Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 20 avril 2017 00:22

Ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam

Donald Trump : Ba tháng thay đổi thái độ "đến chóng mặt" (RFI, 20/04/2017)

Hôm 20/4/2017, là đúng ba tháng Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đó cũng là 100 ngày "rắc rối" với những xáo trộn và những thay đổi thái độ "đến chóng mặt" của tân tổng thống Mỹ.

ngoaigiao1

Donald Trump đọc bài diễn văn thắng cử ngày 09/11/2016 tại New York. REUTERS/Carlo Allegri

Donald Trump được bầu làm tổng thống nhờ vào một chương trình tranh cử muốn đáp ứng trực tiếp nguyện vọng của một bộ phận tầng lớp trung lưu Mỹ, những người cho rằng bị thiệt hại nhiều do tiến trình hiện đại hóa, cách mạng kỹ thuật số và tác động của toàn cầu hóa.

Giờ ngày càng có nhiều người từng ủng hộ ông Trump bắt đầu cảm thấy chán chường. Theo thông tín viên RFI, tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, chỉ số tín nhiệm của Donald Trump trong số cử tri ủng hộ ông đã tụt giảm mạnh. Chỉ có 45% số người được hỏi vẫn còn tin rằng tổng thống Mỹ sẽ giữ lời hứa khi vận động tranh cử, trong khi chỉ số này vào tháng Giêng là 62%.

"Đúng là, như đã hứa, Donald Trump đã từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng như đã bổ nhiệm thành công một vị thẩm phán nổi tiếng rất bảo thủ vào Tòa Án Tối Cao.

Nhưng trên những hồ sơ còn lại, ông buộc phải tôn trọng các định chế Hoa Kỳ và điều này làm chậm lại những hành động của một vị tổng thống mà chắc là đã không lường trước những khó khăn.

Sắc lệnh của ông về nhập cư đã bị tư pháp chặn lại vì không "tôn trọng tinh thần Hiến Pháp". Việc rút bỏ đạo luật Obamacare cũng bị thất bại do gặp phải sự phản đối của một số nghị sĩ cực hữu tại Nghị viện.

Tiếp đến là việc xây tường ngăn chặn người nhập cư ở biên giới phía nam với Mêhicô giờ vẫn chỉ là một dự án cần phải có nguồn tài trợ. Donald Trump trước đó không ngừng lặp lại là trong 8 tuần ông đã làm được nhiều việc hơn ông Obama trong 8 năm ở Nhà Trắng. Thế nhưng, mọi việc đã rành rành ra đấy. Các cử tri Mỹ giờ khó mà tin được".

Về đối ngoại, tổng thống Donald Trump có những thay đổi thái độ ngoạn mục "đến chóng mặt" trên nhiều hồ sơ mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

"Chẳng hạn như với Trung Quốc. Trước đó, ông không ngừng cáo buộc Bắc Kinh là thao túng đồng nội tệ, nay thì ông không nói như vậy nữa. Trung Quốc giờ trở thành đồng minh sẽ trợ giúp Hoa Kỳ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

ương tự với NATO, ông Trump nay cho rằng tổ chức này đã hết ‘lỗi thời’. Hay như trong hồ sơ Syria, Donald Trump từng khuyên Barack Obama không nên can thiệp, thì nay ông lại tung một chiến dịch oanh kích.

Cuối cùng, Hoa Kỳ vẫn còn lâu mới hòa giải được với Nga. Bởi vì, các nghị sĩ Quốc Hội Mỹ đang gây khó khăn cho ông khi mở điều tra về khả năng đã có thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông với Moskva".

Với Châu Á cũng vậy. Nếu như trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump chủ trương chủ nghĩa biệt lập, yêu cầu các nước Châu Á đồng minh phải tự thân vận động, đóng góp nhiều hơn vào chi phí phòng thủ chung, thì nay giọng điệu cũng khác hẳn.

Mike Pence hiện đang công du Châu Á đã lên tiếng trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời đe dọa cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Ai cũng hiểu rằng chẳng được lợi gì khi chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Trump hiện cũng buộc phải đi theo con đường thông thường đã vạch ra.

Bất kể chuyện gì xảy ra, Donald Trump cũng đã bắt đầu gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử 2020. Lá bài chủ đạo của ông là hiện giờ chính là sự yếu kém của phe Dân chủ, hiện đã mất cả hai viện và vẫn đang tìm kiếm một lãnh đạo mới..

Minh Anh

*********************

Ngoại trưởng Việt Nam thăm Mỹ (BBC, 20/04/2017)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hiện đang thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 20 đến ngày 21/4/2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

ngoaigiao2

Ngoại trưởng Rex Tillerson và Phó Thủ tuớng/Ngoại trưởng Phạm Bình Mình tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC ngày 20/04/2017.

Tại Washington, ông Minh sẽ gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Hai người từng gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tại Bonn, Đức hồi tháng Hai.

"Nghị trình thì theo tôi có việc bàn thảo một số việc trong đó có chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập tại Hà Nội, nói với BBC hôm 20/04 .

Ông Hợp nói trong khi việc chính quyền ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra một số thách thức với Việt Nam thì động thái Washington mới đây đưa 16 nước vào danh sách Hoa Kỳ quan ngại vì xuất siêu vào Mỹ cũng đáng quan tâm.

"Việt Nam nằm khá cao trong danh sách mà Hoa Kỳ coi là tạo thâm hụt mậu dịch nên câu hỏi đặt ra là liệu Washington có cần thẩm định lại quan hệ Mỹ Việt hay không", ông Hợp nói.

Việt Nam xếp thứ sáu trong số 16 quốc gia gần đây bị "soi" vì có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Một trong những sắc lệnh gần đây của Tổng thống Trump đã yêu cầu thực hiện một nghiên cứu 90 ngày theo từng quốc gia và theo từng sản phẩm về các lý do của sự thâm hụt thương mại này của Hoa Kỳ.

Hồi tháng trước trang Facebook của văn phòng chính phủ Việt Nam mô tả điều họ gọi là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẵn sàng thăm Mỹ để thúc đẩy quan hệ song phương.

Trong bài viết hồi đầu tháng Tư trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cố vấn về Châu Á của trung tâm này là ông Murray Hiebert mô tả điều ông gọi là Việt Nam không chần chừ trong nỗ lực kết nối với chính quyền Trump.

"Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi trong thập kỷ qua để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nhằm cân bằng với mối quan hệ gần gũi về kinh tế với Trung Quốc và đối phó với sự lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông".

ngoaigiao3

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Theo tác giả, giới chức Việt Nam đã khẩn trương tìm cách kết nối với tân Tổng thống Hoa Kỳ và quảng bá với chính phủ của ông về vai trò của Việt Nam như là một trong những đối tác tin cậy nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á cũng như trong việc đối phó với các tranh chấp ở Biển Đông.

"Động thái này được đánh giá bằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc điện thoại ngắn với ông Trump ngay sau khi ông được bầu làm tổng thống và một trong những vấn đề mà tân Tổng thống hỏi là về mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc.

Được biết vào ngày 23/2, Tổng thống Donald Trump gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác, theo truyền thông trong nước.

Chủ tịch Trần Đại Quang đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius để trao đổi về quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ.

Ông Quang được dẫn lời nói rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin.

Chủ tịch Quang cũng hoan nghênh việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong việc duy trì tự do hàng hải.

Ông Hiebert trong bài viết nói Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đang có kế hoạch thăm Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới.

"Một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể quan tâm bao gồm mua thiết bị của Hoa Kỳ như radar ven biển, máy bay giám sát và tàu tuần tra để tăng cường khả năng quản lý biển của đất nước", ông Hiebert nhận định.

"Các quan chức của Việt Nam được cho là đang lặng lẽ thúc giục chính quyền Trump tiếp tục tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, bao gồm trong phạm vi 12 hải lý của một số hòn đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp trong những năm gần đây.

"Giới chức ở Hà Nội phàn nàn rằng việc quấy rối và giam giữ ngư dân Việt Nam gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông do các cơ quan thực thi Trung Quốc tiếp tục là một thách thức", tác giả viết.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với thương mại hàng hoá hai chiều đạt 52 tỷ USD vào năm 2016 và hiện nay là thị trường nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ với xuất khẩu tổng cộng 2,7 tỷ USD vào năm 2016. Nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ vào năm ngoái đạt trên 10 tỷ đô la, tăng 43% so với năm trước đó.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vào tuần này cũng thăm Bắc Kinh ba ngày (16-18/4) theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì.

Ngoài các lĩnh vực kinh tế thương mại, mở rộng đầu tư, và hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa giáo dục, du lịch, báo chí và giao lưu nhân dân, vấn đề Biển Đông cũng được bàn tới tại cuộc họp lần này.

Published in Quốc tế
mercredi, 08 mars 2017 18:46

Nước Mỹ và Donald Trump

Tạo ra thế giới và sắp đặt thế giới là một trò chơi ham thích, mê mải, nhiều sáng tạo nhưng cũng đầy bất ngờ của tạo hóa.

Và tạo hóa đã chơi trò sắp đặt với loài người như sau :

- Người da đen đầy sức mạnh bản năng, đầy năng lực sinh sản và mang tố chất nghệ sĩ bẩm sinh cho ở trong những dải rừng nhiệt đới nguyên sơ và mênh mông châu Phi.

- Người da vàng hay lam hay làm cho ở trên những đồng cỏ chồn vó ngựa phi và trên những cánh ruộng nước thẳng cánh cò bay ở châu Á.

- Người da trắng hay nghĩ ngợi, thích lí sự cho ở xứ lạnh châu Âu, cứ đóng cửa lại, đốt lò sưởi lên mà ngồi nghĩ ngợi và lí sự rồi liên tục cho ra đời các định luật, các triết lí, các học thuyết làm nghiêng ngả cả thế giới.

- Người da đỏ ít ỏi cho ở một góc châu Mỹ. Phần còn lại của châu Mỹ, tạo hóa dành một không gian đủ rộng để tạo ra sự pha trộn, cho cả bốn sắc da đen, trắng, vàng, đỏ sống lẫn lộn với nhau, tạo nên nước Mỹ, hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

nuoc1

Tạo ra thế giới và sắp đặt thế giới là một trò chơi ham thích, mê mải, nhiều sáng tạo nhưng cũng đầy bất ngờ của tạo hóa

Thực hiện bản thiết kế sắp đặt đầy lãng mạn đó, tạo hóa liền cho nổ ra những cuộc cách mạng long trời lở đất ở châu Âu, từ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đến cách mạng xã hội. Tạo ra những thảm họa đói nghèo triền miên ở châu Phi. Giáng xuống châu Á những cuộc chiến tranh xâm lược và nội chiến đẫm máu. Cách mạng, đói nghèo và chiến tranh đã tạo ra dòng người da trắng, da den, da vàng từ châu Âu, châu Phi, châu Á hối hả, cấp tập vượt biển kéo đến nước Mỹ xa xôi nhưng yên ổn. Dòng người đủ màu da lánh nạn đến nước Mỹ kéo dài suốt mấy thế kỉ. Trong dòng người lánh nạn đổ bộ lên nước Mỹ có tổ tiên của ông nhà giầu kinh doanh đất đai, nhà cửa Donald Trump đến từ trung tâm châu Âu, nước Đức.

http://www.dreamstime.com/stock-image-image60147781

Nước Mỹ đa chủng - Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ

Đa chủng tộc là sắp đặt của tạo hóa với nước Mỹ, là định mệnh của nước Mỹ. Mỗi chủng tộc đều có một nền văn hóa rực rỡ và độc đáo, đều có một tín ngưỡng thần bí, cao siêu và linh thiêng. Đa chủng tộc là đa văn hóa và đa tôn giáo. Văn hóa Mỹ là tinh hoa folklore, văn hóa dân gian của cả loài người. Đó là sự ưu ái của tạo hóa dành cho nước Mỹ, là may mắn của định mệnh nước Mỹ. Lịch sử hình thành nước Mỹ đã đòi hỏi và đã cho nước Mỹ tấm lòng bao dung với cả loài người. Nước Mỹ là loài người. Nước Mỹ vĩ đại không chỉ bởi đứng đầu thế giới về kinh tế, về khoa học kĩ thuật và về quân sự mà nước Mỹ vĩ đại còn bởi gương mặt nước Mỹ là gương mặt loài người và tấm lòng nước Mỹ là tấm lòng bao dung con người.

Bốn mươi bốn đời Tổng thống Mỹ đều là con cháu những người từ mọi miền trái đất đến nhận nước Mỹ là Tổ quốc. Họ đều mang trong máu sứ mệnh loài người và mọi thảm họa của loài người dù xảy ra ở châu Âu hay châu Á xa xôi, cách nước Mỹ cả Đại Tây Dương, hoặc Thái Bình Dương, nước Mỹ đều mang máu của mình ra ngăn chăn. Họa phát-xít ở châu Âu giữa thế kỉ trước, họa cộng sản ở châu Á nửa sau thế kỉ trước, các Tổng thống Mỹ đều đưa quân đội Mỹ vượt Đại Tây Dương đến châu Âu diệt phát--xít, đưa quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương đến Triều Tiên năm 1950 và đến Việt Nam năm 1965 mang máu người lính Mỹ ra chống lại thảm họa cộng sản của loài người, thứ thảm họa còn tàn bạo, man rợ, hủy hoại tính người, hủy hoại văn hóa, tàn phá thế giới và di hại lâu dài gấp nhiều lần thảm họa phát-xít. Hơn một triệu lính Mỹ đã bỏ xác rải rác từ châu Âu đến châu Á trong những cuộc chiến chinh vì nghĩa cả, vì loài người đó. Những dòng máu Mỹ đó cũng làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.

Cũng bởi mang tư cách loài người, nước Mỹ đã dựng ngay giữa thủ đô Washington D.C đài tưởng niệm hơn 100 triệu người đủ mọi màu da chết thê thảm, chết tức tưởi vì thảm họa cộng sản.

Trở thành Tổng thống thứ bốn mươi nhăm của đất nước mang tấm lòng bao dung và tầm vóc vĩ đại hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông tỉ phú làm giầu bằng kinh doanh đất đai nhà cửa Donald Trump đưa ra tiêu chí "Nước Mỹ trên hết", "Nước Mỹ vĩ đại" nhưng ông lại đang ngạo ngược theo đuổi những việc làm đi ngược với truyền thống Mỹ, giá trị Mỹ, đi ngược với thời đại toàn cầu hóa, làm cho nước Mỹ bao dung và vĩ đại thành nhỏ nhen, hẹp hòi, chật chội, tầm thường và lạc lõng. Chỉ nhìn ba việc ông nhà giầu Donald Trump đang hăm hở làm với tư cách Tổng thống Mỹ cũng thấy rõ điều đó.

nuoc3

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ : Donald Trump

Vừa ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, Donald Trump liền kí ngay sắc lệnh xua đuổi không cho vào nước Mỹ đối với công dân bảy nước ở vùng đất chịu ảnh hưởng lớn của tôn giáo Islam và là vùng đất đang có chiến tranh đẫm máu, cuộc chiến tranh của lương tâm loài người tiêu diệt những kẻ nhân danh một tôn giáo chống lại cả loài người. Dân lành Islam phải bỏ nhà cửa, bỏ thánh đường tứ tán đi lánh nạn khắp thế giới và họ đã bị nước mỹ thời Donald Trump xua đuổi. Sắc lệnh của Tổng thống Trump xua đuổi cả những người Islam đã sống nhiều năm ở Mỹ, đã được nước Mỹ cấp thẻ công dân màu xanh, công dân dự bị của nước Mỹ.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump vừa ban ra, lập tức quan tòa liên bang ra phán quyết ngưng thi hành. Đó là sự lên tiếng của luật pháp nước Mỹ và cũng là sự lên tiếng của lương tâm nước Mỹ, của trái tim Mỹ bao dung.

