện thoại di động ghi hình khi bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Hoàng Mai kiểm tra, lập biên bản vi phạm lỗi "lắp bánh không đúng kích cỡ". Ông Nam cũng bị cáo buộc là đã dùng lời lẽ xúc phạm danh dự và nhân phẩm lực lượng cảnh sát giao thông.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người chia sẻ video này cũng bị phạt 7,5 triệu đồng. Theo công an, ông Sỹ và ông Nam đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cả hai đều bị yêu cầu gỡ bài.

Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Ông Đức cũng phải gỡ thông tin đã đăng tải.

Từ những trường hợp vi phạm như trên, nhiều người đang tỏ ra hoang mang, vậy giám sát ra sao để không phạm luật ?

Bạn Trang tại Sài Gòn bày tỏ :

"Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. Luật không chặt là loạn".

Giải thích rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng đây là điều mà những "người giám sát" nền cần biết :

"Cái yêu cầu của Bộ Công an đi kèm theo ý kiến đó cứ xem một cách bình tĩnh thì thật ra nó sòng phẳng và nó đúng đắn để bảo đảm rằng những clip quay phim hay chụp ảnh, ghi âm là trung thực, không bị cắt xén vì nếu cắt xén đi thì làm sai lệch hoàn toàn nội dung băng ghi âm hay ghi hình. Thế thì việc post (phốt) thông tin cho công chúng biết hoặc tố cáo thì người phốt phải chịu trách nhiệm".

Báo mạng VnExpress vào ngày 8/10 có đăng tin ghi rõ "các chuyên gia luật cũng cho rằng hiện không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ song luật có nêu rõ cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải... sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự".

Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng thực chất đề xuất mà Bộ Công đưa ra để răn đe xã hội chứ không phải có cơ chế thoáng để người dân có quyền hành hơn :

"Ngoài chuyện người dân chưa kịp mừng là đã có những cơ chế để xã hội có thể kiểm soát được những người thực thi luật pháp thì lại có ngay một quy định đi kèm theo sau mà mũi nhọn lại chĩa thẳng vào người dân. Tôi cho rằng người ta sẽ nghĩ nhiều đến chuyện không phải khuyến khích người dân làm nữa mà để đe nẹt người dân khi đưa những việc làm sai trái của lực lượng cảnh sát giao thông".

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, đề xuất của Bộ Công an về việc giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông vẫn là một điểm mới mà mọi người cần ủng hộ. Tuy nhiên, nếu gán ghép việc cấm người dân phát tán và có nguy cơ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng là điều vô lý. Ông nhận định :

"Luật an ninh mạng hầu như là một biện pháp bịt miệng mọi người và cái phạm trù để nói là phát biểu ý kiến cá nhân hoặc có ý xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước thật ra ranh giới của nó rất mù mờ, không có gì để xác định vấn đề này. Nếu trong tường hợp cơ quan nhà nước nào đó muốn xử lý người dân thì họ chỉ việc đẩy qua khía cạnh có sự xúc phạm, lập tức người phát biểu trở thành người vi phạm".

Vì thế, Luật sư Mạnh cũng đưa ra đề xuất để điều luật được hoàn chỉnh và cân bằng hơn cho hai phía chính quyền và người dân :

"Để bảo đảm quyền được phát biểu của người dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, kể cả vấn đề phản biện để xây dựng đất nước thì nên bỏ luật An ninh mạng và những điều khoản nằm trong Bộ luật hình sự. Ví dụ như điều người dân hay bị là Điều 117 chẳng hạn, tức là khi họ phát biểu hoặc nói chuyện với nhau mà chính quyền cho rằng họ tuyên truyền, những câu nói hoặc quan điểm của họ khác ý với chính quyền thì rất dễ phạm tội 117 Bộ luật Hình sự".

Từ năm 2013, việc người dân có được phép quay phim cảnh sát giao thông hay không đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố Dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng và chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên.