Chỉ có nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, manh mún, tự cấp tự túc mới khép kín trong từng vùng và trong một nước. Bước vào thời công nghiệp là bước vào thời mở cửa ra thế giới, thời toàn cầu hóa. Ngay từ khi nền sản xuất công nghiệp vừa ra đời, chủ nghĩa tư bản vừa hình thành, những người con quả cảm của nền công nghiệp non tơ, của chủ nghĩa tư bản thơ ấu đã lái con tàu gỗ bé nhỏ vượt sóng dữ Đại Tây Dương, vượt bão biển Thái Bình Dương tìm đất mới, tìm thị trường, tìm nguyên liệu, tìm sức lao động, tìm cả không gian để mở rộng sản xuất.

Bản chất của sản xuất công nghiệp là toàn cầu. Sản xuất công nghiệp đòi hỏi nguồn nguyên liệu vô cùng lớn và đa dạng, một nước không thể đáp ứng. Nền sản xuất công nghiệp tạo ra năng suất ngày càng cao, sản phẩm công nghiệp đòi hỏi phải được phủ toàn cầu. Sản phẩm công nghiệp nào không thể phủ toàn cầu, ngành công nghiệp đó không thể phát triển. Thời tư bản hoang dã, nhà tư bản làm giầu chủ yếu nhờ bóc lột sức lao động. Thời hoang dã đã đi vào quá vãng lịch sử. Xã hội công nghiệp, xã hội tư bản hôm nay là hiện thân của văn minh nhân loại không thể chấp nhận một nền sản xuất và một thể chế chính trị tồn tại bằng chà đạp lên phẩm giá con người, coi con người chỉ là công cụ, là nô lệ. Ở các nước công nghiệp phát triển, giá trị sức lao động ngày càng cao, ngày càng chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Trong khi ở các nước chưa phát triển đang trống vắng sản xuất công nghiệp, đang dư thừa sức lao động nên giá trị sức lao động quá thấp đến tội nghiệp. Đưa sản xuất công nghiệp từ nơi sức lao động đắt đỏ đến nơi sức lao động rẻ mạt làm cho giá thành sản phẩm giảm rất lớn thì trước hết người dân ở nước phát triển hưởng lợi nhiều hơn người dân ở nước chưa phát triển vì sức mua của người giầu phải lớn hơn nhiều lần sức mua của người nghèo. Đó là cái lợi lớn của nước Mỹ và của người dân Mỹ khi đưa những ngành sản xuất công nghiệp dân dụng của Mỹ ra nước ngoài.

Nhà sản xuất không phải chỉ đầu tư vào nước chưa phát triển mà đầu tư cả vào nước phát triển. Nhà sản xuất Mỹ đầu tư ra nước ngoài thì lại có nhiều nhà sản xuất từ nhiều nước khác đầu tư vào Mỹ. Đầu tư ra nước ngoài là đòi hỏi của nhà sản xuất nhưng cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng, là đòi hỏi của thời cạnh tranh quyết liệt và là đòi hỏi của thời đại mà nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã nâng con người lên tầm vũ trụ. Con người với tầm vóc vũ trụ, trái đất đã trở nên quá bé nhỏ và đã thực sự là ngôi nhà chung của loài người thì nhà máy đặt ở nước này hay nước khác mà mang lại lợi ích cao nhất cho con người đều cần thiết và là một đặc trưng của thời toàn cầu hóa. Làm giầu bằng kinh doanh đất đai, nhà cửa, không phải là nhà sản xuất công nghiệp, Donald Trump không thấm thía điều này và ở cương vị Tổng thống, ông đòi hỏi các nghiệp chủ Mỹ phải đưa nhà máy đặt ở nước ngoài về Mỹ tạo việc làm cho người lao động Mỹ là một đòi hỏi lạc lõng, thực sự chỉ là hành xử mị dân nông nổi.

nuoc4

The Trump Organization

Thành công trong kinh doanh đã cho ông chủ nhà đất Donald Trump lòng tự tin quá lớn. Chưa từng tham gia chính trường dù chỉ ở cấp tiểu bang nhưng khi trở thành Tổng thống liên bang, với sự tự tin đó, Tổng thống Donald Trump liền hủy bỏ dấu ấn chính trị đẹp đẽ, lớn lao và cần thiết của người tiền nhiệm và nước Mỹ của Donald Trump đã hủy bỏ hiệp định TPP mà Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã dành rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ thiết kế, hình thành, hoàn thiện, chỉ còn chờ những thủ tục cuối cùng để đi vào đời sống chính trị thế giới.

TPP là một hiệp định kinh tế nhưng thực chất là một đối sách chính trị của nước Mỹ và của thế giới trước hiểm họa bành trướng, Hán hóa thế giới của các hoàng đế Trung Hoa. Khởi xướng TPP, nước Mỹ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt thế giới trước thách thức đang đặt ra cho loài người.

nuoc5

Khởi xướng TPP, nước Mỹ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt thế giới trước thách thức đang đặt ra cho loài người

TPP ra đời nhằm ngăn chặn hậu quả nguy hiểm do sai lầm của hai Tổng thống tiền nhiệm từ hơn bốn mươi năm trước. Tổng thống Richard Nixon đi đêm với cộng sản Trung Hoa, phản bội đồng minh Việt Nam Cộng hòa, phản bội hơn nửa triệu người lính Mỹ đã bỏ xác ở Việt Nam, phản bội sứ mệnh ngăn chặn thảm họa cộng sản ở châu Á, làm ngơ trước hành động xâm lược của cộng sản Trung Hoa cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa, giúp cộng sản Trung Hoa đặt được bước chân xâm lược vào biển Đông, đặt được sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa vào giữa các nước Đông Nam Á, đưa sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa đứng chân giữa dòng giao thương đường biển huyết mạch nhất, tấp nập nhất thế giới, chiếm giữ được vị trí chiến lược toàn cầu. Kế tiếp Richard Nixon, Tổng thống Jimmy Carter giúp vốn liếng, kĩ thuật vực dậy nước Trung Hoa cộng sản nghèo đói, tan hoang sau cách mạng văn hóa trở thành nước có sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn của an ninh thế giới.

TPP là tầm vóc chính trị Barack Obama, là tư cách, là trách nhiệm loài người của nước Mỹ trước hiểm họa mới của loài người.

Từ lúc đất nước còn tan hoang, nghèo đói và dân tình còn hoang mang, li tán, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã kích thích máu dân tộc hẹp hòi, đánh thức tham vọng Đại Hán để tập hợp dân chúng bằng việc động binh cướp đất Tây Tạng, lấn chiếm biên giới Ấn Độ.

Cũng trong cảnh nghèo đói tan hoang đó, từ giữa thế kỉ trước Mao Trạch Đông, người đứng đầu nhà nước Trung Hoa cộng sản đã chăm chăm nhìn xuống Đông Nam Á với nỗi thèm khát truyền kiếp : "Tôi sẽ là chủ tịch dẫn 500 triệu nông dân Trung Quốc đi xuống Đông Nam Á". Đông Nam Á là hơn mười quốc gia độc lập, có chủ quyền. Một hòn đảo chơ vơ giữa biển ở đó dù nhỏ nhoi cũng đã có chủ. Không cần biết đến chủ quyền của các nước Đông Nam Á đã được lịch sử xác nhận từ ngàn năm trước, Mao Trạch Đông coi Đông Nam Á như miền đất vô chủ.

Chỉ có khẩu tiểu liên AK 47 và chiếc xe tăng T54 cổ lỗ, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã mang sức mạnh biển người của đội quân Bát Nhất đông đúc đi xâm lược láng giềng, đã nhăm nhe thôn tính Đông Nam Á. Nay đội quân biển người đó lại có vũ khí hạt nhân, có tàu sân bay và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa thì tham vọng của họ không phải chỉ là các nước láng giềng, không phải chỉ là Đông Nam Á. Với vũ khí hạt nhân và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa họ đang hiện thực hóa tham vọng ngàn đời của các hoàng đế Trung Hoa, họ đang hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình.

Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình cũng giống như lí thuyết chủng tộc Aryan của Adolf Hitler. Tự huyễn hoặc chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng (master race), chủng tộc ưu tú nhất của loài người phải nắm quyền thống trị thế giới, Adolf Hitler ráo riết phát triển công nghiệp quân sự, xây dựng quân đội hùng mạnh, gây chiến tranh xâm lược nhằm thống trị thế giới. Với Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận Bình cũng đang hối hả hiện đại hóa đội quân biển người, dùng đội quân biển người có sức hủy diệt hạt nhân khuất phục loài người, Hán hóa thế giới. Loài người đang đứng trước hiểm họa bành trướng còn khủng khiếp hơn thảm họa phát-xít giữa thế kỉ trước vì giữa thế kỉ trước phát-xít Hitler chỉ có lò thiêu người chứ chưa có vũ khí hạt nhân.

nuoc6

Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình cũng giống như lí thuyết chủng tộc Aryan của Adolf Hitler

Hán hóa thế giới, từ nửa thế kỉ trước, Trung Hoa cộng sản đã âm thầm đưa đàn ông ra thế giới để khắp thế giới có họ Mao, họ Tập, họ Bành... Hán hóa thế giới, nhà nước Trung Hoa cộng sản đang ráo riết theo đuổi một tội ác man rợ : đầu độc loài người. Tẩm chất độc vào thực phẩm, vào trái cây, dùng nguyên liệu độc hại sản xuất hàng tiêu dùng. Hàng hóa độc hại China gây ung thư, gây vô sinh đội lốt hàng nhiều nước khác tràn ngập thế giới, hấp dẫn người tiêu dùng nhẹ dạ bằng giá rẻ bất ngờ.

Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang ném tiền ra mua những kẻ cầm quyền độc tài và tham nhũng ở châu Phi để ào ạt đưa người Hán đến làm chủ châu Phi, hối hả bòn rút tài nguyên châu Phi, đưa châu Phi vào thời thực dân hiện đại, sau thời thực dân cũ, thực dân mới. Tàn phá môi trường tự nhiên hoang dã hùng vĩ châu Phi. Tàn phá môi trường chính trị châu Phi, nuôi dưỡng những chế độ độc tài, tham nhũng trung cổ. Tàn phá môi trường nhân văn châu Phi, dìm những người chủ đích thực có tâm hồn nghệ sĩ của châu Phi trong nô lệ tăm tối.

Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang cố sống cố chết quân sự hóa những hòn đảo đã cướp được ở biển Đông, biến những hòn đảo đó thành những kho thuốc súng, thành những trận địa hạt nhân, thành ngòi nổ chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh được kẻ gây chiến trù tính : "Chiến tranh hạt nhân nổ ra, người Hán có chết vài trăm triệu thì cũng còn vài trăm triệu làm chủ thế giới" như lời Mao Trạch Đông đã răn đe loài người từ khi Mao Trạch Đông đang lăm le dẫn đầu 500 triệu nông dân Hán tràn xuống Đông Nam Á.

nuoc7

Còn đâu Giấc mơ Hoa Kỳ ?

Trước mối đe dọa đó, TPP là cánh tay liên kết của loài người, là vành đai sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn hóa của loài người ngăn chặn tham vọng Hán hóa thế giới của Trung Hoa cộng sản. Hủy bỏ TPP, Donald Trump tự phủ nhận là người kế nhiệm xứng đáng của tầm vóc Barack Obama, từ bỏ tư cách loài người của nước Mỹ, đánh mất tầm vóc vĩ đại của nước Mỹ.

Nước Mỹ vĩ đại vì lịch sử cận đại của loài người đã trao cho nước Mỹ vai trò dẫn dắt thế giới chống lại cái ác, để thế giới phát triển bình yên, để con người được hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Với Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ chỉ biết có nước Mỹ, nước Mỹ trên hết, thì nước Mỹ dù giầu có của cải cũng quá nghèo túng giá trị nhân văn, nước Mỹ rộng lớn mênh mông cũng trở thành nhỏ bé, hẹp hòi, chật chội. Để rồi ngày càng xuất hiện nhiều người Mỹ như Adam Purinton, cầm súng xả đạn vào người nước ngoài đến làm việc ở Mỹ với tiếng thét : Hãy cút xéo khỏi đất nước của tao.

Phạm Đình Trọng

(08/03/2017)

Additional Info

  • Author Phạm Đình Trọng
Published in Quan điểm
dimanche, 05 mars 2017 22:24

Sức hút Donald Trump

Sự tác động mạnh mẽ của hiệu ứng Trump khiến việc té nước theo mưa của những nhà đầu cơ cơ hội hết tác hiệu.

Chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục kể từ khi tỷ phú Trump đắc cử 

Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh và lập kỷ lục mới sau khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội.

Điều này khiến cho thị trường vốn của Mỹ nối dài chuỗi phá kỷ lục liên tục kể từ khi vị tỷ phú bất động sản thắng cử và trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Theo đó chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm, lần đầu vượt mốc 21.000 điểm, S&P500 tăng 1,5%, có thời điểm vượt 2.400 điểm trong khi chỉ số Nasdaq cũng vọt tăng 1,4%.

Như vậy là thị trường chứng khoán Mỹ đã thiết lập mức kỷ lục mới, khi ghi nhận sự tăng điểm mạnh mẽ của cả 3 chỉ số chính là Dow Jones, S&P500 và Nasdaq [2]. 

Cũng nên nhắc lại rằng, vào đầu phiên giao dịch ngày ngày 9/11 – sau khi ông Trump được tuyên bố thắng cử - trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả ba chỉ số chính đồng loạt giảm điểm trong thời gian ngắn.

S&P 500 có lúc giảm 0,8%, Dow Jones giảm 0,31%. Tuy nhiên sau đó các chỉ số đồng loạt tăng điểm trở lại và tăng đều đặn khi khoảng thời gian giao dịch dần kết thúc.

donald1

Tổng thống Donald Trump, ảnh : Getty Image.

Chốt phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 256,95 điểm tương đương 1,4% lên 18.589,69 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 23,70 điểm tương đương 1,11% lên mức 2.163,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 57,58 điểm tương đương 1,11% lên 5.251,07 điểm.

Điều đó cho thấy tình hình không ảm đạm như dự báo trước đây.

Tình hình lạc quan khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng điểm và đạt mức kỷ lục sau hai tuần ông Trump được bầu làm Tổng thống, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ đã đạt trên mức 19.000 điểm trong phiên giao dịch hôm 22/11/2016.

Đây là lần đầu tiên Dow Jones chạm mức kỷ lục 19.000 điểm trong lịch sử 131 năm của chỉ số này. 

Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 67,18 điểm, tương đương với 0,4%, lên mức 19,023.87 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 4,76 điểm, tương đương 0,2%, chốt phiên giao dịch ở 2202,94 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 17,49 điểm, tương đương 0,3%, lên 5.386,35 điểm. Dow Jones lập kỷ lục 6 lần chỉ trong vòng 2 tuần khiến nhiều chuyên gia tài chính ngạc nhiên [1]. 

Xu thế này trái với những xáo trộn, thậm chí là có phần hỗn loạn trong đời sống chính trị cũng như đời sống xã hội Mỹ phản ứng tiêu cực sau khi ông Trump đắc cử và với những quyết định đầu tiên của ông trong vai trò Tổng thống Mỹ.

Những nhà đầu tư đã quyết định đặt niềm tin vào vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ. Đó có phải là những quyết định mạo hiểm ?

Giới đầu tư không còn niềm tin vào truyền thông và chính trị truyền thống Mỹ – những tác nhân quan trọng với môi trường đầu tư

Có lẽ việc giới truyền thông Mỹ không chỉ đánh mất niềm tin của ông chủ Nhà Trắng mà nhiều người Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư Mỹ, cũng không còn niềm tin vào giới truyền thông xứ cờ hoa.

Điều đó một phần do giới truyền thông tại Mỹ luôn gắn liền quyền lợi với giới tinh hoa của nước Mỹ - những người không xem chiến thắng của ông Trump là đáng tự hào cho Hoa Kỳ.

Từ đó giới truyền thông đã không theo kịp những đổi thay trong đời sống xã hội Mỹ khi ông Trump chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

Điều đó khiến truyền thông Mỹ bị việt vị khi ông Trump thắng cử. Không hân hoan với chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản, giới truyền thông thậm chí đã quay lưng với vị Tổng thống 45 của nước Mỹ.

Từ việc tung thông tin đến phân tích xu thế của đời sống xã hội Mỹ, trong những ngày đầu tiên sau khi ông Trump chiến thắng cũng như những ngày đầu tiên của triều đại Trump, giới truyền thông Mỹ đều khai thác khía cạnh tiêu cực, thậm chí ảm đạm hoá tình hình.

Tình hình bất ổn do những người phản đối Trump gây ra tại Mỹ, có tác động không nhỏ từ giới truyền thông.

Giới truyên thông Mỹ đi đầu là CNN, The New York Times đã cổ vũ, thậm chí tham gia, việc tái điều tra những yếu tố bị xem là có tác động tới bầu cử Mỹ mà nhờ đó ông Trump thắng cử.

Tuy nhiên, khi thực tế chứng minh ông Trump được dân Mỹ lựa chọn và kế hoạch hành động của Trump là vì "nước Mỹ vĩ đại trở lại" thì giới truyền thông Mỹ đã nhận ra mình lố quá đà.

Còn giới chính trị truyền thống Mỹ - lực lượng nòng cốt của giới tinh hoa Mỹ - cho dù nghi ngờ chiến thắng của Trump, nghi ngại khả năng điều hành đất nước của Trump cũng đã dần thấy mình hụt hơi, cho dù họ có công cụ hữu hiệu – hệ thống luật pháp – để kiềm chế Trump.

Điều đó cho thấy giới tinh hoa Mỹ ngày càng lệch pha với phần đông cộng đồng người dân Mỹ. Đó là những thực tế tác động không nhỏ tới giới đầu tư Mỹ.

Với những người đầu cơ cơ hội – chủ yếu làm giàu cho cá nhân, tổ chức mình – điển hình như tỷ phú George Soros thì đã thất bại trước hiệu ứng Trump tạo ra trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Mỹ.

Sự tác động mạnh mẽ của hiệu ứng Trump khiến việc té nước theo mưa của những nhà đầu cơ cơ hội hết tác hiệu.

"Tỷ phú G. Soros đã mất gần 1 tỷ USD bởi hiệu ứng không thể dự báo trên thị trường chứng khoán Mỹ, do nhận định sai về cuộc bầu cử Tổng thống.

Ông nhận diện sai hiệu ứng từ phong vũ biểu – thị trường chứng khoán – sau khi cuộc bầu cử có kết quả.

Vì vậy ông Soros bị thua lỗ rất đậm, đến cuối năm 2016 ông Soros phải thoát vốn ở một số hạng mục để tránh thua lỗ thêm" [3].

Nhưng với những nhà đầu tư thực sự - kết hợp làm giàu cho bản thân với làm giàu cho xã hội, đất nước Mỹ - điển hình như tỷ phú Bill Gates thì họ nhìn thấy sự đổi thay mà Trump tạo ra trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Mỹ.

donald2

Tỉ phú Bill Gates, ảnh : MSNBC.

Đó là xu thế tất yếu với nước Mỹ trong giai đoạn phát triển hiện nay. Do vậy họ có niềm tin vào việc quản lý và điều hành đất nước của Trump. AFP dẫn lời ông Gate khi trò chuyện với MSNBC :

"Cũng giống như cách mà Tổng thống Kennedy đã nói về sứ mệnh của nước Mỹ trong việc chính phục không gian, tôi nghĩ rằng cho dù đó là giáo dục, hay ngăn chặn dịch bệnh…thì đã nhận diện được một thông điệp rất lạc quan từ phương cách quản lý mà Trump sẽ tổ chức" [4].

Cơ sở khiến giới đầu tư tin tưởng ở Trump

"Thị trường đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nhà đầu tư nên thận trọng, bởi tới thời điểm này, tất cả mới chỉ dừng lại ở những lời hứa và cam kết.

Những điều chỉnh về chính sách của ông Trump cần phải được Quốc hội thông qua trước khi đi vào thực hiện" [2].

Như vậy là niềm tin của giới đầu tư vào chính quyền Trump chỉ ở những lời hứa hẹn, những sự cam kết của chính quyền Trump hay ở thông điệp lạc quan từ cách quản lý của Trump như tỷ phú Bill Gates đã nhận diện được ?

Cá nhân người viết cho rằng giới đầu tư đặt niềm tin vào Trump là có cơ sở, chứ không chỉ là ở những kỳ vọng mà thôi.

Trong quá trình tranh cử cũng như khi nắm quyền lực, Tổng thống Donald Trump luôn xem việc "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng lợi ích Mỹ, chứ không phải bằng sức mạnh Mỹ hay giá trị Mỹ.

Và để gia tăng lợi ích Mỹ thì với vị Tổng thống doanh nhân là phải lấy lại cho nước Mỹ những gì đã bị đối thủ, đối tác, đồng minh "cướp mất".

Có thể nhân diện, theo quan điểm của ông Trump, lợi ích của nước Mỹ bị "cướp mất" dưới ba hình thức, đó là bị đối thủ lấy mất ngay tại nước Mỹ, lấy ra khỏi nước Mỹ và ngăn cản dòng lợi ích chảy vào nước Mỹ.

Đến giờ phút này người đứng đầu nhà nước Mỹ đã có những hành động, động thái cụ thể nhằm đảm bảo cho lợi ích Mỹ không bị mất trong cả ba hình thức đó.

Thứ nhất, khi nhận diện nước Mỹ là nơi để những người khác đến làm giàu cho cá nhân họ, Tổng thống Trump đã khuyến khích doanh nghiệp Mỹ quay về hoặc gia tăng đầu tư tại Mỹ.

Bên cạnh đó là mở đường cho những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Mỹ theo phương châm hai bên cùng có lợi, song luôn phải bị điều chỉnh bởi mục đích "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Từ Ford đến Apple, từ Softbank đến Toyota, từ Alibaba đến Samsung… đều đã có kế hoạch gia tăng đầu tư, tạo thêm việc làm tại Mỹ như một lời "Chào mừng Tổng thống Trump" [5].

Từ việc cam kết đầu tư 100 tỷ vào Mỹ của Softbank đến cam kết tạo ra một triệu việc làm cho người dân Mỹ của Alibaba đều là "người thật việc thật" và bước đầu các kế hoạch đã được triển khai. 

Thứ hai, khi nhận diện những đối thủ lấy lợi ích của người Mỹ mang ra khỏi nước Mỹ, Tổng thống Trump đã xây dựng các hàng rào nhằm ngăn chặn động thái đó.

Từ hàng rào thuế quan xây dựng qua văn bản đến hàng rào xây dựng trên mặt đất đều được ông Trump xem trọng trong việc giữ lại cho nước Mỹ những lợi ích vốn đã bị cướp mất trước đây.

Dù các hàng rào chưa được dựng lên vì nhiều lý do, song những lợi ích rời khỏi nước Mỹ đã giảm dần.

Việc hàng tấn vàng mà Đức rút khỏi Mỹ hay vài tỷ USD mà doanh nghiệp Mexico rút khỏi thị trường Mỹ, không là gì so với những chính sách của các đối tác, đối thủ khi phải gia tăng lợi ích cho nước Mỹ, như cam kết của chính phủ Nhật hay Trung Quốc [6].

Thứ ba, khi nhận diện nước Mỹ bị thiệt hại vì các đối thủ - thậm chí ngay cả người Mỹ - tạo nhiều rào cản với dòng lợi ích chảy về Mỹ, vị Tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã tìm cách phá rào trong bối cảnh quyền lực của ông còn bị bó tứ bề.

Có thế thấy rằng, đây là một trong những khác biệt lớn nhất giữa Trump so với những người tiền nhiệm của mình.

Khi chính quyền Obama áp trừng phạt Moscow, doanh nghiệp Mỹ phải đứng nhìn doanh nghiệp các nước khác – có cả Trung Quốc và EU - khai thác lợi ích từ xứ sở bạch dương.

Trước bối cảnh đó, chính quyền Trump đã nới lỏng một số trừng phạt để doanh nghiệp Mỹ tại Nga có thể nhập những máy móc, thiết bị quan trọng phục vụ sản xuất kinh doanh, đó là quyết định vì nước Mỹ [7].

Rõ ràng, thực tế cho thấy Tổng thống Trump đã có những hành động cụ thể nhằm gia tăng lợi ích mà giới đầu tư đã nhận diện được – chứ không phải như giới truyền thông cảnh báo thận trọng.

Vì vậy sau mỗi sự kiện quan trọng liên quan đến quyền lực và việc thực thi quyền lực của Trump thì niềm tin của giới đầu tư lại tăng lên. Và khi đó thì thị trường chứng khoán Mỹ - phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ - lại tiếp tục lập những kỷ lục mới tại xứ cờ hoa.

Ngọc Việt

Nguồn : GDVN, 03/03/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.reuters.com/article/us-usa-stocks-weekahead-idUSKBN1632A1

[2] http://www.telegraph.co.uk/business/2017/03/01/ftse-100-breaks-7300-markets-digest-trump-address-congress-fed/

[3] http://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-12/soros-lost-nearly-1-billion-after-trump-election-wsj-reports

[4] http://www.straitstimes.com/world/united-states/bill-gates-urges-donald-trump-to-inspire-americans-like-jfk-did

[5] http://www.bloomberg.com/politics/articles/2016-12-06/japan-s-softbank-to-invest-50-billion-in-the-u-s-trump-says

[6] http://vneconomy.vn/the-gioi/my-tiep-tuc-cam-ket-bao-ve-nhat-sau-cuoc-gap-trump-abe-20170211074210800.htm

[7] http://www.reuters.com/article/us-usa-cyber-russia-idUSKBN15H244

Additional Info

  • Author Ngọc Việt
Published in Diễn đàn
dimanche, 05 mars 2017 09:27

Cảm ơn Donald Trump ?

Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.

 

trump1

Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng.

Không ai, nhất là nếu không phải là người Mỹ, có lý do nào để ái mộ Donald Trump. Ông không phải là người trang nhã, cũng không tài giỏi hay tốt bụng. Trong suốt cuộc đời ông chưa hề bày tỏ một quan tâm nào đối với các giá trị đạo đức, văn hóa, dân chủ và nhân quyền. Hay tình trạng nghèo đói cơ cực của gần một tỷ người tại Châu Phi. Thế giới và nhân loại không phải là quan tâm của ông. Cảm tình nồng hậu nhất của Donald Trump dành cho chế độ mafia của Putin tại Nga.

Tuy vậy không ai có thể phủ nhận tình trạng rất không bình thường từ khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ, báo hiệu một hướng đi mới của thế giới.

Ngày 20/01/2017, tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, cuộc găp gỡ hàng năm của những người quyền thế nhất trái đất tại Davos, Thụy Sĩ, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn lớn cổ võ nồng nhiệt cho phong trào toàn cầu hóa và dõng dạc tuyên bố Trung Quốc sẽ làm tất cả để tăng cường thương mại toàn cầu, tăng cường trao đổi hàng hóa, tư bản, ý kiến, khoa học, kỹ thuật, sự gặp gỡ giữa các dân tộc và giữa những con người. Trong tinh thần đó Trung Quốc sẽ tôn trọng những cam kết tại hội nghị COP21 về khí hậu và môi trường. Trung Quốc tán thành và ủng hộ toàn cầu hóa và thương mại quốc tế nhiệt tình và không điều kiện.

Như để trả lời Tập Cận Bình, ba ngày sau, trong diễn văn nhậm chức Donald Trump thẳng thắn tuyên bố - và dõng dạc nhắc lại hai lần - rằng chính sách của ông sẽ chỉ giản dị là "nước Mỹ trước hết", America first. Như để đánh tan mọi ngờ vực về quyết tâm của ông quyết định đầu tiên của Trump, hai ngày sau, là rút khỏi Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là bao nhiêu công lao của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama bị ném vào sọt rác một cách không nể nang.

TPP là một thỏa thuận hợp tác giữa 12 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, với trọng lượng 40% kinh tế thế giới trong đó các quốc gia không chỉ xóa bỏ hàng rào quan thuế mà còn đồng thuận trên nhiều tiêu chuẩn về phẩm chất, sản xuất và lao động. Đó sẽ là một họp tác lớn nhất từ xưa đến nay trong lịch sử thế giới. Đặc tính nổi bật của TPP là nó loại trừ Trung Quốc. Đó là một cố gắng của chính phủ Obama trong hai năm cuối của ông để ngăn chặn Trung Quốc sau nhiều năm lơ là để rồi nhận ra rằng Trung Quốc càng mạnh lên thì càng trở thành một đe dọa cho hòa bình.  Một trong những lý do ra đời của TPP chính là Tập Cận Bình. Từ khi lên cầm quyền, cuối năm 2012, Tập đã chủ trương khép lại và xiết lại, thanh trừng nội bộ, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiểm soát thông tin, chống diễn biến hòa bình và củng cố chế độ, đối đầu thay vì thích nghi với thế giới dân chủ. Trump tỏ ra chống Trung Quốc rất quyết liệt nhưng quyết định đầu tiên của ông là phá tan một chiến lược chống Trung Quốc mà chính phủ Obama đã bỏ công sức xây dựng từ hơn hai năm qua. Sự triệt thoái về biên giới quốc gia của Hoa Kỳ, vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu đang lúng túng trước đe dọa tan vỡ, gần như đã nhường không gian thế giới cho Trung Quốc tha hồ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng, cụ thể là đẩy mạnh hai dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) và Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (Asian Infrastucture Investment Bank – AIIB).

Không chỉ Trung Quốc mà cả Nga cũng đang nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới. Chính sách Trung Đông của Obama đã là một sai lầm lớn và một thảm kịch. Sự rút quân hấp tấp của Obama khỏi Iraq đã cho phép lực lượng khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo Daesh hồi sinh và suýt nữa làm chủ Iraq để sử dụng tài nguyên phong phú của đất nước này cho mục tiêu hủy diệt thế giới văn minh. Tệ nhất là tại Syria. Khi các cuộc biểu tình chống chế độ al-Assad nổ ra Obama đã tuyên bố hùng hổ đòi đánh đổ Bachar al-Assad khiến các lực lượng dân chủ nổi lên nhưng sau đó lại không dám can thiệp mạnh khiến họ trở thành mồi ngon cho lực lượng Daesh và chính quyền al-Assad. Cuối cùng, sau khi hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản, Hoa Kỳ đã phải can thiệp trở lại một cách vất vả và tốn kém hơn nhiều tại Iraq cũng như tại Syria. Tuy vậy tại Syria kẻ thắng là Nga chứ không phải Hoa Kỳ. Chế độ Putin đã nhập cuộc, đánh lùi Daesh, cứu được chế độ Al-Assad và tái lập được sự hiện diện của Nga tại Trung Đông sau gần 30 năm vắng mặt. Ngoài ra Nga còn ngang nhiên xâm chiếm Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea và đang đe dọa sáp nhập thêm hai tỉnh biên giới phía Đông bất chấp sự lên án và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu. Nga cũng đang thao túng chính trị thế giới với một lực lượng gián điệp mạng hùng hậu. Chính thắng lợi của Donald Trump cũng đã phần nào nhờ lực lượng gián điệp mạng này. Ít nhiều Putin đã chỉ định tổng thống Mỹ.