Published in Việt Nam

Một thách thức rất lớn dành cho giới chóp bu đảng cộng sản Việt Nam trong năm 2018 là làm sao vay được tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế và các chính phủ, trong lúc chính thể độc đảng ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động tác nào được xem là "cải cách thể chế" cho tới nay.

vay1

Cái bắt tay này chẳng chứng tỏ được gì. Vào tháng 9/2017, trong cuộc gặp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lộ ra "lời đề nghị khiếm nhã" khi bộc lộ động tác "xin tiền" một cách công khai. Phía WB đã hoàn toàn phớt lờ đề nghị này. Ảnh : Tiền Phong

Nhu cầu vay tín dụng quốc tế lại chưa bao giờ khẩn thiết và cần nhiều như lúc này. Sau năm 2015 là thời điểm Việt Nam phải trả nợ quốc tế đến 20 tỷ USD, những năm sau đó chính thể này phải đều đặn trả nợ quốc tế từ 10 – 12 tỷ USD mỗi năm. Cho dù Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cố gắng "gom" USD từ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần và từ nguồn trôi nổi trên thị trường để "đạt thành tích 57 tỷ USD dự trữ ngoại hối", con số này vẫn là nhỏ bé nếu trừ đi khoảng 13 tỷ USD trong đó là trái phiếu chính phủ Mỹ mà số còn lại vẫn không đủ cho ít nhất 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Quỹ dự trữ ngoại hối lại còn phải phục vụ cho nhu cầu thiếu hụt trầm trọng của ngân sách quốc gia. Vào cuối năm 2015, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính vay mượn 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để "bù đắp khó khăn ngân sách" mà cho tới nay vẫn chẳng có thông tin nào về việc ngân sách nhà nước đã trả lại quỹ dự trữ ngoại hối số tiền 1 tỷ USD hay chưa.

Có đến khoảng 50 – 60% số tiền Việt Nam vay mượn tín dụng quốc tế hàng năm là nhằm "đảo nợ", tức được dùng để thanh toán luôn cho những món lãi và nợ gốc đã đến hạn phải trả. Trước đây, cơ chế "đảo nợ" được chính phủ giấu kín. Nhưng về sau này và khi tình hình đã đến mức "sụp đổ tài khóa quốc gia" – như một cảnh báo của chính Thủ tướng Phúc vào đầu năm 2017, cả giới quan chức của chính phủ và quốc hội đều phải dần công khai nói về "đảo nợ".

Nhưng giờ đây, cơ chế vay tín dụng quốc tế không còn dễ dàng như những năm trước.

Từ tháng Bảy năm 2017, các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã thống nhất Việt Nam sẽ phải vay tín dụng với những điều kiện không còn ưu đãi như trước, nghĩa là với mặt bằng lãi suất sẽ tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa. Còn muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.

"Đúng nghĩa" có nghĩa là phải minh bạch tài chính và tài khóa, công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng có thể chứng minh được, có những bằng chứng bảo đảm Việt Nma tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả những mặt này, Việt Nam vẫn luôn là "điển hình tiên tiến" trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.

Không những không quan tâm đến "kinh tế thị trường", tại Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu tháng Năm năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo tung ra "Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" – một văn bản bao gồm nhiều khái niệm bị giới chuyên gia và dư luận xem là hổ lốn, thực sự tréo ngoe với mọi tiêu chí về kinh tế thị trường tự do của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, cuộc chiến được xem là "chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng cho tới nay mới chỉ chứng tỏ tinh thần "chống tham nhũng thời kỳ trước" (được hiểu như "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng") hay "chống tham nhũng một bên", mà chưa đụng chạm đến "phe ta" như vụ Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự… Rất nhiều dư luận đã cho rằng đây không phải là một ý chí chống tham nhũng thực tâm mà chỉ mang tính thanh trừng quyền lực và tập quyền phe phái lẫn cá nhân.

Hậu quả của cơ chế "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là trong năm 2017, Việt Nam vay mượn được rất ít tín dụng quốc tế so với những năm trước.