Như vậy phải chăng Donald Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới với chính sách triệt thoái vể sau biên giới Mỹ và từ chối mọi trách nhiệm đối với thế giới ? Phải chăng Trung Quốc và Nga từ đây tha hồ thao túng? Phải chăng chúng ta đang chứng kiến dân chủ rút lui và co cụm lại trong khi phe độc tài xông lên và bùng ra ? Phải chăng làn sóng dân chủ thứ tư đã khựng lại và xẹp xuống ? Không hẳn như vậy.

Nước Nga của Vladimir Putin từ vài năm nay đang chật vật vì suy thoái và khủng hoảng kinh tế chứ không phải là một nước có tâm lý phấn khởi và bành trướng. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Nga được công bố là 1130 tỷ USD, nghĩa là chỉ bằng 1,5% GDP toàn cầu, giảm 40% so với hai năm trước. Đồng Rúp đã mất một nửa trị giá so với đồng đôla Mỹ.  Nhưng đó là những con số chính thức. Sự thực có lẽ còn bi đát hơn, nhất là cho chính quyền Putin vì 35% ngân sách lấy từ lợi tức dầu khí đã tuột dốc từ ba năm qua. Các biện pháp trừng phạt kinh tế sau hành động xâm lược Ukraine còn làm nước Nga và chính quyền liên bang khốn khổ hơn nữa trong việc vay tiền cho chính mình cũng như cho các tổ hợp quốc doanh. Chính quyền Putin đang kiệt quệ và không thể có tham vọng bành trướng.

Việc xâm lược Ukraine không thể biện minh về mặt luật pháp quốc tế nhưng có thể hiểu là do áp lực từ lịch sử. Ukraine là cái nôi của nước Nga, là nơi mà nước Nga đã được thành lập vào thế kỷ thứ IX với thủ đô là Kiev. Mất Ukraine là một đau đớn quá lớn đối với dân tộc Nga và mất Crimea lại càng đau hơn vì bán đảo này là của Nga và mới chỉ được sáp nhập vào Ukraine bởi một quyết định hành chính năm 1954. Sự cám dỗ "lấy lại phần nào" đã quá lớn khi chính những người cầm quyền Ukraine xâu xé nhau và đẩy đất nước họ vào cảnh bạo loạn.

Can thiệp vào Syria không phải là một hành động bành trướng. Nó chủ yếu nhắm tiêu diệt lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo Daesh vì lý do tự vệ. Trong lực lượng khủng bố này có khoảng 9.000 quân, nghĩa là gần một nửa tổng số quân Daesh, đến từ Nga và các nước lân cận thuộc Liên Xô cũ trong đó có 4.000 người Nga. Trước viễn ảnh kinh hoàng là Daesh vì yếu dần đang chuyển sang chiến lược gửi các quân cảm tử trở lại quê hương cũ để hoạt động khủng bố tại chỗ, Nga đã chọn giải pháp can thiệp để tiêu diệt chúng ngay tại Syria trước khi chúng trở về Nga. Quyết định này có thể đúng hay sai nhưng đó là lý luận của chính quyền Putin và nó giải thích tại sao các máy bay chiến đấu của Nga đã nhắm tiêu diệt tối đa quân Daesh bất chấp những thiệt hại gây ra cho những thường dân vô tội. Cách can thiệp này đã khiến Nga bị cả thế giới lên án và trở thành đối tượng căm thù của Hồi Giáo, trước kết là của 25 triệu người Hồi Giáo tại Nga. Chính Putin gần đây đã giải thích rằng Nga chỉ can thiệp vào Syria trong mục đích tự vệ. Putin không phải là một mẫu mực của sự trung thực nhưng lần này người ta có hai lý do để tin ông. Một là Nga đã chỉ nhập cuộc bênh vực đồng minh Bachar al-Assad vào mùa hè 2015, bốn năm sau khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, điều này chứng tỏ Nga đã chỉ bất đắc dĩ phải can thiệp. Hai là dù đã giành được ưu thế tại Syria Nga không hề tìm cách ảnh hưởng tới các nước chung quanh, điều này chứng tỏ Nga không có tham vọng tại Trung Đông.

Điều chắc chắn là Nga muốn cải thiện quan hệ, kết thân nếu có thể được, với Mỹ và Châu Âu dù đang bị trừng phạt. Putin đã không trả đũa khi Hoa Kỳ trục xuất 35 nhân viên ngoại giao và cũng không giấu hy vọng được mời thăm viếng Châu Âu. Có thể nói đối với phương Tây chính sách của Putin là thân thiện không điều kiện. Putin cũng đặc biệt ưu ái Donald Trump và không hề thắc mắc về thái độ chống Trung Quốc rất hung hăng của ông này. Tập Cận Bình phải cảm thấy rất cô đơn.

Cô đơn và lo sợ vì hơn lúc nào hết Trung Quốc cần đồng minh. Chính sách mở cửa tối đa và cổ vũ nhiệt tình cho thương mại toàn cầu của Bắc Kinh nếu nhìn sát hơn cũng chỉ là một phản xạ tự vệ chứ không phải là cuộc tiến công hào hứng. Tập Cận Bình lên cầm quyền với chủ trương khép lại và xiết lại nhưng đã không có chọn lựa nào khác hơn là dồn hết sức lực để thúc đẩy thương mại quốc tế bởi vì kinh tế của Trung Quốc dựa trên xuất khẩu và sẽ sụp đổ nếu thương mại quốc tế sút giảm. Nhưng có thúc đẩy được hay không là chuyện khác.

Hãy nhìn vào hai vũ khí chiến lược của Trung Quốc. Dự án Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (RCEP) rất khó thành công vì chủ yếu chỉ gồm những nước tìm cách bán chứ không muốn mua và người ta không thể hình dung một thị trường chỉ có người bán. Dự án Ngân Hàng Châu Á Đầu Tư Kết Cấu Hạ Tầng (AIIB) lại càng phiêu lưu và có thể sẽ khiến Trung Quốc lỗ nặng. Đàng sau ngân hàng này là sáng kiến Nhất Đái Nhất Lộ (hay một vành đai, một con đường) được biết tới với tên tiếng Anh là Belt and Road Initiative (BRI). Trung Quốc bỏ ra 1.000 tỷ USD để cho vay tài trợ các dự án xây dựng những kết cấu hạ tầng - đường, cầu, đường sắt, hải cảng, sân bay, v.v. -  mà các công ty Trung Quốc trúng thầu. Chính quyền Tập Cận Bình hy vọng như vậy sẽ vừa bành trướng được ảnh hưởng vừa sử dựng được những khả năng xây dựng quá thừa thãi do qui hoạch quá lạc quan và do sự ngừng trệ của ngành xây dựng tại Trung Quốc. Nhưng nước nào dám nhờ Trung Quốc xây dựng cho mình ? Ngành xây dựng luôn luôn là ngành tạo nhiều công việc làm nhất, trao cho nước ngoài xây dựng tương đương với chấp nhận để nhiều công dân mình lâm vào cảnh thất nghiệp. Cho tới nay đã chỉ có Việt Nam, Lào và một vài nước Châu Phi hưởng ứng với kết quả rất đáng thất vọng về cả phẩm chất lẫn tiến độ thi công, làm nổi lên cả một phong trào bài Trung Quốc. Những nước này lại cũng là những nước rất kém về khả năng trả nợ. Trung Quốc có thể mất cả công lẫn vốn.

Trong cuộc chiến tranh thương mại đang ló dạng với Hoa Kỳ Trung Quốc yếu cả về lực lẫn thế. Về lực GDP thực sự của Trung Quốc, mặc dù có những ước lượng rất hoang tưởng, chỉ bằng một nửa GDP Hoa Kỳ với một dân số đông gấp hơn bốn lần. Quan trọng hơn là về thế. Trung Quốc bán và Hoa Kỳ mua. Trong một gián đoạn thương mại kẻ thiệt thòi là kẻ bán chứ không phải người mua. Trung Quốc hơn nữa còn đang trong thế suy. Ngoại thương, động cơ chính của kinh tế Trung Quốc, đang liên tục sút giảm từ mấy năm nay và mọi dấu hiệu cho thấy là sẽ còn tiếp tục. Năm 2016 xuất khẩu đã giảm 7,7%, nhập khẩu giảm 5,5% so với năm 2015 đã từng được coi là một năm xấu nhất cho ngoại thương. Chưa hết, Trung Quốc còn đang mất hơn 200 tỷ USD mỗi năm vì tư bản đào thoát ra nước ngoài. Chính sách chống Trung Quốc của Donald Trump không biết sẽ được thực hiện tới mức nào nhưng chắc chắn số thặng dư ngoại thương gần 400 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc với Hoa Kỳ sẽ bị sút giảm nặng. Chưa kể là các nước Châu Âu cũng đang tìm mọi cách để giảm bớt hơn nữa mậu dịch đối với Trung Quốc. Trong tình huống này con số tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 vừa được công bố, dù đã là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất từ 1990, rất đáng ngờ vực. Có mọi triển vọng đà tăng trưởng không chỉ chậm lại mà còn đảo ngược, nghĩa là kinh tế Trung Quốc đã suy thoái từ vài năm nay. Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói là nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống dưới mức 8% thì Trung Quốc sẽ có nguy cơ bạo loạn bởi vì chính quyền Trung Quốc đã áp đặt những hy sinh quá lớn nhân danh mục tiêu tăng trưởng nhanh. Rất có thể đây là lý do khiến Bắc Kinh phải liên tục nói dối.

Nguy cơ chính trị như vậy còn lớn hơn suy thoái kinh tế, nhưng vẫn không nghiêm trọng bằng một nguy cơ khác. Chính sách tăng trưởng hoang dại đã hủy hoại môi trường ở mức độ không thể phục hồi được nữa, nhất là nửa lãnh thổ phía Bắc sông Dương Tử. Ô nhiễm kinh khủng đang khiến phần lớn những người có phương tiện tìm cách rời bỏ Trung Quốc vì lý do giản dị là họ sợ chết.

Tóm lại Trung Quốc vừa quá yếu vừa quá nguy ngập để có thể thay thế Hoa Kỳ trong vai trò đầu tầu của thương mại toàn cầu, chưa nói tới lãnh đạo thế giới.  Bắc Kinh thừa biết như vậy vì theo chính dự kiến của họ thì ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất Trung Quốc cũng chỉ có thể trở thành giầu mạnh vào năm 2040, nghĩa là còn lâu. Và với điều kiện là Trung Quốc thành công trong cuộc chuyển hóa rất khó khăn và hiểm nghèo từ một nền kinh tế ô nhiễm và bất chấp con người nhắm sản xuất để xuất khẩu những sản phẩm kỹ thuật thấp sang một nền kinh tế lành sạch, kỹ thuật cao đặt nền tảng trên dịch vụ và thị trường nội địa. Tuy vậy trước mắt Tập Cận Bình không có chọn lựa nào khác hơn là cố sức cứu vãn thương mại toàn cầu để trì hoãn sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Nhưng đây chỉ là một cố gắng tuyệt vọng và sẽ chỉ có tác dụng làm Trung Quốc kiệt quệ nhanh hơn, như Liên Xô trước đây đã ngã gục vì hụt hơi trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Nhất là khi Bắc Kinh lại không thể trong đợi một sự liên đới nào ở nước Nga của Putin.

Sau cùng chính Donald Trump cũng sẽ nhanh chóng khám phá ra rằng dù muốn hay không Hoa Kỳ vẫn phải đóng góp bảo vệ một trật tự thế giới đặt nền tảng trên các giá trị dân chủ và nhân quyền chứ không thể chỉ biết có nước Mỹ. America first không thể đồng nghĩa với America only như ông muốn. Một tháng sau khi nhận chức, trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc hội, ông đã phải thay đổi thái độ một cách khá rõ rệt. Liên minh với Châu Âu, cụ thể là liên minh quân sự NATO, không còn bị coi là lỗi thời nữa, các nước Châu Âu chỉ cần đóng góp tích cực hơn. Hoa Kỳ cũng không từ chối vai trò lãnh đạo thế giới, trái lại sẽ gia tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng để đảm nhiệm vai trò này. Điều chắc chắn là Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhất là trong quan hệ thương mại. Chính sách này có thể đẩy Trung Quốc đến khủng hoảng và làm chế độ cộng sản sụp đổ.

Có cần phải cảm ơn Donald Trump không ? Dứt khoát là không.

Trong ba thập niên qua thương mại quốc tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ có hai khách mua lớn là Hoa Kỳ và Châu Âu. Về mặt kinh tế có thể nói họ đã chia sẻ sự giầu có của họ với những nước chưa phát triển, nhất là Trung Quốc, nhưng ngày nay cả hai khách hàng lớn này đều đã bối rối sau một thời gian dài tích lũy thâm thủng mậu dịch và không muốn hoặc không thể tiếp tục đảm nhiệm "nghĩa vụ tiêu dùng" nữa. Mặt khác phong trào toàn cầu hóa là một phong trào rất lớn làm thay đổi hẳn thế giới nhưng cho tới nay lại không đi đôi với một phong trào tư tưởng đủ mạnh để vạch ra một cách thuyết phục những giá trị nền tảng của một trật tự thế giới mới và những thích nghi cần thiết đặt ra cho mỗi dân tộc. Nó đã tiến tới một cách ồ ạt và xô bồ, gạt nhiều người ra bên lề cuộc sống mà họ không hiểu tại sao. Tệ hơn nữa nó còn giúp chế độ cộng sản Trung Quốc mạnh lên và đe dọa hòa bình thế giới. Donald Trump nên được nhìn như một sự cố không tránh khỏi của một phong trào toàn cầu hóa vừa dồn dập lại vừa không phương hướng. Có Trump hay không có Trump thì quan hệ quốc tế cũng phải được xét lại, để ít nhất không tiếp sức cho những chế độ độc tài bạo ngược. Obama cũng đã thay đổi chính sách đối ngoại khi thành lập TPP. Có Trump hay không có Trump làn sóng dân chủ thứ tư cũng đã đến lúc phải tràn tới vì thế giới đã thay đổi và vì nó là một chuyển biến tự nhiên và bắt buộc đã bị trì hoãn quá lâu.

Sự khác biệt, nếu có, là Trump sẽ bạo tay hơn với Trung Quốc, cũng như với Mexico. Ông không cần phân biệt các chế độ độc tài phải bị cô lập với các nuớc cần được hỗ trợ trong cố gắng dân chủ hóa. Trump sẽ gây nhiều khó khăn cho nhiều dân tộc. Một hiệu ứng phụ của Trump là sẽ đóng góp làm cho các chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam sụp đổ nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ gây nhiều xáo trộn và đổ vỡ đáng lẽ có thể tránh được trong giai đoạn chuyển tiếp.

Một lời sau cùng. Chế độ cộng sản Việt Nam hình như nghĩ rằng vì Donald Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền nên từ nay họ có thể yên tâm đàn áp những người dân chủ. Những vụ bắt giam, sách nhiễu, hăm dọa và hành hung đã gia tăng hẳn cả về số lượng lẫn mức độ hung bạo.

Họ đang làm một sai lầm lớn. Đúng là Trump không quan tâm tới dân chủ và nhân quyền, nhưng ông đang tìm mọi lý cớ để gây khó khăn cho quan hệ thương mại Việt Mỹ tối cần thiết cho Việt Nam và cho sự sống còn của chế độ. Những vi phạm nhân quyền, nhất là thô bỉ như hiện nay, đang cống hiến cho Trump những lý do mà ông chờ đợi.

Nguyễn Gia Kiểng

(05/03/2017)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm

Đã có nhiều d đoán trong chính gii Hoa Kỳ rng sm mun gì mt cuc khng hong th chế cũng s xy ra sau khi t phú Donald Trump đc c tng thng.

hk1

Tổng thng Hoa Kỳ Donald Trump.

Quả nhiên, chưa đy 2 tun sau l nhm chc, khng hong th chế đã n ra. Quá sm ! Vì khá nhiu l. Có người cho rng vì ông tng thng mi chưa có kinh nghim cm quyn, không có kinh nghim v thc thi hiến pháp, lut pháp, v mi quan h ràng buc kim chế ln nhau gia ba quyn lp pháp, hành pháp và tư pháp, mi quan h vi gii truyn thông báo chí - được coi là đ t quyn. Nhiu người ch ra rng điu nguy him nơi tng thng th 45 ca Hoa Kỳ là tính khí, cá tính ca ông ta. Đó là mt con người có nhiu đc đim riêng, ít ging ai. Mt con người quá t tin, nóng vi, có tính khí gn ging nhưc nhà độc tài Hitler, Stalin, Mao Trch Đông. Ông còn t ra thô bo, sung sã, khinh thường ph n. Ông hay ni nóng, mt sát, mng m người khác, ông nng li vi đi th Hillary Clinton là "người đàn bà ti t" đ ri ngày 20/1 gia mt cuc hp trang trng mi mi người đng dy chào mng hoan hô bà. Ông va lên án Tng thng Barack Obama là "tng thng kém ci t hi nht", đ sau đó t li "kính trng ông đã giúp đ tuyt vi cho cuc chuyn giao quyn lc".

Trong những ngày đu đã ông vi vã ký 7 sc lệnh hành pháp v vic xây dng mt bc tường dài dc biên gii vi Mexico, thu hi chính sách bo him y tế Obamacare, bãi b tha thun TPP, ngng tuyn m viên chc Liên bang, và cm dân 7 nước Hi giáo nhp cư dù cho đã có giy phép.

Bản sc lnh cui này gây nên sóng gió. Khi quyền b trưởng Tư pháp phn đi, coi sc lnh này là vi hiến, phi pháp, thì bà lin b ông buc ti "phn bi" và cách chc. Thm phán liên bang James Robard California cũng coi văn kin đó là vi hiến và không th thi hành trong toàn Hoa Kỳ ; 15 chính quyền các bang cũng ra quyết đnh không thi hành sc lnh trên, vn nhn người nhp cư như cũ.

Tổng thng Trump li ra quyết đnh kêu gi ngành tư pháp hy các quyết đnh trên và tiếp tc thi hành sc lnh cm người Hi giáo nhp cư, nhưng vô hiu.

Thế là cuc khng hong th chế n ra, gây nên hn lon, có nơi thi hành có nơi không thi hành sc lnh, và tranh lun n ra khp nơi. Nhiu sân bay hn lon kéo dài.

Phía bênh tổng thng vin dn quyn lc ca tng thng Hoa Kỳ theo Hiến pháp trong Điều 2 : "Tng thng có quyn v chính tr đi ngai, điu hành chính sách nhp cư".

Phe chống đi sc lnh này vin ra các điu khan ca Hiến pháp ghi rõ : Tôn trng quyn t do di chuyn, quyn bình đng ca con người, không được kỳ th tín ngưỡng, tôn giáo, bo v người thiu s.

Trong khi đó hiện đã có 15 tiu bang ph đnh sc lnh ca tng thng, vn nhn người nhp cư thuc 7 nước nói trên đã được xem xét cp giy, nhiu hip hi xã hi vn ng h người nhp cư nói trên, 300 giáo sư đi học ngành Luật ng h thái đ này. Điu rt nghiêm trng là cư dân bang ln California đã nêu ra vn đ ly khai, tách ra thành quc gia riêng, đc lp.

Điều gì s xy ra khi Tòa án Ti cao có phán quyết cui cùng v vn đ này ?

Hiện Tòa án ti cao có 8 thm phán, 2 bên bênh và chống Tng thng Trump ngang nhau, mi bên 4 người, chưa rõ khi vào cuc s ra sao.

Giữa cuc khng hong th chế gay gt chưa tng có, Ông Trump li vp phi mt đe da khác. Đó là trong dư lun Hoa Kỳ đang ni lên vn đ cn xem xét k xem tng thng mi có đ sc khe tinh thn đ làm tròn nhim v nng n hay không.

Báo Huffington Post (3/2/2017) cho biết nhà nghiên cu tâm lý hc Robert Kagan thuc Vin Brookings cho rng ông Trump b bnh tâm thn khá nng, theo loi "ái k" – theo danh từ chuyên môn là bnh narcissism, có nghĩa là t tin, kiêu ngo, t khoe khoang, ngưỡng m, thích thành công chói sáng, không đng cm vi người khác. Hai nhà tâm lý hc J.D. Gartner và J. Furrell cũng cho rng tính "ái k" ca ông Trump là mt căn bnh nguy him, t mình khó nhn ra s tht, làm mt tính khách quan. Ông c chp, đinh ninh s người d cuc l tuyên th ca ông là đnh cao nht chưa tng có, trong khi hình nh, thng kê đu nói rng thua xa 2 cuc tuyên th ca ông Barack Obama.

Thậm chí nhà báo kỳ cựu Eugene Robinson ca The Washington Post còn cho rằng ông Trump b bnh "tâm thn bt đnh" t 35 năm nay, và bnh ngày càng nng. Vì "tâm thn bt đnh" nên ông mi chng li cơ quan CIA trong đó có nhng người yêu nước, tn ty, thông minh ; mới chng Liên Âu là ngun di cư quý nht làm nên Hoa Kỳ (chính m ông là người Anh di cư, b ông là người Đc di cư) ; mi thâm thù nhà báo luôn mun tìm s tht, không cho nhà báo được hi ; mi vơ đũa c nm, ghét b mi người Hi giáo trong khi biết bao người gc Hi giáo nay là các nhà phát minh, các nhà khoa hc,các nhà kinh doanh, giáo sư, vin s, tướng lĩnh, quân nhân ngh s đy tài năng đã có nhng đóng góp cc kỳ quý báu cho Hoa Kỳ.

Liệu cái tính khí nóng ny, cc đoan, đnh kiến, v k ca ông Trump có sẽ gây phương hi đến chc v cao quý nht nước M là chc v tng thng hay không ? Nhiu nhà chính tr, khoa hc, truyn thông cho rng nên có ngay mt hi đng chuyên môn v y khoa đ xem xét vn đ cc kỳ h trng này.

Một nhân vt b bnh tâm thần, tính cách không ging ai, ưa xu nnh, hay ni nóng, mt thăng bng, phát biu thiếu suy nghĩ, không cân nhc.… có nên c cương v này trong 4 năm hay 8 năm na mà không gây nên thm ha cho Hoa Kỳ và thế gii hay không ? Mt con người như thế liu có nguy him cho nhân loi khi cm trong tay chìa khóa đ cho n bom nguyên t hay không ?

Nền chính tr Hoa Kỳ, mt nn dân ch - pháp quyn trưởng thành, giàu kinh nghim, lão luyn t sm tìm ra gii pháp thích đáng. Nó ch bế tc, có nguy cơ tc t khi chẳng may vào mt chế đ c h, đc tài, đc đng, nm cht c 3 quyn lp pháp, hành pháp, tư pháp và c đc quyn truyn thông trong mt cơ chế đng tr, ti ác tràn đy, phn bi nhân dân rõ ràng mà vn v ngc t khen mt cách trng trn là "chính quyền nhân dân" mang li vinh quang cho đt nước, chưa bao gi đt được t do hnh phúc như hôm nay...

Bùi Tí

Nguồn : VOA tiếng Việt, 10/02/2017

Additional Info

  • Author Bùi Tín
Published in Diễn đàn

Chính sách ngẫu hứng của Donald Trump

Tâm điểm chú ý vẫn là nước Mỹ với vị tổng thống mới Donald Trump. Nhật báo Les Echos có bài viết : "Người nhập cư, Israel, Nga : Chính sách đầy lộn xộn của Donald Trump".

ngau1

Một người biểu tình mang ảnh Donald Trump phản đối sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 4/02/2017. REUTERS/Neil Hall

Theo Les Echos, chính quyền Trump vừa phải chịu thất bại đầu tiên về hồ sơ nhập cư : Nhà trắng đã buộc phải mở cửa biên giới cho công dân của bảy nước Hồi giáo (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) bởi sắc lệnh cấm nhập cư công dân 7 nước nói trên của tổng thống Donald Trump bị thẩm phán liên bang ra lệnh đình chỉ áp dụng. Không những thế, nhật báo Les Echos còn ghi nhận các chính sách đầu tiên của chính quyền Trump là "hoàn toàn ngẫu hứng". Bên cạnh chính sách nhập cư vô căn cứ, những ngày qua tổng thống Mỹ còn đưa ra nhưng quyết định trái ngược với những phát biểu quan điểm trước đó không lâu. Tờ báo trích dẫn, chẳng hạn như qua lời của bà đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, ông Donald Trump đánh tiếng là các lệnh trừng phạt Nga sẽ không bị gỡ bỏ chừng nào Matxcova còn tiếp tục gây mất ổn định Ukraine và chừng nào Nga còn chưa rút quân khỏi Crimea. Còn với Israel, ông Donald Trump công khai chỉ trích người tiền nhiệm đã ủng hộ việc thông qua nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống lại việc Israel xây dựng các khu định cư người Do thái trên phần đất của người Palestine

Les Echos đặt câu hỏi : Tại sao Donald Trump lại thay đổi lập trường như vậy ? Theo tờ báo, "một số người thấy ở đó sự ảnh hưởng của Rex Tillerson, ngoại trưởng mới nhậm chức hôm thứ Năm tuần trước, người được giao nhiệm vụ chính là mang lại hơi hướng mới cho chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Những tiếng nói chỉ trích gay gắt thì nhìn nhận trong chủ trương của tổng thống Trump là hoàn toàn ngẫu hứng, tổng tống và các bộ trưởng của ông phần lớn đều không có một chút hiểu biết về quản lý chính quyền".

Liên Hiệp Châu Âu trước Donald Trump khó lường

Vẫn về chính sách ngoại giao của chính quyền Trump, nhật báo Le Monde có bài xã luận : "các nước Châu Âu đối mặt với Donald Trump".

Le Monde, nhắc lại điều mà các nước Châu Âu đã lường trước đó là Donald Trump không ưa gì Liên Hiệp Châu Âu. Ông Trump là vị tổng thống Mỹ đầu tiên công khai tỏ thái độ thiếu thân thiện với Châu Âu. 27 nước trong EU phải nhận thấy điều đó và không thể làm ngơ được.

Theo Le Monde : Trump sẽ không thay đổi chủ trương. Ông ta là người ngờ vực Nato, không coi trọng gì tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, ông đã ngỏ ý cho biết sẽ tiến hành chính sách bảo hộ kinh tế cứng rắn. Ông ta là người không tin vào chuẩn mực luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu mà coi đó như là một mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ… ông ta muốn làm EU suy yếu". Nếu sắp tới đây Ted Malloch, một nhân vật có tiếng là coi thường Châu Âu, được Trump chỉ định làm đại diện của Mỹ tại EU, thì 27 nước Châu Âu phải từ chối".

Xã luận báo Le Monde kết luận : "Trong thế giới của Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Donald Trump được đánh dấu bởi sự trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Châu Âu hơn bao giờ hết phải lớn mạnh hơn, để làm hình mẫu cho các quan hệ văn minh giữa các Nhà nước. Đó là điều mà Donald Trump không muốn".

CIA dự báo tương lai thế giới

Trang quốc tế của nhật báo Le Figaro dành cho đề tài với tiêu đề khá thú vị : "CIA nhìn thế giới vào năm 2035 ra sao ?". Cứ 4 năm, Hội đồng tình báo quốc gia, một bộ phận của cơ quan tình báo Mỹ CIA, lại đưa ra những dự báo về thế giới của ngày mai sẽ ra sao. Le Figaro trích đăng một phần của nghiên cứu nói trên đã được công bố.

Theo tài liệu, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động. Trước hết thế giới sẽ có nhưng thay đổi mạnh mẽ về dân số. Đến năm 2035, dân số trên địa cầu sẽ tăng từ 7,5 tỷ người lên 8,8 tỷ . Sự gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại Châu Á và Phi. Dự kiến sẽ có khoảng bốn chục thành phố lớn có số dân trên 10 triệu người vào năm 2035, thay vì 28 thành phố như hiện nay. Tuy nhiên những nước nào quản lý tốt giáo dục và lao động sẽ được hưởng lợi từ việc bùng nổ dân số này.

Trong những thập kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ giảm tốc. Xu hướng chững lại đó sẽ kéo dài trong những nền kinh tế phát triển sẽ làm tăng bất bình đẳng và nợ công. Cho dù hiện tượng cực kỳ nghèo khó nhìn chung sẽ giảm nhưng công ăn việc làm vẫn khan hiếm bởi sự phát triển của công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo. Tình trạng này có thể sẽ dẫn tới áp lực gia tăng đối với tầng lớp trung bình ở phương Tây với thu nhập chững lại và sức mua tiếp tục giảm.

Một thế giới hòa nhập hơn nhưng cũng phân hóa hơn

Sự phát triển viễn thông, giao thông vận tải và internet trong vòng 2 chục năm quan đã tạo điều kiện cho một thế giới hòa nhập với nhau hơn bao giờ hết.

Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa giờ đây có thể cảm nhận được trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, sức khỏe, tư tưởng và chính trị . Một loại virus mới xuất hiện tại Trung Phi, chỉ vài tuần sau đã có thế lan sang tận Bắc Mỹ hay Châu Âu. Một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Châu Á ngay lập tức có thể gây tác động tới thị trường Mỹ. Một cuộc cách mạng ở một nước có thể kéo theo dư chấn hay phản ứng dây chuyền sang nhiều nước xung quanh. Các luồng tư tưởng có thể lan truyền với tốc độ chưa từng có, nhu cầu hợp tác quốc tế lớn hơn bao giờ hết. Nhưng sự hội nhập đó cũng kéo theo sự phát triển của các phong trào tôn giáo tách biệt các cộng đồng. Nghịch lý của sự tiến bộ đó trong những thập kỷ tới sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng các cộng đồng xã hội tự thu mình và sự phát triển của các phong trào chính trị chống đối hợp tác quốc tế.

Về quan hệ quốc tế, theo nghiên cứu của CIA, hệ thống quan hệ hệ quốc tế được sắp đặt sau Thế chiến thứ 2 và do Hoa Kỳ thống lĩnh, sẽ tiếp tục tiến triển theo hướng một thế giới đa cực, trong đó các cường quốc sẽ có xu hướng tạo lập ra các vùng ảnh hưởng cạnh tranh với nhau… Các cường quốc muốn xem xét lại trật tự cũ như Trung Quốc và Nga, sẽ có thể lao vào cuộc chạy đua vũ trang và dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.

Sức ép về tài nguyên

Tài liệu nghiên cứu dự báo, trên hành tinh ngày càng đông dân thì vấn đề khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề thường xuyên.

Ô nhiễm không khí sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong. Đất đai thoái hóa và khan hiêm nước sẽ ngày càng trầm trọng. Hiện tượng khí hậu nóng lên làm tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực do tình trạng làm nước biển dâng cao sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần, đặc biệt đối với những khu dân cư ven biển. Các biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng này chỉ có thể có được nhờ các quốc gia hợp tác với nhau. Trong khi đó cuộc cánh tranh tìm kiếm tài nguyên đang khan hiếm dần lại khiện việc hợp tác trở nên khó khăn.