Ngay cả Hội nghị thượng định kinh tế APEC – một sự kiện mà giới chóp bu Việt Nam tuyên xưng là "rất thành công", cũng chỉ mang lại một kết quả quá sức khiêm tốn về tín dụng. Ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 – 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải "vay để đảo nợ".

Trước đó vào tháng 9/2017, trong cuộc gặp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lộ ra "lời đề nghị khiếm nhã" khi bộc lộ động tác "xin tiền" một cách công khai : "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay". Nhưng phía WB đã hoàn toàn phớt lờ đề nghị này

Cần nói thêm, ngoài các tiêu chí cần phải có để đáp ứng quy chế kinh tế thị trường, còn có cả tiêu chí về nhân quyền. Nhưng trong năm 2017, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng hàng đầu thế giới về vi phạm nhân quyền trầm trọng khi tống giam đến 25 người hoạt động về quyền con người.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 17/02/2018

Published in Diễn đàn

Sai phạm trong quản lý, điều hành kinh tế chỉ là hệ quả của tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách hay cũng là hệ quả của công tác cán bộ ?

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày có đoạn :

"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước ;

Là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Vấn đề là ở chỗ, nếu không uyển chuyển, linh hoạt, chúng ta sẽ khó dung hòa một nền kinh tế "vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường" trong khi phải"bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa".

Hiện thời, Nhà nước đang kêu gọi các quốc gia, nhóm quốc gia theo thể chế tư bản, các định chế tài chính quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

caicach1

Cải cách thể chế, nhóm lợi ích và bè cánh. (Ảnh minh họa trên Tapchitaichinh.vn)

Vấn đề là nếu các nước có thiện chí công nhận thì họ sẽ phải theo các tiêu chí của chúng ta hay theo chuẩn mực mà đa số quốc gia đang áp dụng ?

Để tháo gỡ nút thắt này, Tổng Bí thư đưa ra một gợi mở, đó là định hướng phải "phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước".

Theo tinh thần đó, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là phải tìm xem "giai đoạn phát triển của đất nước" hiện nay phù hợp với cơ chế thị trường nào ?

Nói cách khác, thể chế kinh tế hiện nay đã phù hợp các chuẩn mực để thế giới công nhận nền kinh tế của ta là "kinh tế thị trường" hay chúng ta cần "cải cách thể chế kinh tế" ?

Trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, cải cách thể chế kinh tế là bức xúc không thể trì hoãn thì có cần "giãn tiến độ định hướng" để hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới ?

Khi nền kinh tế đủ mạnh, có thể vài năm hoặc vài chục năm nữa chúng ta sẽ có những điều chỉnh chiến lược theo định hướng ?

Mặt khác, nếu quả thật cải cách thể chế kinh tế là bức xúc không thể trì hoãn thì cải cách luật pháp - một cách nói khác của cải cách thể chế chính trị có cần thiết ? 

Về vấn đề này, xin nêu một vài ý kiến.

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nhân, doanh nghiệp có thể làm bất kỳ điều gì mà pháp luật không cấm.

Để tránh xung đột lợi ích, công chức không được phép trực tiếp kinh doanh, nhiều quốc gia đã có những đạo luật quy định cụ thể.

 Tại Việt Nam, có công chức nắm vị trí quan trọng trong bộ máy hành pháp nhưng lại bằng cách này hay cách khác đồng thời là chủ sở hữu các doanh nghiệp tư nhân hoặc giữ cổ phần chi phối trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch Nghệ An Lê Ngọc Hoa là những ví dụ cho nhận định này.

Sẽ thật ngây thơ nếu cho rằng, một công chức nhà nước sẽ không bao giờ hỗ trợ vợ, con, người thân trong việc kinh doanh của gia đình mình.

Báo Laodong.com.vn ngày viết : "Trước khi đặt những câu hỏi về việc liệu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy - có được tỉnh Nghệ An "ưu ái" trong các loạt bài trước đây của Lao Động, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ hơn về Cienco4 và nhận thấy : Ảnh hưởng của gia đình Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đối với Cienco4 là rất lớn" [1].