Gia tăng các cuộc xung đột kiểu mới

Xu hướng xung đột vũ trang có nguy cơ bị đảo lộn. Các cuộc nội chiến và can thiệp từ nước ngoài trong những thập kỷ tới sẽ còn gia tăng mạnh. Trên phương diện nội bộ, các phong trào xã hội và sắc tộc có thể giành chính quyền ở nhiều nước. Về phương diện đối ngoại sẽ có sự phân rã các liên minh, các cường quốc cạnh tranh nhau mạnh mẽ hơn, đe dọa khủng bố và bất ổn trở nên thường trực với những Nhà nước yếu kém. Giới hạn giữa chiến tranh và hòa bình có xu hướng không rõ ràng khiến cho việc giải quyết các cuộc xung đột khó khăn hơn. Chiến tranh mạng và tự động hóa vũ khí sẽ phát triển mạnh, nhưng việc phổ biến hạt nhân có thể quay trở lại, đồng thời nguy cơ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố sẽ gia tăng.

Pháp : Nhộn nhịp mít tinh vận động tranh cử tổng thống

Các báo Pháp ra ngày đầu tuần đều tập trung phản ánh chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Lần lượt các ứng viên ra tranh cử tổng thống hôm qua (5/02/2017) đã tổ chức các cuộc mít tinh lớn đầu tiên, giới thiệu các chương trình hành động cùng với những hứa hẹn tranh cử.

La CroixLibération dành trang nhất cho cuộc mít tinh của Mặt Trận Quốc Gia, đảng cực hữu đang có chiều hướng thắng thế.

Trong khi đó, bên đảng cánh hữu những Người Cộng Hòa (LR), sau một tuần lao đao bị dồn vào chân tường vì những cáo giác trả lương khống cho người thân, ứng cử viên François Fillon đang chuẩn bị phản công. Le Figaro chạy tựa trang nhất "Lưng dựa vào tường, François Fillon phản công". Le Figaro cho biết , sau khi tham khảo ý kiến trong đảng cuối tuần qua, ông Fillon quyết định chiều nay phát biểu trên truyền thông và trước gia đình chính trị của mình để cố gắng giải trình về những chuyện lùm xùm rắc rối đang khiến ứng cử viên của đảng LR có nguy cơ phải bỏ cuộc đua.

Nhìn chung các báo đều có chung nhận định, cuối tuần qua các ứng cử viên của các đảng đã làm được cái việc gọi là "hâm nóng chỉ số ủng hộ" cho cá nhân họ, trong khi mà đại đa số người dân Pháp vẫn ngơ ngác trước cả mớ chương trình hành động, những lời hứa hẹn tranh cử của các ứng viên.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Trong 48 giờ qua, tân tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục quạt gió vào các lò lửa quốc tế nhất là với Iran và Nga. Cùng lúc đó, từ Seoul, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đe dọa giáng trả "vùi dập" Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng dùng vũ khí nguyên tử tấn công Hàn Quốc hay lãnh thổ Hoa Kỳ.

lua1

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với lãnh đạo nhiều nước, ngày 28/01/2017 - REUTERS/Jonathan Ernst

Donald Trump có vẻ ưa thích thái độ khó lường cho dù đã khoác áo lãnh đạo siêu cường kinh tế và quân sự. Hai tuần sau ngày tuyên thệ nhậm chức, tổng thống theo xu hướng "quốc gia trước đã", và chính phủ của ông, đã liên tục đưa ra những tuyên bố bốc lửa. Không những đối thủ của Hoa Kỳ mà ngay các quốc gia đối tác hay đồng minh như Mexico, Úc và Israel cũng bị Donald Trump dằn mặt, theo phân tích của AFP.

Đối với Iran, sau lời "cảnh báo" của Nhà Trắng, Washington dự trù tăng cường các biện pháp mới trừng phạt chế độ Hồi giáo vì Teheran thử tên lửa đạn đạo bị xem là vi phạm thỏa hiệp hạt nhân ký kết với các đại cường vào tháng 7/2015.

Chống Iran, "không trừ một giải pháp nào"

Tổng thống Barack Obama trước đây sử dụng hiệp định hạt nhân này để làm giảm căng thẳng với Iran, tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ song phương. Trái lại, tân tổng thống Donald Trump thẳng thừng đe dọa "không loại trừ một biện pháp nào" kể cả biện pháp quân sự. Teheran lập tức lên án tổng thống Mỹ "liên tục vu khống để khiêu khích".

Tiếp tục trừng phạt Nga

Điều ngạc nhiên hơn hết là Washington cũng lên giọng với Matxcơva. Trong khi Donald Trump, từ lúc vận động tranh cử đã chủ trương thắt chặt quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin, thì tân đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley "lên án hành động gây hấn của Nga tại Ukraine". Tại Hội Đồng Bảo An, nữ đại sứ Mỹ khẳng định lệnh trừng phạt "sẽ được duy trì cho đến khi nào Nga trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine".

Nhà Trắng cũng tỏ thái độ lạnh nhạt với Israel trong hồ sơ lập khu định cư người Do Thái trên lãnh thổ lấn chiếm của Palestine. Cho dù Donald Trump nhiều lần ca ngợi mối quan hệ với đồng minh truyền thống tại Trung Đông kể cả ý định dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thẩm định việc "xây thêm khu định cư không giúp giải quyết xung đột Israel-Palestine".

Nhưng rồi sau đó, có tin tân ngoại trưởng Rex Tillerson gọi điện trấn an thủ tướng Benyamin Netanyahu, cam kết một sự ủng hộ "toàn diện".

Xem thường Úc

Donald Trump cũng làm cho đồng minh quân sự Úc ở Thái Bình Dương choáng váng. Trong cuộc điện đàm bị cắt giữa chừng, tổng thống Mỹ cho rằng ông sẽ xét lại thỏa thuận "ngu ngốc" giữa Washington và Canberra về việc Mỹ nhận di dân bất hợp pháp bị cô lập trong các trại tạm cư ngoài nước Úc.

Vùi dập Bắc Triều Tiên

Còn tại Bắc Á, trong chuyến công du trấn an hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, tân Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố sẵn sàng "vùi dập" Bắc Triều Tiên nếu Bình Những dùng hạt nhân tấn công một trong các đồng minh của Mỹ. Chủ nhân Lầu Năm Góc là Bộ trưởng đầu tiên của chính quyền Trump thăm nước ngoài và với chủ đề an ninh quốc phòng.

Trong hồ sơ kinh tế, tuần trước, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ thực hiện ngay chủ trương bảo hộ thị trường, thúc giục Canada và Mexico thương thuyết lại hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ.

Những lời tuyên bố bốc lửa trong những ngày qua làm cho công việc của tân ngoại trưởng Rex Tillerson khó khăn thêm. Ngày thứ năm 02/02/2017, ông chính thức nhậm chức vào lúc Bộ Ngoại giao trong tình trạng "nổi loạn", với khoảng "1000 nhà ly khai" làm lung lay. Chính sách ngoại giao "thiển cận và nghiệp dư" của tổng thống Donald Trump bị chống đối công khai.

Thật ra, giới phân tích không rõ là tổng thống doanh nhân toan tính gì ? Phải chăng ông sử dụng chiến thuật đấu trí mà người Mỹ gọi là "ván bài lừa dối" mà cứu cánh duy nhất cần đạt được là phục vụ quyền lợi nước Mỹ trước đã, đồng minh lịch sử hay kẻ thù truyền thống không đáng kể.

Theo AFP, vị khách quốc tế đầu tiên của tân ngoại trưởng Mỹ là đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel. Ngoại trưởng Đức đã nhắc nhở phía Mỹ là trong giai đoạn đầy bất trắc này, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, từ kinh tế đến quân sự, vô cùng cần thiết.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 03/02/2017

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Mỹ : Quyền lực đối trọng có thể chống lại Trump ?

Sắc lệnh đình chỉ nhập cư với công dân từ bảy nước Hồi giáo, ngày thứ Sáu 27/01/2017, của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục gây giận dữ trên toàn thế giới. Nhật báo Le Monde có bài "Trump gây hỗn loạn và phẫn nộ". Xã luận Le Monde cảnh báo : "Đối diện với Trump, cần các đối trọng quyền lực". Libération đặc biệt có hồ sơ : "Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực (tại Hoa Kỳ, có thể ngăn chặn được Trump) ?".

1doitrong1

Hình mẫu của Donald Trump là tổng thống Mỹ Andrew Jackson (trái), người ủng hộ chế độ nô lệ. Ảnh : Reuter

Xã luận Le Monde nhấn mạnh : "Sự vận hành của nền dân chủ Mỹ, với một hệ thống hành pháp mạnh của tổng thống, dựa trên cơ chế đối trọng quyền lực – checks and balances. Cơ chế này đã có, và chúng ta hy vọng các đối trọng quyền lực sẽ được thực thi cho đến cùng, bởi những gì diễn ra gây lo ngại sâu sắc. Sắc lệnh (về cấm dân từ bảy quốc gia Hồi giáo nhập cảnh) đã được thảo luận chỉ trong một nhóm nhỏ, những giới chức quan trọng của chính phủ Mỹ có liên quan đã không được tham gia, trong khi đó cố vấn Steve Bannon, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, với quá khứ đầy bê bối, lại có vai trò ngày càng quan trọng".

Trang nhất Libération chạy tựa : "Trump, liệu có phải là một nguy cơ với nền dân chủ ?". Hồ sơ của Libération "Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực ?" nhấn mạnh đến phản ứng không chỉ của các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp, mà đồng thời của xã hội dân sự và truyền thông Hoa Kỳ, đang được thế giới theo sát. Để biết được là liệu nền dân chủ Mỹ có đủ "các kháng thể" để đối mặt với tân tổng thống hay không ?

Bài báo tóm lược các nỗ lực của xã hội dân sự và tư pháp Mỹ kháng cự lại "sắc lệnh chống Hồi giáo" của Donald Trump.

Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU ngay lập tức đã có đơn kiện chống lại sắc lệnh của tổng thống lên tòa án liên bang tại New York. Cũng ngay sau đó, một thẩm phán liên bang đã ra quyết định ngăn chặn việc áp dụng sắc lệnh trục xuất công dân bảy nước đã có mặt trên đất Mỹ. Tiếp bước New York, thẩm phán liên bang tại Boston, Seattle và Alexandria (Virginia) cũng ra quyết định ngăn chặn sắc lệnh nói trên. Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ hôm Chủ nhật vừa qua cũng ra thông báo yêu cầu "thực thi các quyết định của tư pháp".

Cuộc chiến lâu dài của tư pháp và lập pháp

Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ có thể tuyên bố là "vi hiến" một luật do Quốc Hội thông qua, và được tổng thống ban hành. Tuy nhiên, theo Libération, cuộc chiến tư pháp còn lâu mới kết thúc, bởi để một sắc lệnh của tổng thống bị hủy bỏ, Tòa Án Tối Cao phải chứng minh luật này đi ngược lại Hiến Pháp, cụ thể như đi ngược lại "quyền tự do tôn giáo" và "quyền được hưởng một thủ tục pháp lý công bằng". Trong khi đó, "hôm nay thứ Ba, 31/01, Donald Trump sẽ bổ nhiệm thành viên thứ 9 của Tòa Án Tối Cao". Thành viên thứ 9 là người rất có thể sẽ làm cán cân của tòa nghiêng về phía tân tổng thống.

Về phía Quốc Hội, một loạt sắc lệnh của ông Trump, nhất là sắc lệnh chống người nhập cư từ bảy nước Hồi giáo bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa - chiếm đa số - lên án là tạo điều kiện cho khủng bố phát triển. Dù sao, đó cũng không phải là toàn bộ đảng Cộng Hòa. Giáo sư chính trị học Bruce Ackerman, đại học Yale, cảnh báo "rất ít khả năng phe Cộng Hòa sẽ đưa ra các biện pháp" điều chỉnh lại chính sách nói trên. Hiện tại lãnh đạo Hạ Viện Paul Ryan tỏ ra công khai ủng hộ quyết định của tân tổng thống.

Trong khi đó, nhà chính trị học Richard Arenberg, đại học Brown, nhấn mạnh nhiều hơn đến việc, nếu không được Quốc Hội ủng hộ, truyền thông và xã hội dân sự, tổng thống Mỹ khó lòng tiếp tục lâu dài các chính sách của mình, mà đây là "trường hợp hiện tại".

Chống Trump : Hiệp hội bảo vệ dân nhập cư được nhiều ủng hộ

Phản ứng rõ ràng nhất chống lại sắc lệnh của Donald Trump là các tập đoàn tin học. Google quyết định lập quỹ 4 triệu đô la để ủng hộ bốn hiệp hội hỗ trợ người nhập cư, và lên án chính sách "ngăn chặn các tài năng trên thế giới" tới làm việc tại Hoa Kỳ. Ông chủ Apple gửi thông điệp đến toàn bộ các nhân viên của tập đoàn khẳng định, không có người nhập cư Apple không tồn tại (Steve Job – nhà sáng lập Apple - là con của một người nhập cư Syria). Lyft, tập đoàn cạnh tranh với Uber, thông báo tặng một triệu đô la cho Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU, hiệp hội trụ cột trong cuộc kháng cự chống lại Trump.

Hiệp hội ACLU, được thành lập từ năm 1920, hiện có khoảng 750.000 thành viên. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, hiệp hội bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ đã nhận được đợt quà tặng chưa từng có, với tổng số 24 triệu đô la. Ngay sau khi Trump đắc cử, ACLU tuyên bố sẽ hết sức cảnh giác trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống này.

Về các phản ứng quốc tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến các phản ứng chống Trump tại Anh Quốc. Kêu gọi hủy bỏ chuyến công du của tổng thống Mỹ, theo lời mời của thủ tướng Anh, đã nhận được hơn 500.000 chữ ký của dân Anh. Sau ba lần từ chối lên án chính sách chống dân nhập cư từ bảy nước Hồi giáo, thủ tướng Anh Theresa May phải chấp nhận ra thông báo khẳng định : "Luân Đôn không hưởng ứng" cách làm của chính quyền Trump.

Chỉ riêng có thủ tướng Israel là ca ngợi tổng thống Trump, khi so sánh quyết định của ông Trump với việc Israel xây dựng bức tường phía nam với Palestine.

"Ý thức hệ quái vật" của Donald Trump

Theo một số nhà phân tích, như nhà báo Tony Schwartz, tác giả cuốn "Trump : The art of Deal" (Nghệ thuật mặc cả của Trump) thì Donald Trump không hề có ý thức hệ, các quyết định của ông Trump hoàn toàn dựa vào "nhân cách lấy cá nhân làm trung tâm và rất bản năng của ông ta". Cuốn sách, xuất bản năm 1987, được sử dùng làm tư liệu cho bộ phim hài "Donald Trump's The Art of the Deal : The Movie", ra đời năm 2016. Tuy nhiên, theo Libération, "những hành xử triệt để của tổng thống Mỹ trong những quyết định đầu tiên cho thấy Donald Trump thừa hưởng một lập trường, ít nhiều được tiếp thu từ các lãnh đạo Mỹ trong quá khứ".

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư tưởng chính trị gây sốc của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Libération có bài "Quái vật ý thức hệ (l'hydre idéologique) của Trump, chính trị gia dân túy". Libération so sánh Trump với một loạt tổng thống Mỹ, trước hết là tổng thống Andrew Jackson.