Báo chí đã đề cập quá nhiều về vấn đề công chức đồng thời là doanh nhân, chẳng hạn "Vào công chức để làm giàu dễ phạm tội" (Vietnamnet.vn, 13/10/2016) ;

"Anh đã làm công chức thì hãy xác định là phục vụ cho nhân dân, đừng bao giờ anh mơ tưởng đến làm giàu. Muốn làm giàu thì hãy ra khu vực tư nhân mà làm" (cand.com.vn, 1/1/2014) ;

"Đã làm công chức đừng mong làm giàu" (Tienphong.vn 11/11/2013) ;…

Ít nhất, vấn đề công chức làm giàu đã được đề cập 5 năm nay, đó là khoảng thời gian đủ dài để các nhà hoạch định chính sách xem xét.

Vì sao nhà nước vẫn chưa ban hành một đạo luật về "Xung đột quyền lợi" trong hoạt động kinh doanh như Hoa Kỳ và nhiều nước khác ?

Có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nguy cơ khó lường, chẳng hạn Luật Giáo dục đại học và một số văn bản dưới luật quy định chính quyền địa phương có quyền đưa công chức tham gia Hội đồng quản trị các đại học ngoài công lập.

Việc một công chức nhà nước tham gia Hội đồng quản trị một cơ sở tư nhân, nghĩa là tham gia điều hành hoạt động của cơ sở đó trở nên hợp pháp theo Luật Giáo dục đại học nhưng bất hợp pháp theo Luật Cán bộ, công chức nói lên điều gì ?

Xung đột lợi ích là khái niệm không mới cả ở Việt Nam và thế giới, liệu có phải quá trình làm luật bị "nhóm lợi ích" chi phối hoặc ít nhất là trì hoãn nhằm hợp thức hóa sự việc đã rồi ?

Nói cách khác, nếu có một đạo luật như vậy được ban hành thì nguyên tắc không hồi tố sẽ đảm bảo cho các công chức - doanh nhân bảo toàn nguyên vẹn cả tài sản lẫn danh tiếng ?

Những khuyết điểm của ông Đinh La Thăng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu lên, chủ yếu thuộc phạm trù "thể chế kinh tế" nhưng có lẽ không hoàn toàn là như vậy.

Việc vận dụng một cách vội vã, thiếu các đánh giá khoa học mô hình Cheabol Hàn Quốc vào Việt Nam có lẽ mới là nguyên nhân căn bản.

Cheabol là các tập đoàn kinh tế gia đình, với kinh tế tư nhân, bào toàn và phát triển vốn là nhiệm vụ sống còn trong khi các tập đoàn, tổng công ty của chúng ta lại tuân theo nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách".

Một khi lãnh đạo là quyền của "tập thể" thì ông Thăng có sai cũng không "sai một mình", quanh ông có "tập thể" và trên ông còn lãnh đạo cấp Bộ, Chính phủ vì thế kỷ luật một mình ông là chưa đủ.

 Thậm chí chỉ kỷ luật những chuyện khi ông Thăng phụ trách bên Dầu khí cũng chưa đủ mà còn cần xem xét thêm cả những bất cập trong ngành Giao thông, khi ông Thăng giữ vai trò "tư lệnh".

Cải cách "thể chế kinh tế" nhất thiết phải đi kèm với cải cách "thể chế quyền lực", phải thực sự coi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.

Sai phạm trong quản lý, điều hành kinh tế chỉ là hệ quả của tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách hay cũng là hệ quả của công tác cán bộ ?

Những người năng lực yếu nắm trong tay quyền quản lý tài nguyên, vốn, nhân lực… đồng thời lại là người quản lý doanh nghiệp hoặc có liên quan đến các "nhóm lợi ích" không tránh khỏi việc ban hành chủ trương sai hoặc chỉ đạo, điều hành kém.

Bên cạnh đó không ít người nếu không phải là vì "nhóm lợi ích" thì cũng vì các mục tiêu cục bộ, địa phương.

Cũng nên nói thẳng, đặt lợi ích địa phương lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc cũng là một dạng "lợi ích nhóm" và sự nguy hiểm của nó không hề kém các "nhóm lợi ích" khác.

Câu chuyện bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng là một ví dụ. Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về rừng cấm Sơn Trà, đến năm 1992 khu vực này trở thành "Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà" với diện tích 4.439 ha.

Gần đây, theo quy hoạch mới, tại bán đảo Sơn Trà sẽ hình thành Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, diện tích dành cho khu tập trung phát triển là 1.056 ha, chiếm 1/4 tổng diện tích toàn bán đảo.

Tuy nhiên, tại hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà" do Trung tâm nghiên cứu con người và thiên nhiên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (greenViet) và nhóm nghiên cứu-giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thực chất "khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà" đã mất 41% diện tích [2].

Ai cũng hiểu "khu bảo tồn thiên nhiên" là tài sản mà thế hệ hôm nay để dành cho con cháu mai sau, đó không chỉ đơn thuần là cảnh quan thiên nhiên mà còn là việc bảo vệ các hệ động - thực vật hoang dã, các nguồn gen quý có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Lợi ích mà các khu bảo tồn thiên nhiên mang lại là chung cho đất nước và nhân loại, không riêng cho địa phương nào.

Trong khi đó "khu du lịch quốc gia" dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều nhằm đến mục tiêu kinh tế, mục tiêu thu lợi từ hoạt động du lịch và đương nhiên địa phương quản lý trực tiếp sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất.

Sử dụng, khai thác một cách tùy tiện nguồn tài nguyên thiên nhiên mà bao thế hệ người Việt hy sinh xương máu giành lại chính là có tội với hậu thế, không đơn thuần chỉ là lợi ích cục bộ, địa phương.

Việc nhanh chóng phê duyệt cho công ty gang thép Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh thời gian 70 năm đã gây hậu quả ngay lập tức.

Lợi chưa thấy nhưng môi trường biển bị hủy hoại không biết bao nhiêu năm mới khắc phục được. 

Phải chăng chính vì tồn tại những nhận thức sai lầm về sự "vô hạn" của nguồn lực tự nhiên mà nhiệm vụ đầu tiên trong 5 nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập là :

"Hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia" [3].

"Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực" là cách nói tổng quát, cần phải hiểu trong đề xuất này bao gồm cả việc bảo vệ, tăng cường "nguồn lực" chứ không phải chỉ là "sử dụng".

Báo chí, các nhà lý luận nói nhiều đến "cải cách thể chế kinh tế", "cải cách nền hành chính quốc gia".

Một số công bố gần đây đề cập đến "cải cách thể chế chính trị" của Trung Quốc như "Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay" [4] hoặc "Kinh nghiệm cải cách thể chế của Trung Quốc và bài học đối với Việt Nam" (Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm ; Tiến sĩ Hoàng Thế Anh - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) [5].

Không khó để nhận thấy sự thận trọng khi sử dụng ngôn từ của giới học thuật Việt Nam, nhưng có lẽ điều này không quá quan trọng, điều cần quan tâm là nội hàm của các "cải cách" đó chứ không phải gọi tên nó như thế nào.

Lâu nay, có một xu hướng sai lầm xem những gì gắn với "nhóm lợi ích" đều là không tốt, nói đây là sai lầm bởi thực tế cho thấy không phải cứ "nhóm lợi ích" là xấu, là lũng đoạn kinh tế, pháp luật, chính trị,…

Vậy phải dùng tên gọi nào để thể hiện, rằng "chui" vào đó thì chẳng có gì tốt đẹp ?

Cụm từ thay thế nên dùng là "bè cánh" lấy từ nhận định "kết bè, kéo cánh" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12) và Tổng Bí thư từng nhiều lần đề cập.

"Bè cánh" theo cách hiểu xưa nay của dân chúng không bao hàm ý nghĩa tích cực.

Nếu "nhóm lợi ích" chỉ mới đạt đến mức "thâu tóm, lũng đoạn nhà nước" thì "bè cánh" còn đi xa hơn, mục tiêu mà "bè cánh" hướng tới là nắm quyền lực (tuyệt đối) để khỏi phải "lũng đoạn" quyền lực.

Khi một "bè cánh" nắm quyền kiểm soát đất nước thì việc đầu tiên mà họ làm là thay đổi Hiến pháp, điều này có thể thấy ở Thái Lan, Myanmar, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Một khi đã nắm quyền lực trong tay thì người ta chỉ việc sử dụng quyền lực đó chứ không cần thâu tóm hoặc lũng đoạn nó, về điều này, các "nhóm lợi ích" dẫu có rất mạnh cũng khó làm được.

Nguy cơ về "nhóm lợi ích" đã được đề cập nhiều, đã được cảnh báo ở nhiều góc độ và cấp độ.

Nguy cơ "bè cánh" cũng đã được nhận diện song dường như chúng ta vẫn còn e ngại khi đề cập đến. Phải chăng sự nguy hiểm của "bè cánh" chưa đạt đến mức báo động đỏ hay còn lý do nào khác ?

Việc một số cá nhân mắc khuyết điểm "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" vẫn được cơ cấu vào các vị trí quyền lực có phải là do những "lá phiếu" hay chỉ là chiến thuật ngắn hạn ?

Chắc chắn Trung ương đã nhận thấy thực trạng và vì thế điểm thứ 5 trong phát biểu phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Tổng Bí thư là vô cùng quan trọng :

"Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị".

Vấn đề là "hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực" cần phải được tiến hành đồng bộ, trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Để kiểm soát quyền lực thì cần phải giảm "đầu mối", một trong những cách "giảm đầu mối" là "nhất thể hóa".

Khi số lượng cán bộ, công chức, viên chức lên đến 2,8 triệu người thì khó khăn trong "kiểm soát cán bộ" là không tránh khỏi và hậu quả tất yếu sẽ dẫn tới khó khăn trong "kiểm soát quyền lực".

Một trong những biện pháp "kiểm soát cán bộ" là "kê khai tài sản", nhiều năm qua tài sản cán bộ kê khai không được công bố cho dân biết.

Khi "dân không biết" thì đương nhiên "dân không bàn, dân không kiểm tra" và việc kê khai đó trở nên không có tác dụng.

Thậm chí có nơi như thành phố Đà Nẵng còn coi bản kê khai tài sản của cán bộ là bí mật không được để lộ.

Không kiểm soát được cán bộ thì không thể kiểm soát quyền lực, điều này không biết có cần bàn luận thêm ?

Rất nhiều ý kiến cho rằng chống tham nhũng chính là chống "lợi ích nhóm".

Người viết cho rằng đã đến lúc phải quyết liệt chống "bè cánh", xem "bè cánh" là nguy cơ cao nhất đe dọa sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của dân tộc.

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 15/05/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://laodong.com.vn/xa-hoi/gia-dinh-pho-chu-tich-ubnd-tinh-nghe-an-co-anh-huong-gi-toi-cienco4-656901.bld

[2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170428/son-tra-mat-41-dien-tich-vi-mot-quyet-dinh-cua-da-nang/1305957.html

[3] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32831602-toan-van-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-nam-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong.html

[4] http://viendantochoc.vass.gov.vn/noidung/nghiencuukhoahoc/Lists/nghiencuukhoahoc/View_Detail.aspx ?iDCapCoQuan=5&ItemID=603

[5] http://dl.ueb.edu.vn/bitstream/1247/9914/1/Kinh%20nghiem%20cai%20cach%20the%20che%20cua%20TQ_Do%20Tien%20Sam.pdf

Additional Info

  • Author Xuân Dương
Published in Diễn đàn