So sánh Donald Trump với tổng thống Andrew Jackson cũng chính là điều mà "chiến lược gia" của tổng thống Mỹ, Steve Bannon, khẳng định. Theo cánh tay phải của tân tổng thống Mỹ, Donald Trump đã lấy cảm hứng từ tư tưởng của tổng thống thứ bảy, cũng là tổng thống dân túy đầu tiên của Hoa Kỳ. Phó tổng thống Mike Pence cũng cùng một nhận xét.

Theo Libération, Andrew Jackson, cầm quyền từ năm 1829 đến 1837, với tư tưởng lấy quyền lực ở Washington để chuyển giao cho dân chúng "đã để lại một dấu ấn sâu sắc và đau đớn" trong lịch sử nền dân chủ Mỹ. Trên thực tế, hứa hẹn bảo vệ an ninh cho người Mỹ, nhưng tổng thống Andrew Jackson, chính là người đã tiến hành cuộc đày ải người Da Đỏ, với chiến dịch được mệnh danh là "con đường nước mắt", làm diệt vong các bộ lạc Da Đỏ lớn ở miền đông nước Mỹ. Ủng hộ chủ trương kinh tế tự do, tổng thống Jackson đã để mặc cho chế độ nô lệ phát triển, mà bản thân ông ta là người hưởng lợi.

Di sản chính trị của Andrew Jackson bị lên án rất mạnh tại Mỹ. Năm 2016 đã nổ ra một chiến dịch lớn yêu cầu xóa bỏ hình ảnh ông Jackson trong tờ giấy bạc 20 đô la Mỹ từ năm 2020, để thay vào đó là hình ông Harriet Tubman, một nhà tranh đấu da đen chống chế độ nô lệ. Bộ Tài Chính Mỹ thời Obama đã chấp nhận yêu cầu này.

Philippines : Đến lượt cảnh sát chống ma túy trở thành đích ngắm của Duterte

Philippines với kế hoạch chống ma túy đẫm máu của tổng thống dân túy Duterte là một tâm điểm thời sự khác của Libération, với bài "Tại Philippines, cuộc chiến chống ma túy được kết hợp với chương trình chống cảnh sát tham nhũng".

Cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte bị giới bảo vệ nhân quyền lên án mạnh, với hơn 7.000 người thiệt mạng, trong đó hơn 2.500 người là do cảnh sát hạ sát, đã bước sang một khúc quanh mới với biến cố một doanh nhân Hàn Quốc bị cảnh sát Philippines giết hại. Vụ việc được chính quyền Philippines thừa nhận ngày 18/01 mới đây.

Doanh nhân bị cảnh sát bắt cóc hồi tháng 10/2016. Nạn nhân đã bị thắt cổ chết ngay tại trụ sở cảnh sát quốc gia chống ma túy ở phía bắc Manila. Cảnh sát Philippines còn tìm cách lấy gần 200.000 euro tiền chuộc của gia đình nạn nhân, bằng cách tuyên bố doanh nhân này vẫn còn sống. Vụ việc phơi bầy tình trạng biến chất cao độ của cảnh sát Philippines, với khoảng 40% nhân viên tham nhũng, theo một số điều tra.

Hôm Chủ nhật vừa qua, tổng thống Philippines đã thừa nhận tình trạng này, và ra lệnh giải tán các đơn vị chống tham nhũng của cảnh sát quốc gia. Cơ quan chống ma túy của cảnh sát Philippines từ giờ được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan quốc gia chống ma túy. Hôm qua, lãnh đạo cảnh sát chống ma túy Philippines tuyên bố tiến hành chiến dịch "thanh lọc nội bộ toàn diện" trong một tháng, và chấm dứt chiến dịch "Tokhang" chống ma túy, khởi sự từ ngày 01/07/2016, sau khi ông Duterte nhậm chức.

Tuy nhiên, tổng thống Duterte khẳng định cuộc chiến chống ma túy vẫn tiếp tục, cho đến khi ông hết nhiệm kỳ năm 2022, bất chấp các cam kết chỉ tiến hành trong vài tuần, được đưa ra hồi tranh cử.

Nguy cơ sập tiệm từ các vụ mua lại ồ ạt của Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt "báo động về các nguy cơ gắn liền với việc Trung Quốc mua lại cổ phần nhiều công ty". Báo cáo của cơ quan thẩm định tài chính S&P nhấn mạnh : việc các công ty Trung Quốc – được Nhà nước hậu thuẫn - mua lại ồ ạt cổ phần của nhiều tập đoàn lớn gần đây sẽ có "tác động tiêu cực", trong đa số các trường hợp. Kết luận được đưa ra, sau khi S&P phân tích khoảng 20 trường hợp chuyển nhượng cổ phần, đặc biệt việc ChemChina mua lại tập đoàn hóa chất và thực phẩm Syngenta Thụy Sĩ với 46,5 tỉ đô la, hay việc Trung Quốc mua công ty công nghệ Mỹ Ingram Micro với giá 6 tỉ đô la.

S&P dự đoán, đây là các vụ mua bán không chắc chắn, bởi nếu các cơ sở kinh doanh này gặp khó khăn, rất nhiều khả năng là phía Trung Quốc sẽ rút bớt ủng hộ. Rất nhiều công ty Trung Quốc đang nợ nần đầm đìa vẫn bỏ ra rất nhiều tiền ra mua doanh nghiệp phương Tây (nhờ chính sách hết sức dễ dãi trước đây của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc và Quỹ Con Đường Tơ Lụa/Silk Road fund). Trong trường hợp các công ty này phá sản, hệ quả sẽ là trầm trọng.

Theo S&P, chính quyền Trung Quốc có chính sách "giảm dần việc công khai ủng hộ các doanh nghiệp công". Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiểm soát chặt các khoảng chuyển nhượng hơn 10 tỉ đô la, và tất cả các khoản mua bán hơn một tỉ đô la, không liên quan đến ngành nghề chính của cơ sở kinh doanh.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình tranh cử tổng thống Pháp là chủ đề chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Tờ báo dành hàng tựa trang nhất đến làn sóng ủng hộ từ đảng Xã Hội dành cho ứng cử viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế trong chính quyền đảng Xã Hội, nhưng tuyên bố là ứng cử viên không thiên tả, hay thiên hữu. Bài xã luận Le Figaro "Hollande, dù không phải Hollande" nhấn mạnh là ứng cử viên Macron, cho dù tuyên bố như trên, nhưng trên thực chất là người kế thừa nhiệm kỳ năm năm của chính phủ Hollande.

Tờ báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho "cuộc tranh cử tổng thống Pháp còn nhiều ẩn số" đang diễn ra. Xã luận La Croix khẳng định "Dù sao cũng phải lựa chọn", trong bối cảnh hầu hết các ứng cử viên đã vào cuộc, nhưng "không khí đầy bất trắc", đặc biệt với các cáo buộc lạm dụng tài sản công nhắm vào cả ba ứng cử viên hàng đầu, Marine Le Pen, François Fillon và cả Emmanuel Macron.

Báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh đến sự phục hồi của các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt với số lượng các doanh nghiệp phá sản năm vừa qua rơi xuống mức thấp nhất kể từ khởi đầu cuộc khủng hoảng 2008. Tất cả các ngành nghề hiện đã khởi sắc trở lại, trừ nông nghiệp. Theo Les Echos, sự phục hồi này diễn ra ở các khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như doanh nghiệp lớn. Về mặt tài chính, việc cải thiện này có hai lý do chính là các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, và giá dầu mỏ và lãi suất ngân hàng giảm. 

Les Echos cũng lưu ý đến "EIT- các doanh nghiệp trung bình của Pháp – các nhà vô địch bị quên lãng". Với 4.500 doanh nghiệp – thuê từ 250 đến 4.999 nhân công, khối các EIT (Les entreprises de taille intermédiaire) sử dụng khoảng 24% lao động, chiếm 28 % doanh thu và 33% hàng xuất khẩu Pháp. Theo Les Echos, chính quyền cần "khẩn cấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EIT phát triển", bởi nếu được hưởng các điều kiện thuế khóa ưu đãi như của Đức, doanh thu trung bình của EIT Pháp sẽ tăng lên đến 68%.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

"Một lãnh đạo quốc gia mà không trước hết nghĩ tới lợi ích quốc gia mình thì không bao giờ thành công. Nhưng một lãnh đạo quốc gia chỉ biết lợi ích của mình bất chấp thiên hạ thì chỉ là một kẻ thiển cận", nhà báo Huy Đức mở đầu một bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân của ông hôm 29/01/2017 về Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, người mới tuyên thệ nhậm chức cách đây chưa lâu.

Bas du formulaire

thiencan1

Có ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá về tân chính quyền Donald Trump và cá nhân tân Tổng thống Mỹ.

Trong bài viết với tựa đề vỏn vẹn một chữ là 'Trump', tác giả của 'Bên Thắng cuộc' chia sẻ :

  • Nguyên văn bài viết của Huy Đức trên FB cá nhân
  • Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói về ông Trump và chia sẻ dịp Tết
  • Luật sư Lê Công Định bình về Tổng thống Trump
  • Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng : hai cách nhìn về ông Trump
  • Nhà báo Đỗ Dzũng : hai tâm tư về tân Tổng thống Mỹ

"Khi nghe Trump tranh cử, tôi không muốn bình luận gì. Cái tài của Trump là đã khai thác được sự bất mãn của đông đảo dân chúng với Washington. Tầng lớp elite và báo chí Mỹ đã quá tự mãn và trịch thượng, họ quên rằng, trong thời đại ngày nay quyền lực thứ 4 có thể bị thách thức bởi những kẻ vận hành một cuộc chiến truyền thông phi quy ước, sử dụng fake news đánh những đòn dưới thắt lưng. Nhưng, khi Trump biến những tuyên bố lấy phiếu đó thành chính sách thì quả là tôi rất ngạc nhiên.

"Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể. Làm hả dạ đám đông có thể chỉ cần một kẻ hoạt ngôn nhưng làm chính sách lại cần phải có những cái đầu chiến lược".

Sau khi phân tích về động thái mà tác giả gọi là 'cố đấm' (ăn xôi) khi Tổng thống Donald Trump quyết tâm thực thi lời hứa của ông về xây 'bức tường khổng lồ' kiểm soát nhập cư bất hợp pháp dọc biên giới Mỹ với Mexico, nhà báo, blogger Huy Đức viết tiếp :

"Bảo hộ có thể giải quyết được nền kinh tế nội địa nhưng một khi làm kinh tế mà không hiệu quả, trong mạnh mà ngoài suy yếu, thị trường bị thu hẹp thì người mất trước tiên là Mỹ.

"Có thể có những người giỏi không giàu nhưng không có ai giàu mà không giỏi. Trump không chỉ giỏi mà còn tỏ ra ông ta là một con buôn xuất chúng.

"Nhưng, đã có những nhà kinh tế đoạt giải Nobel ra làm kinh doanh thất bại. Ngược lại, không phải cứ giỏi "phân lô bán nền" là có thể "bình thiên hạ" ngay".

Theo tác giả 'Bên Thắng cuộc', chính sách vĩ mô có điểm khác với thương trường, trong khi tầm nhìn của một nguyên thủ quốc gia không thể là trước mắt, là đáp ứng vội vàng hiệu chứng 'đám đông đang la ó' và cũng không được căn cứ trên nền tảng 'phi nhân bản', blogger từ Việt Nam đúc kết :

"Chính sách vĩ mô rất khác với thương trường. Có những ý tưởng làm thay đổi thế giới nhưng không mang lại tiền bạc cho một người. Lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khác với con buôn, có những thứ lợi ích mà họ tạo ra không thể hạch toán được trong thế hệ mình và không phải cho gia đình họ.

"Một tổng thống có tầm nhìn không vội vàng thỏa mãn đám đông đang la ó mà biết tiên liệu những mối đe dọa trong tương lai để đảm bảo an ninh lâu dài cho họ. Những quyết định có thể kiến tạo tương lai cho dân chúng không bao giờ có thể được đưa ra trên nền tảng phi nhân bản.

"Cho dù, yêu hay ghét Trump, chắc chắn ông ta sẽ còn được nhắc nhiều trong lịch sử trong khi nhiều người có thể quên Obama hay Clinton. Vấn đề là ông ta sẽ được nhắc đến như như thế nào. Theo Đức Giáo hoàng thì, "Chờ xem", nhà báo Huy Đức từ Việt Nam kết luận bài viết.

Một Tổng thống 'quậy'

Còn từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, trong một chia sẻ ngay trước đêm Giao thừa và đón Tết Đinh Dậu, hôm thứ Sáu, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng đưa ra bình luận với BBC về tân Tổng thống Mỹ, ông nói :

"Ông Trump, xin dùng từ ngữ phổ thông của Việt Nam, là quậy ! Quậy để cho người ta để ý đến ông ấy.

"Nhưng tôi chưa chắc những chính sách của ông, kể cả chính sách đối ngoại và đối nội là đã suy nghĩ kỹ càng.

"Cho nên tôi nghĩ đây là một trường hợp rất đặc biệt. Tôi đã ở Mỹ từ cuối năm 1963 đến nay, qua 12 đời tổng thống, tôi chưa thấy đời tổng thống nào lại đặc biệt như đời tổng thống này".

Hôm thứ Bảy, trong một chia sẻ ngay tối mùng Một tết Đinh Dậu từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC hay ông 'hoàn toàn ngạc nhiên' về tân Tổng thống Trump, đặc biệt trong một phát ngôn gần đây khi ông Trump đề cập việc có cho phép sử dụng lại hay không biện pháp tra tấn đặc biệt được biết tới là 'trấn nước' ở Hoa Kỳ.

Luật sư Lê Công Định nói :

"Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về phát biểu của ông Donald Trump, bởi vì đối với một tư tưởng tôn trọng nhân quyền mà một ai có được bình thường thôi, thì cũng nghĩ hành động dùng đến nhục hình, tra tấn là không thể chấp nhận được.

"Và nhất là để phục vụ mục đích là truy xét để rồi bỏ tù họ, thì càng không thể chấp nhận.

"Mà một người như ông Donald Trump là Tổng thống của một cường quốc chủ xướng về vấn đề tự do và dân chủ trên thế giới mà lại phát biểu như vậy, thì thực sự mà nói, tôi rất là ngạc nhiên.

"Ở trong vị trí của mình, tôi hoàn toàn phản đối chuyện đó và đối với tôi, chuyện đó là không thể chấp nhận được", Luật sư nói với BBC hôm 28/01.

Hai cách nhìn về Trump

Mới đây, cũng từ Hoa Kỳ, học giả Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason cũng chia sẻ với BBC về hai cách nhìn đối với ông Trump và nội các 'có nhiều người giàu' với cả tỷ phú lẫn nhiều triệu phú của ông.

Trước câu hỏi một chính phủ như thế liệu có thể đại diện cho tiếng nói của người dân hay không, như Tổng thống Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm :

"Có thể nói có hai cách nhìn, cách nhìn hiền lành, tử tế nghĩ rằng những người này đã giàu rồi thì người ta sẵn sàng hy sinh, nhiều người vào làm chính trị để có tiền, đằng này người có tiền rồi làm chính trị, thì người ta có thể hy sinh, để ý đến dân chúng.

"Nhưng khi nhìn những ông trong nội các được cử, chưa được bổ nhiệm, thì chúng ta thấy có rất nhiều triệu phú, có ông quên khai ra là ông có một trăm triệu đô la, ông có nhiều tiền quá nên một trăm triệu ông quên mất không khai ra. Quyên rồi ! Thành ra những người đó rất giàu. Mà chúng ta thấy những người đã giàu rồi thì... cũng khó có thể nói người ta lo cho dân chúng được.

"Nhưng người ta cũng có thể nói một chuyện khác người ta đưa ra là thí dụ ông (John F.) Kennedy chẳng hạn. Con nhà rất giàu, nhưng ông Kennedy không phải làm chuyện buôn bán mà tranh đấu vì giàu. Bố ông ấy giàu, mà ông ấy chỉ làm chính trị từ đầu đến cuối. Ông ấy là chính trị gia chuyên nghiệp.

"Thì ông này (Trump) khác, những ông này là người buôn bán, làm ăn, rồi bây giờ làm chính trị, thì thực ra chúng ta phải chờ đợi xem ông làm ra sao. Dĩ nhiên chúng ta thấy về phương diện tâm lý, chúng ta cũng khó có thể hiểu là... các ông mà giàu như thế có thể hiểu được dân chúng.

"Thành ra chúng ta phải nhìn xem, ông hứa là ông làm như vậy, thì không biết, hiện nay còn sớm quá để có thể kết tội người ta.

"Tuy nhiên, việc các ông (nội các Trump) đòi giảm thuế, thì chính sách giảm thuế của ông Donald Trump bây giờ chưa đưa ra rõ rệt, nhưng đường lối chính mà chúng ta thấy qua cuộc tuyển cử, ông giảm thuế rất nhiều cho người giàu. Người giàu sẽ được lợi rất nhiều", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận với BBC về chính quyền Trump và diễn văn nhậm chức của vị tân tổng thống Mỹ.

Hai tâm tư về Trump

Còn từ California, Hoa Kỳ, ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chia sẻ với BBC từ Quận Cam, nhà báo Đỗ Dzũng từ Nhật báo Người Việt Cali cho hay có hai tâm tư của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đối với ông Trump và chính quyền của ông.

Nhà báo nói : "Tôi nghĩ là họ hy vọng - đặc biệt là những người ủng hộ ông Trump, thì họ rất là sung sướng.

"Họ hy vọng rằng ông Trump sẽ thay đổi nước Mỹ và đặc biệt người Việt Nam, những người ủng hộ ông Trump vẫn hy vọng là ông Trump làm cái gì đó để Trung Quốc đừng xía vào Biển Đông, đó là tâm tư của (người) Việt Nam (tại Mỹ).

"Còn những người không ủng hộ ông Trump, người ta hy vọng ông đừng động vào Obamacare (bảo hiểm y tế), hoặc đừng động vô những chương trình. Chẳng hạn... trong bài diễn văn ông có nói một câu 'Chúng ta sẽ không cho những người đang hưởng trợ cấp xã hội (welfare), bắt họ đi làm !'

"Cái này ông nói rõ ra, mấy hôm trước ông không nói, cũng có nhiều người Việt Nam (ở Mỹ) hưởng trợ cấp này, người ta sang đây vì hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ hay họ nghèo, họ không có tiếng Anh, họ không có việc làm, họ không có tay nghề đi làm, thì họ không đi làm, ở nhà hưởng trợ cấp.

"Họ cũng bị những người Việt Nam khác chỉ trích bởi vì cũng có những người lợi dụng, ở nhà hưởng trợ cấp, nhưng lại đi làm chui lấy tiền mặt, thành ra trong cộng đồng Việt Nam, khi mà nói tới trợ cấp xã hội, có nhiều người không thích.

"Nhưng những người nhận trợ cấp vẫn là cộng đồng Việt Nam, vẫn là đồng hương chúng ta (người Mỹ gốc Việt ), đó là những người... họ nghe (Diễn văn nhậm chức của Tổng thống), họ cũng ngại lắm. Người mà không ủng hộ ông Trump, họ hy vọng ông không làm mất bảo hiểm (y tế) của họ, bởi vì họ sống nhờ bảo hiểm và đừng có động tới trợ cấp của họ.

"Nhưng cũng có điều tốt là khi... ông nói như vậy (trong Diễn văn), ông sẽ làm cho những người hiện nay đang hưởng trợ cấp mà gian lận, tức anh khai anh nghèo, nhưng thực ra anh đi làm chui, ông mà lên thì mình hết ăn, mà phải lo đi làm đàng hoàng và những người cần trợ cấp thực sự, đừng động vào họ, thì tôi thấy (đấy là những điều) người Việt Nam (ở Mỹ) người ta để ý đến nhiều", nhà báo Đỗ Dzũng bình luận với BBC thêm về Diễn văn của Tổng thống Trump trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông hôm 20/01.

Quốc Phương

Nguồn : BBC tiếng Việt, 31/01/2017

Additional Info

  • Author Quốc Phương
Published in Diễn đàn

Vượt qua mọi dèm pha, nghi ngờ và phản đối, cuối cùng thì Donald Trump cũng đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức và trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

donald1

Donald đạo Trump, Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Lễ nhậm chức của Tổng thống Trump diễn ra với tất cả nghi lễ trang trọng và hoàng tráng nhất mà người Mỹ có thể làm được. Dù yêu hay ghét nước Mỹ thì vai trò của nước Mỹ ngày càng được khẳng định và thừa nhận trên toàn thế giới. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đã được cả thế giới chăm chú theo dõi và bình luận với đủ các cung bậc cảm xúc.

Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ chưa có vị Tổng thống thống nào nhậm chức với nhiều ý kiến phản đối và bất mãn như trường hợp tân Tổng thống Donald Trump.

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ là một bất ngờ ngoài mọi sự phán đoán của dư luận. Trong bài viết này chúng tôi không bàn đến nguyên nhân vì sao ông ta có thể chiến thắng được một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như bà Hilary Clinton mà chúng tôi chỉ bàn đến những chính sách và kế hoạch mà ông ta hứa hẹn thực hiện qua bài diễn văn nhậm chức. Liệu những lời hứa và cam kết đó có trở thành hiện thực hay không và ông ta có thể làm được gì cho nước Mỹ ?

- Khẩu hiệu đầu tiên và đã làm hàng triệu người Mỹ hân hoan đó là "Nước Mỹ trên hết". Ý nghĩa của câu nói này có gì mới không ? Hoàn toàn không ! Khẩu hiệu này quá cũ, thậm chí là cũ rích và rõ ràng thông điệp này chỉ để mị dân. Có vị Tổng thống Mỹ nào dám nói quyền lợi của nước Mỹ là thứ yếu không ? Chắc chắn là không. Nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều hành động vì chính quyền lợi của quốc gia đó, kể cả Việt Nam sau này. Từ việc Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình là Việt Nam Cộng Hòa đến việc can thiệp quân sự vào Iraq hay Afganistan, hay bất cứ điểm nóng nào trên thế giới thì cũng đều là vì quyền lợi của nước Mỹ, và điều đó hoàn toàn đúng và đúng với bất cứ quốc gia nào được đặt vào vị trí của Mỹ.

- Lời hứa thứ hai của Trump là sẽ "tiêu diệt khủng bố ISIS" ! Từ Bush cha, Bush con đến Obama đều đã nỗ lực hết mình để chống khủng bố và lực lượng "Hồi giáo cực đoan". Nếu Obama không vụng về và vội vã triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Trung Đông thì đã không có nhà nước ISIS và sự đổ nát ở Syria. Hứa là một chuyện còn làm được hay không lại là một chuyện khác. Với sự kỳ thị không giấu diếm đối với thế giới Hồi giáo thay vì chỉ một số nhỏ theo Hồi giáo cực đoan, có lẽ sự chống đối Trump và nước Mỹ chỉ có tăng lên thay vì giảm xuống trong những năm tới.

- Trump nói "Buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ. Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở thành người cai trị đất nước này một lần nữa". Một câu nói mị dân không khác gì mấy ông lãnh tụ đảng cộng sản, lúc nào cũng xưng là "chính quyền của nhân dân, do dân và vì dân". Không những thế, câu nói này còn bày tỏ sự thiếu thành thực của Trump. "Nhân dân" nào sẽ nhận "sự chuyển giao quyền lực" này ?

Ông Trump đã tỏ ra "coi thường" tất cả các chính trị gia của Mỹ có mặt hôm đó và suốt cả chiều dài lịch sử nước Mỹ. Cho dù có những lúc sai lầm, vấp váp nhưng sỡ dĩ nước Mỹ trở nên hùng mạnh và vĩ đại như ngày hôm nay là nhờ viễn kiến và tài năng của những chính trị gia chuyên nghiệp, những người đã lãnh đạo và lèo lái đất nước Mỹ hơn 200 năm qua. Làm chính trị và hoạt động chính trị cũng là một nghành nghề đòi hỏi chuyên môn cao. Không thể có chuyện "chuyển giao" như ông phát biểu. Khác gì bảo với các bác sĩ phẫu thuật rằng nếu mấy ông làm việc không tốt thì hãy "chuyển giao" sự mổ xẻ đó cho mấy bác nông dân !

Hơn nữa, trong nội các mới của ông Trump không hề có bóng dáng một "nhân dân" nào mà chủ yếu là các nhà tài phiệt. Một giai cấp hoàn toàn khác biệt với đa số "nhân dân" Mỹ, nhóm người này sinh ra và lớn lên trong nhung lụa và (thường thì) chỉ biết mình, lo cho mình là chính. Ông Trump cũng có nhắc đến người nghèo nhưng để gần gũi họ và thấu hiểu họ thì chắc chắn là không.

- Ông Trump cũng nêu cao khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", thế nhưng nước Mỹ của Trump là nước Mỹ nào ? Nước Mỹ mà ông Trump muốn nói đến đó, có lẽ là nước Mỹ của người da trắng, nước Mỹ của sự giàu có và thành công ? Nước Mỹ này đã tồn tại trong những thập niên 1950-1960 của thế kỷ trước. Nước Mỹ bây giờ là nước Mỹ của nhiều sắc dân với nguồn gốc xuất thân khác nhau như Châu Mỹ Latinh, Châu Á, Châu Phi, Bắc Phi và của nhiều nền văn hóa khác nhau như Hồi giáo… Thái độ "thù địch" của ông đối với người láng giềng Mexico là thế nào ?

Ông Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại nhưng nước Mỹ đã bao giờ không vĩ đại đâu ? Nói thế hóa ra nước Mỹ xưa nay không vĩ đại ? Hơn nữa điều gì làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ ? Sự giàu có ? Vũ khí tối tân ? Đúng là như vậy nhưng tất cả những thứ đó có được là nhờ tinh thần dân chủ và tự do của nước Mỹ. Nước Mỹ được khai sinh bởi tinh thần tự do và dân chủ nên chỉ hai trăm năm sau họ đã trở thành cường quốc số một trên thế giới. Sự vĩ đại mà nước Mỹ có được đó là các giá trị nền tảng mà những người lập quốc đã xác quyết, theo đuổi và bàn giao lại cho các thế hệ tiếp theo : Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Bác ái, Tôn trọng con người… Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Trump đã không đả động gì đến nhân quyền.

- Ông Trump cũng lớn tiếng chỉ trích đồng minh và cho rằng Mỹ không có nghĩa vụ bảo kê cho bất cứ quốc gia nào ? Tất nhiên là ông đúng khi yêu cầu các nước đồng minh đóng góp thêm ngân sách cho quốc phòng, nhưng việc nước Mỹ gánh vác trách nhiệm "đầu tàu" không chỉ là bổn phận mà còn là quyền lợi của chính nước Mỹ. Nước Mỹ không làm từ thiện không công. Một thế giới hòa bình và yên ổn là điều kiện để kinh tế Mỹ phát triển và người dân Mỹ được sống trong hòa bình.

- Cuối cùng ông Trump nhắc đi nhắc lại là ông sẽ đem các nhà máy xí nghiệp, tức là công ăn việc làm về cho người Mỹ, điều này có thể thực hiện được không ? Thật sự cho dù Việt Nam xuất siêu vào Mỹ hơn 30 tỉ USD mỗi năm nhưng người Việt Nam  không "ăn cắp" công việc của người Mỹ (kể cả Trung Quốc). Người Việt Nam  đang làm những công việc nặng nhọc, hàm lượng trí tuệ thấp, lao động chân tay… Tóm lại là những công việc mà người Mỹ không hề muốn làm. Nếu có quốc gia nào đó "ăn cắp" công việc của người Mỹ thì đó là các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các nước này và rồi sau đó mới đến Trung Quốc và Việt Nam . Sự chuyển giao này cũng có lợi cho các công ty Mỹ theo dòng chảy của tiến trình Toàn cầu hóa.

Việc Mỹ bị thâm thủng mậu dịch lớn với Trung Quốc không phải vì Toàn cầu hóa và tự do thương mại mà vì ba lý do. Thứ nhất Trung Quốc luôn cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế để làm sao xuất khẩu được càng nhiều hàng hóa càng tốt, bằng cách làm yếu đồng Nhân dân tệ. Thứ hai kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 nên giao thương, xuất khẩu của các nước khó khăn hơn vì cạnh tranh gay gắt. Thứ ba và điều này mới thật sự quan trọng với Mỹ đó là nền kinh tế Mỹ đã tiến hóa và phát triển thêm một bậc thang mới mà chúng ta vẫn nghe nói đến đó là "Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4". Đây là cuộc cách mạng của khoa học, trí tuệ, phát minh và sáng kiến. Sự thực là nền kinh tế Mỹ đã hồi phục, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng sự chênh lệnh giàu nghèo lại gia tăng. Một số tầng lớp dân Mỹ bị nghèo đi và có cảm giác bị bỏ rơi.

Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng này cho Việt Nam  trong tương lai thì chúng tôi đã trình bày và phân tích trong Dự Án Chính Trị- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :

"...Trong một thế giới thay đổi dồn dập như hiện nay, quốc gia nào cũng phải chịu những xáo trộn không ngừng. Ngành này tiến lên trong khi ngành kia suy thoái, khu vực này bành trướng trong khi khu vực khác trì trệ. Những chênh lệch xã hội liên tiếp xuất hiện và các chính sách dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào cũng liên tục phải hòa giải với nhau vì các mối xung đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia... ".

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rằng "Hòa Giải Dân Tộc" sẽ là một "triết lý cầm quyền và điều hành quốc gia" của chúng tôi trong tương lai, nếu chúng tôi được người dân Việt Nam  lựa chọn.

Ông Trump có một điểm sáng và vì thế nhiều người Mỹ (trong đó có nhiều người gốc Việt) đã bỏ phiếu cho ông đó là chủ trương lập lại trật tự kinh tế toàn cầu mà nổi bật là giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta đều biết Mỹ luôn bị thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc (năm 2015 vào khoảng 365 tỉ USD). Mỹ cũng bị thâm thủng mậu dịch với các đồng minh chủ chốt như Nhật, Đức (mỗi nước khoảng 70 tỉ USD). Trung Quốc đã kiếm lợi lớn trong giao thương với Mỹ và cùng sự tăng trưởng kinh tế đó, Trung Quốc cũng muốn phân chia lại thế giới, tức là cạnh tranh ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ. Trong 8 năm cầm quyền của mình, Obama, người theo đuổi "chủ nghĩa thực tiễn", đã làm cho sự bất bình đẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên không ngừng. Chủ trương cô lập Trung Quốc bằng chính sách "bảo hộ mậu dịch" của ông Trump và nếu cần thì sẽ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc… đã đánh trúng lòng tự tôn và kiêu hãnh của người Mỹ.

Nước Mỹ là một đất nước vĩ đại, dân tộc Mỹ là dân tộc vĩ đại, ngay từ lúc mới sinh ra, người Mỹ đã biết đến một thể chế chính trị duy nhất đó là dân chủ. Chính tinh thần dân chủ và tự do sẽ giúp cho người Mỹ sửa chữa mọi sai lầm và tiến về phía trước.

Việt Hoàng

(30/01/2017)  

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm